Trang chủ    Ảnh chính    Chiến thắng Điện Biên Phủ - biểu tượng sức mạnh dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 06 Tháng 5 2016 09:23
3400 Lượt xem

Chiến thắng Điện Biên Phủ - biểu tượng sức mạnh dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

(LLCT) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của chiến công giữ nước, giải phóng dân tộc của Việt Nam, bổ sung, làm phong phú và nâng cao các giá trị truyền thống của dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến cứu nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy, quy tụ sức mạnh tiềm tàng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chuyển hóa thành sức mạnh trong thực tiễn chiến đấu, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.

1. Điện Biên Phủ - Chiến thắng của khát vọng độc lập, tự do, truyền thống yêu nước, đoàn kết và ý chí tự lực tự cường

Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện sức mạnh, ý chí của một dân tộc quyết tâm thoát khỏi cuộc đời nô lệ. Theo thuyết “Thách thức và ứng phó” của nhà nghiên cứu văn hóa lớn thế kỷ XX là A.Toynbee, biết cách ứng phó và vượt qua những thách thức, cùng với những đặc điểm khác của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã tạo nên bản lĩnh kiên cường, rèn đúc nên nhiều truyền thống tốt đẹp, nhiều giá trị văn hóa quý giá, trong đó nổi bật là chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự lực tự cường, truyền thống đoàn kết vì đại nghĩa dân tộc, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do và hòa bình.

Đây là chiến thắng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có hàng nghìn  năm lịch sử, mà thời gian dành cho những cuộc kháng chiến chiếm hơn một nửa thời gian dựng nước và giữ nước. Kể từ cuộc kháng chiến chống Tần cuối thế kỷ III trước Công nguyên đến những cuộc kháng chiến vừa kết thúc trong thế kỷ XX, dân tộc ta đã phải tiến hành hàng chục cuộc kháng chiến, cùng hàng trăm cuộc khởi nghĩa và đấu tranh chống đô hộ nước ngoài. Điều đặc biệt là dân tộc Việt Nam đã phải tiến hành những cuộc chiến tranh giữ nước trong điều kiện hết sức khó khăn, với kẻ xâm lược là những đế quốc lớn mạnh, và với so sánh lực lượng quá chênh lệch. Những điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh đã hun đúc nên ở dân tộc ta truyền thống yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do và lòng yêu hòa bình. Tuy trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc, dân tộc ta vẫn vượt qua mọi thử thách, giành thắng lợi, giữ vững độc lập dân tộc, bản sắc và cốt cách Việt Nam. Lịch sử chống ngoại xâm là một bộ phận của lịch sử Việt Nam và tạo thành dòng lịch sử anh hùng của dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kế thừa, phát triển những chiến thắng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tổ chức và động viên truyền thống yêu nước. Kế thừa truyền thống đánh giặc của dân tộc và tiếp thu tinh hoa quân sự thế giới, Đảng đã lãnh đạo thực hiện toàn dân kháng chiến với mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân, toàn dân tộc tham gia.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên được sức mạnh của toàn quân, toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương vào trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên, ta tập trung gần 5 sư đoàn chủ lực  vào một trận đánh, động viên các chiến trường trong cả nước và hai nước bạn Lào, Campuchia chiến đấu phối hợp với chiến trường chính. Với khẩu hiệu Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, nhân dân các dân tộc khắc phục khó khăn, ngày đêm phục vụ chiến dịch. Hàng chục vạn đồng bào đã hăng hái đi dân công, thanh niên xung phong, tham gia làm đường, vận tải, phục vụ chiến trường, bảo đảm hậu cần cho một mặt trận xa hậu phương hàng trăm kilômét, trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ, địch đánh phá ác liệt. Ta đã làm được một việc mà kẻ thù không thể ngờ là có thể làm được.

Số vật chất và nhân lực mà đồng bào Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III và Liên khu IV đóng góp cho chiến dịch là rất lớn, bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội xây dựng trận địa và chiến đấu ròng rã trong nhiều tháng. Các địa phương đã huy động trên 26 vạn dân công (trên 14 triệu ngày công), cả vùng tự do và vùng tạm bị chiếm, phục vụ tiền tuyến. Huy động 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ và nửa thô sơ; cung cấp cho chiến dịch 250.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác (số huy động tại gốc). Tính riêng số vật phẩm chuyển được ra mặt trận là hơn 20 nghìn tấn(1).

Riêng đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã đóng góp 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700 - 800 tấn rau xanh; 31.818 dân công (1.296.078 ngày công) vận chuyển, sửa chữa cầu đường, xây dựng kho lán(2). Trước yêu cầu to lớn và khẩn trương của chiến dịch, từng đoàn dân công Việt Bắc ngày đêm vượt núi, băng rừng, vận chuyển vũ khí và lương thực... Nhiều tổ, đội nhân dân được lập ra đầy sáng tạo, ngày đêm bám sát bảo vệ các cung đường, bảo đảm giao thông thường xuyên thông suốt.

2. Chiến thắng của tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng

Chiến thắng Điện Biên Phủ hội tụ sức mạnh cao nhất của dân tộc, bắt nguồn từ sức mạnh của đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đường lối kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thể hiện ở đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, ở sự chỉ đạo chiến lược tài tình mà điều quan trọng là vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Ngay từ đầu, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định những vấn đề căn cốt nhất để lãnh đạo, tổ chức toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Tư tưởng chỉ đạo và đường lối kháng chiến được thể hiện qua Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” ngày 25-11-1945; văn kiện “Công việc khẩn cấp bây giờ” ngày 5-11-1946 và được hoàn chỉnh tại Hội nghị Thường vụ Trung ương (mở rộng) ngày 17 và 18-12-1946, trong Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Thường vụ Trung ương Đảng, trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung cốt lõi của đường lối và tư tưởng chỉ đạo kháng chiến là “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”. Đường lối đó phù hợp với tình hình thực tế cách mạng Việt Nam thời kỳ này, và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, của mọi người Việt Nam yêu nước.

Xuất phát từ đường lối đúng đắn, Đảng đã động viên, tổ chức toàn dân tộc vào công cuộc kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt của cuộc kháng chiến. Qua quá trình vừa xây dựng, vừa chiến đấu, lực lượng vũ trang nhân dân đã lớn mạnh cả về lực lượng và tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm chỉ huy và chiến đấu phong phú, được trang bị vũ khí, khí tài ngày một tốt (trong đó một phần là lấy được của địch). Cùng với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương là lực lượng dân quân, du kích hùng hậu, đông đảo, rộng khắp, kiên cường trụ bám bảo vệ bản làng, chiến đấu phối hợp với bộ đội và là nguồn bổ sung phát triển quân đội. Henri Nava, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp đã thừa nhận tính hiệu quả, hợp lý của lực lượng kháng chiến: “tổ chức lực lượng vũ trang và một bộ máy quân sự hoàn toàn thích hợp (tác giả nhấn mạnh)... là một “hình chóp nón sống “bám rễ sâu trong nhân dân. Tầng tháp bên dưới là du kích... tầng trên họ là bộ đội địa phương..., đỉnh tháp là bộ đội chính quy”(3).

Ta đã sớm xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp vững chắc với phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi chi bộ là một bộ tham mưu”. Trước thế trận chiến tranh nhân dân, quân Pháp đông mà hóa ít; muốn tập trung lực lượng lại phải phân tán đóng giữ, đối phó; muốn chủ động cơ động mở tiến công lớn hoặc ứng cứu đồng đội, lại bị lực lượng kháng chiến tại chỗ, bị chiến tranh du kích kìm chân. Sự chỉ đạo và hoạt động của quân và dân ta trên các mặt trận khắp cả nước đã khoét sâu vào tử huyệt của địch - mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng; phá vỡ khối quân cơ động đang được tập hợp, buộc quân địch phải phân tán đối phó trên khắp chiến trường Đông Dương.

Trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, chiến tranh du kích đã tiêu diệt khoảng hai phần ba (8 vạn) số địch bị diệt trên toàn Đông Dương, “góp phần quyết định vào việc đánh bại kế hoạch Na va”(4). Hiệu quả của thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, đan cài và rất hiểm của ta đã khiến bộ chỉ huy Pháp cực kỳ lúng túng, càng gỡ càng rối. Tướng tài của quân đội Pháp, từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ I và thứ II tỏ ra bất lực, viết: Đồng bằng Bắc Bộ chính là nơi bị “ruỗng nát” lớn nhất, đại bộ phận quân tinh nhuệ Pháp (khoảng 100 nghìn quân) bị giữ chân ở đây. Trong khoảng 7 nghìn làng thì họ kiểm soát được 5 nghìn làng. Hậu quả trầm trọng nhất của tình trạng trên là 9 phần 10 lực lượng của Pháp bị giam chân vào nhiệm vụ chiếm đóng, hoặc có cơ động thì cũng rất hạn chế(5), “chúng ta đã bị dồn tới chân tường”(6).

Chủ động điều khiển chiến trường, làm xoay chuyển tình thế chiến lược đã thể hiện sinh động sự chỉ đạo chiến lược vừa cách mạng vừa khoa học của Đảng; là “cái tinh túy nhất và cũng là nét đặc sắc nhất của sự chỉ đạo chiến lược đó là luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công... Nắm vững quyền chủ động là biểu hiện tập trung của quyết tâm làm chủ trong chiến tranh, là biểu hiện cao nhất của tư tưởng chiến lược tiến công”(7).

Điện Biên Phủ, một trong năm nơi mà H.Nava phải điều lực lượng lớn quân cơ động chiến lược đến chiếm đóng, xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương. H.Nava cũng như Pháp và Mỹ đánh giá đây là một hệ thống phòng thủ vững chắc mà đối phương không thể công phá được.

Trên cơ sở những chiến thắng trong Đông - Xuân 1953 - 1954, với thế và lực mới, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ.

Ở Điện Biên Phủ, ban đầu, Ban Tham mưu chiến dịch và cố vấn bạn đề xuất phương án tác chiến đánh nhanh giải quyết nhanh, dự kiến đánh trong ba đêm hai ngày. Khi đó, địch mới đổ xuống Mường Thanh 6 tiểu đoàn, trong trạng thái lâm thời phòng ngự, công sự dã chiến, ta còn giữ được bí mật để giành bất ngờ. Nhưng đến giữa tháng 1-1954, khi ta sắp mở màn chiến dịch, thì địch đã tập trung về đây một lực lượng lớn, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố.

Bộ đội ta, ý chí chiến đấu rất cao, đã phát triển mạnh mẽ, nhưng chưa có khả năng trong thời gian ngắn, tiêu diệt hàng chục tiểu đoàn địch phòng ngự trong một tập đoàn cứ điểm với binh lực, hoả lực mạnh, có công sự vững chắc, hệ thống vật cản dày đặc... Qua kết quả nghiên cứu chiến trường, phân tích ý kiến của nhiều chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định nếu đánh nhanh thắng nhanh sẽ là mạo hiểm, thì tổn thất rất lớn, và không hoàn thành nhiệm vụ(8). Đại tướng ghi nhớ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi ra trận: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Phải chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh… Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng uỷ, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”(9).

Ngày 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ đã triệu tập họp đột xuất Đảng ủy Mặt trận, đi đến quyết chọn phương án đánh chắc, tiến chắc(10), và ra lệnh hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lùi về ví trí tập kết, kéo pháo ra và chuẩn bị lại theo phương án mới. Nhờ chuyển sang đánh theo phương châm đánh chắc, tiến chắc(10), quân ta đã làm hạn chế tối đa chỗ mạnh của địch và khắc phục hiệu quả điểm yếu, phát huy mạnh mẽ sở trường của ta để giành thắng lợi. Trên thực tế, việc chuyển sang phương châm đánh chắc, tiến chắc là sự quán triệt tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, với cách đánh truyền thống Việt Nam, thể hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị được xác định trong Hội nghị Trung ương 4 khoá II (1-1953), Hội nghị Bộ Chính trị (cuối tháng 9, đầu tháng 10-1953) ở Tỉn Keo, Hội nghị Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1 954…

Chiến thắng Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Điện Biên Phủ - là đòn quyết chiến chiến lược đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương, diệt và bắt sống toàn bộ 16 nghìn quân địch, đại bộ phận là lính Âu Phi tinh nhuệ. Mặc dù còn hơn 44 vạn quân, nhưng Pháp không còn ý chí tiếp tục cuộc chiến tranh, buộc phải ký hiệp định đình chiến, kết thúc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương.

3. Chiến thắng của sự cộng hưởng sức mạnh dân tộc và thời đại

Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh sức mạnh của dân tộc Việt Nam đã hòa vào sức mạnh thời đại. Cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam vì độc lập, hoà bình đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân các nước yêu chuộng hoà bình và tiến bộ, dân chủ, và Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của thời đại, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH được mở đầu từ thắng lợi Cách mạng Tháng Mười.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam nhận được sự phối hợp chiến đấu của nhân dân hai nước Lào và Campuchia, sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc, Liên Xô và sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế, kể cả nhân dân Pháp. Qua cuộc kháng chiến, Việt Nam đã là nơi kiến lập mối quan hệ kiểu mới giữa các nước XHCN, với phong trào giải phóng dân tộc, mối quan hệ giữa các nước thuộc địa với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân. Mối quan hệ đó thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau nhằm mục tiêu của thời đại: độc lập dân tộc, hòa bình, tiến bộ xã hội. Mục tiêu đó mang ý nghĩa quốc tế rộng lớn trong ba thập niên 50-70 của thế kỷ XX, có sức hấp dẫn mạnh mẽ về tập hợp lực lượng, thúc đẩy cao trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Các dân tộc đều phải tự mình đấu tranh để giành độc lập tự do, song sự xúc tác dây chuyền mà Điện Biên Phủ châm ngòi với sức mạnh tạo chấn động lớn, sự hỗ trợ của sức mạnh thời đại, tạo ra những yếu tố về thời cơ, về nguồn lực, sự phối hợp đấu tranh giữa các trào lưu tiến bộ, đã giúp nhiều dân tộc trên con đường đấu tranh cho độc lập, tự do giành thắng lợi.

Những sự kiện chính trị sau Điện Biên Phủ, như Hội nghị Băng Đung (Inđônêxia, năm 1955), Hội nghị đoàn kết các dân tộc Á - Phi với sự tham gia của 34 nước, ra nghị quyết chống chủ nghĩa thực dân; Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết phi thực dân hóa (1960), 30 nước châu Phi thành lập Tổ chức thống nhất toàn châu Phi (1963). Sự ra đời của lực lượng các nước không liên kết nhằm mục tiêu số một: ủng hộ quyền tự quyết của các dân tộc và hòa bình thế giới... đều có chỗ dựa vững chắc là các nước XHCN. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc ở Á - Phi, Mỹ Latinh, trong đó có đóng góp vẻ vang của Việt Nam.

Sức mạnh dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã được kết hợp chặt chẽ với sức mạnh của thời đại trở thành một nhân tố làm nên thắng lợi. Vị thế và uy tín của Việt Nam đã được nâng lên ngang tầm với các nước, các dân tộc trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”(11). “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”(12). Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

 Đường lối kháng chiến đúng đắn đã tập hợp, khơi dậy và phát huy được tiềm lực toàn dân tộc, tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế, đã tạo ra sức mạnh đánh thắng kẻ địch và sức mạnh dân tộc và trí tuệ Việt Nam tiếp tục được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau đó.

Cho đến nay, thế giới vẫn đặt câu hỏi vì sao một đất nước tương đối nhỏ bé và lạc hậu về công nghệ, vừa thoát ra khỏi ách thực dân gần 100 năm lại có thể đánh thắng hai cường quốc là Pháp và Mỹ, tại sao Pháp lại thua. Ph.Leclerc, một Đại tướng giỏi của quân đội Pháp, cũng đã nói một cách cô đọng và rõ ràng bài học thất bại của Pháp rằng: “Người ta không thể nào dùng sức mạnh để phá tan chủ nghĩa dân tộc Việt Nam”(13).

Mc.Namara - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thừa nhận: “Sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết của dân tộc”, “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó…”(14).

4. Tiếp nối những giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong xây dựng và bảo vệ đất nước

Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện sức mạnh dân tộc được tổ chức và động viên cao nhất trong thời đại mới bởi một đường lối lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là một động lực tinh thần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn là sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, quan hệ của các nước có nhiều đổi khác và khó lường định. Thế giới đang diễn ra những biến động chính trị to lớn đặt mỗi quốc gia trước những cơ hội và những thách thức mới, bài học xây dựng, củng cố và phát huy đoàn kết toàn dân tộc làm cơ sở cho sự đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại luôn giữ nguyên giá trị.

Kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh tiềm tàng của dân tộc được tăng lên gấp bội, tạo sức mạnh tổng hợp to lớn đánh thắng kẻ thù lớn mạnh hơn mình. Nội dung cơ bản, xuyên suốt là nêu cao độc lập dân tộc, phát huy độc lập tự chủ là tiền đề nền tảng để thực hiện đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh của thời đại trong việc thực hiện nhiệm vụ dân tộc.

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học-công nghệ, tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia không ngừng tăng lên, quá trình toàn cầu hoá đang ngày càng mạnh mẽ, những bài học trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng vẫn mãi mãi có ý nghĩa thời sự và lâu dài đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bất cứ dân tộc nào muốn thành công trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ độc lập chủ quyền Tổ quốc, cũng phải dựa vào sức mình là chính, phát huy hết sức mạnh bên trong, đồng thời phải tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ đông đảo của bạn bè quốc tế, tập hợp tối đa sức mạnh của lực lượng tiến bộ thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự cộng hưởng của sức mạnh dân tộc và thời đại, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh Việt Nam, bản sắc văn hóa giữ nước Việt Nam mà nền tảng là lòng yêu nước; các nhân tố đó tiếp tục là sức mạnh bảo đảm cho sự thành công của công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2014

(1), (2) Xem Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh - Trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.202, 202.

(3), (6) H.Nava: Thời điểm của những sự thật, Nxb Công an nhân dân và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1994, tr.54, 47.

(4) Đại tướng Hoàng Văn Thái: Bài in trong Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1985, tr.19.

(5) Xem H.Nava: Thời điểm của những sự thật,  Sđd, tr.57.

(7) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ 50 năm sau nhìn lại, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.244.

(8) Xem Võ Nguyên Giáp: “Điện Biên Phủ xưa và nay”, Tạp chí Xưa và nay, số 2, 5-1994.

(9) Hoàng Minh Phương: “Nắm ngải cứu trên đầu đồng chí Tổng Tư lệnh”, Tạp chí Xưa và Nay, số 208, 3-2004, tr.12

(10) Điện Biên Phủ: Văn kiện Đảng và Nhà nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.562.

(11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.315, 320.

(13) Phillippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi, Edition Gallimard Juliard, 1988, p.375.

(14) Robert S.McNamara: Nhìn lại quá khứ, Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.317, 316.

 

PGS, TS TRỊNH THỊ HỒNG HẠNH

Viện Lịch sử Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền