Trang chủ    Bài nổi bật    Phải chăng Việt Nam phải chuyển đổi thể chế chính trị từ “toàn trị” sang dân chủ?
Thứ tư, 16 Tháng 12 2015 11:32
6126 Lượt xem

Phải chăng Việt Nam phải chuyển đổi thể chế chính trị từ “toàn trị” sang dân chủ?

(LLCT) - Có ý kiến cho rằng “Việt Nam hiện nay phải chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ”. Thực chất, đây không phải là ý kiến mới. Ở phương Tây, đã có nhiều người từng so sánh và đồng nhất chủ nghĩa phát xít Đức với chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô là một và cho rằng đó cũng đều là những “biến thái của thể chế chính trị toàn trị”. Friedrich von Hayek trong tác phẩm Đường về nô lệ cũng đã trình bày tư tưởng này. Như vậy là, những người có quan điểm này muốn khẳng định rằng Việt Nam hiện nay đang thực hiện thể chế chính trị toàn trị. Vậy thể chế chính trị toàn trị là gì?

 

(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng)

Chúng ta đều rõ, chủ nghĩa toàn trị là một thuật ngữ được các nhà nghiên cứu chính trị, triết học,... sử dụng để mô tả một  thể chế chính trị, trong đó nhà nước áp đặt chế độ chuyên chế, độc đoán, áp đặt mọi hành vi cá nhân và cộng đồng trên mọi khía cạnh. Các đại biểu điển hình như  Karl Popper, Hannah Arendt, Carl Friedrich, Zbigniew Brzezinski, Friedrich von Hayek, Juan Linz,... cho rằng, chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism) là một thể chế chính trị độc đoán, ép buộc, huy động toàn thể dân chúng vào việc bảo vệ hệ tư tưởng, mục đích của nhà nước và không khoan nhượng với những hoạt động đi ngược lại hệ tư tưởng, mục tiêu của nhà nước. Các thể chế chính trị toàn trị duy trì quyền lực chính trị bằng các công cụ như cảnh sát, các phương tiện truyền thông một chiều, các quy định và các hạn chế về tự do ngôn luận, bắt bớ, đàn áp những người không ủng hộ nhà nước. Theo họ, các quốc gia đi theo định hướng XHCN, các chế độ độc tài quân sự, quân chủ, phát xít đều thuộc thể chế chính trị toàn trị.

Nếu thể chế chính trị toàn trị là như vậy thì rõ ràng, mặc dù thể chế chính trị của Việt Nam có thể còn có những khiếm khuyết nhưng không thể gọi là thể chế chính trị toàn trị và không thể đồng nhất với nó. Các quốc gia dân tộc trong quá trình tìm tòi con đường phát triển của mình cũng không thể có ngay được những kết quả tốt đẹp trọn vẹn, mà thường phải trải qua những bước thăng trầm nhất định, thậm chí có cả sai lầm, thất bại. Bởi lẽ, chèo lái con thuyền đưa cả một dân tộc phát triển đi lên là điều không đơn giản. Vấn đề là con đường phát triển đi lên ấy có vì lợi ích của toàn thể dân tộc, nhân dân hay không. Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam, với thiện ý hết lòng vì lợi ích của dân tộc, của toàn thể nhân dân nhưng trong quá trình đổi mới cũng không tránh khỏi những hạn chế, bất cập, thậm chí cả những thất bại tạm thời. Nhưng độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, nhìn chung đời sống của nhân dân được nâng lên, dân chủ ngày càng được hoàn thiện; an toàn, trật tự xã hội ngày càng được bảo đảm tốt hơn, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng,v.v.. Do vậy, không nên và không thể đồng nhất thể chế chính trị Việt Nam với thể chế toàn trị. Điều này còn bởi các lý do sau:

Thứ nhất, ngay từ việc xây dựng Hiến pháp - nền tảng pháp lý để xây dựng thể chế chính trị - Nhà nước Việt Nam đã công khai cho toàn thể các tầng lớp nhân dân và tạo cơ hội, điều kiện tốt nhất để đông đảo các tầng lớp nhân dân được tham gia trực tiếp góp ý. Nhà nước Việt Nam cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, trường đại học, các viện nghiên cứu, các xã, phường,v.v.. đã tổ chức hàng nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi về nội dung sửa đổi Hiến pháp, tạo cơ hội cho hàng chục triệu nhân dân thuộc các tầng lớp bày tỏ ý kiến, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các tầng lớp nhân dân cũng được tham gia trực tiếp, gián tiếp vào việc xây dựng pháp luật. Để Hiến pháp thực sự là của toàn dân, trong đợt lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 1992, các địa phương, ban ngành đã in 2 bộ tài liệu (Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 1992 sửa đổi), kèm theo bộ tài liệu này là phiếu lấy ý kiến tập trung vào hai phần. Phần thứ nhất là ý kiến, nhận định chung về Hiến pháp, về sửa đổi Hiến pháp. Phần thứ hai là ý kiến bổ sung cụ thể vào từng điều, khoản... gửi đến từng hộ gia đình, sau đó địa phương tập hợp gửi Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và góp ý cho sửa đổi Hiến pháp diễn ra cho tới khi Quốc hội thông qua. Trong đợt lấy ý kiến này cả nước đã tổ chức được 28 nghìn hội thảo, hội nghị, tọa đàm và thu được 26 triệu lượt ý kiến góp ý về nội dung Hiến pháp. Một thể chế chính trị mà cả hệ thống cầu thị, mong muốn người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp như vậy thì không thể là thể chế toàn trị. Tất nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân cho sửa đổi Hiến pháp có thể chưa được mỹ mãn như mong muốn, nhưng rõ ràng đây là mong muốn thực sự của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ hai, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013 đã quy định rõ chế độ chính trị của nước Việt Nam:

 “Điều 1

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Điều 2  

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. 

3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Điều 3

Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Với những quy định như vậy, Nhà nước Việt Nam hiện nay không thể là toàn trị. Hơn nữa, Hiến pháp còn quy định rõ Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người và quyền công dân như là mục đích cao nhất của mình:

“Điều 14

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Như vậy, quyền con người chỉ bị hạn chế trong 4 trường hợp cụ thể vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Cụ thể hơn nữa, Hiến pháp 2013 còn quy định nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Chính phủ (Khoản 6, Điều 96); của Tòa án nhân dân (Khoản 3, Điều 102); của Viện Kiểm sát nhân dân (Khoản 3, Điều 107). Một nhà nước mong muốn và quy định trách nhiệm pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân như vậy thì không thể là nhà nước của thể chế toàn trị. Chúng ta thẳng thắn thừa nhận rằng, trên thực tế có thể có trường hợp cá biệt cụ thể nào đó mà quyền con người của một cá nhân cụ thể chưa được bảo đảm thực sự. Nhưng không thể vì trường hợp cụ thể, cá biệt đó mà cho rằng Nhà nước Việt Nam là nhà nước toàn trị.

Thứ ba,các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam đều được nhân dân tự do lựa chọn bầu ra bằng phổ thông đầu phiếu. Quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân của các công dân được Hiến pháp quy định và bảo đảm. Điều 7  Hiến pháp quy định rõ:

“1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”.  Quốc hội cũng ban hành Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân để bảo đảm quyền và việc bầu cử của nhân dân được thực hiện tốt trên thực tế. Điều 27 Hiến pháp 2013 quy định rõ:

“Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Điều 28

1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Điều 29  

Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.

Như vậy, những công dân đủ 18 tuổi trở lên không chỉ có quyền bầu cử các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân mà còn có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân khi đủ 21 tuổi, quyền giám sát, phản biện xã hội, quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý, v.v.. Nghĩa là, công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công dân của một nước độc lập, tự do, dân chủ. Chỉ trong một nước độc lập, tự do, dân chủ, công dân mới có những quyền đó. Một nước độc lập, tự do, dân chủ không thể là nước của thể chế chính trị toàn trị.

Thứ tư, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có lực lượng Công an nhân dân, nhưng lực lượng Công an nhân dân có nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm chứ không phải trấn áp nhân dân như những nhà nước toàn trị vẫn làm. Điều 67 Hiến pháp 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: “Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Như vậy, lực lượng Công an nhân dân là lực lượng không chỉ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mà còn phòng, chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống an bình cho nhân dân. Lực lượng công an nhân dân Việt Nam hoạt động trên cơ sở của Hiến pháp, pháp luật và Luật Công an nhân dân. Do vậy, lực lượng Công an nhân dân của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phải là lực lượng “đàn áp, khủng bố nhân dân” như một số kẻ thường gán ghép. Hơn nữa, nhà nước nào cũng có lực lượng cảnh sát, an ninh chứ không phải chỉ có Nhà nước Việt Nam mới có.

Thứ năm, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước dân chủ, quyền lực nhà nước về bản chất là thuộc về nhân dân. Điều này được cả Hiến pháp, cả thực tế lịch sử chứng minh. Chúng ta thẳng thắn thừa nhận, có những trường hợp cá biệt, cụ thể, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà có người nào đó, công dân nào đó bị xâm phạm quyền dân chủ. Nhưng không thể lấy một vài trường hợp cá biệt, cụ thể để từ đó đồng nhất Nhà nước ta với nhà nước của thể chế toàn trị. Những trường hợp vi phạm dân chủ, nhân quyền cụ thể, cá biệt thì ở quốc gia nào cũng có thể xảy ra. Điều quan trọng là xem bản chất, mục tiêu nhà nước đó là gì. Trong quá trình đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng hạn chế, khắc phục những yếu kém trong việc phát huy dân chủ của nhân dân. Chẳng hạn, để bảo đảm dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam khoá XI đã thông qua Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (20-4-2007) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân và bảo đảm thực hiện dân chủ của nhân dân từ cơ sở. Một nhà nước có những quy định trách nhiệm pháp lý trong việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân như vậy không thể là nhà nước của thể chế toàn trị.

Thứ sáu, Đảng, Nhà nước ta thẳng thắn thừa nhận còn những điều chưa được tốt trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đại hội XI của Đảng nhận rõ: “Dân chủ trong xã hội còn bị vi phạm. Kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi không nghiêm”(1). Về công tác xây dựng Đảng, Đại hội XI cũng thừa nhận, công tác xây dựng, chỉnh đốn chưa đạt yêu cầu: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng, nhiều tổ chức cơ sở Đảng thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh. Công tác tư tưởng còn thiếu tính thuyết phục. Công tác lý luận chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề quan trọng trong công cuộc đổi mới. Công tác tổ chức cán bộ còn nhiều mặt yếu kém. Chất lượng và hiệu quả kiểm tra giám sát chưa cao”(2). Một Đảng mà dám thừa nhận những hạn chế, khiếm khuyết chưa chăm lo được cho dân nhiều hơn, tốt hơn thì Đảng đó phải là Đảng vì nhân dân, phục vụ nhân dân chứ không thể là một đảng độc đoán, chuyên quyền, theo tư tưởng toàn trị.

Rõ ràng, ý kiến cho rằng “Việt Nam hiện nay phải chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ” về bản chất là ý kiến không có cơ sở cả về mặt lý luận và thực tiễn. Về lý luận, ý kiến này đã đồng nhất thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay là thể chế toàn trị, không phân biệt được những hiện tượng cá biệt, cụ thể với bản chất của thể chế. Về mặt thực tiễn, những kết quả của công cuộc đổi mới trên các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo,... cũng như quá trình sửa đổi Hiến pháp, xây dựng luật,... cho thấy ý kiến này không thuyết phục. Dù vậy, với mục tiêu phục vụ lợi ích của nhân dân tốt hơn nữa, Đảng, Nhà nước ta tôn trọng mọi ý kiến góp ý chân thành và cũng sẽ tự rèn luyện, phấn đấu, hạn chế đến mức thấp nhất những yếu kém của thể chế để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, thực chất hơn nữa.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2015

(1),(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 64, 65.

PGS,TS Trần Văn Phòng

Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền