Trang chủ    Bài nổi bật    Đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên theo Hướng dẫn số 27 của Ban Tổ chức Trung ương
Thứ hai, 10 Tháng 7 2017 16:55
5877 Lượt xem

Đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên theo Hướng dẫn số 27 của Ban Tổ chức Trung ương

(LLCT) - Đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên là một phương thức quan trọng trong công tác xây dựng đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; kết quả đánh giá, phân loại là cơ sở để các cấp ủy đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế; là căn cứ để thực hiện tốt các nội dung về công tác cán bộ, đảng viên.

Ngày 25-9-2014, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW về kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), đảng viên hằng năm. Hướng dẫn số 27 có nội dung, tiêu chí khá cụ thể; quy trình, phương pháp đánh giá rõ ràng, đồng bộ, làm cơ sở cho các cấp ủy vận dụng, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Hướng dẫn đã có  hệ tiêu chí, tiêu chuẩn, biểu điểm rõ ràng, kết hợp giữa định lượng với định tính, có cơ cấu phân loại phù hợp; việc đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên hằng năm đã dựa trên kết quả kiểm điểm của tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý và đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Do vậy, thực hiện Hướng dẫn 27 đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá, phân loại và định hướng mục tiêu phấn đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

1. Những chuyển biến tích cực

Sau 3 năm thực hiện Hướng dẫn 27, việc đánh giá, phân loại TCCSĐ và đảng viên đã có sự chuyển biến tích cực.

Việc đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên ngày càng thực chất, khách quan, khắc phục dần bệnh thành tích. Việc đánh giá, phân loại TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh; trong sạch, vững mạnh tiêu biểu và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được thực hiện chặt chẽ và sát hơn. Do vậy, so với trước, số TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh và trong sạch vững mạnh, tiêu biểu giảm nhiều cả về số lượng và tỷ lệ. Năm 2016 có 31.911 TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh, chiếm 56,38%(1) (giảm 2,22% so với năm 2015, giảm 5,64% so với năm 2014 và giảm 21,42% so với năm 2013). Số đảng bộ trực thuộc Trung ương có số lượng TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh giảm nhiều so với năm 2014 là: Sóc Trăng giảm 33,3%; Bình Dương giảm 25,7%; Công an Trung ương giảm 18,6% … Nhiều đảng bộ bảo đảm tỷ lệ TCCSĐ trong sạch, vững mạnh đúng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương qua các năm từ 2014 đến 2016 (không quá 50% TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ), như: Thanh Hóa, Bình Thuận, Nghệ An, Tây Ninh, Tiền Giang, Phú Thọ… Số TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu giảm liên tục qua các năm (năm 2016 có 8.294, chiếm 25,99%, giảm 273 đảng bộ, chi bộ cơ sở so với năm 2015 và giảm 1.264 đảng bộ, chi bộ so với năm 2014).

Số TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ tăng lên nhiều, giảm số TCCSĐ yếu kém. Năm 2016, số TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ là 20.376, đạt 36%(2), (tăng 1% so với năm 2015 và tăng 5,02% so với năm 2014). Số TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ năm 2016 là 4.090, đạt 7,23% (tăng 1,13% so với năm 2015 và tăng 0,69% so với năm 2014). Số TCCSĐ yếu kém giảm 57 đảng bộ, chi bộ so với năm 2014.

Số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ giảm, tăng số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2016, số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 512.224, đạt 11,99% (giảm 0,33% so với năm 2015 và giảm 0,66% so với năm 2014); số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ là 3.249.469, đạt 76,06% (0,56% so với năm 2015 và tăng 1,46% so với năm 2014); số đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là 490.331, đạt 11,48% (giảm 0,38% so với năm 2015 và giảm 1,1% so với năm 2014).  

Kết quả trên cho thấy, hầu hết các cấp ủy đảng, đảng viên đều thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm, thẳng thắn trong tự kiểm điểm, phân tích mặt mạnh, yếu của cơ quan, đơn vị, chỉ ra những nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ.

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đáng giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên từng bước được nâng lên. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu và các cấp ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai, cụ thể hóa các nội dung, phương pháp đánh giá, phân loại đối với từng loại hình tổ chức đảng và đảng viên. Cấp ủy cấp trên trực tiếp cơ sở đã phân công lãnh đạo, chuyên viên các ban xây dựng đảng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và thẩm định kết quả đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ, đảng viên; các tổ chức đảng đã quán triệt đầy đủ các văn bản hướng dẫn của cấp trên và thực hiện đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên nghiêm túc.

Các cấp ủy quan tâm chỉ đạo sâu sát việc xây dựng kế hoạch triển khai, cụ thể hóa các nội dung đánh giá thành các biểu điểm chi tiết phù hợp với từng loại hình TCCSĐ, các tiêu chí phân loại, phương pháp đánh giá đối với từng loại hình tổ chức đảng và đảng viên; quy trình và phương pháp đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc hơn. Do đó, số đảng bộ có tỷ lệ TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh dưới 50% và tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dưới 15% so với tổng số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ giảm với năm 2014.

Kết quả đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên theo Hướng dẫn 27 đã gắn chặt chẽ với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là gắn kết quả kiểm điểm tập thể, cá nhân, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiến hành thẩm định kết quả đánh giá của các tổ chức đảng trực thuộc đảm bảo yêu cầu.

2. Một số hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên theo Hướng dẫn 27 còn có những hạn chế, yếu kém:

Việc đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên ở một số nơi vẫn còn biểu hiện bệnh thành tích, chưa phản ánh đúng thực chất: Tỷ lệ TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh vẫn cao so với năm 2014, như Hậu Giang tăng 17%, Lâm Đồng tăng 11,5%, Đảng ủy Ngoài nước tăng 7,4%, Bình Thuận tăng 6%, Quảng Nam tăng 5,1%, Phú Yên tăng 3,7%...

Nhiều đảng bộ có tỷ lệ phân loại TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh và trong sạch, vững mạnh tiêu biểu còn cao so với quy định của Trung ương: Đạt trong sạch, vững mạnh: Đảng bộ ở tỉnh Hà Nam 82,8%; Đảng ủy Ngoài nước 81,1%; Đồng Nai 79,1%; Bắc Ninh 78,9%; Hà Giang 78,1%; Hải Dương 75,8%; Thái Bình 73,8%; Yên Bái 72,6%; Quảng Trị 74,8%(2) …; đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu: Hải Dương 42%; Đảng bộ Quân đội 39,9%; Hưng Yên 38,8%; Thanh Hóa 36,6%; Nam Định 34,8%; Hà Nam 33,5%; Bắc Kạn 32,5%; Ninh Thuận 32,5%(3)

Một số cấp ủy cấp trên chỉ đạo thiếu chặt chẽ; chưa kịp thời uốn nắn, thiếu cương quyết đối với những nơi chưa thực hiện đúng Hướng dẫn 27; chưa kiểm tra, thẩm định kỹ kết quả đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng cấp dưới; chưa đề ra chủ trương, giải pháp một cách hiệu quả nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Việc tổng hợp báo cáo kết quả đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên về cấp ủy cấp trên của một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn hạn chế: chất lượng báo cáo sơ sài, chưa chỉ ra được nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm; thời gian gửi báo cáo chậm theo quy định; số liệu báo cáo còn mâu thuẫn, thiếu chuẩn xác.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là:

- Một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa chỉ đạo chặt chẽ về quy trình, phương pháp, cách làm việc đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên hằng năm; chưa cụ thể hóa các nội dung đánh giá thành những tiêu chí, biểu điểm phù hợp, sát với tình hình, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình TCCSĐ và từng đối tượng cán bộ, đảng viên; khi xem xét quyết định phân loại vẫn còn biểu hiện nể nang, thậm chí phiến diện, hình thức.

- Một số nơi do quá chú trọng thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh, tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm nên không thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 27 dẫn đến tỷ lệ TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quá cao so với quy định.

- Việc chỉ đạo của cấp ủy và phối hợp giữa chính quyền, cơ quan chuyên môn với mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong công tác đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên ở nhiều nơi còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ.

- Công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định kết quả đánh giá của một số cấp ủy cấp trên thiếu chặt chẽ, còn tư tưởng nể nang, ngại va chạm, chưa mạnh dạn góp ý thẳng thắn những khuyết điểm của tổ chức đảng và đồng chí mình. Một số đảng viên chưa nên cao tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Số đảng viên có mặt hạn chế và không hoàn thành nhiệm vụ còn khá nhiều (năm 2015, có 201.793 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ nhưng có mặt hạn chế, trong đó: 99.289 đảng viên chưa tận tụy với công việc; 99.927 đảng viên còn hạn chế trong sinh hoạt đảng và 2.577 đảng viên là bí thư chi bộ để cơ quan, đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ)(5).

- Việc xử lý đảng viên vi phạm có lúc, có nơi chưa kịp thời, nghiêm minh; chưa có biện pháp tích cực để phòng ngừa, đấu tranh và xử lý những đảng viên vi phạm; tình trạng đảng viên tham những, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chậm bị phát hiện và xử lý đã ảnh hưởng đến kết quả phân loại TCCSĐ và đảng viên.

3.Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt Hướng dẫn 27

- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng và đảng viên về mục đích, yêu cầu, nội dung và quy trình, phương pháp đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên. Xác định sâu sắc rằng việc đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên là cung cấp cơ sở quan trọng để các cấp ủy đề ra chủ trương, giải pháp xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

- Tập trung củng cố các tổ chức đảng yếu kém; đề cao trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng; lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc kiểm tra, uốn nắn và xử lý những vi phạm của tổ chức, cá nhân. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện đồng bộ giữa đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 - Các cấp ủy cụ thế hóa nội dung đánh giá, tiêu chí phân loại, bảng điểm chi tiết đối với từng loại hình TCCSĐ phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất; chỉ đạo chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đánh giá, xếp loại thi đua đối với tổ chức và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước khi tiến hành đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên; đồng thời, thực hiện nghiệm chế độ báo cáo theo quy định.

- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra và thẩm định chặt chẽ việc thực hiện bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng thực chất, tránh hình thức, phiến diện. Tăng cường công tác giáo dục rèn luyện cán bộ đảng viên, để mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính tiên phong gương mẫu, tích cực, chủ động tự nghiên cứu nâng cao năng lực, nắm vững các quy định và cần cam kết với chi bộ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc giữ vững lập trường tư tưởng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống.

________________

(1), (2), (3), (4) Ban Tổ chức Trung ương: Báo cáo số 86-BC/BTCTW ngày 25-4-2017 về kết quả đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên năm 2016, tr.2, 2, 6.

(5) Ban Tổ chức Trung ương: Báo cáo số 12-BC/BTCTW ngày 06-5-2016 về kết quả đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên năm 2015, tr.7.

 

 ThS Hà Văn Luyến

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền