Trang chủ    Bài nổi bật    Chính sách tôn giáo trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Thứ năm, 29 Tháng 12 2016 11:41
3701 Lượt xem

Chính sách tôn giáo trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

(LLCT) - Trong lịch sử văn minh nhân loại, tôn giáo có vai trò, vị trí lớn, có những đóng góp to lớn vào giá trị văn hóa nhân loại. Ở Việt Nam cũng như các thể chế dân chủ, nhà nước pháp quyền, chính sách tôn giáo được thực hiện theo hướng tách tôn giáo khỏi chính trị; tôn giáo trở thành công việc của cá nhân. Chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện rõ nguyên tắc: tôn trọng tự do tín ngưỡng, đại đoàn kết dân tộc, mọi tổ chức và cá nhân có quyền và nghĩa vụ bình đẳng ngang nhau. Thực tế đặt ra yêu cầu có nhiều quy định cụ thể hơn nữa nhằm thực hiện tốt chính sách tôn giáo.

1.Tôn giáo có thể đồng hành cùng nhà nước pháp quyền

Lịch sử thế giới, điển hình ở châu Âu cho thấy tôn giáo đã có vị trí và vai trò to lớn đối với văn minh nhân loại và sự tiến bộ của loài người. Ở khắp nơi, tôn giáo đều có những đóng góp to lớn vào những giá trị văn hóa của nhân loại, cả dưới khía cạnh vật thể và phi vật thể. Về mặt chính trị, tôn giáo là một lực lượng, một sức mạnh. Tổ chức tôn giáo và chức sắc cao cấp từng nắm một phần quyền lực nhà nước, chi phối quyền lực nhà nước. Sự nương tựa nhau và đấu tranh với nhau giữa nhà nước và tôn giáo kéo dài hàng trăm năm. Nhưng dù có lúc đã thúc đẩy tiến bộ tinh thần, đem lại những giá trị văn minh, tạo nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, cũng không phủ nhận một điều về bản chất tư duy và lợi ích của mình (kể cả về tham vọng chính trị), ở nhiều nơi và đã có thời kỳtôn giáo kìm hãm sự tiến bộ xã hội, đi ngược lại những giá trị nhân đạo của con người. 

Từ khi giai cấp tư sản nắm quyền lãnh đạo xã hội, thực hiện nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, nhà nước phải và chỉ tuân theo những nguyên lý của pháp luật đời sống, không thể bị ràng buộc bởi giáo luật. Tôn giáo bị gạt khỏi sinh hoạt nhà nước. Nhà nước pháp quyền coi tổ chức tôn giáo như một tổ chức của xã hội dân sự, coi chức sắc, tín đồ như một công dân bình thường trong xã hội có những quyền và nghĩa vụ như các công dân khác. Công dân có quyền tự do về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi không làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người không có tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc người có tôn giáo, tín ngưỡng khác với mình. Với nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, các tôn giáo phải chấp nhận rút lui khỏi nhà nước.

Song sẽ là sai lầm nếu nghĩ tôn giáo đã rút lui khỏi chính trị. Tôn giáo chỉ hạn chế tham gia chính trị, chứ không rút khỏi chính trị, vì cả lý do chủ quan và khách quan.

Lý do chủ quan,là ở nhiều nơi, nhất là nơi nào tôn giáo đã từng có thời là một thế lực chính trị, các chức sắc tôn giáo khó có thể quên đi thời “vàng son” và sẵn sàng trở lại là một thế lực chính trị nếu có cơ hội. Ở bất cứ đâu, khi nhà nước thất bạitrong quản lý và phát triển xã hội thì ở đó sẽ có các thế lực khác, trong đó có tôn giáo sẵn sàng và mong muốn làm thay. Trong trường hợp đó, nhà nước trước hết phải tự trách mình vì đã không ngăn cản được tôn giáo can thiệp vào chính trị.

Khách quan,vì nhiều khi tổ chức tôn giáo, các chức sắc và tín đồ tôn giáo bị “cuốn” vào vòng quay của chính trị, bị lợi dụng trở thành lực lượng chính trị hoặc bị buộc phải tự bảo vệ các lợi ích của mình và bảo vệ các tín đồ của mình. Ngay cả các tôn giáo thế tục, yêu chuộng hòa bình, tuân thủ nhà nước vẫn có thể phải đứng lên chống lại nhà nước khi nhà nước có thái độ không đúng đắn đối với tôn giáo và người có tôn giáo. Những sai lầm của nhà nước trong đối xử với tổ chứctôn giáo cũng như với công dântheo tôn giáocó thể phải trả giá đắt về chính trị. Sự kiện đồng bào Phật giáo miền Nam phản kháng chế độ Ngô Đình Diệm đầu những năm 60 thế kỷ XX chính là ví dụ như vậy. Giới Phật tử phản kháng chế độ này vì nó độc tài, chống Cộng và có thái độ không công bằng với các tôn giáo, đã kỳ thị Phật giáo trong khi ưu đãi Kitô giáo.

 Ngày nay ở nhiều nước phát triển, những nguyên nhân chủ quan và khách quan để tôn giáo tham gia vào chính trị bị hạn chế tới mức thấp. Giữa nhà nước pháp quyền và tôn giáo đã có sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng nhau. Nhà nước biết ranh giới của mình, ngược lại các tổ chức tôn giáo, các chức sắc và tín đồ tôn giáo cũng biết ranh giới của mình. Nhà nước không tạo cơ hội để các tôn giáo khuếch trương về chính trị. Trong các chính sách của mình, nhà nước tôn trọng các giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo, nhưng không dựa vào nguyên tắc đạo đức, niềm tin hay lực lượng của bất kỳ tôn giáo nào. Nhà nước cho phép các hoạt động nhân đạo, từ thiện, văn hóa, giáo dục của tôn giáo với tư cách là các tổ chức dân sự. Những vi phạm (nếu có) của tổ chức tôn giáo và chức sắc, tín đồ tôn giáo sẽ được xử lý theo các luật thông thường (hình sự, dân sự, hành chính).

Đó cũng là những kinh nghiệm hay cần được tiếp thu trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

2. Chính sách tôn giáo tiến bộ của Nhà nước Việt Nam

Ngay từ khi mới ra đời, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố và thực hiện chính sách tôn giáo hợp lòng dân, tiến bộ và hợp thời đại. Tiếc rằng, có những lúc, những nơi do hiểu biết và tầm nhìn hạn hẹp của nhiều cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách này đã để lại những rạn nứt không đáng có. Nhiều người cộng sản lấy sự không tương hợp giữa thế giới quan khoa học và phi khoa học, giữa duy vật và duy tâm để áp dụng vào chính trị đã tạo nên nhiều định kiến và kỳ thị về chính trị đối với tôn giáo. Nhiều người đã đánh đồng thái độ chính trị chống cộng sản, chống chính quyền của một số chức sắc tôn giáo với cả cộng đồng tôn giáo và tổ chức tôn giáo.

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, chính sách tôn giáo của Nhà nước ta đã có nhiều tiến bộ. Chính sách tôn giáoở Việt Nam được thể hiện qua các văn kiện chính trị của Đảng và các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành, có tác động to lớn đến đời sống tôn giáo của đất nước, phù hợp thực tế và đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận thức rõ xây dựng Nhà nước pháp quyền trước hết là xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, bảo đảm các quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự mình theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi mọi cá nhân, công dân, tổ chức phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, quyền tự do của cá nhân, công dân và tổ chức khác. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân, lợi ích của các tổ chức tôn giáo; không kỳ thị, không đối xử bất bình đẳng với các tôn giáo và công dân theo các tôn giáo khác nhau. Ngược lại, tổ chức tôn giáo, công dân theo tôn giáo cũng phải tôn trọng, bảo vệ trật tự xã hội và thể chế nhà nước. Không cho phép lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để làm trái với Hiến pháp, pháp luật, trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, cộng đồng, địa phương, đất nước. Các tôn giáo và người theo tôn giáo không nên đòi hỏi đặc quyền hay sự ưu tiên, ưu đãi mà phải cùng chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”...

Những tư tưởng này đã được thể hiện trong Nghị quyết số 25 của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX (2003) về công tác tôn giáo, với những khẳng định rất quan trọng như sau:

1- Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

2- Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia...

5- Vấn đề theo đạo và truyền đạo

Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật(1).

Sau Nghị quyết này, năm 2004 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể hóa hơn nữa quan điểm, chủ trương của Đảng. Nhiều văn bản luật có liên quan (như Luật Xây dựng, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân...) đã quán triệt các quan điểm trên của Đảng và Nhà nước. 

Về mặt thực hiện chính sách, sau khi có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, từ Trung ương tới địa phương, nhìn chung các cấp ủy, chính quyền đã có thái độ và hành động thận trọng, chấp hành quan điểm của Đảng, quy định của pháp luật. Theo thẩm quyền của mình, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2005 về các biện pháp thực hiện Pháp lệnh, sau đó được thay thế bằng Nghị định 92/2012.

Nghị định 92 có nhiều điểm mới so với Nghị định 22 và cụ thể hóa đầy đủ hơn các biện pháp để thực hiện các quan điểm đã nêu trong các văn kiện của Đảng và Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Trong Nghị định quy định chi tiết nhiều biện pháp liên quan tới quản lý hoạt động tôn giáo, quản lý chức sắc, quản lý cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng...

Thủ tướng cũng đã có Chỉ thị 1940/2008 về nhà, đất liên quan tới tôn giáo.  Ngày 10-10-2013 Bộ Nội vụ đã ban hành Bộ thủ tục hành chính và các biểu mẫu  văn bản hành chính liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó đã công khai hóa nhiều thủ tục thường gây bức xúc và va chạm là: đăng ký, công nhận tôn giáo; quản lý chức sắc; tổ chức các hoạt động tôn giáo, trong đó có vấn đề truyền đạo, giảng đạo; đất đai của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng... 

Trước năm 2000, Nhà nước công nhận và cấp phép cho 3 tổ chức tôn giáo, tới nay đã  công nhận và cấp phép hoạt động cho 40 tổ chức thuộc 14 tôn giáo(2). Số lượng người theo các tôn giáo cũng tăng lên. Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2009, cả nước có 15.651.467 người theo tôn giáo. Trong đó Phật giáo có 6,8 triệu, Công giáo 5,7 triệu, Tin lành 734.168 người(3).

Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2011 cả nước có 25,4 triệu người là tín đồ các tôn giáo, trong đó Phật giáo là 10 triệu, Công giáo 6,1 triệu, Tin lành là 1,5 triệu(4). Như vậy, số lượng tín đồ các tôn giáo sau 10 năm đã tăng tới 10 triệu người, trong đó Tin lành tăng gấp 2 lần.

Hàng chục nghìn cơ sở thờ tự (nhà thờ, chùa chiền, thánh thất...) được xây dựng mới, được tu sửa, nâng cấp. Các trường đào tạo chức sắc được mở ra ở nhiều nơi với nhiều cấp học, số lượng người theo học ngày càng đông, số lượng chức sắc tăng lên. Riêng Công giáo có 7 đại chủng viện, 26 tổng giám mục, 5 nghìn linh mục, 3 người là đại biểu Quốc hội khóa XIII, 38 người tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, hơn 300 người tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận(5).

Sách, báo, ấn phẩm văn học tôn giáo được xuất bản với số lượng lớn; các ngày lễ của các tôn giáo được tổ chức long trọng, nhiều sự kiện tôn giáo có tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức (thí dụ Đại lễ Vesak của Phật giáo); quan hệ giữa nhà nước Việt Nam và các giáo hội trong và ngoài nước ngày càng thân thiện, hiểu biết lẫn nhau. Mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo trong nước và ngoài nước rộng mở.

Bên cạnh những kết quả tốt đẹp của chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong những năm qua ở một số nơi còn nảy sinh một số vụ việc va chạm giữa chính quyền với tổ chức tôn giáo mà nguyên nhân có khi thuộc về khuyết điểm của cấp chính quyền địa phương, có khi thuộc về một số cá nhân của tổ chức tôn giáo.

Về phía chính quyền ở một số nơi, còn không ít cán bộ, đảng viên có nhận thức chưa đúng, có thái độ mặc cảm, định kiến với tổ chức tôn giáo và chức sắc tôn giáo, nên trong giao tiếp và xử lý công việc, có biểu hiện thiếu thân thiện, công bằng và khách quan.

Vụ việc xảy ra tại Nhà thờ Thái Hà, Nhà Chung ở Hà Nội là tranh chấp về đất đai liên quan tới cơ sở cũ của tổ chức tôn giáo. Vụ việc này xuất phát từ khuyết điểm của các cấp chính quyền không thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng, cụ thể là Khoản a Điều 3 của Chỉ thị 1940/2008 về đất đai trong “trường hợp cơ sở tôn giáo có nhu cầu chính đáng sử dụng nhà, đất đó vào mục đích tôn giáo thì tùy từng trường hợp cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể xem xét giao nhà, đất với diện tích phù hợp; hoặc tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở mới theo quy định của pháp luật”.

Ngược lại cũng có không ít hiện tượng các cá nhân hoặc nhóm cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để có các hành vi trục lợi, lừa bịp, buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan. Những điều này dẫn đến làm mất uy tín của tôn giáo, gây khó xử cho chính quyền.

Vẫn còn có hiện tượng muốn Nhà nước “ưu tiên, ưu đãi”, hoặc lạm dụng sự thân thiện của chính quyền để khuếch trương tôn giáo, gây hiểu lầm của xã hội về thái độ của Nhà nước đối xử không công bằng giữa các tôn giáo, ưu đãi tôn giáo này, khó khăn với tôn giáo kia. Cũng có trường hợp lợi dụng phương tiện truyền thông và quan hệ với bên ngoài để biến một khuyết điểm nhỏ của chính quyền địa phương thành hành động đàn áp giáo dân, gây căng thẳng không đáng có giữa chính quyền và tôn giáo.

Tất cả những hiện tượng trên dù về phía nào cũng trái với tinh thần tự do tôn giáo, tín ngưỡng và nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền.

3. Cần nhiều quy định cụ thể hơn nhằm thực hiện tốt chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước

Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân.

Từ thực tiễn của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, các cơ quan có trách nhiệm đang đề nghị sửa đổi một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Đây là điều cần thiết để hoàn thiện hơn nữa chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, như thực tiễn cho thấy những vụ việc va chạm, khúc mắc giữa tổ chức tôn giáo, chức sắc và tín đồ với chính quyền thường nảy sinh ở các địa phương. Do vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là khâu thực hiện chính sách.Đây là lĩnh vựcthuộc trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, các cấp chính quyền địa phương. Khâu  thực hiện chính sách  bao hàm việc ban hành các văn bản pháp quy dưới luật (như nghị định của Chính phủ, Chỉ thị, quyết định của Thủ tướng; thông tư của bộ, các văn bản pháp quy khác của chính quyền địa phương) và các hành vi thực tế của công chức và cơ quan hành chính, các tổ chức và cá nhân công dân liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo.

Những văn bản pháp lý của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Nội vụ được ban hành trong những năm gần đây để thực hiện chính sách tôn giáo đã tạo hành lang pháp lý và chỉ dẫn cần thiết cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong đối xử với các tổ chức tôn giáo, các chức sắc và tín đồ tôn giáo ở địa phương.

Để hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện chính sách tôn giáo, xin đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chủ trương sau:

- Để tránh việc người không phải tín đồ lợi dụng tôn giáo làm những điều không đúng, cần quy định các tổ chức tôn giáo phải có trách nhiệm quản lý tín đồ của mình bằng cách đăng ký tín đồ tại tổ chức tôn giáo cơ sở.

- Nghị định 92 có đề cập tới việc phải đăng ký trước về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong năm sau cho chính quyền. Để thuận lợi và khả thi hơn chỉ nên quy định người đại diện cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng phải thông báo (hoặc xin phép để cấp có thẩm quyền chấp thuận) trước bao nhiêu ngày đối với mỗi hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng là đủ.

-Trong nhà nước pháp quyền, việc giải quyết các tranh chấp hoặc vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (dù là liên quan đến nhà, di tích, đất đai hay tuyên truyền đạo trái phép...) tùy theo tính chất rút cuộc sẽ phải được giải quyết theo các quy định của Luật Hình sự, Luật Dân sự hoặc Luật Hành chính. Do vậy, cần rà soát lại những Luật này để bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2016

(1) Nghị quyết số 25 của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX năm 2003, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

(2), (4) Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếpĐức Hồng y Reinhard Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Báo điện tử Chính phủ, ngày 11-1-2016.

(3) Số liệu Tổng điều tra dân số năm 2009, Tổng cục Thống kê.

(5) TS Phạm Huy Thông: Tình hình tôn giáo và những yêu cầu đặt ra với công tác tôn giáo vận, Website Ban Tôn giáo Chính phủ.

 

PGS, TS Vũ Hoàng Công

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền