Trang chủ    Ảnh chính    Quyền của các dân tộc thiểu số trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam
Thứ sáu, 22 Tháng 7 2016 17:29
11467 Lượt xem

Quyền của các dân tộc thiểu số trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

(LLCT) - Việt Nam, miền núi và các dân tộc thiểu số luôn là thành tố quan trọng trong chiến lược phát triển và bảo vệ đất nước. Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội mới đang đòi hỏi chúng ta nhận thức rõ và giải quyết các nhiệm vụ mới trên nhiều lĩnh vực: xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo... Tại những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, việc thực hiện bình đẳng dân tộc, bảo đảm các quyền của các dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng trong việc đập tan các âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc để gây rối loạn, ly khai của các thế lực thù địch. Vì vậy, việc nắm rõ về quyền của các dân tộc thiểu số trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam là điều cần thiết đối với mỗi đồng bào, mỗi cán bộ ở các vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Quyền của dân tộc thiểu số là một trong những quyền cơ bản của con người, được các văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận và xếp trong nhóm các quyền dân sự - chính trị. Dưới góc độ pháp lý, khái niệm “quyền dân tộc thiểu số” là quyền rất căn bản mà các nhóm dân tộc thiểu số ở tất cả các quốc gia đều có quyền được hưởng, đó là quyền bình đẳng không bị phân biệt đối xử, quyền giữ gìn bản sắc văn hóa, quyền được nhà nước hỗ trợ để phát triển về mọi mặt để thỏa mãn các nhu cầu trong cuộc sống của mình cũng như để bảo vệ và thực hiện các quyền năng khác đã được pháp luật ghi nhận.

1. Quyền của dân tộc thiểu số trong pháp luật quốc tế

Về khái niệm “dân tộc” và “người thiểu số” chưa được chính thức xác nhận trong bất cứ văn kiện quốc tế nào của Liên Hợp quốc. Các nhóm thiểu số hay được đề cập đến là thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ.

Tòa án Công lý quốc tế thường trực (PCIJ) đưa ra định nghĩa về dân tộc thiểu số: cộng đồng thiểu số là một nhóm người sống trên một quốc gia hoặc một địa phương nhất định, có những đặc điểm đồng nhất về chủng tộc, tín ngưỡng, ngôn ngữ và truyền thống, có sự giúp đỡ lẫn nhau và có quan điểm thống nhất trong việc bảo lưu những yếu tố truyền thống, duy trì tôn giáo, tín ngưỡng và hướng dẫn, giáo dục trẻ em trong cộng đồng theo tinh thần và truyền thống của chủng tộc họ.

Cũng có khái niệm rằng: người thiểu số là một nhóm người, xét về mặt số lượng, ít hơn so với phần dân cư còn lại của quốc gia, có vị thế yếu trong xã hội, những thành viên của nhóm - mà đang là công dân của một nước.

Một định nghĩa khác về người thiểu số, đó là một nhóm công dân của một quốc gia, ít về mặt số lượng và yếu về vị thế trong quốc gia đó, mang những đặc trưng về chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ mà tạo sự khác biệt so với nhóm dân cư đa số, có một ý thức thống nhất, một động cơ rõ rệt trong việc sử dụng ý chí tập thể để tồn tại và đạt được mục tiêu bình đẳng với nhóm dân cư đa số, cả trên phương diện pháp luật và thực tiễn.

Như vậy, các khái niệm đưa ra không hoàn toàn giống nhau, điều này cho thấy tính chất phức tạp của vấn đề người thiểu số trên thế giới. Tổng hợp những thuộc tính được nêu ra từ các định nghĩa trên và nội dung các văn kiện quốc tế có liên quan về vấn đề người thiểu số, có thể thấy, về mặt khách quan, người thiểu số có những đặc điểm: về số lượng (ít, thiểu số khi so sánh với nhóm đa số cùng sinh sống trên lãnh thổ); về vị thế xã hội (là nhóm yếu thế trong xã hội thể hiện ở tiềm lực, vai trò ảnh hưởng của nhóm tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở lãnh thổ nơi họ sinh sống); về bản sắc (có những đặc điểm riêng về mặt chủng tộc, dân tộc, ngôn ngữ, phong tục, tập quán); về vị thế pháp lý (có thể là công dân hoặc kiều dân của quốc gia nơi họ đang sinh sống). Về mặt chủ quan, nhóm cộng đồng có ý thức bảo tồn truyền thống văn hóa của mình(1).

Khái niệm “quyền dân tộc thiểu số” được chính thức ghi nhận trong hai Công ước quốc tế là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên Hợp quốc (UDHR) năm 1948: “Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền và tự do không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội” (Điều 2) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 ghi: “Tại những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ cùng chung sống, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và các thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng của họ” (Điều 3). Đây là hai văn kiện pháp lý quốc tế nền tảng, ghi nhận các quyền pháp lý cơ bản của con người về dân sự, chính trị, mà quyền dân tộc thiểu số được coi là quyền cơ bản trong nhóm các quyền dân sự, chính trị đó.

Có thể thấy, bên cạnh việc ghi nhận quyền của các dân tộc thiểu số, luật pháp quốc tế còn quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên Công ước phải bảo đảm cho các cá nhân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số quyền được hưởng nền văn hóa, ngôn ngữ trong các điều kiện đặc thù của mình. Trong Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ 1992 ghi: “Các quốc gia sẽ bảo vệ sự tồn tại và bản sắc dân tộc hay sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của người thiểu số trong phạm vi lãnh thổ thuộc sự quản lý của họ, và khuyến khích những điều kiện để thúc đẩy bản sắc đó; các quốc gia sẽ thông qua những biện pháp lập pháp và những biện pháp thích hợp khác để đạt được những mục tiêu này” (Điều 1).

Ngoài ra, quyền của người dân tộc thiểu số còn được lồng ghép một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong nhiều điều của Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người và trong nhiều công ước quốc tế về quyền con người đã được các nước trên thế giới và Việt Nam công nhận như: Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966; Công ước quốc tế về xóa bỏ hình thức phân biệt chủng tộc 1965...

Như vậy, quyền dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của pháp luật quốc tế về quyền con người. Việc thúc đẩy và thường xuyên thực hiện quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ như là một phần gắn liền trong sự phát triển xã hội nói chung và trong khuôn khổ dân chủ, pháp luật nói riêng, góp phần vào việc tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc và các quốc gia.

2. Quyền của dân tộc thiểu số trong pháp luật Việt Nam

Giống như hầu hết quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam cũng có những nhóm thiểu số không chỉ là những nhóm dân tộc có số người ít hơn dân tộc đa số mà còn thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ theo như quy định trong Điều 27, ICCPR. Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam gồm 53 dân tộc ít người, chiếm 13,8% so với tổng số dân.

Có thể thấy, đặc điểm của các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam có những nét riêng.Thứ nhấtlà thiểu số về ngôn ngữ, điều này là một trở ngại trong việc bình đẳng khi tham gia các quan hệ xã hội, quan hệ pháp luật; Thứ hai,mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, điều này thể hiện sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam; Thứ ba,họ là nhóm dân tộc chậm phát triển hay lạc hậu do địa bàn sinh sống của họ tập trung chủ yếu ở các vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn có địa hình hiểm trở (vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ).

 Vì vậy, nghiên cứu quyền của các dân tộc thiểu số trong pháp luật Việt Nam được xem xét trên các khía cạnh đó là: quyền bình đẳng không bị phân biệt đối xử, quyền được giữ gìn bản sắc văn hóa, quyền được nhà nước hỗ trợ phát triển.

- Quyền bình đẳng không bị phân biệt đối xử

Tương ứng với các nội dung các Điều 26, 27 ICCPR, Điều 5, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã ghi nhận: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn tọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”; Điều 16 quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Điều này được hiểu là mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ công dân như nhau. Điều 27 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.

Các quy định về quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong Hiến pháp được thể chế bằng chế định về Hội đồng Dân tộc (Điều 75 Hiến pháp 2013). Theo chế định này, Hội đồng Dân tộc do Quốc hội bầu ra, bên cạnh các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan của Quốc hội, Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc, giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc được mời tham dự phiên họp của Chính phủ bàn về thực hiện chính sách dân tộc. Chính phủ có trách nhiệm tham khảo ý kiến Hội đồng Dân tộc trước khi ban hành các quyết định về chính sách dân tộc. Để hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về các vấn đề dân tộc, có một cơ quan chuyên trách cấp bộ là Uỷ ban Dân tộc.

Ngoài ra, quyền bình đẳng giữa các dân tộc còn được tái khẳng định và cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật khác của Việt Nam, cụ thể Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Điều 1) khẳng định sự bình đẳng về quyền có quốc tịch của các dân tộc thiểu số; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (các Điều 4, 21), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (Điều 20), Luật Tố tụng hành chính 2010 (Điều 22) quy định về quyền bình đẳng của mọi công dân trong tiến hành tố tụng và quyền được sử dụng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc trong quá trình tiến hành tố tụng chính là những quy định bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số trong việc bảo đảm sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật và Toà án. Đó cũng là điều kiện để họ có thể biểu đạt được hết những suy nghĩ, biện minh cho hành vi vi phạm của mình và cũng là điều kiện để cơ quan và người tiến hành tố tụng có căn cứ xác định được sự thật khách quan của vụ án, từ đó áp dụng pháp luật một cách chính xác nhất trong việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bộ luật Hình sự năm 1999 (Điều 1) xác định một trong những nguyên tắc của luật hình sự là bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc. Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 (Điều 8, Điều 9) quy định về sự tham gia bình đẳng của các dân tộc thiểu số vào việc bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND...

- Quyền giữ gìn bản sắc văn hóa

Hiến pháp năm 2013 (Điều 5) ghi rõ: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”; Điều 41: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”; Điều 42 cũng ghi nhận: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Đây chính là sự khẳng định một quyền đặc thù của các nhóm thiểu số về dân tộc, đó là quyền được giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng.

Trong nhiều văn bản pháp luật khác, trong đó bao gồm Bộ luật Dân sự năm 2005 (các Điều 4, 5, 30, 31) quy định về việc bảo vệ các quyền nhân thân, quyền xác định dân tộc và quyền kết hôn giữa các dân tộc. Ngoài ra, để bảo tồn và thúc đẩy đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 39 (1998) về đẩy mạnh công tác văn hóa - thông tin ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ thị này yêu cầu các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương tập trung thực hiện mục tiêu nâng cao mức hưởng thụ văn hóa - thông tin cho đồng bào sống ở vùng cao, biên giới, vùng khó khăn, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, sưu tầm, nghiên cứu, khai thác và giới thiệu, có kế hoạch bảo tồn các công trình, địa chỉ văn hóa có giá trị tiêu biểu ở vùng các dân tộc thiểu số (như chùa, tháp, nhà rông, nhà dài, nhà sàn, các làng, bản có nghề thủ công truyền thống...) và các di sản văn hóa có giá trị khác...

- Quyền được Nhà nước hỗ trợ để phát triển về mọi mặt

Hiến pháp năm 2013 không chỉ đưa ra quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số, mà quan trọng hơn là Nhà nước tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Đây là tư duy mới ghi nhận và khẳng định sự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số chứ không phải chỉ là trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

Điều 58 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”;  Điều 60 quy định: “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”, Điều 61 quy định: “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...”. Luật Giáo dục năm 2005 (các Điều 61, 82) quy định về việc Nhà nước thành lập các trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, dự bị đại học cho con em dân tộc thiểu số và chính sách luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các vùng dân tộc thiểu số được học tiếng dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng dạy và học; Luật Khám chữa bệnh năm 2009 (Điều 4) quy định về chính sách của Nhà nước về khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, được ưu tiên bố trí ngân sách đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của nhân dân.

Trách nhiệm quan trọng của Nhà nước là xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi để đồng bào có điều kiện được phát triển, phát huy nội lực của mình vươn lên toàn diện. Đó là điều căn cơ, lâu dài, bởi chỉ khi nào đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ cuộc sống của mình thì mới có bình đẳng thực sự.

Như vậy, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã tiệm cận với sự bình đẳng trên thực tế giữa các dân tộc ở Việt Nam, dần thoát khỏi tư tưởng trông chờ sự giúp đỡ của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, là điều kiện để từng bước xoá bỏ khoảng cánh về phát triển giữa các vùng, các dân tộc.

3. Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số luôn là nghĩa vụ và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước Việt Nam

Việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã được thực hiện qua nhiều quan điểm, đường lối, chính sách kinh tế - xã hội quan trọng.

Trong công cuộc phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, sự giúp đỡ của Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số luôn nằm trong chủ trương, đường lối chung là gắn phát triển kinh tế với bảo đảm công bằng xã hội giữa các tầng lớp và nhóm người trong xã hội, cụ thể đó là: tạo điều kiện ưu đãi cho các dân tộc thiểu số để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của họ, từ đó hỗ trợ họ thực hiện quyền bình đẳng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí. Quan tâm tới quyền của các dân tộc thiểu số trong đời sống vật chất, tinh thần để tiến tới đạt mặt bằng chung của cả nước. Bảo vệ, hỗ trợ quyền tự do và bình đẳng về tôn giáo của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất, thượng tầng văn hóa ở khu vực miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cần đặc biệt chú ý tới những nét đặc thù (địa bàn cư trú, phong tục truyền thống, các đặc điểm xã hội) của các dân tộc thiểu số. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI khẳng định sâu sắc quan điểm xây dựng, phát triển văn hóa đã nêu rõ “Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng”.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều đề án, chương trình và các nghị định, thông tư, quyết định để phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng tập trung các dân tộc thiểu số, trong đó tiêu biểu như:

Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội và các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa; Chương trình ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết đất sản xuất và đất ở (Quyết định 132); Hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và các nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo thuộc dân tộc ít người (Quyết định 134); Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2016-2020” của Uỷ ban Dân tộc.

Nghị định số 20 (1998) về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc và Nghị định số 02 (2002); Nghị định số 45 (2014) quy định về miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo...

Nghị định số 05 (2011) về công tác dân tộc nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc...

Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy đề cập những biện pháp cụ thể đối với một số vùng đặc thù có nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống như về việc định hướng dài hạn và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; về phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh đặc biệt khó khăn ở vùng miền núi phía Bắc; về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Như vậy, pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm và thúc đẩy quyền của các dân tộc thiểu số. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi việc thực hiện quyền của các dân tộc thiểu số là vấn đề được ưu tiên trong các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bởi Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người nói chung, quyền của người thiểu số là thước đo của sự tiến bộ và phát triển xã hội.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2015

(1) Xem Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội, 2011.

Tài liệu tham khảo

1. Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội, 2011.

2. Tuyên ngôn Toàn thế giới về quyền con người, 1948.

3. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, 1966.

4. Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, 1992.

5. Hiến pháp năm 2013.

 

ThS Lừ Văn Tuyên

Ban Nội chính Tỉnh ủy Sơn La

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền