Trang chủ    Bài nổi bật    Đặc trưng phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh
Thứ ba, 21 Tháng 11 2017 10:43
2376 Lượt xem

Đặc trưng phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh

(LLCT) - Là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, và hơn 24 năm giữ chức vụ Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động chính trị đại tài, mực thước và cao quý, thể hiện trong tư tưởng, tư duy và hành động. Trong đó, phong cách diễn đạt của Người là một trong những yếu tố góp phần biểu đạt thành công những điều đó. Chỉ thị 05/ CT-TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (15-5-2016) nêu rõ, phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm: “phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm”. Bài viết tiếp cận phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh dưới góc độ ngôn ngữ nói, viết và “ngôn ngữ hành động”.
 
1. Về ngôn ngữ nói, viết

Trong cách nói và viết của Hồ Chí Minh đều thể hiện tổng thể hài hòa, kết hợp giữa uyên bác với dân dã; hiện đại với cổ điển; văn hóa phương Đông với phương Tây; truyền thống dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại. Với mỗi thể loại văn phong và mục đích diễn đạt, Người đều có những cách thức sử dụng ngôn ngữ phù hợp, sắc bén. Khi viết những bài báo tố cáo chủ nghĩa thực dân tàn ác, bóc lột đến tận xương tủy nhân dân lao động, Hồ Chí Minh sử dụng ngôn ngữ đanh thép, luận cứ vững chắc. Khi viết Đường cách mệnh, để cuốn “cẩm nang” dễ nhớ, dễ thuộc cho những người cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam, Người dùng lối văn “giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng”(1). Với văn phong hùng hồn, truyền cảm hứng cho quần chúng, Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước (1966) đã thôi thúc quần chúng nhân dân đoàn kết bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.

Không chỉ trong các tác phẩm chính luận mà trong các sáng tác văn chương, Hồ Chí Minh cũng đều thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa tính uyên bác của học thuật với sự trong sáng, giản dị của ngôn từ. Tập thơ Ngục trung nhật ký Người viết trong lao tù là một trong những tác phẩm thể hiện rất rõ điều đó. Với ngôn ngữ uyên bác mà mộc mạc, tinh thâm mà giản dị, Ngục trung nhật ký được thi hào Trung Quốc Quách Mạt Nhược nhận xét: “nếu xếp chúng vào tập thơ Đường, Tống, e rằng cũng không dễ gì nhận ra”(2).

Sự đa dạng, hài hòa trong phong cách viết của Hồ Chí Minh thể hiện ở những đặc trưng sau:

Thứ nhất, nói, viết đúng đối tượng, hoàn cảnh, mục đích và phương pháp

Trong hoạt động chính trị, để diễn đạt tư tưởng qua nói và viết, Hồ Chí Minh sử dụng rất nhiều hình thức như: văn chính luận, thư, lời kêu gọi, thơ, truyện, bài báo... Với mỗi cương vị, mục đích và với đối tượng cần truyền đạt, từ công nhân, nông dân, quần chúng lao động cho đến các trí thức, bạn bè quốc tế, các chính trị gia, người đứng đầu nhà nước,... Người đều có cách nói, viết phù hợp với từng hoàn cảnh, đối tượng.

Trong cách nói và viết, Người luôn dạy cán bộ ta phải nắm rõ các nguyên tắc: Nói, viết cái gì?; Nói, viết cho ai? ; Nói, viết để làm gì?; Nói, viết như thế nào? Người nhấn mạnh: Trước hết là cần phải tránh cái lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”(3). Khi nói chuyện với cán bộ tuyên giáo miền núi về tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, Người căn dặn: “Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ, mới là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu nói không đúng chỗ không phải là chủ nghĩa Mác - Lênin”. Như vậy, nguyên tắc nhất quán trong phong cách nói và viết của nhà chính trị Hồ Chí Minh là xác định rõ chủ đề, từ đó tìm ra cách nói, viết cho đúng, phù hợp với đối tượng nhằm đạt được mục đích đề ra.

Với đối tượng là quảng đại quần chúng, phương châm nói và viết của Hồ Chí Minh là: “Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng”(4), “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”(5). Cách diễn đạt giản dị, mộc mạc, dễ nhớ, dễ hiểu với những câu từ đơn giản: “dân là ông chủ nắm chính quyền”(6), “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ”(7)... đã tạo nên sự gần gũi, thân thiện và có sức truyền cảm sâu sắc trong lòng quần chúng nhân dân. Đây là nét đặc sắc trong phong cách diễn đạt của nhà chính trị Hồ Chí Minh.

Với đối tượng thực dân, đế quốc, Hồ Chí Minh sử dụng ngôn từ đanh thép, lập luận chắc chắn hoặc lối văn châm biếm sâu cay nhằm lên án tội ác, sự lừa bịp, mị dân của kẻ thù. Điều đó thể hiện rõ trong các tác phẩm: Bản án chế độ thực dân Pháp; Hành hình kiểu Linsơ; Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17-7-1966...

Thứ hai, nói và viết chân thực, không “ba hoa”

Nói và viết chân thực là một trong những đặc trưng của phong cách nhà chính trị Hồ Chí Minh. Các bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh đều phản ánh rất chân thực các sự kiện mà Người nói đến. Từ những bài viết tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, đế quốc đến những bài viết cổ động tinh thần chiến đấu, sản xuất, Người đều có tư liệu cụ thể, xác thực. Người luôn dạy, mỗi người cán bộ khi viết cần bảo đảm tính chân thực, biết cái gì thì viết cái đó “có đúng nói đúng, có sai nói sai”(8). Người phê bình những cán bộ “chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu”(9), không dám phê bình và tự phê bình, không dám nhìn vào sự thật... Qua đó, Người phê phán thói “ba hoa”, “thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”(10). Người chỉ rõ, trong khi nói, viết: “nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”(11).

Theo Hồ Chí Minh, muốn có tài liệu cần thực hiện đúng quy trình: nghe, hỏi, thấy, xem, ghi. Người viết cần phải “chính”, nghĩa là “không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”(12). Trong lời ăn, tiếng nói phải “chính”, phải theo lẽ phải, phải đúng sự thật. Người dạy: “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”(13).

Lối diễn đạt chân thực giúp những bài nói, viết của Hồ Chí Minh có sức thuyết phục cao với người đọc, đi vào lòng quần chúng nhân dân và bạn bè tiến bộ trên khắp thế giới. Điều đó làm nên tư cách một lãnh tụ chính trị Hồ Chí Minh chính nghĩa, luôn đứng về lẽ phải.

Thứ ba, nói và viết ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ

Trong bài nói, viết của Hồ Chí Minh, ngôn từ thường được dùng cô đọng, hàm súc, không có chữ thừa. Điều này xuất phát từ mục đích của Người, sử dụng ngôn ngữ nói và viết nhằm “cách mệnh, cách mệnh, cách mệnh”, do đó, nói và viết phải làm sao để có thể tuyên truyền sâu và rộng đến quần chúng nhân dân. Muốn vậy, nói và viết phải ngắn gọn, dễ hiểu để phù hợp với trình độ của quần chúng. Bởi nếu quần chúng không hiểu được thì tuyên truyền không có ích gì. Nhưng nếu chỉ ngắn gọn, dễ hiểu thôi chưa đủ mà còn phải dễ nhớ, dễ thuộc. Có dễ nhớ mới dễ dàng truyền tai nhau để cùng nghe. Người chỉ rõ: “Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”(14) . Khi nói chuyện với cán bộ tuyên giáo miền núi về tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, Người căn dặn: “Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ, mới là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu nói không đúng chỗ không phải là chủ nghĩa Mác - Lênin”. Như vậy, nguyên tắc nhất quán trong phong cách nói và viết của nhà chính trị Hồ Chí Minh là xác định rõ chủ đề, từ đó tìm ra cách nói, viết cho đúng, phù hợp với đối tượng nhằm đạt được mục đích đề ra.

2. Về “ngôn ngữ hành động”

Hành động là “ngôn ngữ đặc biệt” trong phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh; được xem là “những hành vi vô ngôn”. Phong cách diễn đạt bằng hành động của Hồ Chí Minh có hai đặc trưng tạo nên nét riêng, nét đặc biệt, đó là:

Thứ nhất, nói đi đôi với làm

Trong phong cách diễn đạt của nhà chính trị Hồ Chí Minh, “nói đi đôi với làm” không chỉ là nguyên tắc đạo đức, phương châm hoạt động chính trị mà còn là biểu hiện sinh động cụ thể giữa ngôn ngữ nói, viết với hành động.

Trong tác phẩm Đường cách mệnh xuất bản năm 1927, Người khẳng định tư cách của một người cách mệnh là “Nói thì phải làm”. Đây là tiêu chuẩn của một người làm chính trị. Khi đã hoạt động chính trị, lời nói phải thống nhất và được thực hiện nghiêm túc thì mới đem lại hiệu quả. Đối với Hồ Chí Minh, “nói đi đôi với làm” thể hiện rõ phong cách của một nhà chính trị cách mạng.

Trong suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn thực hiện “nói đi đôi với làm”. Ở Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với việc làm diễn đạt tư tưởng của Người, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Người thường nói ít nhưng làm nhiều, có những vấn đề đạo đức, Người không nói mà chỉ làm. Chính điều đó làm nên một phong cách rất riêng, rất Hồ Chí Minh mà hiếm có nhà chính trị nào trên thế giới có được. Người dạy: “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh ... phải thật thà nhúng tay vào việc”(15).

Năm 1945, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, nhân dân ta phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Người đề xuất toàn dân tiết kiệm để giúp đồng bào bị đói, nêu cao tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Người kêu gọi: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(16). Người nói và thực hiện đúng như lời đã nói. Có những lần phải đi công tác tại các địa phương, do quần chúng quý mến và để động viên tinh thần kháng chiến của nhân dân nên Người vẫn dùng cơm cùng với đồng bào. Tuy nhiên, khi về đến Phủ Chủ tịch, Người vẫn nhịn bù một bữa đúng như lời đã nói.

Hồ Chí Minh cho rằng, để có sức tranh đấu cho nền tự do, độc lập thì mỗi con người đều phải có sức khỏe. Mỗi một người khỏe mạnh là cả dân tộc khỏe mạnh, vì thế Người kêu gọi mọi người hằng ngày tập thể dục. Bản thân Người “tự tôi ngày nào cũng tập”. Người kêu gọi đồng bào “trung với nước, hiếu với dân”. Điều đó thể hiện trong chính cuộc đời của Người: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”(17) .

Thứ hai, nêu gương sáng về đạo đức

Hồ Chí Minh tâm niệm “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(18). Lấy bản thân để tuyên truyền, giáo dục, làm gương cho quần chúng noi theo là điểm đặc sắc, thể hiện sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của Hồ Chí Minh. Đó là phong cách diễn đạt thông qua hành động rất hiệu quả của Người, có sức giáo dục và ảnh hưởng sâu, rộng đến quần chúng nhân dân.

Trong phong cách hành động của Hồ Chí Minh, để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người khẳng định: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(19). Đối với Hồ Chí Minh, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau là “một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(20).

Nhận thức được vai trò và sức mạnh của sự nêu gương trong chính trị, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc đến tấm gương đạo đức của V.I.Lênin: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi”(21). Noi theo tấm gương của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh luôn tự tu dưỡng, phấn đấu để bản thân mình trở thành “tấm gương tuyệt vời về con người mới”, thành hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chính tấm gương sáng của Người đã tạo nên sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt toàn thể dân tộc, góp phần không nhỏ vào công cuộc “kháng chiến, kiến quốc” của dân tộc ta, đồng thời có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Với phong cách hành động như vậy, Hồ Chí Minh đã trở thành niềm tin, ý chí và sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân noi theo.

Trong giai đoạn hiện nay, phong cách diễn đạt của lãnh tụ chính trị Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn. Phong cách diễn đạt của Người đã vượt qua giới hạn của sử dụng ngôn ngữ thông thường và trở thành nghệ thuật giàu khả năng chinh phục, thấm sâu vào tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 5-2017

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.283.

(2) Quách Mạt Nhược: Nay ở trong thơ nên có thép, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, 12-1960.

(3), (4), (6), (9), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.207, 208, 263, 207, 206.

(5), (7), (10), (13), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.346, 74, 273, 342, 346, 209.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.144.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.464.

(16), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.233, 16.

(17),  (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.33, 187

(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.317.

(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.

 

PGS, TS Phạm Ngọc Anh

Hà Tiến Linh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền