Trang chủ    Bài nổi bật    “Tuyên ngôn độc lập”: nền móng xây dựng “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân” ở Việt Nam
Thứ ba, 24 Tháng 10 2017 16:31
3821 Lượt xem

“Tuyên ngôn độc lập”: nền móng xây dựng “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân” ở Việt Nam

(LLCT) - Ngày 2 - 9 - 1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - văn bản có giá trị lịch sử trường tồn, đặt nền móng pháp lý xây dựng “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”, nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam. Nhà nước pháp quyền là nhà nước tiến bộ trong lịch sử nhân loại. Đây được coi là nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Nhà nước pháp quyền trong Tuyên ngôn độc lập do thể hiện bản chất Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân - Nhà nước sử dụng Hiến pháp và các đạo luật để quản trị quốc gia, nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng về “giá trị” (độc lập, tự do), “quyền lợi” (quyền lực, lợi ích) và “tinh thần” (hạnh phúc, niềm tin) cho nhân dân - lực lượng gồm “bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước”(1).

Nhà nước pháp quyền vì dân

Nhà nước pháp quyền vì dân là chỉ các mục tiêu của quốc gia mà Nhà nước cần phải xây dựng, xác định rõ. Trong Tuyên ngôn độc lập, giá trị về tự do trong mục tiêu của quốc gia là mỗi người dân, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều được hưởng quyền tự do sinh sống, bình đẳng trước pháp luật. Điều đó đã được nhấn mạnh trong câu đầu tiên của Tuyên ngôn:

“Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do".

Giá trị về độc lập trong mục tiêu của quốc gia là mỗi giai cấp, dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có quyền được hưởng nền độc lập, tự do tổ chức, hoạt động một cách công bằng, bình đẳng theo pháp luật. Điều đó đã được nhấn mạnh trong các câu cuối của bản Tuyên ngôn: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Quyền lực trong mục tiêu quyền lợi của quốc gia là muốn nói đến quyền lực chính trị, tức quyền được “là chủ” và “làm chủ” của nhân dân về mặt chính trị, mà biểu hiện cụ thể là làm chủ quyền lực nhà nước trong quốc gia Việt Nam. Tức là, trong một nước độc lập, thì tất cả quyền lực “đều thuộc về nhân dân”(2).

Lợi ích trong mục tiêu quyền lợi là muốn nói đến lợi ích kinh tế, tức quyền được là chủ, làm chủ của nhân dân về mặt kinh tế, mà biểu hiện cụ thể là nhân dân có quyền tự do sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tức mỗi người dân đều có “quyền được sống”, được tự do, bình đẳng về quyền lợi trong kinh tế; nhân dân không bị thực dân, địa chủ phong kiến “bóc lột”, lâm vào cảnh “nghèo nàn, thiếu thốn” về đời sống vật chất.

Quyền làm chủ của nhân dân trong các mục tiêu chính trị và kinh tế là các vấn đề cơ bản của quyền lợi mà mỗi người dân trong quốc gia độc lập đều được hưởng. Tuyên ngôn đã nêu rõ: “Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Hạnh phúc, niềm tin trong mục tiêu tinh thần của quốc gia là muốn nói đến hạnh phúc của nhân dân khi được hưởng các quyền tự do hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng trong một nước độc lập; tức mỗi người dân, cộng đồng trong quốc gia đều có quyền được tự do sinh sống và “mưu cầu hạnh phúc”, có “quyền sống, quyền sung sướng” như đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn.

Nhà nước pháp quyền của dân, do dân

Nhà nước pháp quyền của dân, do dân là muốn nói đến phương pháp, nguyên tắc thực hiện các mục tiêu của quốc gia bằng việc xây dựng thể chế “Dân chủ Cộng hòa”. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đã nêu rõ: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”.

Dân chủ là niềm khát vọng từ xa xưa của xã hội loài người, nhưng khái niệm dân chủ chỉ mới xuất hiện vào thời kỳ La Mã - Hy Lạp cổ đại. Khái niệm (hiện tượng) dân chủ bao hàm các mục tiêu, phương pháp, nguyên tắc trong các mối quan hệ giữa các thuật ngữ “dân” và “chủ”. Chủ trong khái niệm dân chủ là muốn nói đến chủ thể các giá trị, quyền lợi, tinh thần là nhân dân, tức nói đến mục tiêu (hình thức) của dân chủ; còn dân là muốn nói đến nhân dân là chủ thể thực hiện mục tiêu, tức nói đến phương pháp (nội dung), nguyên tắc (tính chất) thực hiện mục tiêu dân chủ.

Phương pháp thực hiện mục tiêu dân chủ được biểu hiện chủ yếu ở việc bảo đảm công bằng, bình đẳng cho các tầng lớp nhân dân bằng chính nhân dân trong các tổ chức chính trị, xã hội do mình lập ra (Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội). Mục tiêu dân chủ được biểu hiện chủ yếu ở quyền lợi về vật chất, tinh thần, tư tưởng, như mỗi người dân đều được tự do hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, được tự do mít tinh, biểu tình, báo chí, lập hội, tôn giáo, tín ngưỡng tuân theo pháp luật. Nguyên tắc dân chủ được biểu hiện chủ yếu trong mục tiêu, phương pháp thực hiện dân chủ, như dân chủ trực tiếp, gián tiếp, dân chủ tập thể, dân chủ nội bộ, dân chủ mở rộng, rộng rãi (thật sự) trong cộng đồng quốc gia.

Cộng hòa là muốn nói đến phương pháp quản trị trong quốc gia dân chủ; tức “chính phủ phải là đầy tớ” còn nhân dân được coi là các “ông chủ” trong quốc gia - quốc gia trong đó các cộng đồng dân cư cùng nhau chung sống hòa bình (hài hòa) tuân theo pháp luật, đồng thời “quyền lực tối cao không nằm trong tay vua mà thuộc về (các đại biểu được bầu của) nhân dân”(3).

Điều đó cho thấy rằng, chế độ Dân chủ Cộng hòa xác định rõ trong bản Tuyên ngôn có thể được nhìn nhận là chủ quyền của nhân dân - những người vừa “là chủ”, tức xác định mục tiêu, vừa “làm chủ”, tức đề ra phương pháp, nguyên tắc thực hiện, nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng về giá trị, quyền lợi, tinh thần của mình một cách hài hòa trong cộng đồng quốc gia. Điều đó có nghĩa, chế độ Dân chủ Cộng hòa được coi là thể chế hay phương pháp, nguyên tắc thực hiện các mục tiêu xã hội tốt đẹp - xã hội bảo đảm sự công bằng, bình đẳng về giá trị, quyền lợi, tinh thần cho mọi cá nhân, các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tầng lớp nhân dân trong quốc gia. Tuyên ngôn độc lập là nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân - Nhà nước kiến tạo phát triển, hay “kiến quốc”(4), thực hiện “kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ” như lời nói đầu của bản Hiến pháp Việt Nam năm 1946 đã xác định.

________________

Tài liệu tham khảo

(1), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.219, 233.

(2) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 9, tr.590.

(3) Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Ngôn ngữ học, Từ Điển Anh Việt, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1993, tr.1465.

PGS, TS Nguyễn Hữu Đổng

Viện Chính trị học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền