Trang chủ    Bài nổi bật    Về luận điểm “Hai tất yếu” trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và ý nghĩa hiện nay
Thứ tư, 21 Tháng 3 2018 11:39
20028 Lượt xem

Về luận điểm “Hai tất yếu” trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và ý nghĩa hiện nay

(LLCT) - Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra xu hướng tất yếu của lịch sử phát triển loài người, đó là: CNXH tất yếu sẽ thay thế CNTB và “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”. Các ông khẳng định, CNTB, giai cấp tư sản càng phát triển, càng tạo ra những lực lượng phủ định nó; loài người sẽ đi lên CNXH là tất yếu và sứ mệnh này thuộc về giai cấp tiên tiến nhất - giai cấp công nhân. Luận điểm “hai tất yếu” trong Tuyên ngôn đã và đang là phương pháp luận, kim chỉ nam cho giai cấp công nhân, các đảng cộng sản và nhân dân tiến bộ trên thế giới hiện thực hóa lý tưởng cộng sản chủ nghĩa vào điều kiện cụ thể mỗi nước, trong đó có Việt Nam.

1. Một trong những cống hiến vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnlà đã chỉ ra và giải thích CNXH tất yếu sẽ thay thế CNTB và “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(1). Đó là xu hướng tất yếu của lịch sử loài người.

Căn cứ vào thực tiễn lịch sử để khái quát sựphát triển tất yếu của xã hội loài người, C.Mác và Ph.Ăngghen khám phá raquy luật vận động của lịch sử loài người đãvà sẽ trải qua các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau, mà nguyên nhân cơ bản của sự thay thế đó là do trong xã hội có những mâu thuẫn cơ bản về kinh tế và xã hội. Trên cơ sở đó, các ông chỉ rõ: trong CNTB, những mâu thuẫn này vẫn là cơ bản và đang tồn tại, thể hiện ở mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất có tính xã hội hóa ngày càng cao với chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuấtvà biểu hiện về mặt chính trị xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản.Hai mâu thuẫn này không thể giải quyết một cách triệt để trong khuôn khổ của CNTB, mà chỉ có thể giải quyết bằng một cuộc cách mạng xã hội do giai cấp công nhân đảm nhận vai trò lãnh đạo.

Trong Tuyên ngôn, lần đầu tiên C.Mác và Ph.Ăngghen xác định địa vị lịch sử của hình thái xã hội TBCN trong tiến trình phát triển của loài người và chỉ rõ sự tiến bộ của nó so với các hình thái xã hội trước đó.  Giống như các chế độ xã hội trước,  CNTB kế thừa các thành tựu kinh tế - xã hội của các xã hội trước đó tạo ra, đồng thời, ra sức thúc đẩy sức sản xuất xã hội phát triển nhanh chóng. Về phương diện này, chế độ TBCN có nhiều cống hiến lịch sử không thể phủ nhận. Giai cấp tư sản  đóng vai trò cách mạng trong lịch sử khi tạo ra nền công nghiệp hiện đại (đại công nghiệp), thị trường mới và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Nhờ đó, “giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại...”(2).

Tuy nhiên, trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã phê phán không khoan nhượng giai cấp tư sản và CNTB. Sau khi trở thành giai cấp thống trị, nắm trong tay quyền lực kinh tế, chính trị, giai cấp tư sản ngày càng xóa bỏ tình trạng phân tán của tư liệu sản xuất, tài sản và dân cư để bảo vệ lợi ích giai cấp mình. Trong CNTB, giai cấp tư sản, đã thay những quan hệ cổ truyền bằng những “mối lợi lạnh lùng và lối trả tiền ngay không tình nghĩa”; bằng sự “bóc lột công nhân vô liêm sỉ, trực tiếp”; buộc người lao động “thành những người làm thuê ăn lương của nó”(3)...

Nền đại công nghiệp mà giai cấp tư sản tạo ra cùng với chế độ chiếm hữu tư nhân đã đẩy ngày càng nhiều người lao động thành người làm thuê, thành những người vô sản, Tuyên ngônchỉ rõ: giai cấp tư sản (tức là tư bản), mà lớn lên thì giai cấp vô sản, giai cấp công nhân hiện đại (tức giai cấp chỉ có thể sống với điều kiện là kiếm được việc làm, và chỉ kiếm được việc làm nếu lao động của họ làm tăng thêm tư bản), cũng phát triển theo. Họ buộc phải bán sức lao động như một hàng hóa để mưu sinh. Vì thế họ phải chịu sự cạnh tranh của thị trường. Sự áp bức và bóc lột của giai cấp tư sản, sự cạnh tranh tự do mà phương thức sản xuất TBCN tạo ra đã đẩy ngày càng nhiều người, kể cả những người thuộc tầng lớp dưới của giai cấp trung đẳng xưa kia vào tầng lớp vô sản. Do đó, sự mâu thuẫn giữa hai giai cấp vô sản và tư sản ngày càng tăng lên.

C.Mác và Ph.Ăngghen vạch rõ, các quan hệ sản xuất TBCN dựa trên chế độ sở hữu tư nhân sau khi thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển đến một giai đoạn nhất định đã chuyển thành vật cản sự phát triển sản xuất xã hội. Nó dẫn tới các cuộc khủng hoảng kinh tế mà khi giai cấp tư sản khắc phục bằng cách chiếm lĩnh những thị trường mới và bóc lột triệt để hơn nữa những thị trường cũ thì nó lại tiếp tục sửa soạn cho những cuộc khủng hoảng toàn diện, ghê gớm hơn. Từ mục tiêu lợi nhuận là trên hết, giai cấp tư sản trở thành lực lượng “xâm lấn toàn cầu”, nô dịch các dân tộc và gieo rắc nhiều tệ nạn xã hội khác... Trong Tuyên ngôn,C.Mác và Ph.Ăngghen khái quát: “chế độ chuyên chế ấy càng công khai tuyên bố lợi nhuận là mục đích duy nhất của nó thì nó càng trở thành ti tiện, bỉ ổi, đáng căm ghét”(4[1]) và kết luận sự tiến bộ, phát triển của đại công nghiệp mà giai cấp tư sản là kẻ thúc đẩy một cách không tự giác và bắt buộc cùng với sự áp bức bóc lột về mọi mặt đã tạo ra sự đoàn kết cách mạng của giai cấp vô sản do liên hiệp lại mà có. “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản bắt đầu ngay từ lúc họ mới ra đời”(5).

Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận giải, giai cấp vô sản có sứ mệnh lịch sử là “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản” là tất yếu, bởi:

Thứ nhất, trong xã hội TBCN, “giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”(6). Những người vô sản đại diện cho lực lượng sản xuất hiện đại, tạo ra phần lớn của cải làm giàu cho xã hội nhưng họ “chỉ có thể sống với điều kiện là kiếm được việc làm và chỉ kiếm được việc làm, nếu lao động của họ làm tăng thêm tư bản...”(7).

Thứ hai, giai cấp vô sản là giai cấp của những người lao động, giai cấp duy nhất triệt để cách mạng: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp - giai cấp vô sản trái lại, là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(8).

Thứ ba,“xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: “giai cấp tư sản và giai cấp vô sản”(9). Sự đối lập về lợi ích cơ bản giữa hai cấp này không thể dung hòa và giải quyết triệt để trong khuôn khổ CNTB, mà chỉ có thể giải quyết bằng cuộc cách mạng XHCN, do giai cấp vô sản, người đại diện cho lực lượng sản xuất hiện đại giữ vai trò lịch sử.

Thứ tư,sự thất bại của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản như luận giải của C.Mác và Ph.Ăngghen là tất yếu khách quan cũng giống như sự thay thế của các giai cấp thống trị trong lịch sử trước đây. Sau này Ph.Ăngghen làm rõ hơn luận điểm này trong Lời tựa viết cho Tuyên ngôn của Đảng Cộngsản(bản tiếng Đức xuất bản năm 1883). “Tư tưởng cơ bản và chủ đạo của “Tuyên ngôn” là: trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy; do đó (từ khi chế độ công hữu ruộng đất nguyên thủy tan rã), toàn bộ lịch sử là lịch sử các cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa những giai cấp bị bóc lột và những giai cấp đi bóc lột, giữa những giai cấp bị trị và những giai cấp thống trị, qua các giai đoạn của sự phát triển xã hội của họ; những cuộc đấu tranh ấy hiện nay đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức (tức là giai cấp vô sản) không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức và khỏi những cuộc đấu tranh giai cấp”(10).

2. Lịch sử nhân loại đã bước sang thiên niên kỷ mới với những biến động sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội. Học thuyết Mác nói chung, luận điểm về “hai tất yếu” nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức. Đã có ý kiến cho rằng đến cuối thế kỷ XX, “CNTB không đánh mà thắng CNXH”. Luận điệu này càng được cổ vũ sau sự sụp đổ của CNXH ở Liên xô và Đông Âu và CNTB đang có bước phát triển mạnh mẽ về sức sản xuất, khoa học, công nghệ, chưa có dấu hiệu “giãy chết”... Giới lý luận phương Tây đã hoan hỷ cho rằng “CNXH đã cáo chung”; lịch sử của CNXH đã “chấm hết”... Còn trong giới lý luận mác xít đã có không ít người hoài nghi vào kết luận “hai tất yếu” trong Tuyên ngônvà cho rằng nó không còn đúng, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Nhưng qua minh chứng thực tiễn, có thể khẳng định, luận điểm “hai tất yếu” trong Tuyên ngônvẫn là quy luật phát triển của lịch sử xã hội không thể lỗi thời.

Một là, CNTB trong nhiều năm qua đã phát triển mạnh mẽ và tương đối ổn định, nhưng đây không phải là công lao của chế độ tư hữu TBCN mà là, một mặt, do sự thúc đẩy của cách cách mạng khoa học - kỹ thuật mới; mặt khác giai cấp tư sản đã tự “điều chỉnh”, “thích nghi” bằng cách cải tiến một số khâu trong quan hệ sản xuất TBCN, trong cơ chế vận hành và quản lý xã hội TBCN. Điển hình là sự điều tiết vĩ mô để khắc phục tình trạng vô chính phủ; hoàn thiện chế độ phúc lợi; điều hòa mâu thuẫn giữa lao động và tư bản, giữa giai cấp và xã hội.

Tuy nhiên, tất cả những điều chỉnh mới đó của CNTB không hề đụng chạm đến chế độ sở hữu tư nhân TBCN. Sự đối lập giữa tư bản và lao động làm thuê; quy luật tích lũy tư bản của sự phân hóa hai cực giàu - nghèo; mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất TBCN (giữa sự xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất dựa trên sự chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất) chưa có sự thay đổi căn bản về chất. Bản chất bóc lột, bành trướng, cướp bóc tài nguyên, thương mại không bình đẳng, áp bức các quốc gia nhỏ trên phạm vi toàn thế giới; khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng... do đó trong CNTB, giai cấp tư sản không thể giải quyết được mâu thuẫn cơ bản của bản thân nó, không thể thay đổi vận mệnh lịch sử tất yếu là cuối cùng đi tới chỗ bị phủ định.

Hai là, mặc dù đang lâm vào khủng hoảng, nhưng CNXH với tư cách là một tư tưởng tiếnbộ vẫn đang được truyền bá rộng rãi, với tư cách là một chế độ xã hội tốt đẹp, CNXH vẫn đang là niềm khát khao, đích hướng tới của nhân loại. Chúng ta không thể vì CNTB đang phát triển mà vội vã phủ nhận tính khoa học của “hai tất yếu” và cũng không phải vì CNXH đang lâm vào khủng hoảng tạm thời mà hoài nghi vào sự thắng lợi của giai cấp công nhân. Hiện nay, sự phát triển của CNXH đang có những “dòng nước xoáy”, có “dòng nước chảy ngược”, nhưng vẫn không thể lấn át được khuynh hướng CNXH sẽ thay thế CNTB.

Ba là, sự thăng trầm của CNXH những năm qua, một lần nữa cho chúng ta thấy, sự sụp đổ CNXH ở Đông Âu, Liên Xô không phải là sự cáo chung của CNXH và cũng không phải là thắng lợi của CNTB, mà là sự thất bại của mô hình CNXH xơ cứng, xa rời các nguyên lý cơ bản của CNXH khoa học. C.Mác và Ph.Ăngghen luôn phản đối việc miêu tả chi tiết về xã hội tương lai, không ràng buộc thế hệ sau vào một khuôn mẫu nhất định, mà luôn nhấn mạnh nguyên lý phổ biến kết hợp với thực tiễn cụ thể. Thực tiễn đã chứng minh, CNXH nhất thành bất biến, mô hình CNXH xơ cứng trước đây đã trói buộc sự phát triển của lực lượng sản xuất, làm cho đời sống của nhân dân ở nhiều nước XHCN trong một thời gian dài không được cải thiện; khi thực hiện cải tổ, lại rơi vào chủ quan, duy ý chí, coi thường sự lãnh đạo của Đảng, xa rời các nguyên lý của CNXH khoa học. Sự thất bại của CNXH ở Đông Âu, Liên Xô là bài học xương máu cho chính những người cộng sản, nhân dân ở các nước đó; đồng thời, là bài học bổ ích đối với các quốc gia XHCN còn lại trong tiến trình đổi mới, cải cách, kiên định con đường CNXH.

Bốn là, CNXH là một chế độ xã hội tốt đẹp, nhưng để thay thế được CNTB lại cần một quá trình lịch sử lâu dài, phức tạp với những bước đi quanh co, khúc khuỷu. Đây cũng là quy luật phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội trước đây. CNTB đã từng là đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến khi thay thế chế độ phong kiến, nhưng cũng đã phải trải qua nhiều bước đi quanh co, phức tạp, trải qua nhiều cuộc đấu tranh giữa khôi phục và chống hồi phục. Theo dòng lịch sử cho thấy, giai cấp tư sản Anh đã làm cuộc cách mạng tư sản mất 140 năm và 4 lần mới giành được thắng lợi hoàn toàn trước vương triều phong kiến; giai cấp tư sản Pháp làm cách mạng tư sản mất 86 năm, qua 3 lần mới ổn định được cục diện. Sự thay thế giữa chế độ tư hữu này bằng một chế độ tư hữu khác đã phải lâu dài như vậy, thì sự thay thế giữa CNXH và CNTB (là sự thay thế về chất giữa hai chế độ sở hữu khác nhau), tất yếu phải là quá trình gian khổ, phức tạp, có thoái trào, có tiến lên. Hơn nữa, giai cấp tư sản, với những gì đã tạo lập được trong lịch sử đã không hề can tâm rút lui khỏi vũ đài lịch sử một cách dễ dàng, trong khi đó giai cấp tiên tiến cách mạng (giai cấp công nhân) đang còn thiếu kinh nghiệm và chưa có được sự chuẩn bị đầy đủ về lý luận... Cho nên quá trình thay thế tất yếu này sẽ không dễ dàng, thuận lợi.

Năm là, sự thay thế tất yếu của CNTB bằng CNXH, vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân còn gặp khó khăn bởi xuất phát điểm của hầu hết các nước đi lên CNXH đều rất thấp, với những cơ sở kinh tế lạc hậu và trình độ dân trí không cao, lại luôn bị các thế lực thù địch không ngừng tấn công dưới nhiều hình thức khác nhau.

3. Sự thất bại của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản là tất yếu. Có một số ý kiến nhấn mạnh đến những cụm từ trong Tuyên ngôn có tính chất mạnh mẽ như “vũ khí”, “người sử dụng vũ khí”, “giết”, “đào mồ”... Từ đó cho rằng những người cộng sản dường như đề cao bạo lực, đấu tranh giai cấp, ghét CNTB... Hiểu như vậy về Tuyên ngônvà những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác là phiến diện. Bởi cho đến nay, kể cả những người đối lập với CNCS, không ai có thể phủ nhận tính nhân văn trong học thuyết Mác. Nhờ có học thuyết Mác mà hàng triệu người dân đã được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột... Học giả tư sản Michel Vadée từng viết: Mác nhà tư tưởng của cái có thểhoặc G.Đêrrida, tác giả cuốn Những bóng ma của Mácđã thừa nhận: “...không có tương lai mà lại không có Mác. Nếu không có ký ức về Mác và không có di sản của Mác”([1]11). Mác và những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác nhất định không phải là người thích bạo lực, thích đấu tranh giai cấp. Ngược lại, các ông là những nhà nhân văn, nhân đạo cao cả.

Ở một góc độ khác, khi nghiên cứu về luận điểm “hai tất yếu” trong Tuyên ngôn, có một số người lại hiểu một cách máy móc, mơ hồ, dẫn tới chủ quan, nhiệt tình thái quá và rơi vào bệnh “kiêu ngạo cộng sản” với mong muốn “chủ nghĩa tư bản giãy chết” một cách nhanh chóng và CNXH, chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn cũng nhanh chóng. Hậu quả là nóng vội, đốt cháy giai đoạn, duy ý chí và làm cho CNXH rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Những xu hướng trên nhắc nhở chúng ta rằng, khi nghiên cứu Tuyên ngônnói chung, về luận điểm “hai tất yếu” nói riêng phải quán triệt nguyên tắc không xa rời những nguyên lý và phương pháp luận cơ bản của nó, đồng thời phải luôn đặt vào thực tiễn, điều kiện cụ thể để soi xét và vận dụng linh hoạt nhằm tìm ra lời giải có kết quả tốt nhất. Vì vậy, nghiên cứu, vận dụng những luận điểm của Tuyên ngônphải phù hợp với yêu cầu khách quan phát triển của thực tiễn, không ngừng giải đáp đuợc những vấn đề của thời đại; đồng thời, phải có sự phê phán chọn lọc, kế thừa những thành quả của lịch sử, tinh hoa văn minh nhân loại, kết hợp những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại; và không ngừng đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng thù địch, khắc phục những khuynh hướng sai lầm, nhất là trong nội bộ đội ngũ những người cộng sản.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2018

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.613, 603, 600, 606, 607, 605, 605, 610, 597.

(10) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.11-12.

(11) Giăccơ Đêrriđa: Những bóng ma của Mác, Nxb Chính trị quốc gia và Tổng cục II Bộ Quốc phòng, Hà Nội, 1994, tr.190, 191.

PGS, TS Đỗ Thị Thạch

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền