Trang chủ    Bài nổi bật     Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 11:16
2602 Lượt xem

Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại bảo vệ chủ quyền biển, đảo

(LLCT) - Vấn đề Biển Đông luôn bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, tuyên tuyền chống phá, chia rẽ, gây khó khăn cho chúng ta trong việc xử lý vấn đề Biển Đông và duy trì quan hệ hợp tác với Trung Quốc, khiến cho một bộ phận nhân dân ta do tiếp cận với thông tin sai lệch, dẫn đến thiếu tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chúng ta vừa phải đẩy mạnh tuyên truyền khẳng định chủ quyền, vạch rõ các hành động phi pháp của Trung Quốc, vừa đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Trên bình diện quốc tế, các nước ASEAN và một số đối tác khác (Nga, các nước Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi...) có quan điểm khác nhau về vấn đề Biển Đông do bị chi phối bởi lợi ích quốc gia, dân tộc cũng gây khó khăn trong tuyên truyền để thúc đẩy một lập trường chung có lợi cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh đó, để cộng đồng quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông là một nhiệm vụ quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền.

1. Tình hình chung

Trong những năm gần đây, tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Bắt đầu từ những chuỗi hoạt động của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi pháp (2009 - 2010), đến những vụ việc mang tính chất nghiêm trọng, cố tình “tạo sự đã rồi”, làm leo thang căng thẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông trong năm 2011. Đơn cử là các vụ việc tàu Trung Quốc, bao gồm tàu hải giám, tàu cá... cố tình tiến hành cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam (tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp 2 lần vào các ngày 26-5-2011 và 30-11-2012, tàu Viking II bị cắt cáp vào ngày 9-6-2011), mời gọi thầu quốc tế phi pháp 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta (ngày 23-6-2012) và gần đây nhất là vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5-2014. Các năm tiếp theo liên tục là những hành động leo thang, quyết liệt củng cố yêu sách chủ quyền, bồi lấp, xây dựng đảo, đá nhân tạo, phá vỡ nguyên trạng, quân sự hóa Biển Đông,...

Trong ngoại giao, Trung Quốc triển khai chính sách “ngoại giao nước lớn” với thái độ ngày một quyết đoán, tham gia các cơ chế đối thoại song phương và ASEAN liên quan đến Biển Đông với thái độ cứng rắn, không muốn đi vào thực chất; lôi kéo các nước ASEAN, thúc ép đàm phán song phương, ngăn cản việc quốc tế hóa.

Trong tuyên truyền, Trung Quốc có nhiều phát biểu, kể cả ở cấp cao nhất khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, tiến hành các chiến dịch tuyên truyền một cách quy mô, bài bản, linh hoạt, được chỉ đạo chặt chẽ, nhất quán từ trung ương tới địa phương. Trung Quốc cho đăng nhiều bài viết trên hệ thống báo chí trong nước và một số báo nước ngoài để tuyên truyền và bác bỏ các phê phán, quan ngại của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh kênh học giả để tuyên truyền, tạo mơ hồ trong dư luận quốc tế về vấn đề Biển Đông. Một số học giả, báo chí Trung Quốc sử dụng ngôn ngữ hiếu chiến, kích động.

Trong xu thế quốc tế hóa cao hơn, Biển Đông đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Hoa Kỳ khẳng định có “lợi ích quốc gia” trong việc duy trì tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, thể hiện bằng việc tăng cường hiện diện trên thực địa qua các chiến dịch tự do hàng hải (FONOPs), hợp tác an ninh quốc phòng với các nước ASEAN, cùng các phát biểu trực diện, cứng rắn hơn ở các cấp, chỉ trích Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand cũng thể hiện thái độ công khai và mạnh mẽ hơn trong việc lên án Trung Quốc, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các cơ chế tài phán quốc tế. Các nước châu Âu và EU chủ động hơn trong việc công khai lập trường. Các nước ASEAN ngày càng lo ngại về tình hình Biển Đông và căn bản vẫn duy trì được lập trường và tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông dù đôi lúc còn khó khăn, đẩy mạnh việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tôn trọng tiến trình pháp lý, ngoại giao và không quân sự hóa. Đặc biệt, phán quyết trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016 đã làm thay đổi cục diện tranh chấp trên Biển Đông, tác động đến đối sách của các nước liên quan.

Đối với Việt Nam, tình hình Biển Đông ảnh hưởng nhiều mặt đến chủ quyền biển, đảo đất nước, đe dọa đến an ninh quốc gia, dân tộc. Về đối nội, các sự việc ở Biển Đông đều có tác động đến tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội trong nước. Điển hình là vụ việc Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 và Viking II năm 2011 dẫn đến 11 tuần liên tiếp có biểu tình ở Hà Nội; vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 bị các đối tượng lợi dụng gây rối, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và đầu tư của ta. Về đối ngoại, Việt Nam gặp khó khăn trong việc xử lý các mối quan hệ để vừa đảm bảo vững chắc chủ quyền, vừa duy trì quan hệ với Trung Quốc, các đối tác lớn và các nước láng giềng ven Biển Đông.

2. Thực trạng công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Nhận thức tầm quan trọng của “thế kiềng 3 chân” thông tin, tuyên truyền - chính trị, ngoại giao - đấu tranh thực địa, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách lớn nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam ở Biển Đông. Chúng ta đã từng bước tạo thế chủ động trên mặt trận truyền thông, tạo điều kiện tiếp cận thông tin cho các phóng viên Việt Nam và nước ngoài, các Cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhằm tranh thủ, vận động quốc tế ủng hộ quan điểm của Việt Nam về yêu cầu duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Dư luận trong nước cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dành sự quan tâm và biểu thị sự đồng lòng, ủng hộ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước. Công tác thông tin, tuyên truyền được sự ưu tiên, chú trọng, theo dõi và chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành; các thông tin, chủ trương về xử lý tranh chấp Biển Đông được công khai và phổ biến rộng rãi đã góp phần tạo sự đồng thuận xã hội trong nước, giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức cũng không ít. Vấn đề Biển Đông luôn bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, tuyên tuyền chống phá, chia rẽ, gây khó khăn cho chúng ta trong việc xử lý vấn đề Biển Đông và duy trì quan hệ hợp tác với Trung Quốc, khiến cho một bộ phận nhân dân ta do tiếp cận với thông tin sai lệch, dẫn đến thiếu tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chúng ta vừa phải đẩy mạnh tuyên truyền khẳng định chủ quyền, vạch rõ các hành động phi pháp của Trung Quốc, vừa đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Trên bình diện quốc tế, các nước ASEAN và một số đối tác khác (Nga, các nước Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi...) có quan điểm khác nhau về vấn đề Biển Đông do bị chi phối bởi lợi ích quốc gia, dân tộc cũng gây khó khăn trong tuyên truyền để thúc đẩy một lập trường chung có lợi cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, để cộng đồng quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông là một nhiệm vụ quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền.

Theo đó, các ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan, các địa phương và các cơ quan báo chí đã thiết lập cơ chế phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền. Bước đầu có sự phân công, phối hợp thống nhất trong phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và định hướng dư luận về vấn đề Biển Đông, dần tạo thế chủ động trong tuyên truyền. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh với nội dung ngày càng phong phú, góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp xã hội về vấn đề Biển Đông, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị và sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vấn đề biển đảo; góp phần ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này để chống phá. Nội dung tuyên truyền nêu rõ các chứng cứ lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam, đề cập đến khía cạnh duy trì an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế của Việt Nam.

Về những nhóm giải pháp cụ thể, chúng ta đã tập trung vào các nhóm giải pháp chính sau:

Nhóm giải pháp về truyền thông “Lãnh đạo Cấp cao” được phát huy cao trong thông tin, đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhất là trong các chuyến thăm chính thức đến các nước, tham dự các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực như ASEAN, APEC, Liên Hợp quốc... hoặc trong các sự kiện lớn của đất nước, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Chúng ta đã đẩy mạnh việc vận động đưa vào văn kiện tại các hoạt động ngoại giao song phương, các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế các nội dung về vấn đề Biển Đông phù hợp với lợi ích của Việt Nam, góp phần tạo được hiệu ứng tích cực trong dư luận. Điều này được thể hiện ở nhiều văn kiện của các Hội nghị Cấp cao ASEAN, ASEM và gần đây nhất là Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ, các Tuyên bố chung nhân các chuyến thăm cấp cao đều có những nội dung yêu cầu “giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế”, “duy trì hòa bình, ổn định” hay “đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không”...

Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã đóng vai trò tích cực trong việc hình thành mặt trận thông tin, đấu tranh dư luận ở nước ngoài. Trong hầu hết các sự vụ, sự việc, chúng ta đã kịp thời triển khai các biện pháp thông tin, đấu tranh dư luận như tiếp xúc chính giới, gửi công hàm, trả lời phỏng vấn, viết bài, tổ chức các buổi tọa đàm, lưu hành tại Liên Hợp quốc tài liệu lập trường của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... nhằm tranh thủ sự ủng hộ của chính giới sở tại, cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam.

Trong ngoại giao kênh 2, kênh 3, các hoạt động hội thảo, tọa đàm, diễn đàn quốc tế về vấn đề Biển Đông ở nước ngoài với các điểm nhấn quan trọng tập trung vào khía cạnh lịch sử, chính trị, pháp lý, an ninh, an toàn hàng hải cũng như chủ trương giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông của Việt Nam nhận được sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã làm tốt việc vận động các học giả, nhà nghiên cứu, luật gia, nhà báo có uy tín quốc tế viết bài về vấn đề Biển Đông.

Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức đã góp phần tạo sự đoàn kết, nhất trí cao đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta đã tổ chức nhiều đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài thăm Trường Sa, giúp đồng bào hiểu rõ hơn về tình hình thực tế quản lý của Việt Nam tại khu vực này. Nhiều hoạt động của người Việt Nam ở nước ngoài như Trại hè Việt Nam, quyên góp, ủng hộ ngư dân và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, các chương trình truyền hình, giao lưu nghệ thuật... có lồng ghép nội dung hướng về biển, đảo quê hương nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Các cơ quan chức năng trong nước đã tạo điều kiện thuận lợi và mời nhiều đoàn phóng viên nước ngoài vào Việt Nam thực hiện các bài phóng sự, bài viết quảng bá, giới thiệu về du lịch biển, đảo Việt Nam. Trong vụ giàn khoan Hải Dương 981, chúng ta đã thu xếp các chuyến đi thực tế(1) cho các phóng viên, trợ lý các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài ở Việt Nam đến khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan. Đã có hàng nghìn tin, bài, ảnh, phóng sự được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài, tường thuật khách quan tình hình thực địa, phản ánh các hành vi nguy hiểm của Trung Quốc, quyết tâm của Việt Nam giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển. Dư luận quốc tế đánh giá cao thái độ thiện chí, phản ứng kiềm chế, kiên trì các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số trang điện tử về Biển Đông được duy trì, hoạt động có hiệu quả, ngày càng được nhiều người quan tâm truy cập, nhất là độc giả nước ngoài. Các cổng/trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương tích cực đăng tải những nội dung tin, bài, tài liệu nghiên cứu, thông tin cơ bản về vấn đề Biển Đông. Thông tin bằng các tiếng nước ngoài (Anh, Trung Quốc...) được tăng cường. Một số bộ bước đầu xây dựng, thử nghiệm sử dụng các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, Youtube...) để cung cấp thông tin, đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập trong công tác tuyên truyền ở nước ngoài, cụ thể:

Các diễn biến phức tạp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông tác động sâu sắc đến suy nghĩ, tâm tư tình cảm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, dễ bị lợi dụng vào các hoạt động tuyên truyền chống chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chúng ta đều nhận thấy trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa, bồi đắp, mở rộng xây dựng tại các đảo, đá, bãi ở Biển Đông, vẫn còn những ý kiến tỏ ra hoài nghi về công tác đấu tranh ngoại giao, chính trị và cả trên thực địa của ta. Một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tình hình Biển Đông cũng như những nỗ lực và thành tựu của Đảng và Nhà nước ta trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chịu tác động tiêu cực của những luận điệu xuyên tạc từ những thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị...

Với sự phát triển mạnh mẽ truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội, việc theo dõi dư luận, đấu tranh với những thông tin sai trái trong vấn đề Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự “nở rộ” của nhiều thông tin sai trái, hình ảnh ngụy tạo, nhiều bình luận xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây khó khăn cho các hoạt động đối nội và đối ngoại. Đa số những thông tin, hình ảnh này đến từ các trang web có địa chỉ nước ngoài.

Việc tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của phóng viên nước ngoài còn hạn chế, chưa được tiến hành thường xuyên. Việc vận động các học giả trong và ngoài nước viết bài về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông đã có nhiều chuyển biến. Song các bài viết chưa được đăng nhiều trên báo, tạp chí chuyên ngành uy tín trên thế giới. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam ở nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn do một số đối tác nước ngoài có thái độ “e dè” do không muốn bị ảnh hưởng lợi ích quan hệ với Trung Quốc.

3. Phương hướng và giải pháp

Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”. Theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông tiếp tục là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần sự tập trung, huy động lực lượng của toàn hệ thống chính trị để thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng sau:

Về nội dung, các ban, bộ, ngành phối hợp nghiên cứu để làm phong phú hơn nội dung tuyên truyền, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm cần tuyên truyền cũng như những vấn đề cần cân nhắc thận trọng hoặc không đề cập. Nghiên cứu, đề xuất các nội dung tuyên truyền liên quan đến hệ quả của phán quyết trong vụ kiện trọng tài giữa Philíppin, Trung Quốc, các đề xuất mới về hợp tác nghề cá, bảo tồn môi trường biển của các bên trên Biển Đông.

Về đối tượng, cần phân loại rõ các đối tượng tuyên truyền khác nhau (các đối tác quan trọng, các quốc gia có lập trường trung lập, cộng đồng quốc tế...) để có mức độ, nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp.

Về hình thức, nghiên cứu các biện pháp thông tin, tuyên truyền đa dạng và phù hợp với từng loại đối tượng; tận dụng tối đa truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội và sự phát triển của các thiết bị di động thông minh. Xây dựng các phần mềm ứng dụng nhằm phổ biến rộng rãi và hiệu quả hơn những kiến thức cơ bản, thiết thực về biển đảo cho nhân dân và cộng đồng quốc tế.

Về công tác dự báo, cần tăng cường công tác dự báo, nắm chắc tình hình, từ đó xác định trọng tâm tuyên truyền, hạn chế tình trạng bị động, bất ngờ, dẫn đến mất thế trận tuyên truyền hay khủng hoảng thông tin. Xây dựng các kịch bản truyền thông để ứng phó với các tình huống có thể diễn ra trên thực tế và triển khai bài bản, thống nhất ở tất cả các cấp; đồng bộ với các biện pháp đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao và trên thực địa.

Về cụ thể, chúng ta cũng cần tập trung vào một số nhóm giải pháp để tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại, qua đó đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam ở nước ngoài như:  

Nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn đưa những nội dung liên quan đến chủ quyền biển, đảo và chủ trương giải quyết tranh chấp của Việt Nam vào hoạt động đối ngoại của lãnh đạo các cấp ở nước ngoài, các hoạt động của các cơ quan đại diện tại sở tại... 

Nhóm giải pháp về vận động quốc tế, chúng ta cần huy động sự tham gia đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tranh thủ phóng viên nước ngoài; tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào việc vận động, tuyên truyền tại sở tại về hình ảnh Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế, yêu chuộng hòa bình, mong muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế; phân tích các hành động sai trái đi ngược lại mong muốn chung của tất cả các nước về duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Kế hoạch triển khai tại các cơ quan đại diện cần lượng hóa, cụ thể hóa theo từng năm và triển khai một cách sát sao, phù hợp với từng địa bàn. 

Đối với nhóm giải pháp thông tin, chúng ta cần tăng cường chia sẻ thông tin về công tác theo dõi tình hình, thu thập tài liệu, hình ảnh về các hoạt động phi pháp của các bên ở Biển Đông để kịp thời có biện pháp định hướng, đấu tranh dư luận. Phối hợp chặt chẽ trong nắm bắt dư luận ở nước ngoài, thông tin trên mạng Internet, phát hiện kịp thời các hoạt động lợi dụng vấn đề biển, đảo để xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền trên môi trường mạng thông thạo về truyền thông kỹ thuật số, có kỹ năng xử lý thông tin, trình độ ngoại ngữ có thể tương tác với bạn đọc quốc tế một cách thuyết phục.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1) 4 chuyến đi thực tế cho 35 phóng viên, trợ lý thuộc 29 hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, trong đó có 2 phóng viên của cộng đồng người Việt ở nước ngoài như AP, New York Times, WSJ, Bloomberg, CNBC, VOA (Mỹ); Viet Weekly (báo hải ngoại tại Mỹ); Reuters, BBC, The Guardian (Anh); AFP, Le Monde, Radio France, TV5 (Pháp); ABC (Úc); NHK, TV Asahi, Asahi Shimbun, Kyodo News, Yomiuri Shimbun, Jiji Press, Fuji TV, NDN, TBS (Nhật); Channel News Asia (Xinhgapo); Aljazeera (Qatar)...

 

TS Lê Hải Bình

Vụ Thông tin Báo chí,

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền