Trang chủ    Bài nổi bật    Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác tôn giáo ở nước ta hiện nay - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 15:15
2077 Lượt xem

Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác tôn giáo ở nước ta hiện nay - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

(LLCT) - Thực hiện giám sát và phản biện xã hội nói chung và công tác tôn giáo nói riêng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan của đời sống chính trị, xã hội để Mặt trận làm tốt vai trò “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Trên cơ sở của tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực tiễn giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bài viết nêu lên các giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội về công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần thực hiện tốt công tác tôn giáo của hệ thống chính trị nước ta hiện nay.

1. Cơ sở chính trị, pháp lý của nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội nói chung và đối với công tác tôn giáo nói riêng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ bản chất của Nhà nước Việt Nam là:

“I - NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”(1).

Cốt lõi tư tưởng nhà nước kiểu mới của Hồ Chí Minh là quyền lực chính trị thuộc về nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Nhân dân uỷ thác quyền đó cho Nhà nước (thông qua công việc tổng tuyển cử, bầu ra những người đại diện cho các tầng lớp nhân dân vào các cơ quan của Nhà nước) để quản lý và điều hành xã hội. Do vậy, mọi công việc điều hành, quản lý xã hội của Nhà nước đều phải được nhân dân kiểm soát bằng hình thức này hay hình thức khác. Theo đó, Nhà nước phải gần gũi với dân, lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Hồ Chí Minh kêu gọi: “Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”(2).

Mục đích của việc giám sát và phản biện xã hội của nhân dân không có gì khác ngoài việc làm cho Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Việc giám sát, phản biện xã hội đối với công việc của Nhà nước vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm và nghĩa vụ của nhân dân với tư cách của người chủ của đất nước.

Một trong những công cụ giám sát và phản biện xã hội của nhân dân đối với Nhà nước là thông qua tổ chức đại diện của mình, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Vấn đề giám sátcủa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nêu lên lần đầu tiên  trong Văn kiện Đại hội VIII của Đảng:“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... tham gia với Đảng và Nhà nước thực hiện và giám sát việc thực hiện dân chủ”(3).

Đến Đại hội lần thứ X, Đảng ta nêu rõ nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với việc hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và Nhà nước, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”(4).

Nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tiếp tục khẳng định tại các Nghị quyết Đại hội XI và XII của Đảng; đặc biệt đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Trên cơ sở đó, vấn đề giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với công tác tôn giáo được xác định tại Điều 7 của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (2004) là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

b) Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dânvề các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ, người có tín ngưỡng, các tổ chức tôn giáo và nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo;

d) Tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiệnchính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo”(5).

Như vậy, cho đến trước khi Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 2013, pháp luật đã quy định nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưngchưa có quy định cụ thể về nhiệm vụ phản biện xã hội.

Điều này được bổ sung trong Hiến pháp năm 2013. Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 và Điều 1 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 ghi: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(6).

Ngày 18-11-2016, Quốc hội ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nêu rõ tại Điều 4:

1. Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hộiđối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

4. Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

5. Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”(7).

Để cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, ngày 15-6-2017,Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch gồm 4 chương, 25 điều, quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Như vậy, có thể nói rằng, đến năm 2017, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đầy đủ cơ sở chính trị và pháp lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội nói chung và đối với công tác tôn giáo nói riêng.

Tại kỳ họp lần thứ 3 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khoá VIII) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề Đổi mới nội dung công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có giải pháp: “Xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tìm hiểu để nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo, đồng thời kịp thời thông tin, chuyển tải những chủ trương, chính sách mới về tôn giáo đến chức sắc, tín đồ các tôn giáo, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và tăng cường nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tôn giáo”(8).

2. Thực tiễn giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo

Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và về công tác tôn giáo nói riêng được thực hiện với những hình thức sau:

a) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử đại diện lãnh đạo tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập nhiều dự án luật, pháp lệnh như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Thi hành án hình sự, Luật Khiếu nại, tố cáo...; Đồng thời, tổ chức thu thập ý kiến trong nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong cả nước, tập hợp thành ý kiến, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các văn bản dự thảo cũng như đã ban hành, đang thực hiện nói trên. Trung bình mỗi năm, Ủy ban Trung ương Mặt trận tham gia góp ý kiến và kiến nghị khoảng 20 dự án luật, pháp lệnh và nghị định(9).

b) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì việc phối hợp tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trước và sau mỗi kỳ họp để báo cáo dự kiến công việc và  kết quả sau mỗi kỳ họp; tiếp thu, giải trình những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trên các lĩnh vực, trong đó có việc thực hiện chủ trương, chính sách đối với tôn giáo.

c) Giữa hai kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương tổ chức thu thập, tập hợp ý kiến, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri và nhân dân trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có người dân là chức sắc, tín đồ các tôn giáo về các lĩnh vực của đời sống xã hội để báo cáo trước kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; kiến nghị các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước giải quyết.

d) Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cử đại diện tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cùng cấp để giám sát hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, kiến nghị xử lý những vi phạm các chủ trương, chính sách, pháp luật, trong đó có công tác tôn giáo trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp.

e) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức các hình thức tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến các đối tượng do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động, tập hợp; yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại của các tổ chức tôn giáo về đất đai, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật ở các địa phương. Từ năm 2005 đến năm 2013, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp giám sát 15.567 lượt đối với cơ quan tiến hành tố tụng, 254 lượt đối với người tiến hành tố tụng và 32.207 lượt đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo(10). Từ năm 2013 đến 2016, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức thực hiện 10 chương trình giám sát; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh đã tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc giám sát, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc giám sát(11).

g) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện chủ trì lựa chọn, cử đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội thành viên tham gia Hội thẩm Tòa án nhân dân cùng cấp để giám sát việc thực thi pháp luật trong xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính của tòa án nhân dân ở địa phương(12).

h) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tích cực tham gia giải quyết điểm nóng về tôn giáo như các vụ việc: “tà đạo Hà Mòn” ở Tây Nguyên; tổ chức bất hợp pháp “Dương Văn Mình” ở một số tỉnh miền núi phía Bắc; một số chức sắc cực đoan ở Giáo phận Vinh (của Đạo Công giáo) lợi dụng sự cố môi trường biển do Công ty Formosa gây ra đã kích động, xúi giục một số giáo dân hành động vi phạm pháp luật...; vận động, thuyết phục và đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực, hạn chế trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo từ một số hoạt động, sinh hoạt tôn giáo bị tác động tiêu cực của cơ chế thị trường.

i) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng.  Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề xuất các chủ trương, chính sách về tôn giáo cần sửa đổi, bổ sung trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(bổ sung, phát triển năm 2011); đóng góp và đề xuất chính sách về tôn giáo trong Hiến pháp năm 2013; cử đại diện tham gia Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng nhiều chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như: Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 92/NĐ-CP quy định chi tiết về biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; phối hợp xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với các đối tượng do Mặt trận phụ trách, trong đó có chức sắc, người tiêu biểu trong các tôn giáo... 

Năm 2016, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện xã hội dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với kế hoạch chi tiết, quy trình chặt chẽ, huy động được trí tuệ và trách nhiệm, tâm huyết của nhiều thành phần xã hội: từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn về tôn giáo đến các vị chức sắc, tín đồ các tôn giáo... Nội dung phản biện xã hội về dự thảo Luật được cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa, góp phần quan trọng để Quốc hội ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vào tháng 11 năm 2016.

Nhìn khái quát, giám sát và phản biện xã hội về công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả cơ bản như sau:

- Góp phần làm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tôn giáo vừa bảo đảm đúng với các chủ trương, chính sách, pháp luật, vừa sát với yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tôn giáo;

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng thể hiện rõ vai trò “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân”, trong đó có chức sắc, tín đồ các tôn giáo, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội và đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo và mở rộng các hoạt động đối ngoại nhân dân của tôn giáo theo mục tiêu chung; góp phần làm cho các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo ngày càng được phát huy trong đời sống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và cơ sở tôn giáo. Phát huy vai trò của các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ, tiêu biểu là đại diện các tôn giáo tham gia vào các tổ chức chính trị; chính trị - xã hội; tổ chức xã hội như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủyban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi(13)...

Tuy nhiên, thực tiễn giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác tôn giáo thời gian qua còn bộc lộ nhiều khó khăn, yếu kém như sau:

- Do chưa làm rõ nội hàm, cơ chế “giám sát mang tính nhân dân” của Mặt trận và chỉ mới dừng lại ở mức “hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước”(14) nên tính pháp lý về giám sát của Mặt trận còn hạn chế. Trên thực tế, sau khi thực hiện giám sát, nhiều đề xuất, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không được cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp xem xét, giải quyết và trả lời để Mặt trận báo cáo lại với nhân dân.

Theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 và Nghị định số: 50/2001/NĐ-CP, ngày 16-8-2001 của Chính phủquy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Mặt trận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ “động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát; Tham gia hoạt động giám sát với cơ quan quyền lực nhà nước; Thông qua hoạt động của mình, tổng hợp ý kiến của nhân dân và các thành viên của Mặt trận kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, xem xét, giải quyết, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật”. Quy định này đã làm cho Mặt trận bị động, phụ thuộc trong nhiệm vụ giám sát của mình.

- Do sự phụ thuộc về tổ chức, bộ máy và điều kiện, kinh phí hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên tính nể nang, ngại va chạm, sợ ảnh hưởng đến sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước, chính quyền đến tổ chức và hoạt động của Mặt trận là lực cản trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các cơ quan của Nhà nước, chính quyền các cấp.

- Do một thời gian khá dài chưa thể chế hóa chủ trương chính trị của Đảng về nhiệm vụ phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên phản biện xã hội nói chung và công tác tôn giáo nói riêng mới chỉ dừng lại ở mức độ góp ý kiến hoặc kiến nghị. Hiệu quả của việc này còn thấp vì chưa có chế tài cụ thể đối với những trường hợp ý kiến, kiến nghị đó không được trả lời. Nhiều trường hợp việc lấy ý kiến, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ các cơ quan tham mưu, chuẩn bị  xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo còn mang tính hình thức, chiếu lệ.

- Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác tôn giáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hiện nay chưa được đầu tư tương xứng với nhiệm vụ.

Yêu cầu đối với cán bộ Mặt trận làm công tác tôn giáo là phải vừa nắm vững nghiệp vụ của giám sát và phản biện xã hội; vừa nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về tôn giáo đã ban hành và hiểu biết sâu sắc về giáo luật, giáo lý, nắm được tâm tư, tình cảm của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo mới thực hiện tốt việc tham mưu, tổ chức giám sát và phản biện xã hội về công tác tôn giáo được. Nhưng rất nhiều cán bộ Mặt trận làm công tác tôn giáo hiện nay chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nên còn bất cập với nhiệm vụ.

3. Giải giáp nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác tôn giáo

- Về mặt nhận thức, cần khẳng định giám sát và phản biện xã hội nói chung và về công tác tôn giáo nói riêng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một yêu cầu khách quan, nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị nước ta hiện nay. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chức năng “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” thực hiện vai trò, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội nói chung và trong công tác tôn giáo nói riêng nhằm ngăn ngừa và khắc phục bệnh quan liêu, chủ quan, duy ý chí, độc đoán, chuyên quyền, tha hóa, xa dân; bảo đảm quyền dân chủ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân nói chung, của chức sắc, tín đồ và các tôn giáo nói riêng. Nhận thức này cần phải được thống nhất trong hệ thống chính trị, trước hết là tổ chức đảng, chính quyền, là điều kiện cơ bản để thực hiện các giải pháp tiếp theo.

- Cụ thể hóa hơn nữa và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung cũng như trên lĩnh vực công tác tôn giáo nói riêng. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số: 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15-6-2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiến tới xây dựng và ban hành văn bản pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được độc lập hơn về tổ chức và ngân sách hoạt động, khắc phục tính phụ thuộc (và dễ rơi vào cơ chế “xin - cho”) như hiện nay. Theo đó, ngân sách hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên được Quốc hội phân bổ, giao cho các cơ quan chuyên trách của Mặt trận các cấp thực hiện, có kiểm tra, kiểm soát của của cơ quan tài chính các cấp.

- Bản thân Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải tự nâng cao năng lực hoạt động giám sát và phản biện xã hội nói chung, về công tác tôn giáo nói riêng.

Ủy ban  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, tăng cường đối thoại, lắng nghe, trao đổi, tiếp thu ý kiến của các tôn giáo về thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với tôn giáo; chăm lo, đầu tư đúng mức về tổ chức, bộ máy tham mưu, triển khai nhiệm vụ công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tăng cường đầu tư cho lực lượng cán bộ làm công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và gắn bó lâu dài. Có chính sách, chiến lược trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận, nghiệp vụ và thực tiễn, nhất là việc nắm vững quan điểm của Hồ Chí Minh về tôn giáo, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo. Nâng cao năng lực tiếp cận, vận động, xử lý những vấn đề tôn giáo và năng lực phục vụ công tác giám sát và phản biện xã hội chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Sửa đổi chính sách đối với người làm công tác tôn giáo của Mặt trận phù hợp để tạo động lực thu hút, hấp dẫn nguồn nhân lực làm công tác tôn giáo, khắc phục tâm lý cán bộ nói chung và cán bộ Mặt trận nói riêng không muốn làm công tác tôn giáo. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của lực lượng chuyên gia tư vấn về công tác tôn giáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Đầu tư đúng mức cho nhiệm vụ nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về nâng cao chất lượng, hiệu quả và những tác động của giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác tôn giáo.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.190.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập , t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, 361-362.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

(5) Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoá XI), Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Về tín ngưỡng tôn giáo.

(6) Quốc hội. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28-11-2013 và Luật số: 75/2015/QH13. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 09-6-2015.

(7) Quốc hội. Luật số: 02/2016/QH14, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18-11- 2016.

(8) Kết luận số: 02/KL-ĐCT, ngày 29-12-2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo.

(9) Báo cáo số 421, ngày 15-5-2013 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

(10) Báo cáo số 35-BC/CCTP, ngày 12-3-2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

(11) Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Báo cáo số: 382 /BC-MTTW-BTT, ngày 31-5-2017 Về sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (Khóa XI).

(12) Tòa án Nhân dân tối cao - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thông tư liên tịch số: 01/2004/TTLT-TANDTC-UBTWMTTQVN, ngày
1-3-2004 về việc chuẩn bị nhân sự và giới thiệu bầu Hội thẩm Toà án nhân dân.

(13) Tham gia Quốc hội khóa XIII có 10 vị (Phật giáo: 4; Công giáo: 2; Cao Đài:1; Phật giáo Hòa Hảo: 1; Tin Lành: 1; Bà La môn: 1)chiếm tỷ lệ 2%; tham gia HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 123 vị; HĐND cấp huyện là 958 vị và HĐND cấp xã là 13.037 vị. Chức sắc, nhà tu hành, chức việc, trí thức, tín đồ các tôn giáo tham gia là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa VII) là 50 vị; là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh là 556 vị; là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện là 3036 vị và là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã là 17.631vị. Chức sắc, nhà tu hành, chức việc, trí thức, tín đồ các tôn giáo tham gia là Ủy viên Ban Chấp hành của 5 cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp trung ương hiện nay là 10 người; tham gia là Ủy viên BCH ở cấp tỉnh là 647 người; là Ủy viên BCH cấp huyện là 7706 người và là Ủy viên BCH cấp xã là 28.411người.

(14) Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999.

TS Lê Bá Trình

 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền