Trang chủ    Bài nổi bật    Phòng, chống biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng trên các tạp chí của Học viện
Thứ sáu, 29 Tháng 11 2019 11:06
2568 Lượt xem

Phòng, chống biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng trên các tạp chí của Học viện

(LLCT) - Cùng với báo chí truyền thông của cả nước, các Tạp chí Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Học viện) đã thực hiện tốt sứ mệnh: Là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng, “là người bảo vệ của xã hội... là con mắt ở khắp mọi nơi”(1) trong công tác đấu tranh ngăn chặn, phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong nội bộ; tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít bất cập và những vấn đề đặt ra cần khắc phục nhằm phát huy hiệu quả kênh thông tin này của các Tạp chí Học viện trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng. Bài viết là kết quả bước đầu ghi nhận được qua khảo sát 4/14 tạp chí(2) hiện có của Học viện (Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Lịch sử Đảng, Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị, Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh), từ năm 2015 đến năm 2019.

1. Kết quả đáng ghi nhận

Thứ nhất, các bài viết trên Tạp chí Học viện đã nhận diện chính xác những biểu hiện, hậu quả của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (gồm 13 bài).

Những biểu hiện thuộc về suy thoái trong nhận thức, thái độ, hành vi đối với nền tảng tư tưởng của Đảng là: Hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thậm chí, phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được các bài viết chỉ ra như(3): “Nhận diện để ngăn chặn, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng trong sạch” của GS, TS Mạch Quang Thắng; “Nhận diện “vấn đề chính trị” hiện  nay” của PGS, TS Phan Hữu Tích; “Tha hóa quyền lực và kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay” của GS, TS Trần Thành; “Những biểu hiện xa dân của đảng cầm quyền hiện nay - từ cách nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của ThS Nguyễn Đình Hoàng; “Hồ Chí Minh với vấn đề chống giặc nội xâm - suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên” của GS, TS Nguyễn Hùng Hậu; “Sự lệch chuẩn đạo đức công vụ ở một bộ phận công chức Việt Nam hiện nay” PGS, TS Trần Sỹ Phán;... Đây chính là biểu hiện của sự dao động về nền tảng tư tưởng, về ý thức hệ của Đảng, từ đó có thể dẫn đến phản bội lại mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Nguy hại hơn sự dao động này lại diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người có chức, có quyền. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhận định: “Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(4).

Các bài viết chỉ rõ: 1) Những biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã manh nha, tiềm ẩn từ lâu. Đây là cơ sở, gốc rễ sinh ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thuật ngữ “tự diễn biến” được xuất hiện chính thức từ Văn kiện Đại hội X, tiếp tục khẳng định trong Văn kiện Đại hội XI và nhận thức đầy đủ tại Đại hội XII của Đảng. Đặc biệt Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XII khái quát thành 3 nhóm với 27 biểu hiện(5); 2) Tham nhũng, lãng phí là một hiện tượng xã hội, hiện diện trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội; tồn tại ở mọi quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, không phân biệt trình độ phát triển - là “giặc nội xâm” làm mọt ruỗng hệ thống chính trị từ bên trong một cách từ từ và rất khó nhận biết; 3) Tham nhũng, lãng phí chính là biểu hiện rõ nét nhất của sự tha hóa bộ máy quyền lực nhà nước, cản trở sự phát triển bền vững và vi phạm nguyên tắc xây dựng nhà nước pháp quyền; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, của đất nước(6); 4) Chống tham nhũng, lãng phí được xem là một trong những vấn đề cấp bách nhất của việc nắm giữ, củng cố và duy trì quyền lực nhà nước của giai cấp cầm quyền và toàn thể nhân dân lao động ở mỗi quốc gia hiện nay; 5) “Tư duy nhiệm kỳ” có quan hệ đặc biệt với “lợi ích nhóm” - thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực - là một biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên(7); 6) Sự kết hợp của “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” đã tạo ra những biểu hiện tha hóa trong sử dụng quyền lực, phá vỡ trật tự kỷ cương, làm băng hoại giá trị truyền thống trong các quan hệ xã hội; gây cản trở lớn trong mỗi thể chế nhà nước và sự phát triển của quốc gia, làm mất đi tầm nhìn trung hạn và dài hạn của các chiến lược. Điều này được thể hiện rõ trong các bài viết của các tác giả trong hệ thống Học viện: “Ảnh hưởng của “tư duy nhiệm kỳ” tới hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam” của GS, TS Trần Văn Phòng; “Tư duy nhiệm kỳ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay” của PGS, TS Đặng Quang Định; “Chống tham nhũng không phải là đấu đá phe phái mà là vì sự sống còn của chế độ, danh dự và uy tín của Đảng” của PGS, TS Vũ Hoàng Công - Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị. Các nhà nghiên cứu ngoài Học viện có một số bài: “Nhận diện biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ”, “bệnh thành tích” trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và giải pháp khắc phục” và “Nhận diện “lợi ích nhóm” trong việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp khắc phục” của Cao Văn Thống - Ủy ban Kiểm tra Trung ương; “Quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí” của TS Lâm Bá Hòa - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng; “Quan điểm của Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân và công tác xây dựng đảng hiện nay” của tác giả Lê Thế Phong - Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng...

Thứ hai, các bài viết là “vũ khí sắc bén”, kiên định đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận của Đảng chống lại các thế lực thù địch phá hoại sự nghiệp cách mạng; phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa (gồm 24 bài).

Nhận thức rõ và đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của công tác tư tưởng, lý luận hiện nay. Các tạp chí đã chủ động trong công tác định hướng, xây dựng kế hoạch hội thảo, tọa đàm, mời cộng tác viên viết bài bám sát theo từng chủ đề trong nghị quyết các kỳ Hội nghị Trung ương để cập nhật, đăng tải và thông tin nhanh nhất về các chủ đề liên quan như: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng” và “Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch - Một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của công tác tư tưởng, lý luận hiện nay” của GS, TS Lê Hữu Nghĩa - Nguyên Giám đốc Học viện; “Đấu tranh chống các quan điểm sai trái và luận điểm phản động của các thế lực thù địch trong bối cảnh hiện nay” của PGS, TS Nguyễn Danh Tiên; “Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Thực tiễn và kinh nghiệm” và “Đảng Cộng sản Việt Nam - Sứ mệnh lịch sử và bản lĩnh chính trị” của PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc; “Khoa học lịch sử Đảng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” của Trần Trọng Thơ, TS Nguyễn Danh Lợi; “Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của PGS, TS Nguyễn Xuân Tú - Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng, TS Lê Thị Hồng - Học viện Quân y; “Về luận điệu lợi dụng vấn đề tham nhũng, lãng phí để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” của TS Nguyễn Tùng Lâm - Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng; “Một sai lầm rất đáng phê phán khi xuyên tạc, bóp méo vai trò lãnh đạo của Đảng” của Nguyễn Thái Bình, Trịnh Thị Thu Huyền - Trường Chính trị tỉnh Gia Lai; “Sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị” của Đại tá, PGS, TS Bùi Đình Bôn - Ban thư ký, Hội đồng Lý luận Trung ương; “Thực chất của luận điệu “chủ nghĩa Mác - Lênin đối lập với nội dung đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh” của PGS, TS Nguyễn Quốc Phẩm; “Bác bỏ ý kiến “Ngày nay trên thế giới và ở Việt Nam không thể có chủ nghĩa xã hội” của PGS, TS Phạm Văn Chúc - Hội đồng lý luận Trung ương; “Nhận diện và đấu tranh phê phán quan điểm “muốn việt Nam thực sự dân chủ và phát triển cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” của PGS, TS Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc Học viện An ninh nhân dân; “Đấu tranh chống lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” nhằm chuyển hóa chính trị ở Việt Nam” của GS, TS Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân; “Làm gì để giữ vững vị trí và thực hiện tốt vai trò của Đảng cầm quyền”, “Một kiểu mẫu về phương pháp luận phân tích thời đại” của PGS, TS Vũ Hoàng Công - Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị...

Từ đó, các bài viết khẳng định: Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động đang ngày, đêm chống phá thành quả của cách mạng Việt Nam, Nhà nước Việt Nam. Nhiều bài viết: “Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của GS, TS Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới” của đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; “Nhận thức sâu sắc hơn để kiên định, kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” của đồng chí. Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; “Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội” của GS Nguyễn Đức Bình - Nguyên Giám đốc Học viện; “Những thành tựu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam qua 85 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam” của GS, TS Tạ Ngọc Tấn - Nguyên Giám đốc Học viện; “Khẳng định tính đúng đắn những luận điểm của C.Mác và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam” của GS, TS Mạch Quang Thắng...

Thứ ba, tiếp tục khẳng định: quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng là hệ tư tưởng chính thống, chủ đạo, duy nhất trong đời sống tư tưởng, tinh thần cán bộ, đảng viên và của đại bộ phận Nhân dân (gồm 21 bài).

Trước hết, khẳng định giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua các bài: “Tính thời sự của học thuyết Mác” và “Sống mãi tư tưởng vĩ đại của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của GS Nguyễn Đức Bình; “Sức sống bền vững của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; “Chủ nghĩa Mác - Lênin không thể lỗi thời” của GS, TS Tạ Ngọc Tấn; “Nhận thức về những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác” của GS, TS Hoàng Chí Bảo; “Sức sống của triết học Mác” và “Phát triển - Một giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin” của GS, TS Trần Văn Phòng; “Sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay” của GS, TS Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; “Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng thế giới công bằng - bình đẳng - dân chủ” của PGS, TS Phạm Hồng Chương;...

Tiếp tục chỉ rõ và khẳng định: quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng là hệ tư tưởng chính thống, chủ đạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước: “Những thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam” của PGS, TS Phạm Văn Linh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; “Sự lãnh đạo của Đảng - Nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội nhân dân Việt Nam” của Trung tướng, TS Phan Văn Giang - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; “85 năm vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của PGS, TS Trương Thị Thông - Phó Giám đốc Học viện;...

Cùng với việc đánh giá, phân tích tính chính xác các học thuyết của chủ nghĩa Mác, các tác giả đã khẳng định tính đúng đắn và sức sống của học thuyết Mác. Để giải quyết những vấn đề trong thế giới hiện nay, có thể tìm thấy câu trả lời trong chủ nghĩa Mác. Các bài: “Nhận thức lại về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” của GS Lâm Kim Chung - Viện Nghiên cứu Đại học Hạ Môn Trung Quốc; “Những nhận thức mới của các học giả nước ngoài về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh khủng hoảng tài chính” của GS Dương Minh Vỹ - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Trung tâm Nghiên cứu văn kiện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; “Nhìn lại chủ nghĩa Mác trong thời đại hậu khủng hoảng tài chính” của GS Vương Lực - Đại học Sư phạm Thiên Tân Trung Quốc; “Bàn về diễn biến mới trong mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản” của GS Lý Minh Bân - Phó viện trưởng Viện Chủ nghĩa Mác, Học viện Nghi Xuân Trung Quốc; “Tính đa dạng của phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới”, GS Môn Hiểu Hồng, Vi Bảo Sơn, Vương Côn - Trường Đảng Trung ương Trung Quốc; “Chủ nghĩa Mác, đạo đức và bản chất con người” của GS Phil Gasper - Viện trưởng Học viện Nghiên cứu tôn giáo và triết học, Đại học Notre Dame de Namur, California, Mỹ; “Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa xã hội thời toàn cầu hóa” của GS Pedro P.Geiger - Đại học Pontificial Catholic Rio de Janeiro; “Triển vọng phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong những năm tiếp theo của thế kỷ XXI” của PGS, TS Phan Thanh  Khôi; “Nhân loại hướng tới chủ nghĩa xã hội - Một xu hướng không thể cưỡng lại” của GS, TS Gennady Zyuganov - Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Đại học Quốc gia Matxcơva góp phần khẳng định sức sống đó.

Thứ tư, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; giúp họ hình thành hệ tư tưởng lý luận khoa học, vừa nghiên cứu tổng kết thực tiễn, vừa hướng dẫn thực tiễn, góp phần tuyên truyền, cổ động, tổ chức nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, phát hiện và đấu tranh kịp thời với các biểu hiện, hành vi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (gồm 61 bài).

Nội dung này được thể hiện rõ qua các bài viết: “Góp phần nhận thức rõ thêm thực chất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa” của PGS, TS Phạm Văn Chúc - Hội đồng Lý luận Trung ương; “Thường xuyên chỉnh đốn, đổi mới Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền” của PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn; “Sự phát triển nhận thức và quyết tâm chính trị trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay” của PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc; “Nhận thức về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” và “Một số luận điểm mới về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay” của GS, TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; “Tiếp tục làm sáng tỏ nhận thức và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” của PGS, TS Nguyễn Viết Thảo - Phó Giám đốc Học viện; “Cơ sở nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của GS, TS Trần Văn Phòng; “Kiến giải mới về định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” của GS, TS Trần Ngọc Hiên - Nguyên Phó Giám đốc Học viện; “Đổi mới tư duy để nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển” và “Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong xây dựng mô hình kinh tế ở Việt Nam” của PGS, TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện; “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn” của GS, TS Chu Văn Cấp; “Quá trình phát triển nhận thức lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của PGS, TS Nguyễn An Ninh; “Nhận thức về mô hình và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới - Những vấn đề cần làm sáng tỏ” của PGS, TS Đỗ Thị Thạch; TS Nguyễn Thị Hà;...

Để ngăn chặn, phòng, chống tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các bài viết đặc biệt chú trọng tới xây dựng đảng về đạo đức, văn hóa, gắn với công tác chỉnh đốn Đảng: “Xây dựng đảng về đạo đức là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay” của GS, TS Nguyễn Trọng Chuẩn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; “Xây dựng Đảng về đạo đức theo quan điểm Đại hội XII của Đảng” của GS, TS Hoàng Chí Bảo; “Vận dụng một số giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đội ngũ đảng viên và thanh đảng trong xây dựng đảng hiện nay” của PGS, TS Đỗ Ngọc Ninh, PGS, TS Đinh Ngọc Giang; “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” của PGS, TS Trần Đình Thắng - Học viện Kỹ thuật quân sự; “Quan niệm của Hồ Chí Minh về suy thoái đạo đức - nhìn từ góc độ văn hóa Đảng” của PGS, TS Phạm Ngọc Anh; “Hồ Chí Minh với cuộc đấu tranh chống bệnh quan liêu” của TS Lý Việt Quang; “Tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nội dung và giá trị” của PGS, TS Lê Quốc Lý; “Xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh - xây dựng nền tảng bền vững của Đảng” của PGS, TS Trần Minh Trưởng;...

Đồng thời, các bài viết cũng chỉ rõ, chống tham nhũng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là vừa phải tăng cường luật pháp, siết chặt kỷ cương vừa phải công phu giáo dục, rèn luyện, thực hành đạo đức, văn hóa. Do vậy, phải đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, bổn phận và đạo đức của người đảng viên. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội... Các bài thể hiện nội dung đó là: “Bản lĩnh chính trị của cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị trước yêu cầu mới” của GS, TS Nguyễn Văn Huyên; “Xây dựng phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới” của PGS, TS Phan Hữu Tích; “Vận dụng quan điểm trách nhiệm nêu gương  trong tác phẩm Đạo đức cách mạng đối với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay” của TS Đỗ Văn Trường, ThS Nguyễn Quang Bình - Trường sĩ quan  Chính trị, Bộ Quốc phòng; “Những nhận thức sai lệch của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận chính trị” của PGS, TS Phan Thanh Khôi; “Một số kinh nghiệm trong công tác kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm của các huyện ủy thành phố Hải Phòng” của PGS, TS Lê Văn Cường, Đinh Văn Nhanh - Huyện ủy Tiên Lãng, Hải Phòng; “Đổi mới lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của PGS, TS Lâm Quốc Tuấn; “Bản chất và những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân theo quan niệm Hồ Chí Minh” của TS Nguyễn Mậu Linh - Học viện Chính trị Khu vực III...

Thứ năm, thẳng thắn đề xuất, kiến nghị các giải pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn, kiềm chế, phá bỏ và triệt tiêu những biểu hiện, hành vi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (19 bài).

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thuộc về lĩnh vực tư tưởng chính trị và các hành vi tư tưởng chính trị, trực tiếp phát sinh từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị và gắn với sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Do vậy, muốn ngăn chặn, phòng chống thứ “giặc nội xâm” này cần ngăn chặn đẩy lùi được cả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên - trước hết, là trong cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Các bài: “Quan điểm và những giải pháp mới về xây dựng Đảng trong văn kiện Đại hội XII” của Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính  trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; “Một số giải pháp xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay” của PGS, TS Trương Thị Kiên - Học viện Báo chí và Tuyên truyền; “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong bộ  máy nhà nước - Chủ trương và một số giải pháp” của PGS, TS Trần Đình Thắng, Học viện Kỹ thuật quân sự; “Nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” của PGS, TS Trần Khắc Việt; “Đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay” của TS. Hoàng Văn Đông - Học viện Cảnh sát nhân dân, ThS Trần Thu Lan - Trường Chính trị tỉnh Bình Định; “Phòng chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh” TS Nguyễn Hồng Điệp - Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng;... thể hiện điều đó,

Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, nhất là cấp ủy cơ sở. Cụ thể “Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở Đảng bộ Quân chủng Phòng không - Không quân theo tư tưởng Hồ Chí Minh” của Thiếu tướng, Ngô Doãn Tạo; “Về kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm” của PGS, TS Lê Văn Cường; “Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Đại Hội XII của Đảng” và “Phòng, chống lợi ích nhóm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng” của PGS, TS Đỗ Thị Thạch, ThS Nguyễn Thị Thu Huyền; “Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay” của Cao Văn Thống - Ủy ban Kiểm tra Trung ương;...

Đồng thời, làm tốt công tác bảo vệ người cung cấp thông tin khi phát hiện được những hành vi, biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thí dụ như: “Cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng” của ThS Đinh Thị Thu Hà; “Phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên” của PGS, TS Lê Kim Việt; “Cải cách thủ tục hành chính một cửa nhằm giảm thiểu tham nhũng vặt ở Việt Nam” của PGS, TS Ngô Tuấn Nghĩa; “Sự tham gia của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” và “Công tác truyền thông về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” của ThS Cao Thị Dung - Học viện Báo chí và Tuyên truyền;...

2. Một số hạn chế

Bên cạnh các kết quả nêu trên, công tác đấu tranh ngăn chặn, phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong nội bộ Đảng của các Tạp chí Học viện vẫn còn không ít bất cập cần khắc phục, nhằm phát huy hiệu quả kênh thông tin này trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Cụ thể:

Nhiều bài chỉ tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; thuyết minh, giảng giải những nguyên lý có sẵn một cách giản đơn, ít so sánh, đối chiếu với lý luận, thực tiễn kinh nghiệm nước ngoài; chưa sâu sắc trong phản hồi, phản biện.

- Bài viết về lý luận nhiều hơn tổng kết thực tiễn; vẫn còn tình trạng chung chung, thiếu sự minh giải từ thực tiễn; thiếu sự tổng kết, đánh giá về một khu vực, tỉnh, địa phương, cơ quan, đơn vị cụ thể trong công tác đấu tranh ngăn chặn, phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong nội bộ. Thí dụ như: ở đâu “học nhưng không hành”, “học để tiến thân”, ở đâu có nhiều “lợi ích nhóm” và “tư duy nhiệm kỳ”, tình trạng nể nang, né tránh đã được khắc phục chưa hay ngày càng phát triển?...

- Nguồn thông tin lý luận chính trị nước ngoài về chủ đề này trên các tạp chí còn mờ nhạt, 9/136 bài so sánh, đối chiếu, phản hồi, phản biện lý luận chính trị trong nước với lý luận chính trị nước ngoài để kịp thời nhận ra những khoảng trống, những “độ chênh” giữa lý luận và thực tiễn, giữa Việt Nam và thế giới trong cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

- Lực lượng cộng tác viên viết về đề tài này chủ yếu là cán bộ trong hệ thống Học viện, có 106/138 (chiếm 76,8%). Lực lượng nghiên cứu khoa học trẻ tham gia viết về chủ đề này quá ít, có 123/138 bài của GS, TS và PGS, TS (chiếm 89,13%).

- Có những bài viết thể hiện quan điểm mới, cách tiếp cận mới có giá trị cho việc đổi mới tư duy, phát triển lý luận, không chống lại đường lối hiện hành của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không làm phương hại đến mục tiêu, con đường đi lên CNXH và bảo vệ Tổ quốc nhưng ban biên tập vẫn e ngại, không dám sử dụng. Đôi khi, một số ý tưởng mới, cách nêu vấn đề khác lạ trong bài viết đã bị biên tập lược bỏ, gọt giũa để giữ “an toàn”.

- Số lượng bài phản ánh sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống còn ít. Tất cả các bài viết - dù bằng cách thức nào - đều khẳng định: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến(7), với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành - thậm chí, tham nhũng đã và đang xảy ra ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng(8), làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước(9); là vật cản lớn cho thành công của sự nghiệp đổi mới, cho sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ(10) nhưng chỉ với 138 bài viết trên 4 tạp chí trong gần 5 năm như vậy vẫn là số lượng quá khiêm tốn.

Các Tạp chí Học viện cần chú trọng đăng tải các bài viết tổng kết thực tiễn về công tác phòng, chống biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng ở các cấp, các ngành - ưu tiên những bài viết về địa phương, sơ sở, những bài viết nêu gương điển hình tiên tiến “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(11).

Phòng, chống biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng trên các tạp chí của Học viện cần tăng cường cập nhật thông tin mảng lý luận chính trị nước ngoài về nội dụng này trên các Tạp chí Học viện thông qua nguồn tài liệu được đặt hàng (viết, tổng thuật, tổng hợp, biên dịch) từ các viện nghiên cứu chính thống trong nước.

Có biện pháp để thu hút được nhiều hơn nữa lực lượng cộng tác viên: 1) Là những nhà nghiên cứu trẻ tham gia; 2) Là những nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là ở địa phương, cơ sở; 3) Là những người đang ngày đêm đối mặt hoặc đang trực tiếp giải quyết hệ lụy từ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tham gia viết bài, cung cấp thông tin về chủ đề này cho các Tạp chí Học viện; 4) Làm thế nào để cộng tác viên không né tránh, dám viết, dám vượt qua trở ngại tâm lý “vạch áo cho người xem lưng” và thành kiến “vạch lá tìm sâu”, làm giảm thành tích của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Nâng cao bản lĩnh chính trị, sự kiên định, nhậy bén, am tường, uyên thâm của những người đứng đầu; sự sắc sảo, mẫn tiệp, khéo léo trong gọt rũa câu chữ của những người cầm bút và việc không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên làm công tác báo chí.

Lãnh đạo Học viện và lãnh đạo các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động báo chí của Học viện cần quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác tạp chí có cơ hội được tiếp xúc, khai thác, xây dựng phát triển nguồn tin từ việc bám sát: Các chương trình, đề án nghiên cứu lý luận chính trị; các chương trình, đề án do Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Khoa học - Công nghệ quản lý; các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hội thảo khoa học, các đề tài nghiên cứu từ cấp nhà nước tới cơ sở của Học viện trung tâm và các Học viện trực thuộc về công tác đấu tranh trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, của Đảng.

Thời gian tới, 14 Tạp chí trong hệ thống Học viện phải tiếp tục phát huy hơn nữa vị trí tiền phong của nền báo chí cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Học viện là vũ khí lý luận sắc bén của Đảng, của Nhà nước, làm tốt “chức năng diễn đàn và cơ quan ngôn luận khoa học của Học viện”(12), đi đầu trong đấu tranh, ngăn chặn, phòng, chống những hành vi, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2019

(1) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.313.

(2) Hiện, Học viện có 14 tạp chí là: 1) Tạp chí Lý luận chính trị; 2) Tạp chí điện tử Lý luận chính trị - www.lyluanchinhtri.org.vn; 3) Tạp chí tiếng Anh - Political Theory; 4) Tạp chí Lịch sử Đảng; 5) Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông; 6) Tạp chí Giáo dục lý luận; 7) Tạp chí Khoa học chính trị; 8) Tạp chí Sinh hoạt lý luận; 9) Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị; 10) Tạp chí Kinh tế và quản lý; 11) Thông tin khoa học chính trị; 12) Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh; 13) Tạp chí Pháp luật về quyền con người; Tạp chí Chủ nghĩa xã hội - Lý luận và thực tiễn.

(3) Để thuận lợi trong trích dẫn, tránh lặp lại - các bài viết của các tác giả thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chúng tôi xin phép không ghi chức vụ và đơn vị tác giả công tác.

(4), (7), (9), (10), (11) Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.195, 185, 196, 201, 201.

(5) Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

(6) Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

(8) Xem: Đại tướng, GS, TS Tô Lâm: Tham nhũng và hoạt động của Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019.

(12) Phát biểu chào mừng của GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số đầu của Tạp chí Lý luận chính trị.

ThS Chu Thị Hằng Nga

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền