Trang chủ    Bài nổi bật    Thấy gì từ “Sự cáo chung của lịch sử” đến “Bản sắc - sự thừa nhận và chính trị phẫn nộ”?
Thứ hai, 14 Tháng 6 2021 14:11
5680 Lượt xem

Thấy gì từ “Sự cáo chung của lịch sử” đến “Bản sắc - sự thừa nhận và chính trị phẫn nộ”?

(LLCT) - Sau thắng lợi của Hồng quân Liên Xô và Đồng minh chống chủ nghĩa phát xít, một loạt quốc gia Đông Âu đã đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Cùng với thắng lợi của Cách mạng Trung Quốc (1949) và Cách mạng Cu Ba (1959), chủ nghĩa xã hội trở thành hệ thống thế giới, trải rộng ở nhiều châu lục. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Trước khủng hoảng đó, Francis Fukuyama (Mỹ) trong cuốn “Sự cáo chung của lịch sử” (1989) cho rằng, lịch sử đã cáo chung. Ba mươi năm sau, Ông viết cuốn “Bản sắc - Sự thừa nhận và chính trị phẫn nộ” (2018) trình bày sự thật về “thế giới tự do” và đi tìm nguyên nhân của nó. Bài viết góp phần nhận diện và đấu tranh với những quan điểm chưa chính xác và khách quan của Francis Fukuyama.

Ảnh: Francis Fukuyama - Tác giả của Sự cáo chung của lịch sử” và “Bản sắc - Sự thừa nhận và chính trị phẫn nộ”

Từ khóa: sự cáo chung của lịch sử, “bản sắc - sự thừa nhận và phẫn nộ”.

1. Từ “Sự cáo chung của lịch sử”(1)

Những thập niên đầu thế kỷ XX, sau sự thành công của Cách mạng Tháng 10 Nga, cục diện thế giới đã có những thay đổi nhanh chóng và hết sức sâu sắc. Đó là sự xuất hiện 3 dòng thác cách mạng vĩ đại trong đời sống chính trị thế giới - dòng thác cách mạng xã hội chủ nghĩa, dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc và dòng thác cách mạng đòi dân sinh, dân chủ, bảo vệ hòa bình. Ba dòng thác cách mạng đó chi phối đời sống chính trị của nhân loại và trở thành xu hướng chủ yếu của thời đại.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia xã hội chủ nghĩa ra đời. Điểm độc đáo của cuộc cách mạng đó là nó không nổ ra và thắng lợi ở một quốc gia tư bản chủ nghĩa phát triển mà nó nổ ra và thắng lợi ở một quốc gia phong kiến chuyên chế có trình độ phát triển trung bình.

Về điều này, chính V.I.Lênin là người đã tiên lượng. Người nhận thấy rằng, cần phải điều chỉnh dự báo của C.Mác, Ph.Ăngghen về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản khi cho rằng, cách mạng chỉ nổ ra và thắng lợi ở tất cả các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất hay chí ít là ở Anh, Pháp, Đức. Sự mẫn cảm của V.I.Lênin là có căn cứ và hết sức sáng tạo bởi, phân tích cục diện thế giới, V.I.Lênin nhận thấy rằng, chủ nghĩa tư bản đã có những thay đổi căn bản mà biểu hiện là sự xuất hiện chủ nghĩa đế quốc. Theo đó, chủ nghĩa đế quốc được Người nhận định là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản.

Sự xuất hiện chủ nghĩa đế quốc đã bộc lộ rõ ràng nhất, sâu sắc nhất tính chất phản động của giai cấp tư sản. Vì vậy, điều kiện khách quan của cách mạng vô sản đã chín muồi. Thêm nữa, ở trong nước Nga, dưới sự thống trị hà khắc và chuyên chế của Nga Sa hoàng, các dân tộc đã không thể chịu đựng nổi. Nước Nga trở thành nhà tù của các dân tộc. Chính vì vậy, không nơi nào khác, nước Nga là nơi hội tụ những mâu thuẫn cơ bản của thời đại và đó là khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa tư bản. Về chủ quan, Đảng xã hội - dân chủ Nga, chính đảng của giai cấp vô sản Nga đã trưởng thành, đã sẵn sàng đứng dậy phát động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng. Trên cơ sở phân tích cục diện đó, V.I.Lênin và Đảng Bôn sê vích Nga đã chủ trương tiến hành cách mạng và cuộc cách mạng đó đã thắng lợi.

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, dưới sự ủng hộ của Liên Xô, hàng loạt quốc gia xã hội chủ nghĩa ra đời. Phong trào xã hội chủ nghĩa lan rộng, được đánh dấu bởi thắng lợi của cách mạng Trung Quốc năm 1949 và cách mạng Cu Ba năm 1959. Chủ nghĩa xã hội tồn tại với tư cách là một hệ thống thế giới, chi phối xu thế của thời đại.

Với phong trào giải phóng dân tộc, được khích lệ bởi thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và trào lưu xã hội chủ nghĩa trên thế giới, hàng loạt quốc gia thuộc địa ở các châu lục đã vùng dậy giành được độc lập. Phong trào đó đã làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, trực tiếp giáng đòn chí tử vào hệ thống đế quốc chủ nghĩa và trở thành một dòng thác cách mạng của thời đại.

Ở các quốc gia tư bản chủ nghĩa phát triển, phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình, đòi dân sinh, dân chủ cũng dâng lên cuồn cuộn, góp phần làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc. Phong trào đó lớn mạnh đến mức, kể cả các chính trị gia hàng đầu cũng không đứng ngoài cuộc. Hình ảnh vị Thủ tướng Thụy Điển Ôlốc Panmơ trong đoàn biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam đã trở thành biểu tượng trong lương tri của nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Điều nghịch lý là, sau hơn 70 năm tồn tại, “thành trì” của chủ nghĩa xã hội thế giới đã sụp đổ một cách nhanh chóng. Sự sụp đổ này nhanh chóng và bất ngờ đến mức, Tổng thống Mỹ là Rigân cũng phải bàng hoàng, kinh ngạc.

Trước cơn bão táp chính trị của nhân loại, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tồn tại ba trạng huống chính trị điển hình. Một số kẻ vốn là cộng sản thì đào tẩu, trở cờ. Một số khác hoài nghi, dao động. Số còn lại tìm cách phản tĩnh để tìm lối đi mới.

Như mở cờ trong bụng, giới chính trị gia và các học giả tư sản hân hoan tung hô về thắng lợi của “chủ nghĩa tự do” và khẳng định dứt khoát rằng, chủ nghĩa Mác đã chết, chủ nghĩa xã hội đã chết. Trong số học giả tư sản, Francis Fukuyama nổi lên như là một hiện tượng tư tưởng trong thế giới phương Tây với tác phẩm “Sự cáo chung của lịch sử” (The end of history).

Với thủ pháp rất điêu luyện của một học giả cừ khôi, Fukuyama, núp dưới bộ áo của triết học Hêghen về lịch sử đã đi đến khẳng định rằng, “lịch sử đã cáo chung”. Huyền thoại về một chế độ xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, nơi áp bức, bất công không tồn tại đã được thay thế bởi thế giới tự do. Theo Fukuyama, “đó là điểm kết thúc trong cuộc tiến hóa tư tưởng của loài người và sự phổ quát hóa của dân chủ tự do phương Tây với tư cách là thể thức cuối cùng của sự cai trị con người” bởi các hệ tư tưởng cạnh tranh, điển hình là chủ nghĩa Mác - Lênin, đã bị đánh bại.

Hân hoan và đắc thắng trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, Fukuyama cũng không quên tỏ ra khách quan khi đề cập đến thực trạng không thể chối cãi của thế giới tự do. Hết mực cổ súy cho xã hội tự do song ông ta cũng không quên nhắc nhở rằng, “Điều này không có nghĩa rằng không có người giàu hay người nghèo ở Mỹ, hay là khoảng cách giữa họ không gia tăng trong những năm gần đây”. Lý giải về điều này, Fukuyama lập luận rằng, “...nguyên nhân của bất bình đẳng kinh tế không liên quan tới cấu trúc xã hội và luật pháp là nền tảng của xã hội chúng ta”...mà “chủ yếu liên quan tới đặc tính xã hội của các nhóm dân cư cấu tạo nên xã hội đó, vốn là di sản lịch sử của các điều kiện tiền hiện đại”.

Chúng ta thấy gì qua lập luận trên đây của Fukuyama? Phải chăng, ông cho rằng, do “đặc tính xã hội” thấp kém của người da màu, vốn là nạn nhân của chế độ buôn bán nô lệ nên họ trở nên nghèo đói và bị phân hóa?

Đúng rồi, mọi cái hiện tồn đều có những nguyên nhân lịch sử riêng, song ngoài nguyên nhân lịch sử, chế độ xã hội hiện hành là vô can? Thêm nữa, phải nói  rằng, chế độ buôn bán nô lệ không phải là phát minh của người mác xít mà đó chính là phát minh của chủ nghĩa tự do. Chẳng lẽ điều đó không đúng? Mặt khác, nếu chỉ xem sự nghèo khổ trong thế giới tự do chỉ do “đặc tính xã hội của các nhóm dân cư” thì vô tình hay cố ý đã bỏ qua các sự thật sau đây: Một là, không thấy rằng, nhờ bóc lột lao động qua buôn bán nô lệ mà nhiều quốc gia tự do giàu có lên, trong đó có cả Mỹ. Hai là, con người có cuộc sống thế nào không chỉ do họ có “đặc tính xã hội” khác, cộng đồng khác mà còn do bản chất của chế độ xã hội nơi họ sống. Vì lý do đó mà hàng nghìn năm qua, nhân loại luôn nỗ lực để tìm kiếm, xây dựng một môi trường xã hội tốt đẹp cho sự phát triển của chính mình. Trong số đó có cả những người mác xít, người lao động và các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới. Và dĩ nhiên, Fukuyama cũng mong muốn như vậy cho dù xã hội mà ông mong muốn ngự trị là “xã hội tự do” chứ không phải chủ nghĩa xã hội. Ba là, đổ lỗi cho sự phân hóa giàu nghèo là do “đặc tính xã hội”, nếu đúng như vậy là tiếp tay cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà trong thế giới hôm nay, ngay cả người bình thường cũng không chấp nhận.

2. Tiếp sau “Sự cáo chung của lịch sử”

Kể từ ngày “Sự cáo chung của lịch sử” ra đời đến nay, nhân loại đã đi hết quãng thời gian 30 năm. Nhìn lại lịch sử ngần ấy năm, thấy rằng, thế giới đã có những bước tiến vĩ đại. Đó là sự diễu hành của toàn cầu hóa, sự hình thành “Thế giới phẳng” và sự ra đời của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Về chính trị, an ninh, bên cạnh những gam màu tươi sáng là những cuộc chiến tranh, “cách mạng sắc màu”, nạn khủng bố quốc tế và những xung đột triền miên cùng nguy cơ xuất hiện cuộc “chiến tranh lạnh mới”... Về xã hội là sự phân cực, phân hóa cực kỳ sâu sắc giữa người giàu và người nghèo, giữa quốc gia phát triển và thế giới còn lại.

Có hai điểm mà dự báo của Fukuyama không chính xác. Một, chưa thấy có “Sự cáo chung của lịch sử” và hai, nhân loại đang tiến về phía tiến bộ xã hội mà ở đó, những giá trị của chủ nghĩa xã hội càng ngày càng trở thành hiện thực.

Về điểm thứ nhất, các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam... vẫn kiên định mục tiêu lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn. Kỳ lạ thay, ở khu vực đó, sự thần kỳ đã xuất hiện. Trung Quốc, từ một quốc gia nghèo đói đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sự lớn mạnh đó lớn đến nỗi đe dọa cả quyền uy của thế giới tự do. Việt Nam, qua gian khổ, đã bước đầu khẳng định được mình như là thành viên đáng tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Từ một quốc gia bị chiến tranh khốc liệt tàn phá 30 năm, tỷ lệ nghèo đói trên 70% dân số, thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD/người/năm, bị bao vây, cấm vận nhưng nay đã có thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.000 USD, tỷ lệ người nghèo dưới 5% và trở thành một địa chỉ an toàn cho con người. Hà Nội, thủ đô của quốc gia ấy được vinh dự tôn vinh là “Thành phố vì hòa bình”... Những bằng chứng đó không phải là sự ngộ nhận hay sự tự huyễn hoặc mà chính cộng đồng quốc tế ghi nhận, thừa nhận.

Điều đặc biệt là, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các quốc gia Đông Âu tan rã, trước muôn vàn khó khăn của cách mạng thế giới, vào cuối thập niên 90 thế kỷ XX, ở khu vực Mỹ Latinh đã xuất hiện một trào lưu xã hội mới có tên là chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. Phong trào đó lan rộng đến hầu khắp các quốc gia trong khu vực, nơi được gọi là “sân sau” của Mỹ, do những người cánh tả thực hiện, lấy cảm hứng từ biểu tượng Bôliva với hy vọng sẽ xây dựng một chế độ xã hội có thể khắc phục được những khuyết tật của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Về trào lưu xã hội này, có thể còn lâu mới khẳng định được sức sống của nó song chí ít cũng cho chúng ta thấy rằng, những người dân ở khu vực này không chấp nhận chủ nghĩa tư bản, dù nó được ngụy trang hết sức tinh vi.

Quả thực là, ngay sau khi giành được độc lập dân tộc, các dân tộc luôn khát khao xây dựng quốc gia thịnh vượng, phát triển. Tuy nhiên, do lực lượng cầm quyền bị thao túng bởi bàn tay của phương Tây thân Mỹ nên rốt cuộc mô hình chủ nghĩa tự do mới không đưa lại mục tiêu như mong đợi. Đói nghèo cùng cực, thất học và xung đột xã hội tăng cao, nguồn lợi của đất nước rơi vào tay một số tập đoàn tư bản đã trở thành nguyên nhân chính cho những cuộc vượt thoát mới. Trong bối cảnh đó, một số quốc gia như Vênêxuêla, Bôlivia tiến hành một số cải cách vượt khỏi khuôn khổ tư bản chủ nghĩa và tuyên bố về mô hình chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. Điều đó chứng tỏ, chủ nghĩa tư bản không phải là đích đến cuối cùng của nhân loại, những giá trị chân chính của loài người mà chủ nghĩa xã hội kỳ vọng đạt đến vẫn có sức lay động loài người.

Trong lòng các quốc gia tư bản chủ nghĩa phát triển, ngay cả ở xứ sở cờ hoa, những giá trị trường tồn của chủ nghĩa xã hội vẫn gia tăng dù hết sức lặng lẽ. Sự gia tăng các giá trị đó lớn đến mức, đã lan tỏa vào trong suy nghĩ của người dân và thậm chí cả những chính khách hàng đầu cho dù vai trò của các chính đảng công nhân ở các quốc gia đó là yếu ớt. Thăm dò dư luận của Viện Ga lớp vào tháng 8-2018 cho thấy, có đến 51% thanh niên Mỹ và 57% đảng viên Đảng Dân chủ Mỹ có cảm tình với chủ nghĩa xã hội. Hiện tượng nữ dân biểu da màu Alexandria Ocasio Cotez trúng cử nghị viện năm 27 tuổi (năm 2017) có thiện cảm với chủ nghĩa xã hội không phải là đơn lẻ.

3. “Bản sắc - sự thừa nhận và chính trị phẫn nộ”(2)

Gần 30 năm sau “Sự cáo chung của lịch sử”, Francis Fukuyama viết tiếp “Bản sắc”. Kể từ ngày được xuất bản và nhất là sau khi được bình chọn là tác phẩm hay nhất của nước Mỹ năm 2018, “Bản sắc” trở thành một chủ đề nóng, có sức lan tỏa ghê gớm, không chỉ trong giới sành điệu về tư tưởng mà cho đến tận những kẻ bình dân. Người ta hân hoan đón nhận Bản sắc cũng giống như đón nhận “Sự cáo chung của lịch sử”.

Tuy nhiên, Bản sắc không nhìn nhận thế giới tự do một cách huy hoàng như trong Sự cáo chung của lịch sử. Ở đấy, có những gam màu u tối hơn. Qua bút pháp và những số liệu có tính thuyết phục, Francis Fukuyama, quả thật không chỉ mô tả mà còn vạch trần bản chất của thế giới hậu Chiến tranh lạnh.

Nếu như trong Sự cáo chung của lịch sử, người ta thấy Francis Fukuyama tiên liệu về sự kết thúc của lịch sử và tin rằng lịch sử chỉ còn lại thế giới tự do thì Bản sắc lại cho thấy sự suy tàn của nền chính trị dân chủ kiểu phương Tây. Ở nơi đó diễn ra tình trạng phân hóa đến cùng cực về mọi chiều cạnh của xã hội.

Theo Francis Fukuyama, nếu như trong Sự cáo chung của lịch sử, lý do của sự phân hóa là “đặc tính cộng đồng”, là do lịch sử để lại... thì đến nay, vấn đề lại tập trung vào Bản sắc. Theo đó, vì bản sắc không được thừa nhận nên dẫn đến sự rối loạn, phản kháng. Ông đã cho rằng, do “nhu cầu được thừa nhận phẩm giá một cách bình đẳng thổi luồng sinh khí cho cách mạng Pháp, và nó vẫn tiếp tục sống động cho đến ngày nay”. Tiếp đến, sự kiện người bán hàng rong ở Tuynidi bị thổi bùng bằng một cuộc cách mạng màu cũng do phẩm giá bị chà đạp. Không chỉ có thế, cả “Mùa xuân Ả rập” hay những cuộc cách mạng màu nổ ra ở nhiều nơi, chung quy cũng vì phẩm giá không được thừa nhận.

Về ý tưởng đó, khi nghe qua, nhiều người lấy làm tâm đắc. Quả thật, phẩm giá đúng là cao quý, là diện mạo của cá nhân và cộng đồng với tính cách con người và dĩ nhiên, khi bị chà đạp sẽ là sự phẫn nộ. Tuy nhiên, Francis Fukuyama vô tình không nhận thấy hay cố tình không nhận thấy một sự thật. Tại sao ông cố tình bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, bác bỏ chủ nghĩa xã hội trong khi học thuyết ấy công khai tuyên bố mục tiêu của mình là xây dựng một chế độ xã hội ở đó phẩm giá con người được tôn trọng và hết lời ca tụng thế giới tự do? Hơn ai hết, ông thấy rằng, chế độ nào con người ấy, phẩm giá ấy. Giả định, trong mắt của ông, chủ nghĩa xã hội không tôn trọng phẩm giá con người, không thừa nhận sự tự quyết định của họ hay nói chung là chuyên chế thì tại sao trong một chế độ được gọi là tự do như các quốc gia phương Tây, phẩm giá vẫn không được tôn trọng. Những người được gọi là độc tài ngự trị trong các quốc gia bị lật đổ trong các cuộc cách mạng màu có phải họ là những người cộng sản hay họ cũng chỉ là phiên bản của xã hội tư bản?

Rõ ràng là, thế giới tự do theo cách hiểu của Fukuyama vẫn có những giới hạn riêng mà chính ông phải thừa nhận. “Tuy nhiên, trật tự thế giới tự do này không mang lại lợi ích cho tất cả. Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nền dân chủ phát triển, bất bình đẳng gia tăng đáng kể, qua đó nhiều lợi ích của tăng trưởng chủ yếu rơi vào tầng lớp tinh hoa...”.

Qua  đọc Francis Fukuyama với 2 tác phẩm nổi bật nhất, người ta rất chia sẻ về độ tâm huyết và kiến thức sâu rộng của ông nhưng vẫn thấy rằng, chính ông không vượt thoát được định kiến về chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa Mác để đạt đến độ khách quan cần thiết. Ông vẫn là người bảo vệ “thế giới tự do” nhưng nhiều ý tưởng, nhiều lập luận còn mâu thuẫn. Chúng tôi nhận thấy rằng, nhân loại đã và đang vượt qua “Sự kết thúc của lịch sử” để tìm lại “Bản sắc”, song, bản sắc đó không có gì khác hơn những giá trị của chủ nghĩa xã hội.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2021

(1) Dẫn theo bản dịch của Nguyễn Phú Lợi, Lê Hồng Hiệp in trong Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, ngày 28-7-2013.

(2) Dẫn theo bản dịch của Khắc Giang, Quang Thái, Bảo Linh trong Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, ngày 8-11-2020.

PGS, TS Hồ Trọng Hoài

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền