Trang chủ    Bài nổi bật    Làm gì trước tình trạng người nông dân bỏ ruộng?
Thứ tư, 16 Tháng 12 2015 11:04
3782 Lượt xem

Làm gì trước tình trạng người nông dân bỏ ruộng?

(LLCT) - Tình trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng tăng, thể hiện tâm lý thiếu yên tâm bám ruộng nhưng cũng phản ánh những vấn đề bất cập về chính sách. Vậy, cần làm gì để giải quyết vấn đề này?

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2012, 2013, cả nước đã có 42.785 hộ bỏ không đất canh tác với trên 6.882 ha, có trên 3.407 hộ trả ruộng. Năm 2014, tình trạng này có xu hướng tăng lên. Năm 2012 trở về trước, việc bỏ hoang ruộng đất mới xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, đến nay đang xuất hiện ở 25 tỉnh thành. Ở các tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định ngày càng có nhiều hộ nông dân bỏ ruộng, bình quân mỗi tỉnh có khoảng 7% hộ nông dân bỏ ruộng. Riêng các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã có đến 2.011,90 ha đất ruộng bị bỏ hoang và trả lại chính quyền;  6.040 hộ nông dân bỏ ruộng, 2.009 hộ nông dân trả ruộng. Đặc biệt, hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) nơi “Nhất Đồng Nai nhì hai huyện”, hàng  nghìn năm nay, người dân ở đây bám ruộng, coi đó là nơi ổn định cuộc sống thì đến nay có hơn 960 ha đất lúa bị bỏ hoang, có hơn 8 nghìn ha đất lúa vụ hè thu nông dân không trồng mới. Tình trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng tăng, thể hiện tâm lý thiếu yên tâm bám ruộng của nông dân. Nguyên nhân thực trạng trên là:

Giá lương thực, thực phẩm giảm quá mạnh, nhiều mặt hàng trong năm 2013 giảm tới 20-23%. Ngược lại, giá các loại vật tư đầu vào, dịch vụ tăng 2-2,5 lần trong 5 năm qua. Qua khảo sát, trong điều kiện mưa thuận gió hòa, một sào ruộng (360 m2) trồng lúa cho thu nhập khoảng 1,3 triệu đồng/vụ, chi phí đầu tư đã hết khoảng 1 triệu đồng, tính ra mỗi vụ (khoảng 3 tháng), nông dân chỉ lãi 100 nghìn - 200 nghìn đồng. Thu nhập của nông dân trồng lúa sau khi trừ các khoản chi phí chỉ được khoảng 45 nghìn đồng/công (nếu bị bão lũ, rét đậm, hạn hán, dịch bệnh thì thu nhập không đáng kể) trong khi đó làm công nhân lao động trong các khu công nghiệp hoặc đi làm thuê, dịch vụ ở đô thị thường được khoảng 150 nghìn đồng/công).

Hiện ở nông thôn các tỉnh miền Trung có khoảng 17 khoản phí, lệ phí gắn với cây lúa. Với  sức ép như vậy, nông dân đành bỏ ruộng và tìm việc khác đổ ra đô thị kiếm việc làm để có thu nhập cao hơn, nhất là thanh niên.

Việc tái cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp đã mấy chục năm nhưng ở các địa phương hầu như không thay đổi, nhiều quy định còn cứng nhắc, chưa thực sự đặt vai trò của nông dân làm trọng tâm trong khi họ là người cuối cùng và quan trọng nhất. Ruộng đất bình quân đầu người quá ít, có nơi chỉ vài sào đất, thậm chí là vài thước đất cho mỗi người trong lúc sản phẩm làm ra bán với giá rẻ, thu không đủ bù chi, khiến người nông dân bỏ ruộng. Làm lúa thì lỗ nặng, nhưng người dân muốn đào ao nuôi cá hoặc sản xuất sản phẩm khác ngoài lúa trên mảnh ruộng đó để có thu nhập cao hơn thì lại không được. Chính quyền địa phương thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý, nhất là việc định hướng, tổ chức lại sản xuất. Hơn 60% cán bộ khuyến nông tại các địa phương vừa yếu về khả năng, trình độ, vừa thiếu trách nhiệm. Do đó, giới thiệu, phổ biến chung chung, qua loa, đại khái về nội dung khuyến nông, nên khoảng 70% nông dân không nắm được, không làm đúng kỹ thuật. Phần lớn nông dân vẫn sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa thực hiện các quy trình khoa học kỹ thuật hiện đại.

Hơn 70% nông sản sản xuất ra nông dân phải tự tiêu thụ, 83% chưa qua chế biến, thị trường tiêu thụ nhiều nơi bị thu hẹp. Nông dân tập trung vào sản xuất một số sản phẩm chính, chưa coi trọng đa dạng hóa sản phẩm. Công tác quy hoạch sản xuất chưa gắn với thị trường về yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng. Phần lớn các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp chưa có thông tin cụ thể về thị trường tiêu thụ nông sản nên ngay cả khi được mùa mà nông dân vẫn cứ lo.

Nông sản hàng hóa đến người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian, thường là 5 khâu, giá sản phẩm tăng qua mỗi khâu, nhưng nông dân được hưởng rất ít, không đáng kể. Hộ sản xuất quy mô nhỏ, đơn lẻ, chưa đủ khả năng sản xuất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng. Khả năng phát triển thương mại nông sản còn rất hạn hẹp, công tác marketing nông sản chưa được quan tâm. Điều này làm cho nông dân thiếu định hướng sản xuất, làm ăn theo kiểu “được chăng hay chớ” và luôn phải đối mặt với việc bị tư thương ép giá, ép cấp.

Đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp trong những năm qua là khá lớn. Giai đoạn 2009-2013, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là 520.441 tỷ đồng, chiếm 51,67% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách và trái phiếu chính phủ, tăng 2,62 lần so với 5 năm trước. Tuy nhiên, đầu tư còn dàn trải, chất lượng thấp, nhiều lãng phí. Do vậy, hệ thống hạ tầng nông nghiệp nông thôn còn hạn chế, yếu kém. Nhà nước chỉ đầu tư đến kênh cấp 3, kênh mương cấp 4 là do cấp xã đầu tư, quản lý, trong khi kinh phí của xã hạn chế nên đại bộ phận chưa kiên cố hóa.

Đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ chưa tạo sự chuyển biến trên diện rộng về năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Trước tình trạng trên, cần thực hiện các biện pháp sau:

Một là, các tỉnh cần rà soát lại diện tích đất nông nghiệp, để từ đó xây dựng chiến lược, quy hoạch sử dụng đất hợp lý; sắp xếp, cơ cấu lại nhằm phát triển sản xuất nông sản có giá trị cao hơn. Cần đẩy mạnh công tác dồn thửa, đổi điền tạo điều kiện cho sản xuất lớn, hàng hóa, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Những hộ không có khả năng sản xuất nông nghiệp có thể chuyển giao đất cho người khác để chuyển sang ngành nghề mới phù hợp hơn. Cần tuyên truyền rộng rãi về thủ tục pháp lý và lợi ích của việc chuyển nhượng ruộng đất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được chuyển nhượng ruộng đất với giá mà họ chấp nhận được. Khắc phục tình trạng hiện nay ở nhiều nơi, người dân không muốn chuyển nhượng vì giá chuyển nhượng quá thấp; nên họ vẫn giữ ruộng, nhưng lại bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả, người muốn đầu tư lại không có ruộng đất. 

Hai là, các tỉnh cầnđẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng hình thành nền nông nghiệp có cơ cấu sản phẩm hợp lý, phù hợp với điều kiện thị trường. Phải coi trọng công tác quy hoạch vùng sản xuất, dựa vào lợi thế của từng vùng. Khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng những vùng đất trồng lúa hiệu quả thấp, nhưng không phát triển các sản phẩm khác có giá trị cao hơn. Đồng thời, coi trọng việc  tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp xuất phát từ người nông dân, từ cơ sở thực tiễn, khắc phục tình trạng áp đặt những mô hình không phù hợp.

Để tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thị trường, đòi hỏi phải có nghiên cứu rất kỹ thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, cả các thị trường xa (như châu Âu, Mỹ) và thị trường gần (như Trung Quốc, ASEAN). Vì tái cơ cấu là tạo ra một cơ cấu kinh tế nông nghiệp thị trường. Nếu không tiếp cận được thị trường sẽ không xác định được phương hướng, mục tiêu để phát triển sản xuất. Ở đây, Nhà nước phải tạo ra một hệ thống, khung khổ pháp lý, phản ứng năng động trước thay đổi thị trường để khuyến khích nông dân tạo ra ngày càng nhiều lợi ích trên đồng ruộng. Mặt khác, tái cơ cấu nông nghiệp phải theo hướng nâng cao giá trị để tăng thu nhập, đó là gắn với nhu cầu thị trường và thực hiện có hiệu quả chính sách về thương mại và marketing nông sản. Ngành nông nghiệp cần hướng dẫn, tư vấn cho các địa phương nghiên cứu thị trường nông nghiệp để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Tái cơ cấu phải đặt trong tổng thể nền nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) trên địa bàn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm bám ruộng.

Ba là, cần đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là vấn đề cần quan tâm đúng mức nhằm phát triển những sản phẩm, vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Qua đó, sẽ tạo ra liên kết ổn định, bền vững chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp với nông dân và các tổ chức của nông dân trên địa bàn. Bài toán đặt ra là, làm thế nào để người nông dân thực sự tham gia vào chuỗi liên kết: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước một cách thực sự chứ không hình thức. Trong chuỗi này phải bảo đảm lợi ích cho nông dân, đồng thời cần tạo ra khung khổ pháp lý để giúp nông dân tránh bị thiệt thòi. Khuyến khích  nông dân  trở thành  cổ đông của các doanh nghiệp nông nghiệp thông qua góp vốn bằng đất đai là một cách thức cần được quan tâm hiện nay.

Bốn là, yhực hiện cơ chế chính sách nông nghiệp vì nông dân, giúp nông dân làm chủ nông thôn bằng cách nâng cao tri thức, kỹ năng ngành nghề và năng lực cạnh tranh quốc tế để qua đó nâng cao thu nhập, ổn định và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ cần tác động theo cả chuỗi, khắc phục tình trạng cắt khúc như hiện nay. Chính sách thương mại trong nông nghiệp yếu kém sẽ dẫn đến sản phẩm của nông dân bán ra khó khăn. Vì vậy, đòi hỏi các chính sách phải đồng bộ theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Phải đầu tư chính sách marketing, nếu không sản phẩm nông nghiệp sẽ không chỉ khó xuất khẩu mà cả thị trường trong nước cũng khó tiếp cận. Đồng thời, đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm đầu tư đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đặc biệt phải hoàn thiện hệ thống thủy lợi hiện đại, tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng, hình thành hệ thống cung ứng đến tới tận người nông dân là vấn đề cấp thiết hiện nay, nhằm bảo đảm sản phẩm của nông dân đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc người nông dân được hưởng tỷ lệ thỏa đáng nhằm khuyến khích họ phấn đấu làm giàu trên đồng ruộng. Quan tâm  thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp (hiện nay có một vài tỉnh thí  điểm, nhưng khó khăn nên chưa mở rộng diện áp dụng). Thực tế thiệt hại do các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp rất lớn, nếu có bảo hiểm sẽ giảm một phần thiệt hại cho người nông dân và giúp họ ổn định để tiếp tục đầu tư sản xuất.

Năm là, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với thị trường vật tư đầu vào thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, nhất là thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Điều này, một mặt giảm chi phí đầu vào, đồng thời bảo vệ lợi ích cho người nông dân, qua đó giảm chi phí, tăng thu nhập để giúp nông dân. Các cơ quan chức năng, ngành: sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở công thương các tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ (ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu), thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản, tăng cường quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất và thương mại, maketing trong nông nghiệp.

Thực hiện các biện pháp giúp nông dân nâng cao trình độ nhận thức về thị trường, được tiếp cận khoa học, công nghệ và khuyến nông một cách có hiệu quả. Đổi mới phương pháp chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ cho nông dân một cách cụ thể theo hình thức cán bộ khuyến nông phải đến trực tiếp hướng dẫn tại đồng ruộng hoặc tổ chức báo cáo thực tiễn “người thật, việc thật”.

Sáu là, Nhà nước cần áp dụng các hình thức hỗ trợ thiết thực cho nông dân, giúp họ ổn định cuộc sống, giảm khó khăn:

Tạo điều kiện cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm thời hạn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ nông dân phát triển các loại hình dịch vụ nông nghiệp để tận dụng thời gian nông nhàn, giúp nông dân tăng thu nhập, bên cạnh thu nhập chính là các thu nhập phụ trợ; Hỗ trợ kinh phí trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức thị trường, chuyển dịch cơ cấu và tái cấu sản phẩm nông nghiệp cho các hộ nông dân; Miễn các loại thuế và thủy lợi phí, giảm các khoản phí, lệ phí đối với nông dân ở mức thấp nhất; Hỗ trợ (50%) giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi nông dân sản xuất  bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan gây ra;Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn để nông dân thay đổi máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, giảm tổn thất sau thu hoạch; Tăng mức hỗ trợ từ 1,5 triệu đồng lên 2 triệu/ha/năm cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước thường bị ảnh hưởng bởi bão lũ, hạn hán; Thành lập quỹ hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp trên cơ sở huy động từ nhiều nguồn khác nhau như: sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức, các nhà hảo tâm để giúp nông dân khi gặp khó khăn đột xuất.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2015

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Báo cáo tổng kết phát triển nông nghiệp 5 năm (2009-2013).

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tình hình nông dân bỏ đất ở các tỉnh trong các năm qua.

3. Báo cáo tình hình phát triển các lĩnh vực về nông nghiệp ở các tỉnh.

 

PGS,TS Nguyễn Thế Tràm

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền