Trang chủ    Ảnh chính    V.I.Lênin - tấm gương mẫu mực của tinh thần đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa xét lại
Thứ tư, 13 Tháng 4 2016 10:02
3167 Lượt xem

V.I.Lênin - tấm gương mẫu mực của tinh thần đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa xét lại

(LLCT) - Khái niệm “Chủ nghĩa xét lại” xuất hiện trong “cuộc tranh luận xét lại” (1896) giữa các lý luận gia của Đảng Công nhân Dân chủ xã hội Đức, để chỉ xu hướng rời bỏ, thoát ly khỏilý luận gốc mang tính kinh điển của chủ nghĩa Mác. Theo đó, những người theo Chủ nghĩa xét lại cho rằng, CNTB không thể bị xóa bỏ bởi một cuộc cách mạng XHCN, mà chỉ có thể vượt qua CNTB dần dần thông qua các cuộc cải cách.Đại biểu nổi tiếng cho khuynh hướng này là E. Bécxtanh (1850-1932), người đã tham gia tích cực vào việc soạn thảo Cương lĩnh Erfurt(1891) của Đảng Dân chủ xã hội Đức.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, CNTB bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với nhau trở nên gay gắt và do sự thúc đẩy bởi mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, giai cấp tư sản tìm mọi cách để bóc lột giai cấp công nhân, hạn chế tối đa các quyền dân sinh, dân chủ mà giai cấp công nhân đã giành được. Ở nhiều nước tư bản, chính phủ đã sử dụng cả quân đội để đàn áp các cuộc bãi công của công nhân. Tuy nhiên, do yêu cầu ổn định và phát triển sản xuất, giai cấp tư sản ở nhiều nước đã áp dụng chính sách nhượng bộ trong giới hạn cho phép đối với giai cấp công nhân. Từ thực tiễn chính trị, Lênin đã đưa ra nhận định: “Sự thật, giai cấp tư sản trong tất cả các nước tất nhiên phải vạch ra hai hệ thống cai trị, hai phương pháp đấu tranh cho lợi ích của nó và để bảo vệ sự thống trị của nó - hơn nữa, hai phương pháp đó khi thì thay thế cho nhau, khi thì kết hợp với nhau dưới nhiều hình thức khác nhau. Phương pháp thứ nhất là phương pháp bạo lực: phương pháp từ chối mọi sự nhượng bộ đối với phong trào công nhân, phương pháp ủng hộ tất cả những thể chế cũ và lỗi thời, phương pháp triệt để phủ nhận mọi cuộc cải cách... Phương pháp thứ hai là phương pháp của “chủ nghĩa tự do”, tức là dùng những biện pháp theo hướng mở rộng các quyền chính trị, theo hướng thi hành những cuộc cải cách, những nhượng bộ, v.v..”(1). Bối cảnh như vậy đã nuôi dưỡng cả hai khuynh hướng trong phong trào công nhân ở châu Âu: khuynh hướng cách mạng và khuynh hướng cải lương, thỏa hiệp.

Đại diện cho khuynh hướng thứ hai, Bécxtanh cho rằng, thực tiễn lúc đó đã vượt qua lý luận đấu tranh giai cấp và xóa bỏ CNTB của Mác. Bécxtanh cho rằng, CNTB ngày càng tỏ ra có khả năng thích nghi và luôn vượt qua được các cuộc khủng hoảng tới mức trong khuôn khổ của phương thức sản xuất này thì Đảng Dân chủ xã hội có thể đạt được những cải thiện cho công nhân chỉ bằng các cuộc cải cách xã hội mà thôi và các cuộc cải cách này sẽ dần dần tạo ra một sự cân bằng về mức sống cơ bản cho công nhân.

Ngoài ra, Bécxtanh còn phê phán lý luận của Mác trên những điểm sau: (1) Cho rằng lối cấu trúc tư biện của Hêghen ảnh hưởng tới quan điểm của Mác và chính là nguyên nhân của nhiều sai lầm về dự báo, thậm chí cả về chiến lược. Bécxtanh nhìn nhận rằng, Mác và Ăngghen đã sai lầm khi kết hợp CNXH với cách mạng vì đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau về nguồn gốc và bản chất; (2) Bécxtanh khẳng định rằng, sự phát triển kinh tế của xã hội tư bản hiện đại mâu thuẫn với một số luận điểm của Mác, nhất là về sự phân cực các giai cấp xã hội và về những hậu quả của tích tụ tư bản. Theo Bécxtanh, trên thực tế tuy giai cấp vô sản có đông lên, nhưng quỹ tiền lương trả cho lao động cũng tăng và đồng thời những tầng lớp trung lưu mới cũng xuất hiện. Tư bản càng tích tụ thì số cổ đông càng tăng lên, tức là số người có của cũng tăng lên; (3) Cuối cùng, Bécxtanh đề nghị một chiến lược cải lương, dựa vào quyền phổ thông đầu phiếu và các quyền dân chủ khác, nhằm chuyển dần sang CNXH.

Lênin - người đi tiên phong, thể hiện tinh thần đấu tranh triệt để, không khoan nhượng với chủ nghĩa xét lại quốc tế dưới các biến thể khác nhau của nó. Lênin không chỉ vạch trần bản chất của chủ nghĩa xét lại, mà còn chỉ ra một cách đầy thuyết phục nguồn gốc kinh tế, xã hội, nhận thức của nó; đồng thời, Người nhận diện rõ được tính chất quốc tế và các biểu hiện của chủ nghĩa xét lại trong từng điều kiện lịch sử cụ thể và ở từng nước khác nhau; chỉ rõ tính chất nguy hiểm của chủ nghĩa xét lại đối với phong trào công nhân trên toàn thế giới.

Theo Lênin, trước sự phát triển việc truyền bá và củng cố những tư tưởng của chủ nghĩa Mác trong giai cấp công nhân, nhất định sẽ làm cho những học thuyết thù địch với chủ nghĩa Mác tăng cường đả kích. Chủ nghĩa Mác bị tấn công từ hai phía: một phía trực diện của “khoa học” tư sản chính thức, một phía từ những phần tử xét lại trong phong trào công nhân. Nguy cơ của chủ nghĩa xét lại là ở chỗ nó mưu toan phá hoại chủ nghĩa Mác từ bên trong, mượn cớ sửa đổi và xem xét lại học thuyết của C.Mác. Lênin bóc trần bản chất của những quan điểm xét lại và chỉ ra rằng, những “tìm tòi” của bọn xét lại về mặt lý luận là sự lặp lại những giáo điều cũ rích, lỗi thời của hệ tư tưởng tư sản và về thực chất, chủ nghĩa xét lại là một biến dạng của những quan điểm tư sản - tự do chủ nghĩa.

Lênin nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa xét lại không chỉ tấn công vào một số luận điểm riêng biệt của chủ nghĩa Mác, mà còn muốn xét lại tất cả các mặt của chủ nghĩa Mác như: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Trong lĩnh vực triết học, những người theo chủ nghĩa xét lại đã phủ nhận chủ nghĩa duy vật biện chứng, “bằng cách lấy sự “tiến hóa giản đơn” (và tĩnh) thay thế cho phép biện chứng “tinh vi” (và cách mạng)”(2). Lênin cương quyết đấu tranh chống lại những luận điệu ấy, thể hiện ở tác phẩm nổi tiếng Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán(1909). Tác phẩm này có ý nghĩa quốc tế to lớn, bác bỏ những quan điểm sai trái của các thủ lĩnh cơ hội chủ nghĩa của Quốc tế II cho rằng triết học dường như không liên quan gì đến chính trị; những quan điểm triết học của từng đảng viên là việc riêng của đảng viên ấy và người ta có thể là một người mácxít mà không phải là nhà duy vật biện chứng trong triết học. Qua phân tích những luận điểm của những người vẫn tự nhận mình là “những nhà mácxít” tại Nga như: Badarốp, Lunatsácxki, Bécman, Ghenphônđơ, Iuskêvích, Xuvôrốp, Valentinốp, Người khẳng định: “Trên thực tế, như thế là hoàn toàn rời bỏ chủ nghĩa duy vật biện chứng, tức chủ nghĩa Mác. Trên lời nói, như thế là dùng những mánh lới quanh co vô tận, những mưu toan hòng lẩn tránh thực chất của vấn đề, hòng che giấu sự trốn tránh của mình, hòng đem một nhà duy vật nào đó thay cho chủ nghĩa duy vật nói chung, là kiên quyết không chịu phân tích trực tiếp về vô số luận điểm duy vật của chủ nghĩa Mác và Ăngghen. Đó là “một cuộc khởi nghĩa quỳ gối” thật sự, như một nhà mácxít đã nói rất đúng. Đó là điển hình của chủ nghĩa xét lại về triết học, vì chỉ có những kẻ xét lại mới chuốc lấy cái tiếng tăm đáng buồn vì đã xa rời quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác, và vì đã sợ hãi hoặc bất lực không dám “thanh toán” một cách công khai, dứt khoát, cương quyết và minh bạch với những tư tưởng mà họ đã từ bỏ”(3).

Trong lĩnh vực kinh tế chính trị học, người ta cho rằng, ngày nay những cuộc khủng hoảng ít xảy ra và ít gay gắt hơn trước và dường như những cácten và tờrớt giúp cho tư bản có thể thủ tiêu hoàn toàn những cuộc khủng hoảng. Đáp lại những luận điệu trên, Lênin đã đưa ra nhận định mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự: “Thực tế đã chỉ ra rất sớm cho bọn xét lại thấy rằng thời kỳ khủng hoảng chưa hết: khủng hoảng đã kế tiếp sự phồn vinh. Hình thức, sự kế tục, bộ mặt của một số cuộc khủng hoảng đã thay đổi, nhưng khủng hoảng vẫn là bộ phận cấu thành không thể tránh khỏi của chế độ tư bản chủ nghĩa”(4). Chỉ rõ thái độ của phái xét lại đối với mục đích cuối cùng của phong trào XHCN, Lênin khẳng định: “Xác định thái độ của mình tùy theo hoàn cảnh, thích ứng với những sự biến trước mắt, với những biến đổi của những sự kiện chính trị nhỏ nhặt, quên mất lợi ích sống còn của giai cấp vô sản và những nét căn bản của toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa, của toàn bộ sự tiến triển tư bản chủ nghĩa, hy sinh những lợi ích sống còn ấy vì những lợi ích thực tế hay những lợi ích giả định tạm thời, - đó là chính sách của bọn xét lại”(5).

Lênin sớm nhận thấy bản chất và sự nguy hại của chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa vô chính phủ đối với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Trong bài viết “Những ý kiến bất đồng trong phong trào công nhân châu Âu” (1910), Người chỉ rõ những ý kiến bất đồng cơ bản về sách lược trong phong trào công nhân khi đó tại châu Âu và châu Mỹ thực chất là “cuộc đấu tranh chống hai khuynh hướng lớn thoát ly chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa này trên thực tế đã trở thành lý luận chiếm địa vị thống trị trong phong trào đó. Hai khuynh hướng ấy là chủ nghĩa xét lại (chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cải lương) và chủ nghĩa vô chính phủ (chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ, chủ nghĩa xã hội vô chính phủ)”(6). Hai loại chủ nghĩa xa rời chủ nghĩa Mác đó biểu hiện dưới những hình thức khác nhau ở tất cả các nước tư bản. Lênin giải thích rằng, cần phải tìm những nguyên nhân cơ bản của sự xa rời chủ nghĩa Mác ở chế độ kinh tế và ở tính chất phát triển của tất cả các nước tư bản. Một trong những nguyên nhân làm nảy sinh những ý kiến bất đồng trong phong trào công nhân là việc thu hút vào phong trào đó những tầng lớp nhân dân lao động mới thường chỉ nắm được những mặt riêng biệt của chủ nghĩa Mác và chịu ảnh hưởng của thế giới quan tư sản và tiểu tư sản. Lênin vạch trần một cách đanh thép những thủ đoạn của hai khuynh hướng phản động ấy: “Bọn xét lại cho rằng tất cả những lập luận về “những bước nhảy vọt” và về sự đối lập có tính chất nguyên tắc giữa phong trào công nhân và toàn bộ xã hội cũ, đều là những câu nói suông cả. Bọn ấy coi những cuộc cải lương là việc thực hiện từng phần chủ nghĩa xã hội. Bọn công đoàn - vô chính phủ từ chối “công tác vụn vặt”, đặc biệt là từ chối việc lợi dụng diễn đàn nghị viện. Thật ra, sách lược này quy lại là ngồi chờ “những ngày vĩ đại” mà không biết tập hợp các lực lượng đang tạo ra những sự biến lớn lao. Cả hai bọn nói trên đều kìm hãm cái công việc quan trọng nhất, cấp thiết nhất là: tập hợp công nhân lại thành những tổ chức rộng lớn, mạnh mẽ, hoạt động tốt và biết hoạt động tốt trong tất cả mọihoàn cảnh, tức là những tổ chức đầy tinh thần đấu tranh giai cấp, có nhận thức rõ ràng về mục đích của mình và được giáo dục theo thế giới quan thực sự mácxít”(7).

Vạch trần những mưu toan xét lại các cơ sở lý luận mácxít, Lênin đồng thời cũng nêu rõ tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều, sự cần thiết phải có quan điểm sáng tạo đối với chủ nghĩa Mác. Những chỉ dẫn của Lênin vẫn còn nguyên giá trị thời sự nóng hổi trong điều kiện mới hiện nay, khi mà cuộc đấu tranh trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận vẫn diễn ra gay gắt, tinh vi, nhằm bác bỏ, “đòi xét lại” những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác và gieo rắc hồ nghi, gây nên dao động trong tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Chính vì vậy, trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay, nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với những người làm công tác lý luận là cần nhận diện rõ bản chất của chủ nghĩa xét lại và đấu tranh không khoan nhượng chống lại các biểu hiện của chủ nghĩa xét lại hiện đại. Trong cuộc đấu tranh khốc liệt không tiếng súng này, chúng ta cần học tập và noi theo tấm gương của Lênin, Người đã thể hiện tinh thần đấu tranh mẫu mực, quyết liệt chống lại luận điệu “đòi xét lại” chủ nghĩa Mác lúc đương thời.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5- 2015

(1), (6), (7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.20, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.80, 74, 79.

(2), (4), (5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.17, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.22, 25, 27-28.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.18, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.10.

 

TS Nguyễn Chí Hiếu

Học viện Chính trị Khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền