Trang chủ    Bài nổi bật    Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng
Thứ hai, 22 Tháng 5 2017 11:38
20163 Lượt xem

Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng

(LLCT) - Trên cơ sở 5 quan điểm phát triển đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, qua thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và xuất phát từ tình hình thực tiễn mới, Đại hội XII của Đảng đã đề ra 4 quan điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 như sau:

1. Tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Đồng thời, Nhà nước sử dụng thể chế, các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo(1). Như vậy, so với quan điểm phát triển thứ nhất trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên trong Chiến lược”(2), thì quan điểm phát triển do Đại hội XII đề ra có những điểm mới. Điều này cũng là tất yếu, bởi lẽ, thực tiễn đã có những thay đổi. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có nước ta. Kinh tế thị trường, tiến bộ, công bằng, dân chủ - pháp quyền, hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia,v.v.. đang là xu thế chung của nhân loại. Hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế của nước ta ngày càng sâu rộng. Hơn nữa, sau 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều. Đảng và Nhà nước ta đã có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Qua 5 năm (2011-2015), tuy chúng ta đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình hình này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, sáng tạo.

Đảng ta nhấn mạnh, giai đoạn 2016-2020, trước hết phải tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tình hình thế giới đang có nhiều biến động khó lường, khoa học - công nghệ phát triển nhanh, cho nên lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội phải sáng tạo, tránh giáo điều, rập khuôn, máy móc. Hơn nữa, chính việc chưa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã làm cho nền kinh tế thị trường chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, chưa hiện đại, thiếu minh bạch. Do vậy, những tàn dư của cơ chế bao cấp, cơ chế xin - cho vẫn tồn tại nhưng trá hình, biến tướng khác nhau, khó khắc phục. Chính những điều này đã níu kéo, cản trở chúng ta phát triển nhanh, làm cho nền kinh tế thiếu lành mạnh, những mặt trái của cơ chế thị trường có đất để tồn tại, gây tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội.

Một mặt, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhưng mặt khác, Đảng ta nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc giữ vững định hướng XHCN. Vai trò của Nhà nước thể hiện trong việc phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội. Để thực hiện được vai trò này, Nhà nước phải sử dụng thể chế, các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại cho hợp lý. Như vậy, quan điểm phát triển này đã gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo cho con người. Thực hiện được quan điểm phát triển này tất yếu sẽ thực hiện được quan điểm phát triển bền vững mà các kỳ Đại hội Đảng ta đã đề ra.

2. Bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước(3). Như vậy, quan điểm phát triển thứ hai này được Đại hội XII thông qua cũng có những điểm mới so với quan điểm phát triển thứ hai của Đại hội XI: “Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(4).

Quan điểm phát triển này vẫn tiếp tục tinh thần Đại hội XI là chú ý bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng có điểm mới là gắn với nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chúng ta đều rõ, nếu kinh tế vĩ mô không ổn định thì không thể phát triển nhanh. Nhưng nếu kinh tế vĩ mô ổn định nhưng năng suất lao động không cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế kém thì cũng không thể phát triển nhanh được. Do vậy, trong xác định mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 Đại hội  nhấn mạnh: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh”(5). Phát triển nhanh phải gắn với phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, gắn với phát triển văn hóa, xã hội, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh, môi trường hòa bình.

Đại hội XII đã gắn kết phát triển nhanh với phát triển kinh tế tri thức và kinh tế xanh. Mặc dù so với điều kiện hiện tại thì đây là yêu cầu cao, nhưng đó là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế của nhân loại và cũng là yêu cầu đối với Việt Nam. Đảng ta chỉ rõ, phát triển nhanh, nhưng phải “gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”(6); coi “Bảo vệ môi trường tự nhiên vừa là nội dung, vừa là mục tiêu phát triển bền vững”(7). Đây là quan điểm phát triển đúng đắn, vừa phản ánh được yêu cầu khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển, vừa phù hợp xu thế phát triển bền vững, tiến bộ của nhân loại.

3. Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và định hướng phát triển của Nhà nước. Tập trung tạo dựng thể chế, cơ chế, chính sách và môi trường, điều kiện ngày càng minh bạch, an toàn, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tự do sáng tạo, đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường. Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của người dân trong hoàn thiện và thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, lấy phục vụ nhân dân và lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất(8).

Như vậy, quan điểm phát triển thứ ba của Đại hội XII đề ra cũng có những điểm mới so với Đại hội XI: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”(9). Đại hội XII đã nêu rõ vai trò của Nhà nước pháp quyền XHCN trong quản lý, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, trong tạo dựng thể chế, cơ chế, chính sách,v.v.. nhằm mục tiêu tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi, tối ưu nhất cho mọi công dân, mọi doanh nghiệp phát huy năng lực, sở trường, sự sáng tạo, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Quan điểm thứ ba này còn thể hiện rõ vai trò của Nhà nước trong xây dựng nền hành chính nhà nước hiện đại, lấy phục vụ nhân dân và lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất.

Như vậy, quan điểm nhất quán của Đảng ta là, Nhà nước pháp quyền XHCN và nền hành chính của nhà nước không có mục đích nào khác ngoài mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích quốc gia. Muốn vậy, nền hành chính nhà nước phải hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm. Thực ra, những nội dung này đã được Đảng và Nhà nước đề cập, nhưng với tư cách là một quan điểm phát triển kinh tế - xã hội thì đây là lần đầu được Đại hội XII đưa ra.

4. Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh, bền vững. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực, nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế(10).

Quan điểm phát triển thứ tư này có điểm tương đồng với quan điểm phát triển thứ năm của Đại hội XI: “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”(11). Tuy nhiên, quan điểm phát triển thứ tư của Đại hội XII có những điểm mới, đó là nhấn mạnh vai trò của nội lực trong mối quan hệ với ngoại lực cũng như tầm quan trọng của việc tạo dựng những điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam làm động lực, nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Điều này là hoàn toàn đúng với tinh thần của phép biện chứng duy vật, trong mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực thì nội lực đóng vai trò quyết định, ngoại lực đóng vai trò quan trọng. Ngoại lực chỉ có thể được phát huy thông qua nội lực. Hơn nữa, thực tế cho thấy nguồn nội lực của chúng ta rất lớn nhưng chưa được khơi dậy đầy đủ và nhất là chưa được phát huy triệt để. Nếu chúng ta tạo dựng được môi trường thuận lợi, nguồn nội lực sẽ được khai thác, phát huy tối đa cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, quan điểm phát triển này cũng thể hiện tinh thần nhất quán của Đảng ta coi “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”(12). Đây là một điểm mới trong nhận thức lý luận của Đảng ta về kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Như vậy, trong quan điểm thứ nhất, Đảng ta tập trung vào đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện hội nhập quốc tế. Đảng ta khẳng định lại và cụ thể hóa quan điểm về kinh tế thị trường định hướng XHCN; nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm định hướng XHCN của sự phát triển. Đây là quan điểm nền tảng làm cơ sở cho các quan điểm khác. Bởi lẽ, chúng ta cần có sự thống nhất về bản chất nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì mới có thể bàn về phương thức phát triển. Quan điểm thứ hai quan tâm tới việc gắn phương thức phát triển với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh. Rõ ràng là nếu chúng ta không gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh thì không thể giữ vững định hướng XHCN của sự phát triển. Bởi lẽ, những vấn đề văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh là những vấn đề thể hiện rõ nhất bản chất định hướng XHCN của sự phát triển. Quan điểm thứ ba đề cập đến hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân cũng như hoàn thiện nền hành chính nhà nước. Mục tiêu của quan điểm này là Nhà nước và nền hành chính nhà nước phải phát huy được quyền dân chủ của người dân, tạo ra được điều kiện, môi trường, cơ chế, chính sách, v.v.. thuận lợi nhất cho kinh tế - xã hội phát triển. Nhà nước, nền hành chính nhà nước phải lấy phục vụ nhân dân và phục vụ lợi ích quốc gia làm mục tiêu cao nhất. Quan điểm thứ tư quan tâm tới quan hệ biện chứng giữa nguồn nội lực và ngoại lực, trên cơ sở đó phải chủ động hội nhập, tận dụng các nguồn ngoại lực cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Bởi lẽ, để phát triển nhanh chúng ta nhất định phải hội nhập quốc tế, nhưng để bền vững ta phải dựa vào chính bản thân ta là chính. Đồng thời, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân phát triển để nâng cao tính cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Điều này cũng hoàn toàn thống nhất với quan điểm của Đảng ta coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN.

Như vậy, bốn quan điểm mà Đại hội XII của Đảng nêu ra đã bao quát toàn bộ các yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong 5 năm tới. Các quan điểm này có quan hệ nội tại, biện chứng với nhau, tác động, ảnh hưởng và bổ sung cho nhau. Quan điểm thứ nhất là nền tảng, cơ bản; các quan điểm sau là những cụ thể hóa, quán triệt quan điểm thứ nhất vừa thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ.

Quán triệt tốt các quan điểm này, nhất định chúng ta sẽ giữ vững được định hướng XHCN. Quán triệt tốt các quan điểm phát triển mà Đại hội XII đề ra, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải nhận thức sâu sắc và đặc biệt phải biết vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện cho tốt trên thực tế từng chủ trương, từng chính sách, từng giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2016

(1), (3), (5), (6), (7), (8), (10), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.269, 270, 271, 299, 141, 270, 270- 271, 103.

(2), (4), (9), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.98, 99, 100, 102.

 

GS, TS Trần Văn Phòng

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền