Trang chủ    Ảnh chính    Văn hóa chính trị trong xây dựng năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền theo chỉ dẫn của V.I.Lênin
Thứ sáu, 20 Tháng 11 2020 13:52
1651 Lượt xem

Văn hóa chính trị trong xây dựng năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền theo chỉ dẫn của V.I.Lênin

(LLCT) - Văn hóa chính trị có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị nói chung và hoạt động chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền nói riêng. Bài viết làm rõ những chỉ dẫn của lãnh tụ V.I.Lênin về vị trí, vai trò của văn hóa chính trị trong việc xây dựng năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Từ khóa: văn hóa chính trị, năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Hai nhân tố bảo đảm thành công cho một Đảng Cộng sản cầm quyền là không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của đảng và có một bộ máy nhà nước hiệu lực, hiệu quả và ngày càng hoàn thiện. Hai nhân tố này vừa tác động lẫn nhau vừa làm tiền đề, điều kiện cho nhau. Theo V.I.Lênin, không phải sau khi Đảng Cộng sản giành được chính quyền trở thành đảng cầm quyền là bộ máy nhà nước có thể hoạt động tốt. Vấn đề còn phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền. Để có năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn, V.I.Lênin thấy rằng cách tốt nhất là nâng cao văn hóa chính trị cho đảng viên và các tổ chức đảng.

Nhà nước Xô viết là kết quả của cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, mở ra thời đại mới trong lịch sử, lần đầu tiên giai cấp vô sản trở thành giai cấp cầm quyền, dù mới ở trong phạm vi một nước. Vì thế, theo V.I.Lênin, Nhà nước Xô viết chưa thể hoàn thiện ngay được, “chỉ có kinh nghiệm của giai cấp công nhân ở nhiều nước mới có thể “hoàn thành” được cái nhà nước kiểu xô-viết đó”(1).

Đánh giá về bộ máy Nhà nước Xô viết sau gần 5 năm thành lập, V.I.Lênin viết:

(1) Nó chưa thật sự là công nông, nó còn nhiễm nặng những tàn dư quan liêu phong kiến, phải xây dựng lâu dài.

(2) Những đảng viên cộng sản, công nhân ưu tú làm việc trong bộ máy lại chưa biết làm việc. Làm việc không hiệu quả.

(3) Bộ máy cồng kềnh.

(4) Thiếu sự kiểm tra, giám sát từ phía

nhân dân.

Việc xây dựng nhà nước Xô viết theo V.I.Lênin là một nhiệm vụ nối tiếp lâu dài sau khi hoàn thành cuộc cách mạng chính trị vĩ đại. V.I.Lênin nói: “Tôi biết rõ rằng chúng ta có những khuyết điểm trong bộ máy tổ chức quần chúng” và nếu bất kỳ ai nêu lên được một chục khuyết điểm thì V.I.Lênin sẽ lập tức nêu ra thêm một trăm khuyết điểm nữa. Nhưng “vấn đề không phải là ở chỗ lấy việc cải tổ nhanh chóng để cải tiến bộ máy đó, mà vấn đề là ở chỗ phải quán triệt cuộc cải tạo chính trị đó để đạt tới một trình độ kinh tế văn hóa khác”(2). Cái chính và cái khó theo V.I.Lênin là sửa chữa vô số những khuyết điểm hiện có trong chế độ Xô viết.

V.I.Lênin chỉ rõ sự cần thiết phải thay đổi phương pháp làm việc trong bộ máy nhà nước, chấn chỉnh cán bộ và văn hóa chính trị. V.I.Lênin đưa ra ví dụ về Ủy ban đặc biệt toàn Nga. Đây là một tổ chức an ninh đặc biệt của nhà nước chống lật đổ. Nhưng trong giai đoạn mới cũng cần phải xác định chức năng và quyền hạn của nó và giới hạn công tác của nó vào những nhiệm vụ chính trị. Mà chủ yếu là thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP), vì vậy phải xây dựng pháp chế cách mạng rộng lớn hơn. “Phải thu hẹp phạm vi hoạt động của các cơ quan chuyên giáng trả lại”(3).

V.I.Lênin yêu cầu phải thay đổi phẩm chất cán bộ giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý cho phù hợp với yêu cầu của một đảng cầm quyền: “Ở ta hiện nay cương vị lãnh đạo một cơ quan thường được giao cho một người cộng sản - một người có tấm lòng trung thực không còn phải nghi ngờ gì nữa, đã được thử thách trong cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản, một người vào tù ra tội, nhưng lại là một người không biết buôn bán; và căn cứ vào đây người ta đã cử đồng chí đó lãnh đạo một tơ - rớt quốc doanh. Đồng chí đó nhất định là có tất cả những đức tính của một người cộng sản, thế nhưng gã con buôn sẽ quật ngã được đồng chí đó - mà nó làm thế cũng rất đúng thôi”(4).

“Sắc lệnh thì chúng ta có quá nhiều và chúng ta làm những sắc lệnh đó một cách vội vàng... nhưng việc chấp hành thực tiễn những sắc lệnh đó thì không được kiểm tra lại”(5). “Các cuộc họp và các ban nọ ban kia của chúng ta là cái gì? Thường thường đó là một trò chơi”(6).

Khi phê phán Bộ Dân ủy tư pháp còn “mơ mơ màng màng”, V.I.Lênin chỉ rõ nhiệm vụ của chính quyền Xô viết mà trong đó có Bộ Dân ủy tư pháp phải biết “trừng phạt và học tập trừng phạt như thế nào đối với những tên vô lại “cộng sản” đang ngự trị, kẻ chỉ biết nói chuyện nhảm và lên mặt quan trọng chứ không biết làm việc”(7). Nhiệm vụ của tư pháp Xô Viết trong điều kiện NEP là “nghiêm khắc trừng trị bất cứ chủ nghĩa tư bản nào vượt ra khỏi khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản nhà nước”(8). Đối với những người cộng sản phải trừng phạt nặng hơn gấp 3 lần so với người ngoài Đảng. V.I.Lênin viết: cứ buôn bán đi, cứ làm giàu đi, chúng tôi cho phép anh đấy; nhưng chúng tôi sẽ nâng nghĩa vụ của anh lên 3 lần, nghĩa vụ phải trung thực, phải nộp những báo cáo xác  thực và chính xác” theo luật pháp cộng sản chủ nghĩa. Đó là tinh thần mà quyền tư pháp làm việc. V.I.Lênin yêu cầu phải có những phiên tòa mẫu, phải nghiêm khắc, giám sát và cần thiết thì xử bắn.

Ngoài những vấn đề thuần túy có tính chất kỹ thuật hành chính của bộ máy như lịch làm việc, bố trí các chức vụ hành chính, V.I.Lênin rất chú ý đến lề lối làm việc mà thực chất là công nghệ cầm quyền, văn hóa cầm quyền. Tức là phải đòi hỏi có tri thức chính trị nói riêng và văn hóa chính trị nói chung.

Theo V.I.Lênin, sau khi đã giành được chính quyền thì “cái mấu chốt không phải là chính quyền, mà cái mấu chốt chính là biết lãnh đạo”(9).

Có rất nhiều kinh nghiệm của NEP đã không được chú ý đúng mức, chúng bị “bệnh ấu trĩ tả khuynh” hoặc “chủ nghĩa duy ý chí” làm cho lu mờ, thành vấn đề thứ yếu. V.I.Lênin thường nhắc nhở các tổ chức Đảng và Nhà nước chớ đưa ra những “quy định thái quá và vụng về, quá sớm và không được kinh nghiệm kiểm nghiệm”(10).

Trong năm đầu thực hiện NEP, V.I.Lênin thường đặt câu hỏi cho những người cộng sản. Ai lãnh đạo ai? V.I.Lênin trả lời là “Tôi rất không tin là những người cộng sản đang lãnh đạo. Nói cho đúng ra, không phải họ lãnh đạo. Mà chính họ bị lãnh đạo”. V.I.Lênin lấy một ví dụ trong lịch sử về văn hóa của dân tộc đi chinh phục và dân tộc bị chinh phục. Nếu dân tộc bị chinh phục, mặc dù thua trận, nhưng văn hóa cao hơn thì sẽ bắt dân tộc thắng trận theo văn hóa của mình. Vì thiếu văn hóa nên ở Mátxcơva “lại đã chẳng xảy ra việc 47.000 người cộng sản (gần cả một sư đoàn, và toàn là những phần tử ưu tú nhất) phải phục tùng một nền văn hóa của kẻ khác đó sao? “Phải chăng ở Mátxcơva, kẻ thua trận có trình độ văn hóa cao? V.I.Lênin khẳng định “Hoàn toàn không phải như vậy. Văn hóa của họ là một thứ văn hóa thấp kém, không đáng kể. Nhưng, dù sao, văn hóa đó cũng cao hơn văn hóa của chúng ta. Dù nó thảm hại và thấp kém thế nào đi nữa, nó cũng còn cao hơn trình độ văn hóa của những người cộng sản phụ trách của chúng ta, vì những người cộng sản này không đủ khả năng lãnh đạo”(11). V.I.Lênin khuyên rằng: “Đối với một công việc tầm thường nhất của Nhà nước cũng cần phải xử lý một cách có văn hóa”(12). Vấn đề văn hóa chính trị được V.I.Lênin đặt ra như là vấn đề cấp bách nhất sau khi đã đánh đổ được giai cấp tư sản về mặt chính trị.

Không nâng cao được văn hóa chính trị cho đảng viên của đảng cầm quyền thì “giọt nước” Đảng Cộng sản ấy sẽ bị hòa tan trong đại dương của văn hóa cũ. “Không còn nghi ngờ gì nữa là hiện nay đứng về mặt đa số đảng viên mà xét, thì Đảng ta chưa thật vô sản lắm”(13). “Mặt khác, cũng không còn nghi ngờ gì rằng, hiện nay trình độ giáo dục về chính trị của Đảng ta nhìn chung và đại thể mà nói (nếu lấy trình độ của đại đa số đảng viên), thấp hơn mức cần thiết để thực sự thực hiện sự lãnh đạo của giai cấp vô sản trong một thời gian khó khăn như vậy, nhất là trong tình hình nông dân chiếm đại đa số dân cư đang nhanh chóng thức tỉnh về mặt chính trị giai cấp đối lập”(14).

V.I.Lênin luôn luôn lưu ý rằng, sức hấp dẫn được tham gia một đảng chấp chính là rất lớn. Cho nên các phần tử phi vô sản và thù địch muốn vào Đảng rất đông. Nhưng không phải ai vào Đảng cũng để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng, không ít người trong số đó vào Đảng nhằm thỏa mãn những mục đích cá nhân.

V.I.Lênin đòi hỏi người đảng viên lãnh đạo phải biết chịu trách nhiệm, coi đó là biểu hiện của văn hóa chính trị.

V.I.Lênin viết: “Một người lãnh đạo chính trị không những phải chịu trách nhiệm về cách mình lãnh đạo, mà còn phải chịu trách nhiệm về hành động của những người dưới quyền mình nữa. Đôi khi người lãnh đạo không biết những hành động đó, thường là không muốn cho những hành động đó xảy ra, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về những hành động đó”(15).

Khi phê phán những người hay nghị luận về “văn hóa vô sản”, V.I.Lênin nói: “để bắt đầu, chúng ta chỉ cần có một nền văn hóa tư sản thực sự, để bắt đầu chúng ta chỉ cần biết vứt bỏ những hình loại tiêu biểu đặc biệt của các thứ văn hóa tiền tư sản, nghĩa là thứ văn hóa quan liêu hay văn hóa phong kiến”(16).

V.I.Lênin thấy rất rõ tính nền tảng của văn hóa chính trị đối với năng lực lãnh đạo của Đảng. Người tìm thấy nguyên nhân yếu kém của bộ máy Xô Viết ở tàn dư văn hóa cũ và sự thiếu văn hóa. V.I.Lênin coi trọng không những tri thức chính trị của những người lãnh đạo, mà còn coi trọng cả các hành vi “ứng xử chính trị” - thường được cho là những điều nhỏ nhặt. V.I.Lênin cho rằng “những điều nhỏ nhặt” ấy có thể có ý nghĩa quyết định “đến sự tồn vong của Đảng”. V.I.Lênin đã thấy được những tài năng lỗi lạc cùng những tính cách khác nhau có thể tạo ra mâu thuẫn giữa các nhóm nhỏ trong Đảng mà hậu quả không lường trước được. Những chỉ dẫn này của V.I.Lênin rất có ý nghĩa đối với việc giải tỏa những xung đột nhân cách trong Đảng, loại xung đột có thể  phá vỡ sự đoàn kết nội bộ; làm suy yếu tính tiền phong chiến đấu, trong nguyên tắc lãnh đạo tập thể của Đảng Cộng sản. Do vậy, V.I.Lênin cho rằng, để cải tiến bộ máy, để hoạch định và thực hiện chính sách “lại cần phải có văn hóa”. “Về mặt này, không thể giải quyết được bằng một hành động liều lĩnh hay một cuộc xung phong, bằng sự táo bạo hay bằng nghị lực, hoặc nói chung, bằng bất cứ một trong những đức tính tốt đẹp nhất nào của con người”(17).

Vấn đề văn hóa và cải tiến bộ máy nhà nước và Đảng trong điều kiện NEP được V.I.Lênin trình bày kỹ trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”. Có thể nêu thành những nguyên tắc:

- Học thức, học tập trở thành mục tiêu và nhiệm vụ thường xuyên của đảng viên và chi bộ Đảng và Nhà nước Xô viết.

- Thà ít mà tốt, thà chậm mà chắc.

- Đặc biệt chú ý công tác thanh tra, kiểm tra.

- Coi trọng đào tạo và bố trí cán bộ thích hợp.

Để có một bộ máy gọn nhẹ, V.I.Lênin đề xuất hợp nhất về tổ chức các cơ quan đảng và cơ quan chính quyền, đặc biệt là bộ máy kiểm tra Đảng và kiểm tra chính quyền.

V.I.Lênin kiên quyết chống lại bệnh phô trương, hình thức. Khi trả lời câu hỏi của đoàn đại biểu nhân dân Mông Cổ: “Đảng Nhân dân cách mạng liệu có nên trở thành Đảng Cộng sản không?” V.I.Lênin nói rằng: “Tôi không khuyên làm việc đó, bởi vì một đảng trở thành một đảng khác là không thể được…Những người cách mạng sẽ phải còn làm nhiều việc cho công cuộc xây dựng nhà nước, kinh tế và văn hóa của mình, cho đến khi từ những người làm nghề chăn nuôi sẽ tạo nên quần chúng vô sản là những người về sau sẽ giúp Đảng nhân dân cách mạng “trở thành” Đảng Cộng sản. Sự thay đổi chiêu bài một cách giản đơn là có hại và nguy hiểm”(18).

Khi triển khai Chính sách kinh tế mới, một câu hỏi đặt ra cho Đảng Cộng sản Nga và những người cộng sản: “Liệu Đảng Cộng sản có thể thừa nhận và áp dụng tự do buôn bán được không?”. V.I.Lênin nói rằng “giải quyết vấn đề này trong thực tiễn là một việc hết sức khó”(19).

V.I.Lênin đã đặt ra cho Đảng Cộng sản giải quyết nhiệm vụ mới mẻ này cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Về lý luận, Đảng phải nhận thức được rằng quá độ lên CNXH là một quá trình lâu dài và gian khổ. Nội dung chính trị của thời kỳ đó là xây dựng chính quyền của giai cấp vô sản, phải thực hiện liên minh với giai cấp nông dân - giai cấp chiếm đại đa số dân cư. Nội dung kinh tế của thời kỳ đó là phục hồi và phát triển nền kinh tế tiểu nông, chuẩn bị những cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH như công nghiệp nặng và điện khí hóa. Vì vậy, V.I.Lênin yêu cầu: “Tất cả các cán bộ đảng và các cơ quan xô - viết đều phải đem hết sức lực, đem hết chú ý để tạo ra, để phát huy một tính chủ động lớn hơn ở cơ sở (...) nhằm mục đích phục hồi lập tức nền kinh tế nông dân”(20).

Trong lĩnh vực này, V.I.Lênin cho rằng, người nào thu được nhiều kết quả nhất, dầu là bằng con đường kinh tế tư bản tư nhân thì người đó giúp ích nhiều hơn cho công cuộc xây dựng CNXH ở nước Nga so với những kẻ chỉ ngồi lo lắng đến sự thuần túy của chủ nghĩa cộng sản  mà không thúc đẩy cho sự trao đổi tiến lên(21) và như thế là CNTB tư nhân lại đóng vai trò trợ thủ cho CNXH và điều này theo V.I.Lênin , “không có gì là ngược đời cả”(22).

Khi tình hình đã phát triển là một giai đoạn mới, người đảng viên cộng sản phải biết nắm vững phương pháp mới, phải biết rút lui, phải biết nắm khâu chính, phải biết lãnh đạo. V.I.Lênin phê phán tệ quan liêu, thói ôm đồm bao biện, tất cả những cái đó không phù hợp với lãnh đạo kinh tế. “Cho đến nay, những người cộng sản ở nước ta chưa hiểu rõ nhiệm vụ lãnh đạo thực sự của mình là như thế nào: không nên “tự mình” làm “tất cả”, làm quá sức mà vẫn không kịp”(23).

Trong công tác xây dựng Đảng, V.I.Lênin coi trọng nhất là công tác kiểm tra, kiểm tra công việc từ dưới lên, tổ chức sự kiểm tra của quần chúng chân chính. Như thế công việc mới chạy được.

Đối với một đảng cầm quyền, nạn quan liêu, giấy tờ và tham nhũng đã gây cho việc thực hiện các nhiệm vụ của đảng nhiều tổn thất và khó khăn, V.I.Lênin kiên quyết chống các nạn đó. Người nói: Đó là một cái ung nhọt mà người ta không thể dùng một thắng lợi quân sự và một cải cách chính trị nào để chữa khỏi được”(24). V.I.Lênin gọi tên “3 kẻ thù chính” của công tác Đảng.

- Tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa (tưởng rằng dùng những pháp lệnh cộng sản chủ nghĩa là giải quyết được mọi vấn đề).

- Nạn mù chữ (nó cản trở giáo dục chính trị).

- Nạn hối lộ (tham nhũng).

Mối nguy của nạn này là “nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không nói đến chính trị được (…) vì mọi biện pháp sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả”(25).

V.I.Lênin rất lo ngại đến trình độ lãnh đạo kém của cán bộ, đảng viên vì họ không chịu học tập, không chịu nắm bắt thực tiễn và cuối cùng là Đảng không thực hiện được sự lãnh đạo của mình: “Những người cộng sản phụ trách của nước Cộng hòa Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga và của cả Đảng Cộng sản Nga có nhận thức được rằng chính họ là người chưa biết lãnh đạo không? họ cứ tưởng là mình lãnh đạo người khác, nhưng thật ra, họ có biết chính họ bị người khác lãnh đạo không?”(26).

Như vậy, những người cộng sản phải là những người phải biết lãnh đạo. Trong báo cáo tại Đại hội XI Đảng Cộng sản Nga, V.I.Lênin nói: “Chỉ trông vào bàn tay của những người cộng sản để xây dựng xã hội cộng sản, đó là một tư tưởng hết sức ngây thơ. Những người cộng sản chỉ là một giọt nước trong đại dương, một giọt nước trong đại dương nhân dân. Họ chỉ có thể lãnh đạo nhân dân đi theo con đường của mình với điều kiện là họ vạch ra được con đường đó cho đúng”(27).

V.I.Lênin phê phán gay gắt thói kiêu ngạo cộng sản và cảnh báo rằng: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”(28).

Vào đầu năm 1923 là thời kỳ V.I.Lênin ốm nặng. Những bức thư và bài báo cuối cùng của Người đã đề cập một cách tâm huyết đến công tác xây dựng Đảng. Như vấn đề thống nhất của Đảng, vấn đề tổ chức Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí nhận xét về từng đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đặc biệt là trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” đã đề cập rất sâu sắc nhiều về vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy nhà nước của nhà nước Xô viết.

Khi phê phán thói hợm hĩnh không chịu học tập, tự phụ với danh hiệu “đại biểu của Đảng Cộng sản” của giai cấp vô sản, V.I.Lênin nói: “Xin lỗi các đồng chí. Giai cấp vô sản là gì? Đó là giai cấp làm việc trong đại công nghiệp. Nhưng đại công nghiệp đâu nào? Vậy đó là giai cấp vô sản nào?(29). Và V.I.Lênin kể chuyện về con ngỗng có tổ tiên đã cứu thành La Mã (ý

nói trước đây có công lao mà hiện nay thì vô tích sự).

Để thực hiện được tất cả các nhiệm vụ to lớn mà Đảng Cộng sản đặt ra thì phải học tập nâng cao trình độ văn hóa, trình độ quản lý và tổ chức sản xuất xã hội. Những nhiệm vụ để đổi mới bộ máy mà V.I.Lênin đề ra là “một là học tập, hai là học tập nữa, ba là học tập mãi”.

__________________

(1), (2), (3), (7), (8), (18), (24), (25), (29) V.I.Lênin: Toàn tập, t.44, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.513, 401, 404, 485, 485, 288, 215, 218, 400.

(4), (5), (6), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (16), (17), (26), (27), (28) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.17, 17, 18, 128, 159, 114-115, 125, 23, 23-24, 442, 444, 115, 117, 141.

(15) V.I.Lênin: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.269.

(19), (20), (21), (22), (23) V.I.Lênin: Toàn tập, t.43, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.74, 279, 281, 281, 293.

GS, TSKH Phan Xuân Sơn

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền