Trang chủ    Bài nổi bật    Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Bình với công tác phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ ba, 24 Tháng 12 2019 14:54
1345 Lượt xem

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Bình với công tác phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) -  Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là một trong những nhà lý luận lớn của Đảng, luôn quan tâm tới sự phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện. Chính tầm nhìn và tư duy chiến lược của GS đã giúp cho Học viện có được đội ngũ cán bộ khoa học đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Đây cũng là bài học kinh nghiệm mà ngày nay Học viện cần phát huy.

 

Trong suốt hơn một phần tư thế kỷ làm lãnh đạo Học viện, trong đó 20 năm là Giám đốc (1982-2001), với trọng trách của mình, GS, NGND Nguyễn Đức Bình đã phát huy truyền thống, kinh nghiệm quý báu của những người đi trước và luôn quán triệt sâu sắc Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Khi Đảng đã có đường lối chính trị đúng đắn thì cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Ông đã lãnh đạo Học viện quyết tâm nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và sự bao vây cấm vận của Mỹ, tiếp đến là sự tan rã của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Trong thời kỳ Giáo sư làm Giám đốc Học viện đã thực hiện tốt hai nhiệm vụ trọng yếu là nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn góp phần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối chính trị của Đảng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị của toàn hệ thống chính trị quốc gia. Nhờ những cố gắng to lớn đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đóng góp xứng đáng vào những thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, nhất là Huân chương Sao vàng và Danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, cá nhân GS, NGND Nguyễn Đức Bình được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

GS, NGND Nguyễn Đức Bình luôn quán triệt sâu sắc vai trò của hệ thống trường Đảng các cấp và các cơ quan nghiên cứu cơ sở lý luận nền tảng của Đảng trong đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị của toàn hệ thống chính trị quốc gia. Với tầm nhìn sâu, rộng cùng với tâm huyết của mình, Ông đã lãnh đạo sát sao, tổ chức thực hiện thành công việc hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp lại hệ thống trường Đảng từ Trung ương đến địa phương, bộ, ngành và hợp nhất Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh một cách hợp lý, góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị của hệ thống chính trị các cấp. Nhờ đó, hệ thống trường Đảng từ Trung ương đến địa phương ngày càng được hoàn thiện, hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với nâng cao chất lượng đào tạo được phát huy, các nguồn lực được khai thác, sử dụng cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp và nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả ngày càng cao. Vai trò của Học viện Trung tâm trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thực hiện nội dung, chương trình, giáo trình và sự phối, kết hợp các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống chính trị, nghiên cứu khoa học được phát huy ngày càng tốt hơn đối với trường Đảng các cấp trên cả nước.

Cuối thập niên 70 và suốt cả thập niên 80 của thế kỷ XX, đời sống của nhân dân ta cực kỳ khó khăn, ngân sách nhà nước thâm hụt lớn. Với tầm nhìn sâu rộng của một nhà lãnh đạo cao cấp, GS, NGND Nguyễn Đức Bình đã lãnh đạo Học viện tập trung mọi nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hệ thống chính trị trong cả nước, nhất là của các tỉnh phía Nam. Song, Ông vẫn luôn dành sự ưu tiên thỏa đáng cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học của hệ thống Học viện. Ông xác định đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện là “máy cái” để đào tạo, bồi dưỡng nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị của hệ thống chính trị quốc gia. Do đó, Ông đã lãnh đạo Học viện liên tiếp mở các lớp đào tạo cán bộ khoa học lý luận chính trị thông qua thi tuyển để đào tạo các khóa nghiên cứu sinh hệ 3 năm và mở các lớp chuyên tu 2 năm. Với phương thức đưa người học tiếp cận với lý luận gốc bằng cách yêu cầu bắt buộc người học trực tiếp đọc các tác phẩm kinh điển và vận dụng những điều đã tiếp nhận, tích lũy được, tiến hành phân tích, luận giải những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, gắn với chương trình, mục tiêu, kế hoạch đào tạo của Học viện. Phương thức đào tạo gắn lý luận gốc với thực tiễn theo cách này làm cho người học ngày càng vững tin và rất hứng thú, ham mê học tập, nghiên cứu. Đào tạo tiến sỹ được mở ở nhiều chuyên ngành như Triết học, Kinh tế - chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng, Chính trị học, Nhà nước và pháp luật, Quản lý kinh tế, Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Xã hội học... và nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Học viện, đứng đầu là Giám đốc - GS, NGND Nguyễn Đức Bình. Ông không chỉ chăm lo về đời sống tinh thần mà còn chăm lo sâu sát cả đến đời sống vật chất của đội ngũ nghiên cứu sinh. Ngoài việc chỉ đạo các đơn vị khối hậu cần đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng 2 bữa ăn chính theo chế độ tem, phiếu và chi phí do học viên chi trả, Ông đã yêu cầu cấp cho mỗi học viên một suất ăn sáng bằng 1/2 chiếc bánh mì loại lớn trong những năm đất nước còn thiếu đói lương thực trầm trọng. Điều này có tác dụng động viên rất lớn đối với chúng tôi trong bối cảnh tiền lương eo hẹp, còn đất nước rất nghèo và rất khó khăn về nhiều mặt.

Đội ngũ cán bộ khoa học thuộc tất cả các chuyên ngành của hệ thống Học viện, đến đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, phần lớn từng là nghiên cứu sinh các khóa III, IV, V và các lớp chuyên tu, là những người có năng lực trí tuệ và trình độ lý luận tốt. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của cách mạng cả nước, đội ngũ cán bộ khoa học của hệ thống Học viện cần phải được tăng cường cả về số lượng và chất lượng một cách liên tục. GS, NGND Nguyễn Đức Bình đã quyết định giao cho GS, TS Đỗ Nguyên Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Giám đốc Thường trực Học viện,  trực tiếp cùng Vụ Quản lý Đào tạo, Vụ Tổ chức - Cán bộ, phối hợp với các đơn vị hữu quan mở lớp cao cấp lý luận chính trị 2 năm cho 162 học viên, gồm những người còn trẻ tuổi, có bằng đại học, đã trải qua công tác và quân ngũ, là đảng viên. Sau khi hoàn thành chương trình cao cấp lý luận chính trị, Học viện tổ chức thi tuyển, lựa chọn được 62 đồng chí vào đào tạo nghiên cứu sinh khóa VI để kịp thời bổ sung nhân lực cho các đơn vị khoa học của Học viện và các đơn vị trực thuộc. Hơn thế, Giáo sư yêu cầu Ban lãnh đạo Học viện phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương lựa chọn những cán bộ khoa học đã tốt nghiệp nghiên cứu sinh (NCS) của Học viện và những cán bộ trẻ tuổi đã tốt nghiệp các khóa đào tạo lý luận chính trị 2 năm tại Học viện, đang công tác ở các địa phương, bộ, ngành, gửi sang Liên Xô làm NCS hoặc thực tập sinh cao cấp, bảo vệ luận án Phó tiến sĩ rồi đưa về tăng cường cho đội ngũ cán bộ khoa học chất lượng cao của Học viện.

Một mặt tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện từ những người đã kinh qua thực tiễn sản xuất, chiến đấu, công tác trong hệ thống chính trị, GS, NGND Nguyễn Đức Bình cũng chỉ đạo các đơn vị tích cực đưa cán bộ khoa học đi thực tế tại các địa phương, bộ, ngành và tổ chức các đoàn cán bộ khoa học của Học viện đi nghiên cứu, tổng kết những vấn đề mới và nóng đang diễn ra. Trong đó có nhiều đoàn do đích thân Giáo sư trực tiếp chỉ đạo như: Nghiên cứu và tổng kết thực tiễn về khoán trong nông nghiệp ở Hải Phòng và một số địa phương khác, góp phần tạo cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho việc chuyển từ khoán theo Chỉ thị 100 lên khoán theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VI vào năm 1988.  Đây là Nghị quyết rất quan trọng góp phần tạo ra bước phát triển nhảy vọt trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa đất nước ta từ nghèo đói, thiếu lương thực triền miên, hàng năm phải nhập từ 80 vạn đến 1 triệu tấn lương thực, trở thành một nước đảm bảo được an ninh lương thực vững chắc và xuất khẩu gạo đứng hàng thứ ba thế giới. Giáo sư cũng chỉ đạo đưa cán bộ khoa học và học viên đang học cao cấp lý luận chính trị tại Học viện về nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan và địa phương, giải quyết điểm nóng ở Thái Bình năm 1997.

Từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện đã đạt được bước phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng, nhiều cán bộ khoa học đã được phong học hàm, học vị, Học viện đã có đủ năng lực đào tạo học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ. GS, NGND Nguyễn Đức Bình đã giao GS, TS Đỗ Nguyên Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Giám đốc thường trực, phụ trách công tác đào tạo, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Học viện phụ trách công tác Tổ chức - Cán bộ, GS, TS Trần Ngọc Hiên, Phó Giám đốc Học viện, phụ trách nghiên cứu khoa học, tổ chức triển khai đào tạo chính quy hệ sau đại học. Theo đó, những cán bộ khoa học đã hoàn thành chương trình đào tạo NCS của Học viện, viết và bảo vệ luận án tiến sĩ. Những cán bộ đã hoàn thành chương trình chuyên tu 2 năm, tiến hành bổ sung luận văn, hoàn thiện hồ sơ để được cấp bằng Thạc sĩ. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ khoa học có học hàm, học vị của hệ thống Học viện ngày càng tăng, góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng trong đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của toàn hệ thống chính trị quốc gia, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của Học viện.

Sau 10 năm đổi mới, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, làm tăng thêm thế và lực của Việt Nam để tiếp tục phát triển nhanh hơn trong thời kỳ mới. Quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh như “vũ bão” của cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu mới đã gây tác động rất mạnh mẽ đến công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Với tầm nhìn sâu, rộng, GS, NGND Nguyễn Đức Bình đã đặt ra yêu cầu vừa cơ bản vừa cấp bách đối với phát triển mạnh mẽ đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện. Ông đã chỉ đạo các Phó Giám đốc: PGS, TS Tô Huy Rứa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Giám đốc Thường trực Học viện phụ trách công tác đào tạo, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Học viện phụ trách công tác Tổ chức - Cán bộ, GS, TS Lê Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Học viện phụ trách công tác nghiên cứu khoa học, lãnh đạo các vụ, viện, Văn phòng, tạp chí, nhất là các đơn vị chức năng, như: Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Quản lý Đào tạo, Vụ Quản lý Đào tạo sau đại học, Vụ Quản lý khoa học, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ các Trường chính trị, Văn phòng Học viện,... phối hợp tiến hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển và tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện theo tầm nhìn vừa tuần tự, vừa “đi tắt”, “đón đầu”. Với quyết tâm đó, Học viện mở liên tục các khóa cao học, trong đó có những khóa cao học đặc biệt (dài hơn về thời gian đào tạo và được Học viện phụ cấp thêm tiền) nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung đội ngũ giảng viên cho hệ thống trường Đảng và tạo nguồn cung cho đào tạo NCS. Đồng thời, Học viện cũng liên tục tuyển chọn đào tạo NCS thuộc tất cả các chuyên ngành về lý luận chính trị, mở 2 khóa NCS đặc biệt là NCS khóa 12 và NCS khóa 13 với số lượng đông hơn, chọn từ những người tốt nghiệp đại học, có tiềm năng lý luận, phù hợp với các chuyên ngành đào tạo NCS của Học viện, đang công tác ở các cơ quan, đơn vị gắn với chuyên ngành đó, Học viện cấp thêm tiền và dành thời gian đào tạo 4 năm trở lên. Nhờ đó đã bổ sung một lực lượng cán bộ khoa học có học vị Tiến sĩ cho các đơn vị khoa học của Học viện và nhiều cơ quan khác.

Nhằm chuẩn bị cho Học viện khi bước sang thế kỷ XI không bị hẫng hụt về đội ngũ cán bộ khoa học, GS, NGND Nguyễn Đức Bình đã ủng hộ cách làm đa dạng hóa và trẻ hóa nguồn tuyển chọn cán bộ khoa học và phân công TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Thường trực Học viện, phụ trách công tác tổ chức - cán bộ trực tiếp chỉ đạo thực hiện bằng các cách sau:

- Tuyển chọn những Thạc sĩ, Tiến sĩ do các cơ sở khác ở trong và ngoài nước đào tạo, tuyển dụng về công tác tại các đơn vị khoa học của Học viện. Số này gồm 32 người, được tổ chức thành một lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị trong 2 năm theo chương trình dành cho giảng viên của Học viện, nhằm tăng cường, củng cố cơ sở lý luận nền tảng cho những cán bộ này.

- Tuyển chọn những sinh viên tốt nghiệp đại học vào loại xuất sắc, giỏi và khá, có tiềm năng trí tuệ tốt (phát hiện qua cách thức tổ chức thi tuyển) ở những chuyên ngành phù hợp, nhằm đào tạo, rèn luyện thành những cán bộ khoa học kế cận, có chất lượng để bổ sung cho đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện. Thực hiện chủ trương này, từ đầu năm 2000 bắt đầu chiêu sinh, thu nhận được 270 hồ sơ dự tuyển, qua tổ chức thi tuyển rất chặt chẽ, chọn được 68 em đưa vào đào tạo cao cấp lý luận chính trị và tiếng Anh theo chương trình dành cho đào tạo giảng viên, với thời gian 2 năm, trong đó có 6 tháng đi thực tế “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân và sinh hoạt với Đảng bộ địa phương.

Từ quý 2 năm 2001, GS, NGND Nguyễn Đức Bình được nghỉ hưu, PGS, TS Trần Đình Hoan, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương được Bộ Chính trị phân công kiêm Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS, TS Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Giám đốc Thường trực Học viện, phụ trách công tác tổ chức - cán bộ của Học viện đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện mà GS, NGND Nguyễn Đức Bình đã lãnh đạo triển khai thực hiện. Vì thế, 2 lớp đào tạo bổ sung đội ngũ cán bộ khoa học của học viện kết thúc đạt kết quả tốt đẹp. Tiếp sau đó, số cán bộ này đều được tiếp tục đào tạo trở thành thạc sĩ, tiến sĩ ở các trung tâm đào tạo có uy tín trong và ngoài nước, phần lớn cán bộ trong số này đã phát triển nhanh, trở thành những cán bộ khoa học lý luận thực thụ và cán bộ chủ chốt của các đơn vị khoa học của Học viện.

Với sự ủng hộ và lãnh đạo, chỉ đạo của GS, NGND Nguyễn Đức Bình về đào tạo, bổ sung, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện như vậy, nên ở thập niên đầu của thế kỷ XXI, Học viện đã có đội ngũ cán bộ khoa học với 18 giáo sư và khoảng 50 phó giáo sư, hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ,... đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị và cán bộ nghiên cứu khoa học lý luận, tổng kết thực tiễn, được Đảng và Nhà nước giao phó.

Có thể nói, trong suốt hơn 1/4 thế kỷ là cán bộ lãnh đạo Học viện, trong đó có 20 năm làm Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS, NGND Nguyễn Đức Bình, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã rất tâm huyết và đầu tư nhiều công sức lãnh đạo, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện - tạo nên đội ngũ những “máy cái”, vừa làm tốt hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc hoàn thiện đường lối, vừa làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của toàn hệ thống chính trị quốc gia, góp phần to lớn làm nên những thắng lợi vẻ vang trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2019

GS, TS Hoàng Ngọc Hòa

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền