Trang chủ    Ảnh chính    Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: những dấu mốc lịch sử (1949 - 2014)
Thứ bảy, 08 Tháng 2 2014 08:27
5372 Lượt xem

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: những dấu mốc lịch sử (1949 - 2014)

(LLCT)Sau 65 năm xây dựng và phát triển (1949 - 2014), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ghi dấu những mốc son lịch sử vẻ vang.

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý trung cao cấp, cán bộ khoa học lãnh đạo chính trị của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý.

Năm 1925, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu (Trung Quốc) trực tiếp mở lớp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối và phương pháp cách mạng cho những thanh niên yêu nước Việt Nam. Đó là những lớp đào tạo lý luận chính trị đầu tiên cho người làm cách mạng, tiền thân của Học viện hôm nay. 

Tiếp sau đó, trong điều kiện hoạt động bí mật, Đảng ta và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhiều cán bộ được cử đi dự các lớp học do Quốc tế Cộng sản tổ chức, nhiều lớp huấn luyện chính trị và quân sự được mở và đội ngũ cán bộ trưởng thành nhanh chóng qua thực tiễn phong trào cách mạng.

Sau Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6 (14 đến18-1-1949), thực hiện chủ trương của Đảng về công tác huấn luyện cán bộ phục vụ sự nghiệp cách mạng, Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc chính thức được thành lập và trở thành Trường huấn luyện cán bộ hoạt động thường xuyên.

Tháng 9-1949, trong ngày khai giảng lớp lý luận dài hạn khóa 2 tại Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm trường và nói chuyện với các hcojc viên. Người đã ghi vào sổ vàng nhà trường những lời huấn thị bất hủ: “Học để làm người, học để làm việc, làm cán bộ; học để phụng sự giai cấp và nhân dân; phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Sau Đại hội III của Đảng, Bộ Chính trị họp chuyên đề về cải cách công tác giáo dục lý luận của Đảng, ra Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 26-3-1962, ghi rõ: "hướng cố gắng chính của trường Đảng trong việc cải tiến học tập hiện nay là phải không ngừng tăng cường lý luận với thực tiễn". Bộ Chính trị quyết định Trường mang tên Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, sau Đại hội IV của Đảng (12-1976), Ban Bí thư Trung ương ra quyết định thành lập cơ sở 2 của trường tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ tháng 2-1978 thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Nhằm đáp ứng yêu cầu cao của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp, cán bộ làm công tác lý luận trong công cuộc đổi mới, ngày 22-7-1986, Bộ Chính trị khóa VI ra Nghị quyết số 34/NQ-TW chuyển trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc thành Học viện Khoa học xã hội Nguyễn Ái Quốc trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (gọi tắt là Học viện Nguyễn Ái Quốc).

Ngày 10-3-1993, Bộ Chính trị khóa VII ra Quyết định số 61/QĐ-TW "Về việc sắp xếp lại các trường Đảng Trung ương chuyển thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh". Ngày 22-6-1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/CP, xác định: "Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Chính phủ".

Để tăng cường tiềm lực cả về số lượng và chất lượng cho công tác đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn mới, ngày 30/10/1996 Bộ Chính trị ra Quyết định số 07/QĐ-TW hợp nhất Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lấy tên là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ngày 30-7-2005 Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về :"Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh". Nghị quyết chỉ rõ mục tiêu, quan điểm và nội dung đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện. Ngày 02-8-2005, Bộ Chính trị ra Quyết định số 149/QĐ-TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo Quyết định này, cơ cấu, tổ chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gồm: Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Báo chí - Tuyên truyền và các viện, vụ, ban, văn phòng, tạp chí, nhà xuất bản.

Ngày 7-5-2007, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 60-QĐ/TW về việc hợp nhất Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính quốc gia thành Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Học viện "là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Cháp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ".

Ngày 06-01-2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Quyết định số 224-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, Học viện Hành Chính thuộc quyền quản lý của Bộ Nội vụ. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đổi tên thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo quản lý trung cao cấp, cán bộ khoa học lãnh đạo chính trị của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý.

 

Thông tin tuyên truyền