Trang chủ    Bài nổi bật    Tha hóa quyền lực và kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay
Thứ hai, 10 Tháng 7 2017 16:48
5950 Lượt xem

Tha hóa quyền lực và kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Tha hóa quyền lực nhà nước là xu hướng khó tránh khỏi, nếu thiếu thiết chế, cơ chế kiểm soát có hiệu lực, hiệu quả. Ở nước ta, tình trạng tha hóa quyền lực đã và đang dẫn đến tham nhũng, lãng phí với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Vì vậy, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương là nhiệm vụ cấp thiết. Để làm được điều đó, phải có quyết tâm chính trị cao, mặt khác phải tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.

1. Thời gian gần đây, vấn đề tha hóa quyền lực nói chung và tha hóa quyền lực nhà nước nói riêng được bàn luận khá nhiều trên các diễn đàn khoa học. Tha hóa là một phạm trù triết học mang tính trừu tượng, phức tạp. Nhưng hiểu theo nghĩa chung nhất, tha hóalà “sự chuyển hóa của những hiện tượng và quan hệ nào đó thành một cái gì khác với bản thân chúng”(1). Tha hoá chính là quá trình biến thành (trở thành) cái khác, cái tha hoá chính là cái ban đầu được biểu hiện là cái khác. Nói một cách cụ thể, đó là hiện tượng làm biến tướng bản chấthoặc mục đíchcủa sự vật, hiện tượng.

Quyền lực xã hội khởi nguyên là của nhân dân, của cộng đồng. Các hình thức cộng đồng người dù tồn tại dưới hình thức đơn sơ, quy mô nhỏ nhất cho đến phức tạp và rộng lớn nhất đều được đặt dưới sự lãnh đạo, quản lý của một bộ máy (một người, một tổ chức, một cơ quan) có quyền lực nhất định. Về bản chất thì quyền lực không phải của bộ máy đó, mà do cộng đồng, nhân dân trao quyền, ủy quyền cho nó để sử dụng vì mục đích chung. Tha hóa quyền lực là hiện tượng làm biến tướng bản chất, mục đích đó của quyền lực. Đó là hiện tượng biến quyền lực của cộng đồng, của nhân dân trao cho, ủy quyền thành quyền lực của bộ máy, biến quyền lực của bộ máy thành quyền lực của nhóm người, của cá nhân thực hiện vì mục đích của bộ máy, nhóm người, cá nhân; đó còn là tình trạng không thực thi được quyền được giao do vô trách nhiệm, thiếu nỗ lực hay thiếu năng lực, ảnh hưởng đến mục đích chung v.v..

Tha hóa quyền lực là hiện tượng phổ biến trong lịch sử nhân loại từ xưa đến nay, nhất là đối với quyền lực nhà nước. Sự xuất hiện nhà nước đã là một sự tha hóa quyền lực.Bởi lẽ, nhà nước là những cơ quan của xã hội, “nảy sinh ra từ xã hội, nhưng đứng trên xã hội và ngày càng tách rời khỏi xã hội”(2). Khắc phục tình trạng tha hóa quyền lực đó là một quá trình lâu dài, là quá trình chuyển biến từ “nhà nước nguyên nghĩa” thành “nhà nước không nguyên nghĩa”,  “nhà nước nửa nhà nước” và là quá trình “tự tiêu vong” của nhà nước “nửa nhà nước”, tức là quá trình “Sự can thiệp của chính quyền nhà nước vào các quan hệ xã hội sẽ hóa ra thừa trong hết lĩnh vực này đến lĩnh vực khác và tự lịm dần đi. Việc cai quản người sẽ nhường chỗ cho việc quản lý vật và chỉ đạo quá trình sản xuất. Nhà nước không “bị xóa bỏ”, nó tự tiêu vong”(3).

Bàn về tha hóa quyền lực nhà nước, trước hết phải làm rõ bản chấtvà mục đích của nó. Nhà nước xuất hiện trong những cuộc xung đột giữa các giai cấp, là bộ máy quản lý xã hội có sự đối kháng giai cấp, “cho nên theo lệ thường,nhà nước là nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, của giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước, mà cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị”(4). Do đó, nhà nước về bản chất là quyền lực của một giai cấp, của giai cấp thống trị về mặt kinh tế, của giai cấp “đại biểu cho toàn thể xã hội trong thời đại của mình(5).

Sự xuất hiện và tồn tại nhà nước theo “nguyên nghĩa” của nó là một tất yếu khách quan, là nhu cầu tồn tại và phát triển của xã hội có sự phân chia thành giai cấp. Coi nhà nước là cơ quan đứng trên các giai cấp, “điều hòa các giai cấp” - như V.I Lênin đã chỉ ra - là “không tưởng, tiểu tư sản”, là “Sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác”(6). Bởi lẽ “Theo Mác, nếu có thể điều hòa được giai cấp thì nhà nước không thể xuất hiện và cũng không thể đứng vững được”(7). Ngay khi nói đến nhà nước kiểu mới, nhà nước XHCN, “nhà nước nửa nhà nước”, “nhà nước không nguyên nghĩa”, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chỉ ra rằng: “những người lao động cần có “nhà nước”, “tức là giai cấp vô sản được tổ chức thành giai cấp thống trị”(8).

Tuy nhiên,nói như thế không có nghĩa là có chính quyền nhà nước trong tay rồi giai cấp đó có thể sử dụng nhà nước như công cụ để thực hiện những lợi ích ích kỷ của mình. Nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào giai cấp cầm quyền, vào sức mạnh của bộ máy, của bạo lực, mà còn tùy thuộc rất lớn vào mức độ phù hợp của nó đối với yêu cầu phát triển xã hội, mức độ ủng hộ của xã hội, của quần chúng nhân dân. Hay nói cách khác, nhà nướckhông chỉ có chức năng giai cấp, chức năng chính trị (thực hiện sự thống trị chính trị của giai cấp cầm quyền), mà còn có chức năng xã hội (giải quyết các vấn đề xã hội, những công việc chung của xã hội, quản lý, điều tiết sự phát triển xã hội vì lợi ích chung) do xã hội giao cho.

Nói về vai trò của chức năng xã hội đối với sự thống trị chính trị của một giai cấp, Ph. Ăngghen viết: “chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào còn thực hiện chức năng xã hội đó của nó”(9). Như vậy, nhà nướccó hoàn thành được chức năng xã hội: duy trì xã hội trong vòng trật tự, thúc đẩy xã hội phát triển tiến bộ, giải quyết được lợi ích chung của xã hội, vượt qua được sự khủng hoảng, xung đột gay gắt trong xã hội… thì giai cấp đó mới có thể thực hiện được sự thống trị chính trị đối với xã hội, giai cấp đó mới có thể bảo vệ và thực hiện lợi ích cơ bản của giai cấp mình một cách có hiệu quả nhất. Chỉ khi nhà nước có hoàn thành được chức năng xã hội thì xã hội, quần chúng nhân dân mới chấp nhận sự thống trị chính trị của giai cấp, mới thừa nhận và ủng hộ chính quyền nhà nước của giai cấp đó. Ngược lại, để nảy sinh những xung đột gay gắt, sự hỗn loạn, suy thoái, khủng hoảng thì sớm muộn nhân dân sẽ nổi dậy làm cách mạng lật đổ sự thống trị của giai cấp đó.

Vì vậy, nói đến tha hóa quyền lực nhà nước là nói đến các khía cạnh: Biến quyền lực chính trị của giai cấp thành quyền lực của bộ máy, biến “Bộ máy phục vụ chính trị” thành “chính trị phục vụ bộ máy”(10); biến quyền lực của nhà nước thành quyền lực của cá nhân hay của các nhóm quyền lực làm méo mó mục đích tự thân của quyền lực nhà nước; biến quyền lực chính trị của giai cấp thành quyền lực của giai cấp hiểu theo nghĩa hẹp hòi, ích kỷ; biến quyền lực của giai cấp tiên tiến “đại biểu” cho xã hội trong thời đại đó, thành quyền lực của giai cấp đã lỗi thời, phản độngv.v..

Ngay cả đối với nhà nước kiểu mới, nhà nước tiến bộ nhất, “nhà nước của nhân dân”, “do nhân dân tự quy định” (C.Mác) vẫn có khả năng bị tha hóa quyền lực. V.I.Lênin trong quá trình lãnh đạo xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước vô sản đầu tiên đã phải đối mặt với tình trạng tha hóa quyền lực, tình trạng quan liêu hoành hành trong chính quyền Xô viết. Người đã chỉ ra sự cần thiết phải kiên quyết, kiên trì, bền bỉ trong cuộc đấu tranh khắc phục tình trạng tha hóa này. Lênin đã chỉ ra rằng, để đoạn tuyệt với quan liêu phải “thi hành ngay những biện pháp khiến tất cả mọi người đều làm chức năng kiểm sát và giám thị, khiến tất cả mọi ngườiđều tạm thời biến thành “quan liêu”, và do đó, khiến không một aicó thể biến thành quan liêu được”(11). Rằng “Chỉ khi nào toàn thể nhân dân đều tham gia quản lý thì khi ấy mới có thể đả phá chủ nghĩa quan liêu đến cùng, đến thắng lợi hoàn toàn được”(12). Hay nói cách khác, chỉ khi nào không còn nhà nước cuộc đấu tranh ngăn chặn, khắc phục tình trạng tha hóa quyền lực nhà nước, tình trạng quan liêu mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Do đó, không chỉ những nhà nước trước đây, những nhà nước của giai cấp bóc lột, mà ngay nhà nước vô sản, nhà nước của nhân dân lao động, tình trạng tha hóa quyền lực vẫn có khả năng xuất hiện, vẫn là hiện hữu.

2. Trong những năm gần đây, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát quyền lực. Vấn đề kiểm soát quyền lực đã được Đảng đưa vào Văn kiện Đại hội XI và là một trong những nội dung quan trọng của Đại hội XII. Đó là do yêu cầu cấp thiết ngăn chặn, khắc phục tình trạng tha hóa quyền lực nhà nước đang dẫn đến tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước(13). Vì vậy, Đại hội XII nhấn mạnh “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”(14).

Hiện nay, người ta thường nói đến các phương thức kiểm soát quyền lực từ bên trong bộ máy nhà nước và kiểm soát quyền lực từ bên ngoài nhà nước. Đối với nhà nước dân chủ, nhà nước pháp quyền, hai phương thức này đều rất cần thiết. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, việc xây dựng các phương thức này có tính đặc thù riêng, xuất phát từ điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa và truyền thống của đất nước.

Là nhà nước pháp quyền kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước chủ yếu là nói đến sự kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước: quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước không chỉ dưới hình thức đó, nhưng đó là hình thức cơ bản nhất.

Đối với các nhà nước pháp quyền tư sản, hình thức phổ biến là tổ chức, kiểm soát quyền lực dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập (phân lập các quyền): phân công các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp cho những cơ quan khác nhau và các cơ quan thực hiện các quyền lực đó tồn tại trong cơ chế kiềm chế, đối trọngvới nhau. Phân lập các quyền ngoài sự phân biệt, phân công ba quyền, mục đích chính là để tránh sự tha hóa quyền lực nhà nước, sự độc đoán, chuyên quyền, lạm dụng quyền lực. Nhưng phân lập các quyền giữa các cơ quan thực hiện quyền lực cũng có những mặt trái của nó. Do đó, ở các nước phương Tây cũng xuất hiện quan điểm cho rằng không nên cường điệu ý nghĩa mang tính chất lý thuyết của thuyết phân lập các quyền. Hơn nữa, thuyết phân quyền của phương Tây không chỉ thuần túy ở khía cạnh kỹ thuật tổ chức - pháp lý, mà còn là đặc trưng xã hội - chính trị của nhà nước pháp quyền tư sản. Hay nói cách khác, không chỉ là phân lập các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà còn là việc phân chia quyền lực, phân bố quyền lực giữa các giai cấp và các nhóm xã hội, các lực lượng xã hội.

Nhà nước ta hiện nay là nhà nước pháp quyền, nhưng là nhà nước pháp quyền XHCN. Quyền lực nhà nước ta là thống nhất, không phân chia, chúng ta không tổ chức, kiểm soát quyền lực theo “cơ chế kiềm chế, đối trọng” giữa các cơ quan thực hiện quyền lực như các nhà nước pháp quyền tư sản.

Hình thức tổ chức, kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta từng bước được hình thành trên cơ sở thực tiễn đổi mới. Hình thức đầu tiên tổ chức, kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta thể hiện ở nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước mà Đảng ta khẳng định trong Văn kiện Đại hội IX là: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(15). Tuy nhiên, sau 10 năm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, thực tiễn chỉ ra rằng vẫn xảy ra tình trạng tha hóa quyền lực: chồng chéo, lạm quyền, lộng quyền, bỏ sót quyền. Vì vậy, đến Đại hội XI, Đảng ta  đưa một nội dung mới vào nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(Bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(16).

Để hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả thiết thực, vấn đề đặt ra hiện nay là phải cụ thể hóa nguyên tắc trên thành những cơ chế, thiết chế cụ thể. Trước hết là,cơ chế thiết chế bảo đảm sự phân công, phối hợp. Một cơ quan được giao quyền nhưng không có đủ điều kiện, năng lực thực hiện quyền thì không tránh khỏi tình trạng tha hóa quyền lực (bỏ sót quyền, hoặc xuất hiện sự lạm quyền từ những cơ quan khác...). Thứ hai là,cơ chế, thiết chế kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp như chức năng giám sát tối cao của Quốc hội; chức năng thanh tra của Thanh tra Chính phủ; hoạt động kiểm soát quyền lực của cơ quan tư pháp v.v.. Những cơ chế, thiết chế có cụ thể, có tính khả thi, hoặc thực hiện nghiêm minh hay không?. Cho đến nay ở nước ta vẫn có tình trạng “chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả”(17). Vì vậy, trong Văn kiện Đại hội XII vẫn khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là: “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền. Đồng thời, quy định rõ hơn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền; tiếp tục phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương”(18).

Để ngăn ngừa, khắc phục tha hóa quyền lực nhà nước đi đôi với phương thức kiểm soát trong bộ máy là phương thức kiểm soát từ bên ngoài nhà nước. Phương thức này rất đa dạng, phong phú, được thực hiện thông qua các hình thức như bầu cử của cử tri; hoạt động kiểm tra của Đảng; hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; hoạt động giám sát của các phương tiện truyền thông... Phương thức kiểm soát trong bộ máy, hoạt động kiểm tra của Đảng là cơ bản và không thể thiếu, nhưng thực tế cho thấy, không ai giám sát bộ máy để giúp kiểm soát quyền lực tốt hơn sự giám sát của chính người dân (thông qua các tổ chức, công luận, các hoạt động phản biện xã hội, khiếu kiện, tố cáo...). Để nâng cao hiệu quả của hình thức kiểm soát quyền lực này, trước mắt phải “Thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy định về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các quy định quy chế khác”(19).

Điều đó đòi hỏi, một mặt phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao tính quần chúng, tính độc lập, chủ động, sáng tạo, khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” của các tổ chức đó. Đồng thời, phải nâng cao trình độ dân trí (ý thức, năng lực và đòi hỏi dân chủ của người dân); tạo lập những thiết chế, cơ chế, những quy định cụ thể, rõ ràng, có tính khả thi cao để nhân dân tham gia công việc nhà nước, quản lý, giám sát hoạt động của các cơ quan, cán bộ nhất là những người có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước.

Tóm lại,có quyền lực (bộ máy, cơ quan, cá nhân) rất dễ dẫn tới tha hóa quyền lực (lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền...), kể cả trong CNXH. Do đó, phải có cơ chế, thiết chế kiểm soát quyền lực phù hợp và thực hiện một cách nghiêm minh. Đây là vấn đề phức tạp không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm chính trị, bản lĩnh chính trị, mà còn tùy thuộc vào năng lực phát hiện, tìm kiếm những hình thức kiểm soát quyền lực như thế nào cho phù hợp với thực tiễn và thực hiện với hiệu quả cao. Vì vậy, trong điều kiện nước ta hiện nay, bên cạnh đấu tranh quyết liệt với những hiện tượng tha hóa quyền lực, phải tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn thiện thiết chế, cơ chế kiểm soát quyền lực.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2016

(1) Từ điển Triết học, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.1056.

(2), (4) C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.253, 255.

(3), (5), (9) C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.389-390, 389, 253.

(6), (7), (8), (11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.33, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1976, tr.9, 10, 20, 134.

(10) V.I.Lênin: Toàn tập, t.43, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tr.447.

(12) V.I.Lênin: Toàn tập, t.38, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tr.205.

(13), (14), (17), (18), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.185, 47, 173, 176-177, 170.

(15), (16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.131-132, 85.

 

GS, TS Trần Thành

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền