Trang chủ    Bài nổi bật    Bài học từ công tác vận động quần chúng trong Cách mạng Tháng Mười Nga 1917
Thứ ba, 07 Tháng 11 2017 14:49
1666 Lượt xem

Bài học từ công tác vận động quần chúng trong Cách mạng Tháng Mười Nga 1917

(LLCT) - Cách mạng Tháng Mười nổ ra và giành thắng lợi bởi sức mạnh vĩ đại của quần chúng nhân dân được giác ngộ đường lối chính trị đúng đắn và dưới sự lãnh đạo của một Đảng chân chính cách mạng, đã khẳng định trên thực tế chân lý “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

1. Cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra và thắng lợi trước tiên ở nước Nga là một tất yếu lịch sử, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng dưới sự lãnh đạo tài tình của lãnh tụ thiên tài V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích

Xét về kinh tế, đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc Nga là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa đế quốc diễn ra trong thời gian mà những nhiệm vụ cách mạng dân chủ tư sản ở Nga chưa được giải quyết. Cụ thể là, ở hạ tầng cơ sở bên cạnh quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đang phát triển và đóng vai trò chủ đạo, quan hệ sản xuất phong kiến nông nô vẫn còn tồn tại khá nặng nề. Còn ở thượng tầng kiến trúc, chế độ phong kiến chuyên chế vẫn tồn tại nguyên vẹn.

Đời sống xã hội, tình hình cơ cấu giai cấp, đời sống và thái độ chính trị của các giai cấp ở Nga lúc đó cũng có nhiều đặc điểm nổi bật. Giai cấp vô sản Nga có ý thức giác ngộ chính trị, tính tổ chức và tinh thần cách mạng cao. Họ bị áp bức bóc lột nặng nề, sống nghèo khổ hơn công nhân các nước Tây Âu nhiều lần. Họ sống và làm việc tập trung, trong đó có khoảng 60% công nhân làm việc trong các xí nghiệp lớn có từ 500 công nhân trở lên. Bên cạnh đó, tầng lớp “công nhân quý tộc” - những công nhân có đặc quyền, đặc lợi, đã bị giai cấp tư sản mua chuộc làm tay sai cho chúng phá hoại phong trào công nhân, truyền bá chủ nghĩa cơ hội cải lương trong phong trào công nhân, lại không nhiều, vì thế không gây được ảnh hưởng trong quần chúng công nông.

Giai cấp nông dân do sự thâm nhập của chủ nghĩa tư bản vào nông thôn, bị phân hóa làm nhiều tầng lớp. Đại đa số là những người dân nô nghèo khổ, chịu hai tầng áp bức bóc lột của địa chủ và tư sản. Vì vậy, nông dân Nga cũng có chung cảnh ngộ với giai cấp vô sản.

Giai cấp tư sản Nga thì tương đối yếu cả về kinh tế và chính trị, lại sinh ra và lớn lên khi phong trào công nhân trên thế giới nói chung ở nước Nga nói riêng đã lớn mạnh. Điều này đã quyết định đến thái độ chính trị của giai cấp tư sản là cách mạng đầu lưỡi hay nửa vời, run sợ khi phong trào cách mạng của quần chúng dâng cao, sẵn sàng bắt tay với Sa hoàng để ngăn chặn cách mạng tiến tới.

Bên cạnh đó, Nga là một đế quốc đa dân tộc lớn và phức tạp nhất trên thế giới. Chế độ Sa hoàng đã thi hành chính sách áp bức dân tộc tàn khốc, biến nước Nga thành “nhà tù của các dân tộc”. Giải quyết vấn đề dân tộc hết sức phức tạp của Nga lúc đó hoàn toàn phụ thuộc vào lập trường, quan điểm của mỗi giai cấp.

Như vậy, đầu thế kỷ XX, không ở đâu trên thế giới các mâu thuẫn lại tập trung nhiều và phát triển cao độ như ở Nga. Ở đó, các mâu thuẫn của chế độ phong kiến chưa được giải quyết lại chồng thêm những mâu thuẫn của chế độ tư bản chủ nghĩa, đặt ra những đòi hỏi bức thiết phải giải quyết.

Những mâu thuẫn giai cấp lại chồng chéo với những mâu thuẫn dân tộc, đó là mâu thuẫn giữa các dân tộc không phải là Nga với đế quốc Nga hoàng; giữa nhân dân lao động Nga với tư bản nước ngoài, với chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Những mâu thuẫn đó đan kết vào nhau, thúc đẩy lẫn nhau, biến nước Nga thành một cái “ung nhọt trầm trọng” và trở thành khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc thế giới. Trong bối cảnh đó, các lực lượng đối lập tìm mọi cách để tuyên truyền, ru ngủ quần chúng bằng những hứa hẹn lừa bịp, chống đối chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Bônsêvích.

2. Hoàn cảnh lịch sử nước Nga lúc đó đòi hỏi phải có một tổ chức cách mạng kiểu mới với phương pháp cách mạng khoa học mới đảm đương sứ mệnh lịch sử nặng nề, giành chính quyền về tay giai cấp vô sản.

Trong điều kiện đó, Đảng Bônsêvích đã quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Lênin: “cách mạng vô sản sẽ không xảy ra nếu thiếu sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình là giai cấp vô sản. Nhưng sự đồng tình và ủng hộ đó không phải có ngay lập tức, không phải bằng con đường bỏ phiếu mà chỉ giành được bằng cuộc đấu tranh giai cấp lâu dài, gay go và khó khăn”(1) và  trong tâm là “vấn đề làm cho quần chúng thấy rõ những việc họ sẽ làm trong tương lai gần đây để tự giải phóng khỏi ách tư bản”(2).Với Cương lĩnh cách mạng đúng đắn, Đảng Bônsêvích Nga đã huy động được sức mạnh của khối quần chúng công nhân, nông dân nghèo, binh lính và người lao động thành lực lượng cách mạng đông đảo, đoàn kết, thống nhất. Đảng Bônsêvích đã tập trung mọi nỗ lực vào công tác vận động quần chúng để huy động, tập hợp tối đa sức mạnh của toàn thể nhân dân lao động tham gia đấu tranh.

Chính bởi vậy, đất nước Nga rộng lớn với nhiều thành phần dân tộc, nhiều giai cấp với những lợi ích khác nhau, trong một thời gian rất ngắn, đã hình thành một sức mạnh thống nhất như triều dâng thác đổ, đưa cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới đến thắng lợi. Trong quá trình đó, Đảng Bônsêvích đã thể hiện rõ là tổ chức đại diện cho quyền lợi của nước Nga, cho những người dân lao động. “Chính trong tổ chức hàng triệu nhân dân lao động này chứa đựng những điều kiện tốt nhất của cách mạng, nguồn gốc sâu sắc nhất của thắng lợi của nó”(3), đúng như V.I.Lênin đã khẳng định.  

Thông qua vận động, tuyên truyền, Đảng Bônsêvích đã giúp nhân dân lao động Nga thấy rõ bộ mặt xấu xa của chủ nghĩa tư bản, sự mục nát của chế độ phong kiến Nga hoàng và sự cần thiết phải tiến hành khởi nghĩa vũ trang toàn dân để giành chính quyền. Với quan điểm giai cấp vô sản không thể chiến thắng nếu không giành được về phía mình hàng triệu quần chúng nhân dân lao động không phải là vô sản, Đảng Bônsêvích Nga đã thực hiện lật đổ giai cấp tư sản, giành chính quyền về tay mình… bằng bạo lực cách mạng của quần chúng. Đồng thời, Đảng đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh của nông dân giành ruộng đất, chống những tàn tích phong kiến, nông nô. Phong trào đấu tranh của nhân dân lao động nhằm giải phóng dân tộc khỏi áp bức, nô dịch đã kết hợp thành một dòng thống nhất để hướng vào chống chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản. Vì vậy, chỉ trong ngày 24 và 25-10- 1917 (tức ngày 6 và 7-11-1917), dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích, chính quyền đã thuộc về giai cấp vô sản.

Công tác vận động quần chúng trước và trong Cách mạng Tháng Mười đã cho thấy rằng: sự đoàn kết, đồng lòng các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc trong tranh đấu không phải đến bằng con đường tự nhiên mà phải qua tuyên truyền vận động, phải sử dụng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau và phải đặt lợi ích của đại đa số quần chúng nhân dân lao động lên hàng đầu.

Những kinh nghiệm vận động quần chúng được tích lũy thông qua cuộc cách mạng dân chủ tư sản lần thứ nhất (1905-1907), cuộc cách mạng dân chủ tư sản lần thứ hai (2-1917) đã góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và trở thành tài sản quý giá cho các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc học tập, vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi dân tộc.

Trên cơ sở kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin đúc rút kết luận: “Để giành đa số dân cư về phía mình, giai cấp vô sản cần phải trước hết lật đổ giai cấp tư sản, giành lấy chính quyền về trong tay mình; thứ hai, giai cấp vô sản thực hiện chính quyền Xôviết, đập tan bộ máy nhà nước cũ bằng cách đó lật đổ sự thống trị, uy tín và ảnh hưởng của giai cấp tư sản và bọn thỏa hiệp tiểu tư sản trong dân cư; thứ ba, cần đánh tan ảnh hưởng của tư sản và bọn thỏa hiệp tiểu tư sản trong đa số nhân dân lao động không vô sản bằng việc thực hiện cách mạng các nhu cầu kinh tế của họ đối với bọn bóc lột”(4).

Chính bằng con đường như vậy mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã đoàn kết được xung quanh mình đông đảo quần chúng lao động. Đây là một thuộc tính chủ yếu và căn bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa và điều kiện dẫn đến sự thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga nói riêng và để lại bài học kinh nghiệm quý báu cho các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc trong quá trình đấu tranh giành lại độc lập, tự do trên thế giới nói chung.

Tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa lớn và sâu xa như thế”(5). Sức hấp dẫn của vầng hào quang chói lọi đó đã chỉ đường cho các dân tộc bị áp bức bóc lột, các nước thuộc địa và phụ thuộc trên khắp thế giới học tập, quyết tâm đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành lại độc lập, tự do.

Đối với dân tộc Việt Nam, ở đầu thế kỷ XX, trước yêu cầu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, từ sự thất bại của các bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh những năm đầu thế kỷ XX, với óc quan sát nhạy bén, sự phân tích chặt chẽ, khoa học trên cơ sở truyền thống của dân tộc, kết hợp với những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xác định con đường đưa cách mạng đến thắng lợi là phải phát huy sức mạnh toàn dân, phải nhận được sự che chở, đùm bọc của nhân dân. Nhưng bằng cách nào để phát huy được sức mạnh của nhân dân khi mà đời sống của họ còn quá khổ cực, nguồn sinh khí của họ đang bị chế độ thực dân phong kiến cai trị hà khắc hủy hoại, đầu độc bằng một nền văn hóa nô dịch, ngu dân, bằng thuốc phiện và rượu cồn, khi mà đa số người dân còn mù chữ? Và phương tiện, công cụ hiệu quả nhất theo Nguyễn ái Quốc để “động viên toàn dân”(6) chính là tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân để họ hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, sẵn sàng cộng tác, tham gia, ủng hộ sức người sức của, đùm bọc, che chở cán bộ, đang viên của Đảng. Vì thế, từ trước khi đội tiền phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, công tác tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Cách mạng tháng Mười Nga, về đường lối, mục tiêu, phương pháp cách mạng để đem lại độc lập cho dân tộc đã được quan tâm đặc biệt.

Từng bước qua các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, đặc biệt cuộc vận động tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là một biểu hiện rõ nét nhất sự vận dụng sáng tạo công tác vận động quần chúng tham gia đấu tranh, tận dụng lực lượng của nhân dân và biến lực lượng ấy thành sức mạnh như triều dâng thác đổ, đập tan ách đô hộ của phát xít Nhật, giành độc lập dân tộc, giành chính quyền trong thời gian rất ngắn.

Công tác vận động quần chúng đã tiếp tục góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. 

Dù con đường tranh đấu để đi đến độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới phải trải qua bao chông gai, đổ biết bao máu xương nhưng hàng loạt quốc gia đã giành được độc lập chính là một minh chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất về tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga đối với nhân loại trong thế kỷ XX.

Tròn 100 năm Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội hiện thực, dù còn nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới, chúng ta vẫn luôn khẳng định chân lý đi theo ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười vì độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn và việc lựa chọn con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn uôn là sự lựa chọn phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân lao động cả nước.

__________

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.220.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.33, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.5.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.38, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.74.

(4) Lênin: Toàn tập, t.40, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr. 17.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.300.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 507.

                                                                                    ThS Trần Thị Kim Dung

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

                                                                                ThS Lê Thị Huyền

Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền