Trang chủ    Bài nổi bật    Thông tin đối ngoại góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế
Thứ tư, 29 Tháng 7 2015 17:16
1827 Lượt xem

Thông tin đối ngoại góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế

(LLCT) - Thông tin đối ngoại (TTĐN) là một bộ phận quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta,  giúp thế giới hiểu đúng và đầy đủ về đất nước, con người Việt Nam, đồng thời thông tin về thế giới cho nhân dân Việt Nam. Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn hội nhập quốc tế sâu sắc và toàn diện, đòi hỏi các hoạt động TTĐN được triển khai nhanh chóng, kịp thời, nội dung, hình thức đa dạng hơn.

 

1. Kết quả thực hiện TTĐN

Thứ nhất, địa bàn triển khai TTĐN đã có sự mở rộng. Cùng với sự phát triển của đất nước, điều kiện và nhu cầu mở rộng các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài đã tăng cả về lượng và chất. Từ việc giới hạn ở một số địa bàn trọng điểm cần tuyên truyền về kinh tế, văn hóa, quan hệ truyền thống, xử lý các vấn đề nhạy cảm như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia..., công tác TTĐN đã được mở rộng ra cả khu vực Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Đông Bắc Á, ASEAN, Nga, Đông Âu và các nước EU, châu Phi...

Thứ hai, TTĐN góp phần quan trọng giới thiệu đường lối đổi mới và thành quả xây dựng đất nước, giúp nhân dân các nước thấy được hình ảnh một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình và tôn trọng độc lập, tự do của các nước khác; Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là bạn và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Thứ ba, TTĐN góp phần quan trọng trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ngăn chặn, đẩy lùi mưu toan dùng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo” để can thiệp, gây mất ổn định ở nước ta và đập tan những luận điệu xuyên tạc, thù địch và các ảnh hưởng xấu về tư tưởng, văn hóa từ bên ngoài trở thành một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt cấp bách, đồng thời đó là nhiệm vụ chiến lược cơ bản, lâu dài của hoạt động TTĐN.

Đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền biên giới, biển đảo, công tác TTĐN đã định hướng tương đối kịp thời, thông qua các cơ quan tuyên truyền, các cuộc gặp gỡ báo chí và các diễn đàn quốc tế, khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, đồng thời nêu rõ quan điểm và chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chủ quyền, lãnh thổ và giải quyết các tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của đất nước trên Biển Đông.

Thứ tư, TTĐN góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế đối ngoại. Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ, TTĐN đã giới thiệu đường lối xây dựng kinh tế của Việt Nam, các chính sách cải tiến môi trường đầu tư, du lịch, Luật Đầu tư, những tiềm năng kinh tế của Việt Nam tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thứ năm, TTĐN quảng bá về đất nước, con người, lịch sử và nền văn hóa lâu đời, đa dạng, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam. Chúng ta đã chủ động giới thiệu, tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, tiêu biểu như tổ chức Festival Huế, Ngày hội đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ, các dân tộc vùng Đông Bắc, tổ chức nhiều lễ hội như “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, “Một điểm đến - hai di sản thế giới”... nhằm quảng bá giá trị văn hóa, tiềm năng du lịch của nước ta với bạn bè quốc tế.

Các bộ, ban, ngành hữu quan chú trọng đổi mới và tăng cường các hoạt động TTĐN như: Tổ chức tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và tuần văn hóa nước ngoài ở Việt Nam; đưa sản phẩm văn hóa ra nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. Sách, báo và các ấn phẩm giới thiệu về Việt Nam đã được phát hành rộng rãi bằng nhiều thứ tiếng ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TTĐN những năm qua còn không ít hạn chế. Nội dung TTĐN chưa thật sắc bén, chưa đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của các nhóm đối tượng ở địa bàn trong và ngoài nước. Thông tin về Việt Nam tuy có nhiều trên các loại hình sách, báo, nhất là internet nhưng còn chung chung, dàn trải, trùng lặp, đơn điệu, thiếu chiều sâu, ít cập nhật. Trong công tác đấu tranh dư luận liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, chống tham nhũng, chống “diễn biến hòa bình”, lập luận còn chưa sắc bén.

Sự phối hợp trong thực hiện và triển khai công tác TTĐN chưa thật sự thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng TTĐN nhiều lúc bị động, lúng túng. Nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của công tác TTĐN chưa thật đầy đủ đến từng cấp, từng địa phương. Ngân sách, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động TTĐN vừa thiếu, vừa dàn trải, chưa có quy hoạch, kế hoạch đầu tư tập trung dài hạn cho những đơn vị, lực lượng chủ lực...

2. Một số giải pháp đổi mới hoạt động TTĐN

Tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp, đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, của các phương tiện thông tin, đã và đang tác động sâu sắc đến công tác đối ngoại của mọi quốc gia. Yêu cầu đặt ra đối với công tác TTĐN của ta là phải phục vụ đắc lực và hiệu quả cho việc triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động TTĐN trong thời kỳ mới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác TTĐN. Trong bối cảnh quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, thì vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác TTĐN càng quan trọng hơn. Tiếp tục bám sát các nhiệm vụ chính trị để định hướng hoạt động TTĐN thiết thực, kịp thời. TTĐN phải phục vụ đắc lực và hiệu quả cho việc triển khai chính sách đối ngoại, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.

Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan làm công tác TTĐN. Các cơ quan có chức năng TTĐN cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng ở cả cấp lãnh đạo và tham mưu để có được thông tin chính thống cung cấp cho xã hội, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau; trong những vấn đề cụ thể, cùng nhau xử lý trong trường hợp khủng hoảng thông tin xảy ra. Sự phối hợp của các cơ quan tham mưu chỉ đạo, quản lý báo chí sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc triển khai những hoạt động đối ngoại và việc tuyên truyền giới thiệu sinh động, toàn diện hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới. 

Ba là, đổi mới nội dung, hình thức và phương thức TTĐN. Nhiệm vụ của TTĐN trong thời kỳ mới được xác định là tập trung xây dựng hình ảnh mới về Việt Nam đối với thế giới: một đất nước hòa bình, hữu nghị, năng động, đổi mới mạnh mẽ, tích cực hội nhập quốc tế và đầy tiềm năng phát triển, một đối tác tin cậy. Do đó:

Nội dung TTĐN cần được đổi mới, xác định cụ thể cho từng khu vực, địa bàn, từng đối tượng, phù hợp từng thời kỳ phát triển để tập trung nguồn lực thực hiện những ưu tiên cao nhất.

Các chương trình phát thanh - truyền hình, tin bài trên báo in phải hấp dẫn, thu hút công chúng và tác động sâu sắc đến tình cảm và lý trí của mỗi loại đối tượng. Các sản phẩm truyền thông quốc tế phải được đa dạng hóa theo nhu cầu ngôn ngữ và đặc điểm của từng địa bàn, phải được trình bày thể hiện với sức thuyết phục cao, khơi gợi hứng thú, định hướng nhận thức đúng đắn và hành động tích cực có lợi cho uy tín và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng các chương trình, chiến dịch thông tin tuyên truyền cả ở trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, tích cực quảng bá du lịch, tham gia các diễn đàn quốc tế. Phát huy vai trò của các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài trong việc TTĐN và quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước sở tại.

Tăng cường hiện đại hóa phương tiện thông tin, ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là internet, truyền hình cáp… trong TTĐN; xây dựng website và các diễn đàn trên internet làm nơi cung cấp, trao đổi thông tin, chọn lọc để số hoá các ấn phẩm TTĐN.

Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới thông tin, hỗ trợ các kênh báo chí đối ngoại cải tiến nội dung, hình thức, chất lượng phủ sóng, mở rộng địa bàn phủ sóng, ngôn ngữ... để các kênh TTĐN như VTV4, VOV5, VTC10 có sức thu hút khán giả quốc tế, không chỉ dừng ở đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài như hiện nay.

Tăng cường ngoại giao nhân dân, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hoá, trao đổi nghiên cứu khoa học, giao lưu phụ nữ, thanh niên, học sinh, sinh viên… Khai thác những nét văn hóa độc đáo của các địa phương để làm phong phú thêm quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, lập các Trung tâm văn hóa, tổ chức Ngày Việt Nam, Tháng Việt Nam, Năm Việt Nam tại một số địa bàn. Hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, thậm chí tùy tình hình cụ thể ở từng nơi có thể xuất bản báo, tạp chí của người Việt.

Bốn là, chủ động tích cực đấu tranh và vận động dư luận phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình Việt Nam của các thế lực thù địch. Tăng cường công tác nghiên cứu, chủ động xây dựng lập luận có thông tin, số liệu cập nhật và dẫn chứng minh họa, tạo dư luận, hình ảnh có lợi cho ta trên các phương tiện thông tin đại chúng của ta và nước ngoài, tích cực đấu tranh công khai, trực diện, ngăn chặn trước các dư luận bất lợi có thể xảy ra. Vận động và khuyến khích đông đảo nhân dân trong và ngoài nước, tầng lớp trí thức, sinh viên người Việt ở nước ngoài, học giả, nhân sĩ nước ngoài tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về tình hình chính trị - xã hội Việt Nam.

Năm là, đẩy mạnh tranh thủ phóng viên nước ngoài. Trên thực tế, nhiều phóng viên các cơ quan báo chí nước ngoài viết về Việt Nam nhưng chưa có dịp đến Việt Nam, chưa hiểu đầy đủ về Việt Nam, vì vậy không ít nhận định có phần phiến diện, chưa phản ánh được trung thực, khách quan về tình hình Việt Nam. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, các phóng viên nước ngoài sau khi đến Việt Nam đã có nhận thức đầy đủ hơn, từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn, phản ánh khách quan hơn về tình hình Việt Nam. Do đó, việc mở rộng, tăng cường hợp tác báo chí, chủ động mời phóng viên nước ngoài đến thăm và tìm hiểu về Việt Nam, chia sẻ thông tin trung thực, đầy đủ, khách quan là một trong những biện pháp cần thiết và hữu hiệu để giúp cho ngày càng nhiều người dân các nước trên thế giới hiểu đầy đủ hơn về đất nước ta, đồng thời hạn chế việc phóng viên lấy tin từ nguồn không chính thức, đưa tin phiến diện, một chiều bất lợi cho ta. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và địa phương trong việc tạo điều kiện cũng như quản lý phóng viên nước ngoài như đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, cấp phép, thu xếp hoạt động.

Sáu là, chú trọng công tác đào tạo, xây dựng cơ chế, chính sách đối với đội ngũ làm công tác TTĐN. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ tham gia làm công tác đối ngoại là vấn đề cấp bách, phải ưu tiên bồi dưỡng ngoại ngữ, chuyên môn..., trong đó, ưu tiên lớn hơn cho các đầu mối trực tiếp làm công tác TTĐN. Xây dựng các tiêu chuẩn, yêu cầu về trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ ngoại ngữ và năng lực, kỹ năng chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác TTĐN. Đề cao trách nhiệm chính trị, đạo đức của người làm TTĐN, nhất là cán bộ giữ cương vị lãnh đạo. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhằm bảo đảm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc triển khai công tác TTĐN. Khuyến khích việc mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TTĐN. Xây dựng và hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo cử nhân, sau đại học, tiến sỹ chuyên ngành TTĐN, đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn ngắn hạn, hội thảo,... nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác TTĐN. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, nâng cao chất lượng đào tạo báo chí, thông tin, tuyên truyền về TTĐN.

Bảy là, tăng cường đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho các hoạt động TTĐN. Đầu tư ngân sách thỏa đáng cho hoạt động TTĐN nhằm đổi mới và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các cơ quan chuyên trách phục vụ các chương trình, hoạt động TTĐN cả ở trong nước và ngoài nước, nhất là các chiến dịch lớn. Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa công tác TTĐN, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ tài chính cho các hoạt động thông tin và văn hóa đối ngoại nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn dân tộc.

_________________

Bài dăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2014

PGS, TS Nguyễn Hữu Cát

TS Mai Hoài Anh

Viện Quan hệ quốc tế

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chi Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền