Trang chủ    Ảnh chính    Khoan dung Hồ Chí Minh - Sự kết tinh giá trị văn hóa dân tộc và thời đại
Thứ năm, 25 Tháng 2 2016 17:07
5125 Lượt xem

Khoan dung Hồ Chí Minh - Sự kết tinh giá trị văn hóa dân tộc và thời đại

(LLCT) - Tinh thần khoan dung Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống khoan dung, nhân nghĩa, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, từ sự tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa trên thế giới. Tinh thần này biểu hiện rõ nét thông qua ứng xử của Người đối với các tôn giáo, với các tầng lớp nhân dân ta, kể cả những người lầm đường lạc lối, những người đối lập, hay đứng trong hàng ngũ kẻ thù xâm lược.

Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình, có truyền thống khoan dung, nhân nghĩa, hòa hiếu. Từ buổi đầu lập quốc, dân tộc Việt Nam  đã phải liên tục đứng lên chống lại sự xâm lược tàn bạo của những kẻ thù lớn mạnh hơn mình gấp bội. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam không chỉ ở tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng mà còn ở tinh thần tha thiết với hòa bình, ở tinh thần khoan dung, nhân ái với đồng loại.

Nằm ở cửa ngõ của sự giao lưu văn hóa từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, dân tộc Việt Nam  từ khi lập quốc đã mở rộng cửa đón nhận ảnh hưởng của các nền văn hóa trong khu vực: văn hóa Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Hoa, sau này là văn hóa phương Tây. Các học thuyết và tôn giáo như Nho, Phật, Lão, Thiên Chúa giáo vào Việt Nam đều khúc xạ qua chủ nghĩa yêu nước truyền thống để đạt tới sự kết hợp tôn giáo với Tổ quốc, yêu nước với kính Chúa, tốt đời và đẹp đạo. Những yếu tố tích cực của các học thuyết và tôn giáo nói trên đều được nhân dân ta khai thác, sử dụng, bổ sung cho nhau để góp phần hoàn thiện con người. Nho cần cho tu thân, trị quốc; Phật an ủi đời sống tâm linh con người. Lão kêu gọi con người sống hài hòa với tự nhiên. Đạo Kitô đề cao lòng bác ái... Nhờ đó, con người Việt Nam đạt tới sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, cá nhân với cộng đồng, gia đình với Tổ quốc, đạo với đời,... Đó cũng là cơ sở để hình thành nên tinh thần khoan dung Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái”(1) và chính Người là tiêu biểu, là tinh hoa của tinh thần khoan dung, nhân ái đó.

Khoan dung Hồ Chí Minh biểu hiện ở lòng yêu thương sâu sắc đối với con người, ở cái nhìn rộng lượng đối với những giá trị khác biệt, ở sự tôn trọng niềm tin của người khác, không áp đặt ý kiến của mình lên người khác, rất xa lạ với mọi thái độ kỳ thị, cuồng tín, giáo điều.

Khoan dung Hồ Chí Minh biểu hiện ở niềm tin của Người vào phần tốt đẹp, phần thiện trong mỗi con người, dù nhất thời họ có lầm lạc, nhỏ nhen, thấp kém... Người đã truyền cho chúng ta một cách nhìn lạc quan về con người: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(2). Người tin rằng, với sức cảm hóa của giáo dục, những con người nhất thời lầm lạc vẫn có thể cải tạo, vươn lên, trở thành có ích cho xã hội, như Người quan niệm: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”(3).

Khoan dung Hồ Chí Minh được xây dựng trên nguyên tắc công lý, chính nghĩa, tự do, bình đẳng, không chấp nhận thỏa hiệp vô nguyên tắc với tội ác và bất công xã hội, với tất cả những gì chà đạp lên “quyền sống, quyền tự do và quyền hạnh phúc” của mỗi con người và mỗi dân tộc. Khi chủ nghĩa thực dân đã dùng bạo lực của kẻ mạnh đi xâm lược, đàn áp kẻ yếu thì không có cách nào khác là phải dùng bạo lực cách mạng để giành và giữ lấy chủ quyền, độc lập dân tộc.

Trong cuộc xung đột Việt - Pháp, giữa hai giải pháp hòa bình và bạo lực, Hồ Chí Minh luôn chọn giải pháp hòa bình. Người đã chấp nhận thỏa hiệp, nhân nhượng: ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 rồi Tạm ước 14-9-1946. Không quản bất trắc, hiểm nguy, Người sang tận Thủ đô nước Pháp để tìm kiếm hòa bình. Rất tiếc, thiện chí đó đã không được đáp lại. Đến khi đối phương buộc chúng ta phải cầm súng đứng lên tự vệ, Người luôn luôn giáo dục nhân dân Việt Nam biết phân biệt bọn thực dân xâm lược Pháp với nhân dân Pháp; giữa bọn thực dân phản động Pháp vớinhững người còn có lương tri trong hàng ngũ của họ, nhằm chĩa mũi nhọn vào bọn đầu sỏ hiếu chiến nhất. Người đã làm hết sức mình để tránh không gây ra mối hận thù đối với dân tộc Pháp - một dân tộc mà Người luôn yêu mến và kính trọng.

Khi buộc phải chiến đấu, Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần nhân nghĩa. Người đã tìm mọi cách để hạn chế đến mức thấp nhất những thương vong trên chiến trường, cho quân ta và cho cả quân địch. Người nói một cách xúc động: “Trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”(4). Để chiến thắng địch, ta phải từng bước tiêu diệt, làm hao mòn sinh lực địch, nhưng mục tiêu của ta là đánh bại, đánh sập ý chí xâm lược của địch, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, chứ không coi việc đánh tiêu diệt hoàn toàn quân địch trên chiến trường là biện pháp duy nhất để kết thúc chiến tranh. Theo tư tưởng binh pháp của cha ông, Người chủ trương “đánh vào lòng là hơn hết; đánh vào thành trì là thứ hai”(5). Vì vậy, Người rất coi trọng binh vận, địch vận, cho rằng “khéo ngụy vận, đó cũng là một cách tiêu diệt sinh lực địch”.

Mặt khác, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ ta cần nêu cao lý tưởng chính nghĩa, nhân đạo, hòa bình, đối xử khoan hồng với tù binh và kiều dân Pháp để “cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”(6). Đến thăm trại tù binh bị bắt trong chiến dịch Biên Giới (1950), thấy một đại úy quân y Pháp ở trần, đang run lên vì lạnh, Người đã cởi chiếc áo ngoài đang mặc, trao cho anh ta.

Đối với các tôn giáo, Hồ Chí Minh thành thật tôn trọng đức tin của người có đạo; coi tôn giáo là di sản văn hóa của nhân loại, thừa nhận trong lý tưởng của các vị sáng lập tôn giáo chứa đựng những giá trị đạo đức, nhân văn cao đẹp, có nhiều điều tương đồng với lý tưởng của cách mạng. Người khéo hướng lý tưởng của các tôn giáo vào mục tiêu giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Người phấn đấu hết mình cho đoàn kết lương - giáo trong đại đoàn kết dân tộc. Người nói: “Nước Phật ngày xưa có những bốn đảng phái làm ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có một đảng phái là toàn dân quyết tâm giành độc lập. Tín đồ Phật giáo tin ở Phật, tín đồ Giatô tin ở Đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở Đạo Khổng...Nhưng đối với nhân dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”(7).

Nói về khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh, Jean Sainteny - người từng “đối diện” với Hồ Chí Minh trong nhiều năm, đã khẳng định: “Chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi chương trình của Cụ Hồ một dấu vết nào, dù rất nhỏ, của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu bất kỳ một tôn giáo nào”(8).

Đối với nhân dân ta, Hồ Chí Minh khuyên phải đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài...Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta... Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”(9). Đối với những người có nợ máu với cách mạng, vì lợi ích đoàn kết quốc gia, Người đã tỏ rõ một tinh thần khoan dung, đại lượng, nhắc nhở chúng ta phải vượt qua những thiên kiến hẹp hòi, không nên đào bới những chuyện cũ ra để làm án mới: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng của nó hẹp nhỏ”(10). “Chỉ sợ lòng mình không rộng chứ không sợ người ta không theo mình”. Tấm lòng khoan dung, đại lượng đó đã làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, đã cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức có danh vọng của chế độ cũ, một lòng, một dạ đi với cách mạng, như Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Luật sư Bộ trưởng Phan Anh, Đốc lý Hà Nội Trần Văn Lai,...

Không chỉ với những người lầm lạc mà cả ngay với những người đối lập, Hồ Chí Minh cũng thể hiện một tấm lòng khoan dung, độ lượng hiếm có, khi họ đã ăn năn, hối cải hoặc khi đã lâm vào cảnh thất thế, bần cùng (ví như bằng quyết định cá nhân, Người đã ra lệnh trả tự do cho Ngô Đình Diệm đầu năm 1946, khi ấy bị quân dân miền Trung bắt, đưa ra Hà Nội; cũng như về sau này không loại trừ khả năng sẵn sàng đối thoại với Diệm về một giải pháp cho hòa bình, thống nhất đất nước).

Tinh thần nhân ái, khoan dung của Hồ Chí Minh không phải là một sách lược tạm thời mà là sự kế tục và phát triển truyền thống nhân ái, khoan dung của dân tộc ta qua hàng nghìn năm lịch sử. Đối với Hồ Chí Minh, khoan dung chính là biểu hiện sức mạnh của cách mạng, bởi chỉ có những cuộc cách mạng chân chính, được lòng dân mới có sức thuyết phục, cảm hóa đối với trái tim và khối óc của quần chúng, bao gồm cả những người chống đối và lầm lạc.

Hiện nay, nhân loại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, gay gắt, có tính toàn cầu. Biến đổi khí hậu những năm qua đã gây ra bao thảm họa khủng khiếp cho con người: động đất, sóng thần ở Nhật Bản, siêu bão Hayan ở Đông Nam Á, đại dịch Ebola tại châu Phi,...Sự xuất hiện của “nhà nước Hồi giáo tự xưng IS” đang đe dọa an ninh toàn thế giới và xâm phạm nghiêm trọng các quyền con người. Chúng tra tấn, thảm sát hàng loạt người vô tội một cách tàn bạo như thời trung cổ, cưỡng ép phụ nữ làm nô lệ tình dục, cưỡng bức trẻ em cầm súng,...

Chúng tiến công vào trụ sở Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ngày 7-1-2015 (cướp đi sinh mạng của 12 nhà báo người Pháp cùng 5 sắc dân Do Thái ở vùng Paris và 3 tên khủng bố đã bị tiêu diệt); đến ngày 14-2-2015 lại xảy ra tiếp 2 vụ xả súng ở thủ đô Copenhaghen, làm 2 người chết và 9 người bị thương. Đó là những tín hiệu cho thấy hiểm họa khủng bố đã lan sang châu Âu, mà thủ đô nước Pháp và Đan Mạch mới chỉ là những điểm khởi đầu. Điều gì làm cho tư tưởng cực đoan, tàn bạo, quá khích này đang ngày càng gia tăng?

Vấn nạn này của loài người chắc chắn sẽ không thể giải quyết xong xuôi trong vài ba thập kỷ, bởi nó có những nguyên nhân sâu xa từ trong lịch sử, cả “nội sinh” lẫn “ngoại sinh”, từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến hệ giá trị tư tưởng, tôn giáo,... Cuộc sống du mục từ xa xưa trên sa mạc khắc nghiệt đã khiến cho các sắc dân ở đây, do nhu cầu sống còn, buộc phải đấu tranh khốc liệt với nhau để giành và giữ các nguồn sống của họ (ốc đảo, thảo nguyên, nguồn nước,...) nên họ vốn có xu hướng hành xử cực đoan, bất khoan dung đối với nhau.

Chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm chiếm Trung Đông, khi phân chia ranh giới thuộc địa, đã độc đoán vạch ra những đường biên quốc gia, không hề quan tâm đến các yếu tố dân tộc, sắc tộc, hay tôn giáo. Thực hiện chính sách chia để trị, họ dùng sắc dân này, giáo phái này thống trị, đàn áp sắc dân, giáo phái kia; như ở Iraq trước đây: người Anh dùng người Sunni (đa số) để đàn áp người Shiite (thiểu số); sau này, khi người Mỹ nhảy vào lật đổ S.Hussein, lại đưa người Shiite lên cầm quyền, đàn áp lại người Sunni, khiến cho đông đảo người Sunni mất địa vị, thất nghiệp, bất mãn, trở thành mảnh  đất màu mỡ cho Al-Qaeda và lực lượng IS tuyển dụng phiến quân chống lại người Mỹ và phương Tây. Như vậy, sự gia tăng tư tưởng cực đoan, hận thù trong một bộ phận người Hồi giáo hiện nay, ngoài nguyên nhân kỳ thị sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, còn có một phần nguyên nhân từ sự can thiệp quân sự của nước ngoài.

Giải quyết một vấn nạn có căn nguyên lịch sử - xã hội sâu xa, phức tạp như vậy chỉ bằng giải pháp quân sự đơn thuần, chắc chắn là không bao giờ có thể thành công. Thất bại của chính quyền G.Bush trong việc đem quân vào Afganistan và Iraq trước đây, hay của chính quyền Obama dùng lực lượng không kích để tìm diệt lực lượng IS như hiện nay, đã chứng tỏ điều đó. Sự trỗi dậy của Al-Qaeda và IS là hậu quả của sự mất cân bằng trong quan hệ giữa thế giới Hồi giáo với Mỹ và phương Tây, đồng thời cũng là hệ quả của việc thiếu các giải pháp hòa bình trong việc cải thiện sự mất cân bằng này. Muốn có hòa bình, thế giới phải tạo dựng được một nền văn hóa hòa bình, muốn thanh toán hận thù và những thiên kiến cực đoan, cần phải chung tay xây dựng một nền văn hóa nhân ái, khoan dung.

Nhân ái, khoan dung, hòa bình là khát vọng chung của nhân loại, nhưng trong thực tế lịch sử mấy nghìn năm tồn tại, loài người chưa bao giờ thực sự có hòa bình, lòng nhân ái và tinh thần khoan dung vẫn chưa ngự trị trong toàn xã hội. Thế kỷ XX là thế kỷ của các cuộc chiến tranh khốc liệt: 2 cuộc đại chiến thế giới, hàng trăm cuộc chiến tranh khu vực có quy mô ác liệt, trong đó có cuộc chiến tranh tàn bạo của Mỹ ở Việt Nam.

Sau sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới, chiến tranh lạnh đã chấm dứt, nhưng chiến tranh nóng lại bùng lên với những quy mô khác nhau vì những nguyên nhân: tham vọng lãnh thổ, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo,...

Vì vậy, ngay từ cuối thiên niên kỷ thứ hai, loài người đã tìm thấy trong ngôn ngữ của mình một ý tưởng chung, đang trở thành giải pháp chung, đó là tinh thần khoan dung (tolérance). Trong bối cảnh ấy, Liên Hợp quốc đã đề xuất Năm quốc tế về khoan dung (1995) rồi tiếp theo là Năm quốc tế về văn hóa hòa bình (2000), với ý tưởng: người ta không thể giải quyết những vấn đề của thế giới bằng vũ khí, đối đầu, mà phải bằng văn hóa, khoa học, giáo dục, thông tin, đối thoại, nhân ái, khoan dung,... Trong“Tuyên ngôn những nguyên lý về khoan dung” được thông qua và công bố ngày 16-11-1995, Liên Hợp quốc đã định nghĩa: “Khoan dung là tôn trọng, thừa nhận và đánh giá tính phong phú và đa dạng của các nền văn hóa trong thế giới chúng ta. Khoan dung là hài hòa trong khác biệt. Nó không chỉ là một nghĩa vụ thuộc lĩnh vực đạo đức mà còn là một sự cần thiết về chính trị và pháp lý”.

Hiện nay, trên thế giới vẫn đang diễn ra những cuộc chiến tranh xung đột đẫm máu về dân tộc, sắc tộc, tôn giáo... Do thiếu một tinh thần khoan dung, họ tự coi mình là độc tôn, đi tới kỳ thị, dị hóa với tất cả cái gì không phải là mình! Chính trong một thế giới còn đang tồn tại quá nhiều sự cuồng tín và tàn bạo, nhân loại đang rất cần đến tinh thần khoan dung. Bồi dưỡng, phát triển và nâng cao tinh thần khoan dung đang là một yêu cầu cấp bách, trong đó tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh đang được nhắc đến như một giá trị tiêu biểu cho văn hóa khoan dung của thời đại hiện nay.

Bồi dưỡng và phát triển tinh thần khoan dung cũng đang là một giải pháp cơ bản để củng cố khối đại đoàn kết và thực hiện hoà hợp dân tộc. Một trong những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là đã đem lại sự đa dạng, phong phú về định hướng giá trị cho mỗi cá nhân. Cuộc sống có nhiều giá trị: giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, giá trị kinh tế, giá trị sáng tạo nghệ thuật,... có những quan niệm đa dạng, phong phú về hạnh phúc, về cái đẹp, về tập quán, tín ngưỡng, lối sống... Mọi người đều có thể theo đuổi những giá trị khác nhau đó, miễn là không hại đến mục tiêu chung là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Biết tôn trọng sự đa dạng của văn hóa - tinh thần là một nhân tố quan trọng để thực hiện đoàn kết - hòa hợp dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Ngày nay, khi mở cửa, hội nhập đang diễn ra trên quy mô toàn thế giới, các nền văn hóa đang có sự giao thoa ngày càng rộng rãi. Trong tình hình đó, con người càng cần đến khoan dung. Khoan dung đang trở thành một phẩm chất không thể thiếu của con người văn minh để cùng chung sống trong một thế giới cộng sinh, “cộng sinh giữa cái riêng với cái chung, cái đơn nhất với cái đa dạng, cái nội sinh với cái ngoại lai, trên cơ sở triết lý nhân văn rất sâu sắc ở mọi nền văn hóa lớn nhỏ trên trái đất này”(11).

Từ ý nghĩa của khoan dung và tầm quan trọng cấp bách của việc phổ cập và nâng cao tinh thần khoan dung nhằm tạo ra sự đồng thuận trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, chúng ta càng thấy rõ giá trị có tầm thời đại của tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh. Cũng vì vậy, ta càng thêm cảm phục tài năng dự báo của nhà thơ Xô viết nổi tiếng Ôxip Manđelshtam khi ông sớm tiên cảm: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”(12).

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2015

(1), (4), (5), (6), (7), (9)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.160, 457, 187, 28, 148, 246.

(2) Sđd, t.12, tr.558.

(3) Nhật ký trong tù, bài “Nửa đêm”.

(8) J. Sainteny:“Đối diện với Hồ Chí Minh”, Nxb Seghers, Paris, 1970, tr.155-156 (tiếng Pháp).

(10) Sđd, t.5, tr.644.

(11) Ý của nhà triết học Mêhicô Léopoldo Zea, dẫn theo “Người đưa tin UNESCO”, số 11-1990, tr.9.

(12) Báo Ogoniok (Liên Xô), số 39, ra ngày 23-12-1923. Dẫn lại theo Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.1, Sđd, tr.478.

 

GS Song Thành

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền