Trang chủ    Ảnh chính    Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một thế giới công bằng - bình đẳng - dân chủ
Thứ tư, 16 Tháng 12 2015 16:37
1942 Lượt xem

Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một thế giới công bằng - bình đẳng - dân chủ

(LLCT) - Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một thiết chế quốc tế Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ với lối ứng xử quốc tế hòa bình cũng là nguyên tắc trong quan hệ quốc tế của Nhà nước Việt Nam. Đây là cống hiến to lớn và vĩnh hằng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các dân tộc, với hòa bình thế giới, với văn hoá nhân loại và pháp lý quốc tế.

(Tổng thống Rajendra Prasad và Thủ tướng J.Nehru đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ, năm 1958).

1. Chưa bao giờ nhân loại lại bàn nhiều tới vấn đề Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ nhiều như trong hơn một thập kỷ đầu của thế kỷ XXI - thập kỷ mà UNESCO gọi là Thập kỷ văn hoá hòa bình với ý nghĩa như một sự mong muốn và mục tiêu phấn đấu cho lối ứng xử quốc tế hòa bình giữa các quốc gia - dân tộc trên thế giới.

Căn nguyên của tình hình trên là từ đâu? Phải chăng nó bắt đầu từ thực tiễn của mối quan hệ quốc tế không công bằng, bất bình đẳng được sử dụng trong một thiết chế thế giới phi dân chủ, lấy chiến tranh để thay cho thương thảo hòa bình.

Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ đối với các nước kém phát triển vẫn còn mù mịt vì sự áp đặt phi văn hoá cái gọi là “giá trị” của các quốc gia phát triển tập hợp trong các nhóm lợi ích, với một sự áp đặt ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức. Lợi dụng thiết chế quốc tế thiếu sự công bằng, bình đẳng, một số nước lớn giàu có đã, đang và sẽ tiếp tục “phát minh” để “xuất khẩu” nhiều điều kiện không công bằng, bất bình đẳng trên mọi lĩnh vực mà các nước nghèo sẽ không thể đáp ứng. Sau hàng thế kỷ bị chính những quốc gia giàu có dùng chính sách thực dân bóc lột lao động hết sức tàn khốc, khai thác kiệt quệ tài nguyên và để lại kết quả “khai hóa” là những quốc gia kiệt quệ, nghèo đói, dốt nát, bệnh tật, thường xuyên bất ổn về xã hội kèm theo sự ô nhiễm toàn diện trên mọi lĩnh vực. Ngày nay, các quốc gia bị bóc lột toàn diện và khốn khổ ấy lại chỉ được quyền “nhập khẩu” các “tiêu chuẩn” và “giá trị” từ các nước bóc lột họ để đạt được các điều kiện “hội nhập” thế giới.

Kết quả là khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo ngày càng xa hơn và ngày càng không đáp ứng nổi các “tiêu chuẩn”, các “giá trị” của các nhóm quốc gia giàu có từ kinh tế, chính trị tới các “giá trị nhân văn” mà các nước này “hào phóng sáng tạo” ra. Cái gọi là chính sách mậu dịch tự do nhưng được bảo hộ bởi sự trợ giá ở các nước phát triển đã bóp chết các ngành sản xuất chủ yếu của các nước nghèo đang tìm cách vươn lên. Các nước đang phát triển chỉ được nhập khẩu ưu đãi những “tiêu chuẩn” và “giá trị” theo ý chí của các nước giàu mà ngay sau đó nó đã nhanh chóng thẩm thấu vào đất nước, làm phân rã sự đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định xã hội và dẫn đến khủng hoảng chính trị. Độc lập, chủ quyền bị đe doạ một khi các nước nghèo không chấp nhận những “giá trị” và “tiêu chuẩn” của các nước lớn giàu có. Sự tài tình trong việc sử dụng sức mạnh của truyền thông để nhào nặn các “sự kiện” ở các quốc gia chống đối được xem như vi phạm các chuẩn mực quốc tế về các vấn đề như dân chủ, quyền con người, tôn giáo, tín ngưỡng... đã tạo nên nguyên cớ cho các nước lớn tiến hành các biện pháp, kể cả chiến tranh, để áp đặt ý chí của họ.  

Thực tế lịch sử cho thấy, hành trình mâu thuẫn này sẽ dẫn tới tội ác có chủ định bằng chính sách và bằng việc lôi kéo hoặc buộc nhiều quốc gia khác phải tham gia vào hành động có tính chất diệt chủng là tiến hành cấm vận đối với một quốc gia - dân tộc một khi sự áp đặt bị từ chối và những hành động quân sự không thành.

Nhân loại cần coi mọi hình thức cấm vận đối với một quốc gia - dân tộc là một tội ác diệt chủng chống lại loài người, thậm chí còn hơn tội ác của một cuộc chiến tranh huỷ diệt. Bởi trên thực tế, tội ác cấm vận thực sự là một hình thức cầm tù và huỷ diệt dần dần cả một dân tộc.

Cũng còn một thế lực khác đang làm u mê các dân tộc khi họ bị đặt trong khái niệm của “thế giới phẳng”, một khái niệm mà trong đó đã xóa nhòa các mâu thuẫn xã hội, giai cấp, dân tộc, không còn bất kỳ một ranh giới nào của hệ tư tưởng trên thế giới. Theo quan niệm đó thì dường như chỉ còn tồn tại duy nhất hai khái niệm: kẻ khủng bố và người chống khủng bố. Và đi theo hai khái niệm này là khái niệm các nước lớn và các nước nhỏ trong quan hệ quốc tế. Thực tế đó đã đặt các nước nghèo vào thế phụ thuộc vào lợi ích của nhóm các nước lớn. Sự giản lược khái niệm như vậy trên thực tế đã đem lại cái mà người ta gọi là chính nghĩa cho những người nhân danh chống khủng bố, chống độc tài và không còn chính nghĩa cho những người chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền dân tộc nữa. Sự giản lược đó đang đưa tới nguy cơ làm phá vỡ cả luật pháp mà nhân loại đạt được vì lợi ích dân tộc ích kỷ của những nước lớn đang trỗi dậy với tham vọng chia lại phạm vi ảnh hưởng trên thế giới.     

Các nước nghèo không có khả năng đe dọa an ninh và lợi ích của các nước lớn. Cái đe dọa lớn nhất của họ đối với các nước lớn chính là những đòi hỏi về sự Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ phải được thực hiện trên thế giới này. Và chính điều đòi hỏi đó mà nhân loại, nhất là các dân tộc bị xâm lược, trong suốt thế kỷ XX, đã cố gắng phá bỏ sự nhục nhã của chế độ thực dân cũ và những biểu hiện của chủ nghĩa thực dân mới. Ngày nay, khi mà chủ nghĩa thực dân bị xoá bỏ, trên thực tế, một số nước lớn lại đang nhân danh Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ, với đe doạ cấm vận và chiến tranh, để mưu toan ngăn chặn sự đấu tranh của các nước nghèo.

Các cuộc chiến tranh do một số nước lớn gây ra, hoàn toàn là sự áp đặt ý muốn của kẻ mạnh đối với các quốc gia nhỏ yếu. Từ bản chất, nó đối lập với các giá trị về Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ. Làm sao có Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ được thực hiện trong mối quan hệ đe dọa, đàn áp, chiến tranh xâm lược và sự cấm vận đối với các quốc gia nhỏ yếu? 

Đó là, loài người văn minh cần ngăn chặn tội ác cấm vận và những mưu toan nhân danh các giá trị văn minh để gây chiến tranh huỷ diệt các dân tộc khác.

2. Năm 1945, trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sư­ớng và quyền tự do”(1). Người mong muốn “xây dựng khối hòa bình gồm nhiều dân tộc, coi nhau như bầu bạn, anh em, đoàn kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng sống với nhau trên những nguyên tắc hòa mục hữu nghị, cùng nhau ra sức giữ gìn hòa bình thế giới”(2).

Ng­ười nhấn mạnh tới tiêu chí “hòa bình - một nền hòa bình chân chính”. Và theo Người nền hòa bình chân chính ấy “phải đ­ược xây  trên công bình và lý tư­ởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nư­ớc không phân biệt chủng tộc màu da”(3).

Nh­ư vậy, cùng với việc khẳng định nguyên tắc pháp lý căn bản không thể bác bỏ về quyền cơ bản là “quyền sống, quyền sung sư­ớng và quyền tự do” của các dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên cơ sở, điều kiện nguyên tắc cho một trật tự quốc tế mới và quan điểm về lối ứng xử quốc tế “trên những nguyên tắc hòa mục hữu nghị” dựa trên sự “bình đẳng” dân tộc trong một “thiết chế công bình, dân chủ trên thế giới” nhằm dựng xây nền “hòa bình chân chính”, vững bền trên hành tinh của chúng ta.

Theo logíc trên đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: cuộc đấu tranh vì quyền dân tộc cơ bản, vì sự công bằng, bình đẳng thực sự giữa các dân tộc cũng là cuộc đấu tranh vì một trật tự thế giới mới với lối ứng xử hòa bình trên thế giới, vì “hòa bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thật sự”. Do vậy, Ng­ười cho rằng đấu tranh và ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, ủng hộ cuộc đấu tranh vì sự công bằng, bình đẳng, dân chủ trong quan hệ quốc tế là ủng hộ sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình thế giới, cho thiết lập một trật tự quốc tế hòa bình. Bởi vì, các cuộc đấu tranh này không những làm suy yếu nguồn gốc các loại chiến tranh và bất bình đẳng dân tộc, mà về lâu dài, nó còn góp phần xây dựng nền tảng cho hòa bình giữa các dân tộc và an ninh quốc tế.

Những luận điểm của Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng “công bình và lý tưởng dân chủ phải thay thế cho chiến tranh”, mọi dân tộc phải được bình đẳng trong tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế và hòa bình thế giới phải đư­ợc tất cả các dân tộc quyết định, không phụ thuộc vào ý chí của các nư­ớc lớn, giàu có. Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ bảo đảm cho mọi dân tộc tự quyết định lấy vận mệnh của mình dựa trên những giá trị văn hoá dân tộc và tôn trọng sự lựa chọn con đ­ường phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Mọi thái độ nhân danh cái gọi là giá trị của n­ước này áp đặt cho nước khác là sự vi phạm thô bạo tới quyền dân tộc cơ bản, sự bình đẳng, dân chủ giữa các dân tộc, nó chỉ kích động thù hận dân tộc, nuôi dư­ỡng mầm mống chiến tranh và là kẻ thù của Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ và hòa bình thế giới.

Những quan điểm trên của Hồ Chí Minh chỉ rõ hòa bình trên thế giới chỉ có thể được thực hiện khi nhân loại xây dựng được hoàn chỉnh một thiết chế quốc tế Công bằng - Bình đẳng -  Dân chủ trên cơ sở quyền dân tộc cơ bản được tôn trọng.

Một thiết chế quốc tế như vậy là cơ sở pháp lý cho một trật tự thế giới mới đem lại hòa bình cho nhân loại. Đó chính là nguyên tắc chung sống hòa bình - là nền tảng quyết định lối ứng xử giữa các quốc gia - dân tộc nhằm đắp xây nền văn hóa hòa bình nhân loại trong Thiên niên kỷ mới của chúng ta.

Một trật tự quốc tế mới với lối ứng xử hòa bình giữa các quốc gia - dân tộc trong quan hệ quốc tế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất với những nguyên tắc cơ bản trên đây càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi loài ngư­ời đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề có tính toàn cầu phải giải quyết, mà không một quốc gia nào có thể tự thực hiện được, nếu không có sự hợp tác quốc tế: nguy cơ bị phá vỡ luật pháp quốc tế với sự xuất hiện của các hành động theo kiểu luật rừng trong quan hệ quốc tế, vấn đề bảo vệ môi tr­ường sống, chống nghèo đói, bệnh tật, chống chiến tranh hạt nhân, chống khủng bố quốc tế, khủng bố nhà nước...

Ngày nay, tr­ước sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học công nghệ, trái đất trở nên quá nhỏ bé và rất mong manh, khái niệm chiến tranh cũng đã vư­ợt ra ngoài nội dung quân sự thuần tuý. Với sự vận động của tình hình trên thế giới trong những năm gần đây, thì những cơ sở, điều kiện có tính nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra để xây đắp một trật tự thế giới với lối ứng xử quốc tế văn minh và thiết lập hòa bình vững bền cho nhân loại càng có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với môi trư­ờng sống của loài người và sự phát triển của tất cả các dân tộc.

3. Rõ ràng, một trật tự thế giới mới Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ với lối ứng xử hòa bình dựa trên cơ sở tôn trọng quyền dân tộc cơ bản được vận hành trong một thiết chế công bằng -bình đẳng - dân chủ là vấn đề trên hết và trư­ớc hết để nhờ đó các dân tộc có thể cùng nhau tập trung trí lực, vật lực để giải quyết thành công các vấn đề của mình cũng như các vấn đề chung của thế giới vì sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Hy vọng cùng tồn tại hòa bình với một thiết chế Công bằng - Bình đẳng - Dân chủ mãi chỉ là khát vọng của các dân tộc, nếu nhân dân toàn thế giới không đoàn kết, ngăn chặn các thế lực hiếu chiến, cực đoan mưu toan gây ra chiến tranh bằng những hành động thực tế mạnh mẽ.

Vì vậy, những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một thiết chế quốc tế Công bằng-Bình đẳng- Dân chủ với lối ứng xử quốc tế hòa bình cũng là nguyên tắc trong quan hệ quốc tế của Nhà nước Việt Nam. Đây là cống hiến to lớn và vĩnh hằng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các dân tộc, với hòa bình thế giới, với văn hoá nhân loại và pháp lý quốc tế.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2015

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.536.

(2) Sđd, t.7, tr.376.

(3) Sđd, t.4,  tr.66-67.

 

PGS, TS Phạm Hồng Chương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Thủ đô Astana (Cadắcxtan )

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền