Trang chủ    Ảnh chính    Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo dân tộc bằng văn hóa
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 10:57
2868 Lượt xem

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo dân tộc bằng văn hóa

(LLCT) - Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xã hội trước khi giành được chính quyền. Đảng lãnh đạo bằng ngọn cờ dân tộc, dân chủ, với mục tiêu chính trị trùng hợp với mục tiêu văn hóa của dân tộc và đi tiên phong trong mục tiêu văn hóa ấy. Thực tế cho thấy, muốn củng cố và tăng cường thực chất vai trò lãnh đạo của Đảng chỉ có con đường chủ yếu và duy nhất là bằng các giá trị văn hóa, gồm chủ trương hợp lòng dân, phương thức lãnh đạo và sự gương mẫu về nhân cách. Dự thảo Văn kiện Đại hội XII nêu xây dựng Đảng về đạo đức. Song, nói xây dựng Đảng về văn hóa sẽ đầy đủ hơn và toàn diện hơn; bởi nó sẽ bao hàm cả đạo đức và phương thức lãnh đạo; thể hiện quan điểm, trình độ khoa học, nghệ thuật và tầm cao chứ không phải chỉ là giải pháp hành chính.

Để trả lời câu hỏi Đảng lãnh đạo dân tộc bằng cách nào thì trước tiên phải nhìn lại thực tế lịch sử, xem Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành Đảng lãnh đạo dân tộc khi nào và bằng cách nào? Lâu nay, nhiều người vẫn thường nói, sau khi Cách mạng Tháng Tám  1945 thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng lãnh đạo dân tộc Việt Nam. Thực ra không phải thế!  Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng lãnh đạo lập ra Nhà nước nhân dân, từ đó Đảng trở thành Đảng lãnh đạo Nhà nước. Nhưng Đảng trở thành Đảng lãnh đạo dân tộc từ trước khi nổ ra cuộc cách mạng. Chính nhờ vậy mà cuộc cách mạng đã thành công trong cả nước. Nếu sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng mới thành lãnh đạo thì trước đó ai đã lãnh đạo nhân dân trong cuộc cách mạng ấy? Thực tế lịch sử đã chứng minh là Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng lãnh đạo trước khi giành được chính quyền.

Ngày ấy, khi chưa giành được chính quyền, Đảng ta đã tồn tại trong xã hội, đã lãnh đạo được xã hội Việt Nam, và thông qua đó mà tổ chức cuộc cách mạng giành lại được một đất nước đã mất. Cũng có nghĩa là Đảng thành lãnh đạo khi chưa có quyền lực, thậm chí bị quyền lực truy đuổi. Càng không phải ngày ấy Đảng lãnh đạo bằng quyền lực, thông qua quyền lực. Thế Đảng trở thành lãnh đạo bằng cái gì và cách nào? Theo tôi, bằng ngọn cờ dân tộc, dân chủ, với mục tiêu chính trị trùng hợp với mục tiêu văn hóa của dân tộc và chính trị đi tiên phong trong mục tiêu văn hóa ấy; bằng các giá trị văn hóa với những chủ trương hợp lòng dân và những tấm gương nhân cách mẫu mực của các cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo và cấp ủy Đảng; bằng phương pháp thuyết phục, đối thoại. Ngày ấy chưa có chính quyền, không thể áp đặt một chiều và càng không thể bằng các mệnh lệnh hành chính đối với nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám, trở thành Đảng trực tiếp lãnh đạo Nhà nước Dân chủ Nhân dân, Đảng đã tập trung lãnh đạo chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Đó là những chủ trương rất nhân văn, vì con người, vì nhân dân. Lãnh đạo thành công các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đưa nước ta từ một xứ thuộc địa của phương Tây thành một quốc gia độc lập có tên tuổi trên thế giới; đưa một dân tộc nô lệ lên làm chủ đất nước độc lập của mình; thống nhất được đất nước sau một thời gian dài do ngoại xâm chia cắt, trong khi có những nước cùng hoàn cảnh giống ta, mà mãi đến nay, sau khi Việt Nam đã thống nhất gần nửa thế kỷ, họ vẫn chưa làm sao thống nhất được, thậm chí luôn căng thẳng với nhau, nếu không kiềm chế thì rất dễ xảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào. Sau chiến tranh, với sự nghiệp đổi mới (nhất là 20 năm đầu) đã tạo ra một quốc gia hơn hẳn ngày chưa đổi mới. Đổi mới cũng là văn hóa. Thành công của đổi mới cũng là thành công bằng văn hóa. Những việc ấy đã góp phần tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng được nhân dân thừa nhận.

Qua thực tiễn lãnh đạo của Đảng đối với công việc chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, rồi lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám, các cuộc kháng chiến vệ quốc, những thành công của công cuộc Đổi mới đã tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng mà thực tế đã được xác nhận từ trước ngày nổ ra cuộc cách mạng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, mặc dù số lượng đảng viên tăng lên, các cơ quan của Đảng nhiều hơn, bộ máy đồ sộ hơn, và Đảng đã nắm gần như tuyệt đối quyền lực thông qua bộ máy nhà nước, lực lượng vũ trang và sử dụng phổ biến các mệnh lệnh hành chính, nhưng niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng đã giảm sút, cũng có nghĩa là vai trò lãnh đạo của Đảng cũng suy giảm, không bằng trước đây. Như vậy, có thể rút ra một điều rằng, một đảng trở thành lực lượng lãnh đạo là một việc khách quan, không phải muốn là được, không phải bằng biện pháp hành chính quy định mà được. Quyền lực tự nó không củng cố và càng không tăng cường được vai trò lãnh đạo của đảng. Niềm tin của nhân dân giảm sút có nguyên nhân từ năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng và nhất là sự quản lý của Nhà nước do Đảng lãnh đạo, nhưng nguyên nhân lớn nhất là do sự thoái hóa đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, do tha hóa quyền lực bởi chủ nghĩa cá nhân. Cũng tức là vai trò lãnh đạo của Đảng bị giảm sút do suy giảm văn hóa trong Đảng.

Như vậy, từ thực tiễn cho thấy: Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành Đảng lãnh đạo bằng giá trị văn hóa, bằng ngọn cờ dân tộc và dân chủ. Đảng đã thành công trong cuộc cách mạng giành lại được một đất nước đã mất và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại để tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của mình cũng bằng văn hóa. Những suy giảm lòng tin của dân chúng những năm gần đây đã ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng là do không quan tâm đúng mức việc xây dựng văn hóa trong Đảng và thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng bằng văn hóa. Liên Xô ngày trước sụp đổ cũng là do suy đồi đạo đức trong đảng cầm quyền, để cho Đảng biến chất, trở thành lực lượng nắm giữ và tranh giành quyền lực để cai trị nhân dân vì các “nhóm lợi ích” tiêu cực, mặc dù quân đội và lực lượng an ninh của Liên Xô ngày đó rất mạnh, một cường quốc bậc nhất thế giới.

Thực tế đó cho thấy điều tiếp theo: muốn củng cố và tăng cường thực chất vai trò lãnh đạo của Đảng chỉ có con đường chủ yếu và duy nhất là bằng các giá trị văn hóa, bao gồm những chủ trương hợp lòng dân, phương thức lãnh đạo thuyết phục và sự gương mẫu về nhân cách. Những chủ trương sáng suốt, hợp lòng dân, vì cuộc sống của nhân dân, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững, nhanh chóng khắc phục tụt hậu, vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình, sớm đạt được thu nhập cao và không bị phân hóa giàu nghèo bất hợp lý; một Đảng thực sự trong sạch, thể hiện tính “chân chính” của mình, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, đại diện xứng đáng cho ngọn cờ dân tộc dân chủ, không bị tha hóa quyền lực; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn; cán bộ đảng viên thanh liêm, gương mẫu, không tham nhũng và “lợi ích nhóm”; lãnh đạo bằng phương thức dân chủ, tôn trọng dân chủ, tự do và quyền con người, đối thoại bình đẳng và thuyết phục bằng chân lý và tấm lòng, không áp đặt một chiều, không xâm phạm tự do và dân chủ, không dùng quyền lực để ép buộc hay truy bức nhân dân... Đó chính là văn hóa, lãnh đạo bằng văn hóa. Khi dân tộc và đất nước phát triển lên đỉnh cao, với một xã hội giàu tình nhân văn, thật sự dân chủ, tự do và hạnh phúc, thì đó mới là XHCN chân chính. Còn nếu không như thế, ngược lại như thế, thì cái ta gọi là XHCN chỉ là những khẩu hiệu nhàm chán mà nhân dân sẽ không cần.

Trước đây ta nói xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Không nói xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức. Ta hiểu văn hóa, đạo đức nằm trong chính trị, tư tưởng và tổ chức rồi (không kể những cách hiểu khác rất sai lầm). Đúng là vẫn có như thế nhưng nội dung văn hóa bị lẩn khuất và bị chèn lấn, mờ nhạt, trong khi văn hóa, đạo đức phải đóng vai trò đặc trưng bản chất, là giá trị cốt lõi quan trọng nhất, nó bảo đảm cho chính trị là chân chính, cho tư tưởng là nhân văn, cho tổ chức là trong sạch.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị chuẩn bị trình Đại hội XII có đề cập việc xây dựng Đảng về đạo đức. Đó là nội dung mới và đúng trong xây dựng Đảng, thậm chí còn có thể đưa nội dung văn hóa lên đầu tiên và nhấn mạnh hơn nữa. Nói xây dựng Đảng về văn hóa sẽ đầy đủ và toàn diện hơn nói xây dựng Đảng về đạo đức, mặc dù đạo đức là cái gốc, cái lõi quan trọng nhất của văn hóa. Nói xây dựng Đảng về văn hóa thì sẽ bao hàm cả đạo đức và phương thức lãnh đạo nữa. Phương thức lãnh đạo là văn hóa. Nó thể hiện quan điểm, trình độ khoa học nghệ thuật và tầm cao trí tuệ chứ không phải chỉ là giải pháp hành chính, gò ép, áp đặt ngày càng xơ cứng.

Đổi mới như thế, Đảng ta sẽ thành công trong lãnh đạo phát triển đất nước và dân tộc, Đảng sẽ trong sạch vững mạnh, nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, nâng tầm văn hóa, từ đó mà xứng đáng với lòng tin của nhân dân, của những người đã ngã xuống, giữ được vai trong lãnh đạo thực chất trong lòng dân.

 

______________

 

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

TS Vũ Ngọc Hoàng

Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực

Ban Tuyên giáo Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền