Trang chủ    Bài nổi bật    Công tác đối ngoại quốc phòng góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 11:13
2961 Lượt xem

Công tác đối ngoại quốc phòng góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo

(LLCT) - Đối ngoại quốc phòng Việt Nam là bộ phận quan trọng của nền ngoại giao nhà nước Việt Nam nhằm mục tiêu thiết lập và phát triển quan hệ về quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, góp phần vào công cuộc củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang, giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

(Ký kết hợp tác năm 2015 giữa Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Bộ tư lệnh Quân khu 2 (Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia), ảnh: internet).

Trong hơn 30 năm đổi mới, cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân, hoạt động đối ngoại quốc phòng không ngừng được đẩy mạnh theo hướng phát triển sâu rộng cả về phạm vi và mức độ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức, định chế quốc tế, góp phần từng bước đưa quốc phòng Việt Nam hội nhập thế giới. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, công tác đối ngoại quốc phòng đã được tích cực, chủ động triển khai và đạt được những thành tựu quan trọng. Nội dung, hình thức quan hệ hợp tác quốc phòng được đa dạng hóa, trong đó có những nội dung mang tính đột phá, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, nâng cao tiềm lực và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đến nay, Bộ Quốc phòng đã mở 34 cơ quan Tùy viên Quốc phòng tại các nước, trong đó có cơ quan thường trú tại 29 nước và 5 nước kiêm nhiệm; đã có 45 nước đặt cơ quan Tùy viên Quốc phòng tại Việt Nam, trong đó có 24 nước thường trú và 21 nước kiêm nhiệm. Nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng được ký kết, tạo cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động đối ngoại quốc phòng.

Với Mỹ, Việt Nam đã hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực huấn luyện đào tạo, y học quân sự, tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo, hợp tác kỹ thuật quân sự sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, v.v.. Thời gian qua, Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về Biển Đông, tại đó nhiều nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Với Nga, Việt Nam đã xây dựng được quan hệ hợp tác quốc phòng có hiệu quả trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Trong thời gian tới, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Nga sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng thực chất, tin cậy và có hiệu quả.

Các cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc diễn ra thẳng thắn, không né tránh các vấn đề nhạy cảm và đi đến nhận thức chung rằng cần tiếp tục hợp tác cùng phát triển, tạo dựng không khí hòa bình để lãnh đạo cao cấp có thể từng bước giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước. Hai bên đã ký Thỏa thuận về việc xây dựng đường dây thông tin điện thoại bảo mật nối thẳng giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước.

Với Ấn Độ, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như công nghệ quân sự, huấn luyện và đào tạo quân sự, diễn tập hải quân chung và trao đổi các đoàn quân sự các cấp.

Với Nhật Bản, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng ngày càng đi vào chiều sâu, thông qua các hoạt động như trao đổi đoàn các cấp, đào tạo học viên quân sự, hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu chính sách, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Với Ốtxtrâylia, hai bên mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, trong đó có lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Hai nước sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ song phương trên nhiều mặt trên các lĩnh vực trao đổi đoàn quân sự các cấp, tham vấn đối thoại, đào tạo tiếng Anh, quân y và tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh.

Trong đối ngoại quốc phòng đa phương, Việt Nam tiếp tục chủ động và tích cực tham dự Đối thoại Shangri-La, bởi đây là diễn đàn được tổ chức hàng năm ở cấp bộ trưởng quốc phòng các nước Châu Á - Thái Bình Dươngvới sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu chiến lược cao cấp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế nhằm mục đích chính là trao đổi, thảo luận và nghiên cứu tình hình quốc phòng - an ninh trong khu vực, chính sách quốc phòng của các nước và các vấn đề chiến lược có liên quan. Đối thoại Shangri-La được coi như là Hội nghị an ninh châu Á, được đánh giá tương tự Hội nghị an ninh châu Âu. Một là, tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau và sự tin cậy giữa các nước trong khu vực về những vấn đề rất quan trọng như chiến lược quốc phòng và chiến lược quân sự, từ đó đề xuất các sáng kiến để xây dựng cấu trúc an ninh đa phương vốn đang thiếu ở Châu Á - Thái Bình Dương. Hai là,đâylà diễn đàn để lãnh đạo các nước trong và ngoài khu vực Châu Á - Thái Bình Dươngcó được tầm nhìn bao quát và tương đối khách quan về xu hướng phát triển và diễn biến trong lĩnh vực quân sự, chính trị, an ninh. Ba là, cung cấp luận cứ quan trọng để các nước soạn thảo học thuyết quân sự, chiến lược quân sự và những vấn đề chiến lược liên quan tới quốc phòng - an ninh.

Hoạt động đối ngoại quốc phòng ở cấp chiến dịch của ta cũng được chú trọng với việc các đơn vị giáp biên đã chủ động tổ chức hoạt động tuần tra chung trên bộ, trên biển; tăng cường giao lưu, hợp tác, kết nghĩa cụm bản, giúp đỡ lẫn nhau với các địa phương, đơn vị của nước bạn, cùng nhau xây dựng và bảo vệ khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, góp phần quan trọng củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, thân thiện và tin cậy lẫn nhau, cũng như trong việc bảo vệ biên giới, lãnh thổ quốc gia.

Lần đầu tiên chúng ta cử lực lượng quân đội tham gia diễn tập về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và quân y tại Brunei (6-2013); chủ trì tổ chức thành công Diễn tập thực binh ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo năm 2013 (ARDEX 13); tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc trong năm 2014; đăng cai và tổ chức thành công nhiều hội nghị đa phương trong khuôn khổ ASEAN về quân y, giao lưu sĩ quan trẻ... Những kết quả hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng là biểu hiện sinh động trách nhiệm của Việt Nam với việc xây dựng lòng tin chiến lược, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, tình hình khu vực và thế giới diễn biến rất phức tạp với nhiều biến động khó lường. Những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống mới nổi lên có tác động lớn đến quốc phòng Việt Nam, liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này, đối ngoại quốc phòng của nước ta sẽ phải:

1. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về chính sách đối ngoại trong tình hình mới

Để tổ chức thực hiện tốt hoạt động đối ngoại quốc phòng, trước hết cần quán triệt sâu sắc đường lối, nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó là: giữ vững độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; với phương châm: tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả; “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Xử lý đúng đắn mối quan hệ chiến lược giữa an ninh sinh tồn và an ninh phát triển. Tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin chiến lược, hiểu biết lẫn nhau, “thêm bạn, bớt thù”; kiên trì giải quyết các bất đồng và xung đột bằng các biện pháp hòa bình, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc. Đẩy mạnh quan hệ song phương, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực; đồng thời, chủ động tham gia các hoạt động đa phương về quốc phòng - an ninh trong khu vực và quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế, với lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Trên cơ sở quán triệt chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, để nâng cao chất lượng, hiệu quả đối ngoại quốc phòng, phục vụ đắc lực nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vấn đề quan trọng là phải làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trong Đảng, trong bộ máy nà nước về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ công tác đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới. Nhận thức rõ mục đích trước mắt cũng như định hướng chiến lược lâu dài của đối ngoại quốc phòng, đồng thời duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, xây đắp tình hữu nghị, quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới; phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ tăng cường quốc phòng và an ninh, xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

2. Đẩy mạnh có trọng tâm, trọng điểm trong đối ngoại quốc phòng song phương và đa phương

Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế hợp tác quốc phòng cả song phương và đa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết các vụ việc phát sinh, không để các va chạm vượt ra ngoài tầm kiểm soát, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và quan hệ hữu nghị giữa các nước. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xác định các biện pháp hữu hiệu đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng hợp tác quân sự, quốc phòng để truyền bá các tư tưởng, luận điệu chống chế độ XHCN, chống phá lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ quân đội, hòng “phi chính trị hóa” quân đội, tách quân đội khỏi sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Chú trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác kỹ thuật - quân sự, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài nhằm từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao khả năng tác chiến của Quân đội và tiềm lực quốc phòng của đất nước.

Trong đối ngoại quốc phòng song phương, cần chú trọng trao đổi đoàn cấp cao nhằm tăng cường nhận thức chung về các vấn đề cùng quan tâm, cũng như xây dựng và duy trì sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Trong đó, các cơ chế đối thoại cấp lãnh đạo Bộ Quốc phòng và tham vấn cấp làm việc tiếp tục được thiết lập, nhằm trao đổi quan điểm, thống nhất và hiện thực hóa các nội dung hợp tác đã được ký kết.

Cùng với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương theo hướng đa dạng cả về hình thức và nội dung, ngày càng đi vào chiều sâu.

Việt Nam đã và sẽ chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm, đưa ra những quan điểm, sáng kiến có giá trị tại các diễn đàn quốc phòng, an ninh đa phương khu vực và quốc tế, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La...

3. Triển khai toàn diện, đồng bộ công tác đối ngoại quốc phòng và kết hợp chặt chẽ với đối ngoại của Nhà nước và nhân dân

Triển khai toàn diện, đồng bộ công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần tạo thế vững chắc cho hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước, xây dựng vành đai an ninh, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.

Trong thời gian tới, trên cơ sở thành tựu và kinh nghiệm đã đạt được, cần kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại quốc phòng với đối ngoại của Nhà nước và nhân dân, giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh trên thực địa để đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân ở khu vực biên giới để tuyên truyền cho nhân dân các nước có chung biên giới hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết với các nước láng giềng, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và phát triển.

4. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác đối ngoại quốc phòng

Để kịp thời thích ứng với những diễn biến của khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn công tác đối ngoại quốc phòng, nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược, tham mưu đề xuất cho Đảng, Nhà nước, cho Quân ủy Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng trong hoạch định chủ trương chiến lược, các chính sách đối ngoại quốc phòng và các biện pháp xử lý kịp thời, đúng đắn mối quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế cho phù hợp với bối cảnh quốc tế và khu vực, và với quá trình hội nhập quốc tế của nước ta. Không ngừng nâng cao hoạt động nghiên cứu dự báo, tham mưu chiến lược trong đối ngoại quốc phòng, hoàn thiện chiến lược hội nhập quốc tế về quốc phòng trong tổng thể chiến lược hội nhập quốc tế của đất nước.

5. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại quốc phòng

Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại quốc phòng có phẩm chất cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tụy và tuyệt đối trung thành với Đảng, chế độ và nhân dân; nắm vững đường lối, chính sách quốc phòng, đối ngoại và nghiệp vụ công tác đối ngoại; có kiến thức về luật pháp quốc tế và trình độ ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới. 

6. Kịp thời nắm bắt thông tin và tăng cường công tác thông tin đối ngoại

Trong tình hình phức tạp khó lường như hiện nay, cần nâng cao khả năng nắm bắt thông tin, nhất là thông tin dự báo chiến lược về tình hình thế giới và khu vực có liên quan đến quốc phòng và an ninh của Việt Nam. Do đó, đối ngoại quốc phòng cần tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, các cấp để phân tích, xử lý thông tin kịp thời, hiệu quả.

Thông qua mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hợp tác đối ngoại quốc phòng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, đối ngoại quốc phòng nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa quân đội và nhân dân ta với quân đội và nhân dân các nước; làm cho nhân dân, quân đội các nước hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN, những thành tựu của công cuộc đổi mới và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

Đại tá LÊ THẾ MẪU

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền