Trang chủ    Bài nổi bật    Đời sống mới” và những gợi ý về xây dựng văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay
Thứ ba, 21 Tháng 11 2017 10:47
3331 Lượt xem

Đời sống mới” và những gợi ý về xây dựng văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Sau khi giành được chính quyền, với tầm nhìn của nhà văn hóa đồng thời là người lãnh đạo, quản lý đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu tâm ngay đến việc xây dựng đời sống mới. Ngày 3-4-1946, Ban Trung ương Vận động đời sống mới được thành lập. Một năm sau (ngày 20-3-1947), tác phẩm “Đời sống mới’’ của Người được xuất bản nhằm tuyên truyền và vận động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện đời sống mới.

Những tư tưởng, quan điểm của Người về thực hành đời sống mới, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

1. Giá trị cơ bản cần đạt đến trong thực hành Đời sống mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong Lời tựa cuốn sách “Đời sống mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa của tác phẩm là giúp nhân dân ta thực hành đời sống mới để cứu quốc và kiến quốc: “Trong lúc kháng chiến cứu quốc chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”(1). Với tinh thần đó, Người đã tập trung cắt nghĩa và làm sáng tỏ những giá trị cơ bản cần đạt đến trong xây dựng đời sống văn hóa mới.

Thứ nhất, xây dựng đời sống mới thực chất là thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Người phân tích, lý giải khá tường tận nội hàm của các khái niệm này, qua đó chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa và chính trị, kinh tế; giữa kháng chiến và kiến quốc. Người viết: “Chính trong lúc này càng phải thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Quân đội phải siêng tập, siêng đánh. Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, thế cho nên phải Cần.

Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù... Thế cho nên phải Kiệm.

Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm.

Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính”(2).

Thứ hai, xác định các thành tố của đời sống mới trong các sinh hoạt thường ngày của con người, của cộng đồng để nhận thấy tính cần thiết và những nội dung cơ bản phải thực hiện

Thực hành đời sống mới không ngoài những việc rất thường tình - bốn điều: ăn, mặc, ở, đi lại. Đương nhiên để làm tốt được 4 điều ấy thì phải làm (điều thứ năm). Trong làm, Người đặc biệt chỉ ra vai trò của việc tăng gia sản xuất - thành tố cơ bản của đời sống xã hội, đời sống văn hóa. Người lý giải: “Việc tăng gia sản xuất cũng như mọi việc khác, đều rất quan hệ với đời sống mới.

Tăng gia sản xuất tức là một bộ phận của đời sống mới. Có tinh thần đời sống mới, thì tăng gia sản xuất mới chóng thành công. Mà tăng gia sản xuất có thành công, thì đời sống mới dễ thực hiện.

Muốn tăng gia sản xuất, mọi người phải Cần, phải Kiệm. Không Cần, thì phí thời giờ nhiều mà sản xuất được ít. Không Kiệm thì làm được bao nhiêu, dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như sản xuất ít. Tăng gia sản xuất ích riêng cho mình mà cũng ích chung cho cả nước. Nếu không có tinh thần Liêm và Chính, nếu tham lam ích kỷ, thì không thể phát đạt việc tăng gia sản xuất. Vì vậy, tăng gia sản xuất và đời sống mới phải đi đôi với nhau, không thể lìa nhau”(3).

Thứ ba, xác định các mối quan hệ rường cột giữa người Dân với Làng và Nước để xử lý trong xây dựng đời sống mới

Trên quan điểm hệ thống, để tạo dựng đất nước mạnh, giàu, Người xác định: “Do nhiều người nhóm lại mà thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng, nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định phú cường”(4).

2. Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh vào việc xây dựng văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nói chung và văn hóa trong chính trị nói riêng trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều quyết sách để từng bước văn hóa hóa các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội...Tuy nhiên, “so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu;... Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”(5).

Chính vì thế, Đảng ta đã xác định “xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế” là một trong 6 nhiệm vụ hợp thành chiến lược “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”(6) hiện nay. Trên nền của sự định hướng chiến lược này, đến hình thành và phát huy vai trò của văn hóa chính trị trong giai đoạn hiện nay, cần hướng đến việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng tầm văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ở nước ta, Đảng cầm quyền là Đảng lãnh đạo bộ máy nhà nước, không những thế Đảng còn lãnh đạo hệ thống chính trị. Để xứng đáng với vai trò đó cần chăm lo xây dựng văn hóa đảng, làm cho Đảng thực sự “đạo đức, văn minh”. Những hiện tượng sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống trong một số không ít cán bộ, đảng viên và trong xã hội ta thời gian qua rõ ràng không thể tách khỏi việc xem xét và giải quyết từ phương diện đạo đức. Mỗi khi thói ích kỷ, tính vụ lợi chậm được khắc phục thì không thể trở lại vấn đề tuyên truyền, giáo dục đạo đức. Vì thế, việc xác lập hệ chuẩn đạo đức đối với cán bộ, công chức, đảng viên nói riêng và định hướng, tuyên truyền hệ giá trị đạo đức cho toàn xã hội nói chung là đòi hỏi cấp thiết và thường xuyên. Đương nhiên từ việc xác định đến tuyên truyền giáo dục, thực hiện, kiểm tra, thẩm định được điều đó trong thực tế là một quá trình không đơn giản. Bởi lẽ, lĩnh vực đạo đức, phẩm chất, lối sống của mỗi người là lĩnh vực khá nhạy cảm, tinh tế. Có hiểu thật sâu sắc về đạo làm người, hiểu đến mức hình thành cho được trong mình “một toà án lương tâm” đủ sức tự giám sát được mình một cách thật nghiêm khắc và thường xuyên, thì mới giữ được trọn vẹn đạo làm người. Nếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý trong HTCT các cấp, nhất là những người đứng đầu tự nghiền ngẫm về tư tưởng đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mang đến sự chuyển biến bằng hành động mỗi ngày... Đạt được điều đó trong thực tế cũng có nghĩa là đã xây dựng Đảng ta trở thành môi trường của lòng khoan dung, trong môi trường đó mỗi cán bộ, đảng viên đều biết qua đối thoại để cảm hóa, thuyết phục, đoàn kết trong Đảng. Và, chỉ như vậy, mới có thể tạo lập sự đồng thuận xã hội - nguồn sức mạnh của toàn dân tộc trong công cuộc dựng xây xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ hai, xây dựng hệ thống chính sách công gắn với mục tiêu phục vụ và mang lại lợi ích thực sự cho người dân, cho xã hội, cho lợi ích chung

Văn hóa suy cho cùng hướng tới giá trị bản chất nhất là hình thành nhân cách con người Việt Nam mới và bảo đảm sự phát triển bền vững mà lợi ích dân tộc phải là mục tiêu ưu tiên. Bởi vậy, phát triển kinh tế -xã hội, xây dựng đời sống mới xét đến cùng cũng nhằm hướng tới phục vụ cuộc sống của con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân, từng bước hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã nhận rõ triết lý phát triển ấy qua thực tiễn công cuộc đổi mới. Đó cũng là nguyên nhân căn bản tạo nên sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện những chủ trương, chính sách đầu tư, phát triển của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua. Tuy nhiên, cải tạo và xây dựng đất nước theo hướng hiện đại, văn minh là một quá trình đầy khó khăn, phức tạp, lâu dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực, động chạm đến tập quán, tư tưởng, lợi ích của hàng triệu triệu con người. Trên thực tế ở nước ta trong thời gian qua, bên cạnh những thành quả bước đầu đáng khích lệ, vẫn tồn tại không ít vấn đề bất cập, thậm chí có cả sai lầm mang tính chủ quan làm phương hại đến lợi ích thiết thân của các tầng lớp nhân dân.

Vì vậy, cần thực sự gần dân để nắm bắt nhu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân; suy tính, bàn tính dân chủ, kỹ lưỡng trong quá trình hoạch định chủ trương và giải pháp, triển khai thực hiện các chính sách phát triển. Trong đó mục tiêu phục vụ và mang lại lợi ích thực sự cho người dân, cho xã hội, cho lợi ích chung phải được ưu tiên hàng đầu. Hạn chế đến mức thấp nhất sự chi phối của các nhóm lợi ích trong việc ban hành và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chỉ trên cơ sở đó, giá trị nhân văn của mỗi quyết sách của chủ thể lãnh đạo, quản lý mới có thể thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, trở thành bệ đỡ tinh thần cho sự đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa Đảng với dân.

Thứ ba, xây dựng Nhà nước, Chính phủ hợp lý, có hiệu quả

Nhà nước, Chính phủ hợp lý, hiệu quả là nhà nước, chính phủ làm tròn chức năng kiến tạo phát triển, thực sự phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là nhà nước không làm thay dân, mà tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết để từng người dân phát huy tốt vai trò “chủ nhân ông” trong xã hội.

Muốn vậy, cần phải xây dựng một nhà nước, chính phủ tinh gọn nhất, hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, cùng với một xã hội công dân rộng lớn. Theo đó, xã hội hóa các loại hình dịch vụ công thực chất là một hướng đi cụ thể cho việc hiện thực hóa quan điểm này. Thúc đẩy xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực to lớn từ xã hội, mà còn để trả lại cho xã hội những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn nhà nước.

Nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nước bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, đặc biệt là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản... Chỉ có mở rộng dân chủ, chúng ta mới có thể xác lập được chế độ trách nhiệm trước dân và hệ thống khuyến khích phục vụ dân. Chỉ có bảo đảm sự tham gia ngày càng nhiều, ngày càng có hiệu quả của người dân vào công việc xã hội, công việc nhà nước mới có thể làm cho chính sách, pháp luật của nhà nước gần với cuộc sống hơn, phản ánh đúng ý nguyện và lợi ích của người dân hơn.

Để tiếp tục xứng đáng là tấm gương của dân chủ cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong toàn bộ hoạt động của Chính phủ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh và những khía cạnh liên quan đến việc lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy chính quyền ở mọi cấp độ. Xem thực hành dân chủ là tiêu chí cơ bản nhất trong việc hoàn thiện phương thức hoạt động của mỗi cán bộ, công chức và của từng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nước tuân thủ pháp quyền. Pháp luật trước hết ràng buộc nhà nước và các cơ quan công quyền. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng quan chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Người dân, ngay từ đầu cần được tham gia xây dựng dự án, đề ra chính sách, thực thi chính sách và đương nhiên họ là chủ nhân trực tiếp thụ hưởng các thành quả của mọi sự phát triển.

Nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nước biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên làm giàu cho mình; là có chính sách thu hút được nhân tài, là bảo đảm cho các cá nhân, tổ chức có thể tham gia vào quy trình sản xuất kinh - doanh một cách công bằng mà không bị ảnh hưởng bởi các rào cản chính sách và sự độc quyền.

Nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nước biết bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này có nghĩa là phải xây dựng và hiện thực hóa cơ chế để cho người dân có thể giám sát và từng bước vươn đến kiểm soát hoạt động của chính quyền thông qua việc tăng cường sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị tương thích với môi trường văn hóa dân chủ, hiện đại

Mặc dù những năm qua công tác cán bộ đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm: từ công tác đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn, bố trí, song về tổng thể, so với yêu cầu trong giai đoạn mới - phát triển với tốc độ nhanh và bền vững, thời kỳ mới - thời kỳ hội nhập, thời kỳ dân chủ hóa tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì trình độ, phong cách làm việc của phần đông đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở vẫn còn nhiều bất cập. Vì thế, một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định để tiếp tục phát huy vai trò và tính hữu hiệu của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo là tập trung nâng tầm, củng cố và hoàn thiện tổ chức, bộ máy, xây dựng phong cách làm việc dân chủ, sáng tạo của đội ngũ cán bộ các cấp, cấp bách là đội ngũ cán bộ cơ sở bằng hệ thống các chính sách, cơ chế, cách làm đồng bộ, phức hợp.

Trong công tác cán bộ, điều quan trọng là phải từ phong trào, từ thực tế, từ nhu cầu của sự phát triển để tuyển chọn và sử dụng mọi tiềm lực con người của cơ sở và vì cơ sở. Những quan điểm và những kỹ năng để cán bộ cơ sở làm tốt công tác dân vận - thực sự gần dân, sát dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; trong chức phận của mình, họ có khả năng giải quyết kịp thời những nhu cầu chính đáng của nhân dân. Trên nền tảng khối tri thức và kỹ năng đó, dần dần nâng tầm tư duy kinh tế, chính trị, văn hóa... của đội ngũ lãnh đạo, quản lý để họ dần có đủ phẩm chất tương thích với đòi hỏi của nền chính trị dân chủ và tính chất hiện đại của nền văn hóa mới, lối sống mới.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 5-2017

(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 93, 94, 98, 98-99.

(5), (6) ĐCSVN: Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước http://www.vietnamfineart.com.vn

 

PGS, TS Hồ Tấn Sáng

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền