Trang chủ    Bài nổi bật    Những cống hiến của Tổng Bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam
Thứ năm, 15 Tháng 5 2014 15:28
2636 Lượt xem

Những cống hiến của Tổng Bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam

(LLCT) - Trên cơ sở tư liệu được bổ sung, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-2014), bài viết góp phần làm sáng tỏ những cống hiến về lý luận và tổ chức thực tiễn của đồng chí với Đảng và cách mạng nước ta trong một năm tròn, kể từ khi đồng chí về nước hoạt động (4-1930) cho tới khi bị kẻ thù bắt (4-1931)(1).

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng nhưng lại bị chia rẽ bởi ba tổ chức cộng sản,với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc  từ Thái Lan tới Trung Quốc ngày 23-12-1929 và ngày 6-1-1930 bắt đầu tiến hành Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự chủ trì của Người, các đại biểu dự Hội nghị đã thống nhất vào một đảng và cùng nhau xác định được cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản như Báo cáo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930(2). Do điều kiện lúc đó, Hội nghị mới thông qua được những văn kiện cơ bản với nội dung vắn tắt đúng như tên gọi là Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt và sau đó mới thành lập được một Ban Chấp hành (BCH) Trung ương lâm thời(3). Nhưng, cho đến khi đồng chí Trần Phú về nước, BCH Trung ương lâm thời chưa có hoạt động nào nổi bật để thực hiện các Công tác của Trung ương mới đã được trao ở Hội nghị thành lập Đảng(4).

Thực hiện chỉ dẫn của Quốc tế Cộng sản gửi những người cộng sản Đông Dương, ngày 27-10-1929,Về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương(5)và từ thực tiễn trên, với tư cách là người của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Trần Phú đã tiến hành các công việc tiếp theo để hình thành một BCH Trung ương chính thức và thống nhất trong toàn Đảng về tư tưởng, tổ chức trên thực tế. Trước tình hình trên và đang phải đối mặt với một án tử hình của chính quyền phong kiến thực dân thì đó là một sứ mệnh cực kỳ to lớn và không hề giản đơn đặt ra trước một chiến sĩ cộng sản mới tròn 26 tuổi (4-1904 -4-1930). Nhưng với ý chí của người cộng sản, chỉ trong một năm sau khi trở về nước, đồng chí Trần Phú đã có những cống hiến rất quan trọng đối với Đảng và cách mạng Việt Nam:

1. Kế tục, cụ thể hóa và làm sáng tỏ đường lối cách mạng Việt Nam

Ngày 8-2-1930, đồng chí Trần Phú từ Pháp về tới Sài Gòn. Tìm hiểu ở Sài Gòn ít ngày, đồng chí đi Hồng Công tìm gặp Nguyễn Ái Quốc. Tháng 4-1930, đồng chí Trần Phú về nước theo thư giới thiệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tháng 7-1930, đồng chí được bổ sung vào BCH Trung ương lâm thời và bắt đầu nhiệm vụ xây dựng Luận cương chính trị.

Từ sự phân tích tình hình kinh tế, xã hội nước ta, Luận cương chính trị được thảo luận và thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất của Đảng (10-1930) một lần nữa xác định, cụ thể hóa và làm sáng tỏ tính chất, nhiệm vụcủa cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương là chống đế quốc và phong kiến, làm cho nước ta được độc lập, người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Con đường phát triển của cách mạng Đông Dương được xác định là từ “Tư sản dân quyền cách mạng được thắng lợi” với các điều kiện chủ quan và khách quan “mà phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa(6).

Cùng với việc nêu lên mối liên hệ mật thiết giữa nhiệm vụ chống đế quốc, chống phong kiến, Luận cương khẳng định 10 nội dung trong nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền và chỉ rõ động lực chínhcủa cuộc cách mạng là công nhân và nông dân và phải đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản cách mạng mới thắng lợi.

Luận cương xác định điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có đường chánh trị đúng, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải trong tranh đấu mà trưởng thành và “Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản”(7).

Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, Luận cương chỉ rõ: Đảng phải tổ chức ra các đoàn thể quần chúng của công nhân, nông dân... phải chống lại chủ nghĩa cải lương và cách mạng Việt Nam phải liên kết với giai cấp vô sản và nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới. Luận cương cũng bổ sung về phương pháp cách mạng (cách đấu tranh), chỉ rõ mối quan hệ giữa lãnh đạo đấu tranh hàng ngày của quần chúng với khởi nghĩa vũ trang khi có thời cơ...

Từ những vấn đề căn bản trên, so với các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng, thấy rõ rằng, về lý luận, Luận cương chính trịlà sự kế tục, cụ thể hóa và làm sáng tỏ thêm về tính chất, nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền, các vấn đề về xây dựng Đảng, những vấn đề căn bản này đúng như các nội dung cốt yếu đã được trình bày trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt,Chương trình vắn tắt của Đảng vàĐiều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta khẳng định: Luận cương chính trị “đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo”(8).

Làm rõ thêm trên cơ sở thống nhất quan điểm về những vấn đề căn cốt nhất như xác định tính chất, con đường, nhiệm vụ cách mạng, về xây dựng Đảng và phương pháp lãnh đạo cách mạng giữa Luận cương với các văn kiện đã thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng là vấn đề quan trọng nhất để thống nhất tư tưởng trong những năm tháng đầu Đảng được thống nhất từ ba tổ chức cộng sản khác nhau. Đó là cống hiến quan trọng hàng đầu của đồng chí Trần Phú về lý luận đối với Đảng và cách mạng nước ta.

2. Hiện thực hóa tổ chức Đảng và hình thành lý luận xây dựng Đảng

Trong hoàn cảnh Đảng ta mới ra đời, trước sự khủng bố trắng tàn bạo của kẻ thù, một đóng góp nổi bật của đồng chí Trần Phú là hiện thực hóa hệ thống tổ chức của Đảng và hình thành lý luận về xây dựng Đảng.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng BCH Trung ương chính thức của Đảng, bên cạnh những nỗ lực xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng trên cả nước theo Điều lệ mới của Đảng, từ thực tiễn, đồng chí Trần Phú đã có những chỉ đạo có tính chất lý luận về xây dựng Đảng. Trong chỉ thị về Những nhiệm vụ tổ chức cần kíp của Đảng, đồng chí đãnhấn mạnh ngay việc lập trung tâm mạnh của Đảng thống nhất và xóa bỏ tất cả những biểu hiện cục bộ và địa phương chủ nghĩa; đồng thời Đảng phải xây dựng các chi bộ cơ sở ở các thành phố và các trung tâm công nghiệp nếu không“chúng ta không thể tiến lên về mặt tổ chức hay giành được quần chúng - điều đó có nghĩa là chúng ta không mảy may tổ chức và lãnh đạo được cách mạng”.Đồng chí chỉ rõ một vấn đề nghiêm túc và bức thiết đối với Đảng là phảitạo ra những cán bộ mới được tuyển chọn trong số những công nhân ưu tú chắc chắn nhất đang tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh trong các phân xưởng, nhà máy và các đồn điền và phải xây dựng càng nhanh càng tốt các tổ chức thanh niên cộng sản.Về phương thức hoạt động của Đảng, đồng chí cho rằng, trong lúc “phải chú ý nhiều nhất tới việc xây dựng bộ máy bất hợp pháp của Đảng” nhưng “đồng thời phải sử dụng tất cả các khả năng hợp pháp và mọi thời cơ... nhằm có được nhiều khả năng hơn trong việc tiếp xúc hằng ngày với quần chúng”(9).  

Sau Hội nghị lần thứ nhất (10-1930), đồng chí Trần Phú trên cương vị là Tổng Bí thứ, đã chuẩn bị ngay cho Hội nghị lần thứ hai (3-1931), với nội dung là bàn về Nhiệm vụ hiện tại của Đảng,trong đó tập trung vào việc tăng cường sức mạnh của Đảng qua vấn đề tổ chức. Án nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ hai là văn kiện in đậm những đóng góp của đồng chí Trần Phú về lý luận xây dựng Đảng.

Phân tích thực tiễn tổ chức và kết quả hoạt động của Đảng, nghị quyết đã chỉ ra chính xác nguyên nhân cản trở những thắng lợi của Đảngmà “trở ngại lớn là nền tư tưởng trong Đảng còn rất nhiều vết tích tiểu tư sản, đầu cơ, biệt phái” với “một điều nguy hại căn bản là trong Đảng chưa nhận thứcrõ địa vị của vô sản giai cấp trong cách mạng và chức trách của Đảng”. Nghị quyết cho rằng nhận thức đó làsự sai lầm căn bản, mà thực chất là không nắm vững tính giai cấp của Đảng, đã ảnh hưởng đến toàn thể công việc của Đảng từ việc tổ chức đến việc lãnh đạo tranh đấu”(10). Biểu hiện trước nhất là trong Đảng, số chi bộ và đảng viên công nhân còn ít, chưa thực hiện nguyên tắc tổ chức tập trung dân chủ, còn “giữ cái chế độ rời rạc chỉ huy, địa phương tự trị, cá nhân độc đoán”; “kỷ luật đảng thì nhiều nơi hết sức là lơi lỏng”, “trái lại có nơi thì thi hành kỷ luật nghiêm khắc một cách vô lý chỉ dùng mệnh lệnh và dọa chứ không giải thích gì hết”(11).Tình hình trên làm cho công tác vận động quần chúng yếu kém: Công hội chật hẹp và không phát triển; Nông hội tuy phát triển mau nhưng còn nhiều hội viên không dính dáng chút gì với dân cày.

Nghị quyết xác định những yếu kém đó không chỉ xuất phát từ nhận thức chưa đúng về Đảng mà còn xuất phát từ đặc tính tiểu tư sản mà biểu hiện của nó là sợ tranh đấu và không tin tưởng vào sức quần chúng và trong vận động thì “lừa dối quần chúng hay cưỡng bách, hay lại biểu tình lông bông không có mục đích rõ rệt gì hết”. Trong mục tiêu tranh đấu thì không thảo luận với quần chúng, tự định ra những yêu cầu quá thấp không kể gì đến nhu yếu và ước vọng thiết thực của quần chúng và cản trở quần chúng, không để cho quần chúng hộ vệ tính mạng(12)...

Từ tình hình đó, nghị quyết xác định Nhiệm vụ cần kíplúc này là Đảng phải thực hành cho được những nhiệm vụ về tổ chức mà trước hết là phải tăng cường tính chất giai cấp công nhân của Đảng nhất là trong đội ngũ lãnh đạo. Biện pháp căn bản là phải đưa những đảng viên là công nhân vào các cơ quan chỉ huy, phải xác địnhvấn đề đào tạo công nhân chỉ huy là một vấn đề thiết thực, quan trọng cho sự phát triển của Đảng hiện tại và tương lai. Chonên “phải đặc biệt chú ý”(13).Mặt khác, hoạt động của Đảng phải hướng về chi bộ, nhất là chi bộ nhà máy. Cụ thể là phải “tập trung sự chỉ huy của Đảng vào chi bộ, trước hết là chi bộ lò máy, làm cho chi bộ sinh hoạt phát triển và làm chủ động trong việc sinh hoạt chính trị của Đảng và sự lãnh đạo của quần chúng tranh đấu mới được”(14).

Cùng với nhiệm vụ xâynhư trên là nhiệm vụ chốnglại chủ nghĩa cơ hội, phải kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cơ hội trong Đảng, vì nếu không kiên quyết đấu tranh loại bỏ nó “thì không thể nào mong đào tạo cho Đảng được một nền tảng tư tưởng cộng sản thống nhất”(15).

Như vậy là, cùng với việc giữ vững nguyên tắc trong xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân về tư tưởng và tổ chức, việc đề xuất những vấn đề nâng cao sức chiến đấu của Đảng thông qua việc tăng cường tính chất giai cấp công nhân, kiên quyết chống lại chủ nghĩa cơ hội là cống hiến có giá trị lý luận và chỉ đạo thực tiễn to lớn của đồng chí Trần Phú đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng ở một nước tiểu nông như nước ta. Ngày nay, những quan điểm này vẫn là vấn đề thời sự trong công tác xây dựng Đảng.

3. Xây dựng lý luận và tổ chức các lực lượng cách mạng

Một cống hiến quan trọng khác của đồng chí Trần Phú là, cùng với BCH Trung ương, chỉ trong thời gian ngắn đã chuẩn bị và thông qua một loạt các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, phụ nữ, quân sự; tổ chức các tổng công hội, nông hội, thanh niên cộng sản đoàn, hội cứu tế,... và xây dựng điều lệ cho các tổ chức này.

Nổi bật lên trong các vấn đề trên là lý luận về xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất. Đây là vấn đề được Đảng ta đặt ra và giải quyết riêng vớiChỉ thị củaTrung ương Thường vụ,ngày 18-11-1930, Về vấn đề thành lập Hội “Phản đế đồng minh”.

Đặt vấn đề liên minh công nông là động lực chính của cách mạng nước ta nhưng bản Chỉ thị cũng khẳng định: “giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật đông, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công (rộng là toàn dân cùng đứng trong một mặt trận chống đế quốc và tụi phong kiến làm tay sai phản động hèn hạ; kín là đặt để công nông trong bức thành dân tộc phản đế bao la)”(16). Đây là một bước tiến về nhận thức của Đảng trong việc đánh giá vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng nước ta.

Phân tích thực tiễn, bản Chỉ thịđã chỉ rõ có hai nguyên nhân làm cho công tác xây dựng Mặt trận thống nhất dân tộc chưa thực hiện được. Trước hết là do trong Đảng hiểu chậm chạp và hiểu chưa thật triệt để Luận cương cách mạng tư sản dân quyềnnên “tổ chức cách mạng vẫn đơn thuần công nông và một màu sắcnhất định - như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên đỏ, Sinh hội đỏ, và Cứu tế đỏ; do đó thiếu mặt tổ chức thật quảng đại quần chúng, hấp thụ các tầng lớp trí thức dân tộc, tư sản dân tộc, họ ở tầng lớp trên hay ở tầng lớp giữa cũng vậy, và cho tới cả những người địa chủ, có đầu óc oán ghét đế quốc Pháp, mong muốn độc lập quốc gia để đưa tất cả những tầng lớp và cá nhân đó vào trong hàng ngũ chống đế quốc Pháp, để cần kíp tổng động viên toàn dân nhất tề hành động mặt này hay mặt khác, mà chống khủng bố trắng và ủng hộ cách mạng công nông”(17).

Hai là, do trong Đảng“chưa quan niệm đúng cái tổ chức Phản đế đồng minh là một nhiệm vụ giai cấp tranh đấu trong chủ nghĩa Mác ở thời đại đế quốc, và là Lêninit nỗ lực nhất. Do đó chúng ta đã tách rời dân tộc cách mạng với giai cấp cách mạng làm hai đường mà chưa nhận định đúng là dân tộc cách mạng vẫn là một nhiệm vụ trong giai cấp cách mạng. Sự chuyển biến lối này hay lối khác đó là hoàn cảnh từng nơi từng lúc, chứ không phải hai đường sai trái nhau”(18).

Thực tiễn trên cho thấy, sau Luận cương, từng bước trong nhận thức của BCH Trung ương Đảng và đồng chí Trần Phú đã phân tích sát hơn sự phân hóa và thái độ chính trị của các giai tầng trong xã hội Việt Nam khi đó để nhìn nhận đúng đắn hơn mối quan hệ dân tộc - giai cấp trong cách mạng nước ta. Nhận thức này đã góp phần hình thành Chỉ thịđúng đắn trên đây của Đảng về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất.

Ngày 11-4-1931, 7 ngày trước khi đồng chí Trần Phú bị kẻ thù bắt (18-4-1931), BCH Quốc tế Cộng sản đã quyết định công nhận Đảng ta là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản. Sự công nhận đó có phần đóng góp to lớn và là thành công của đồng chí Trần Phú trên cương vị là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.

Những đóng góp của đồng chí Trần Phú - như Đảng ta khẳng định đã “góp phần quan trọng trong xây dựng nền móng tư tưởng, chính trị và tổ chức của Đảng ta”(19)và thể hiện rõ đồng chí Trần Phú không chỉ là nhà lý luận, nhà lãnh đạo tổ chức thực tiễn xuất sắc của Đảng ta mà còn là người cộng sản “đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”(20) - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sau này.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2014

(1) Đúng vào ngày 6-1-1930, ngày Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp, đồng chí Trần Phú rời Pari (Pháp) về nước. Ngày 8-2-1930, các đại biểu dự Hội nghị thành lập Đảng về nước, cũng là ngày đồng chí về tới Sài Gòn. Ở Sài Gòn ít ngày, đồng chí đi Hồng Công, Tháng 4-1930, đồng chí trở lại Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ của Đảng ở trong nước.

(2),(4) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập , t.3, Nxb Chính trị quốc gia, tr.12,12.

(3) Mặc dù không nhận được thông tin của Quốc tế Cộng sản về quy trình thống nhất 3 tổ chức cộng sản nhưng đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện nhiệm vụ này căn bản giống như quy trình mà tài liệuVề việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dươngcủa Quốc tế Cộng sản gửi những người cộng sản Đông Dương ngày 27-10-1929: Xem: Văn kiện Đảng: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1998, tr.614-615.

(5) Văn kiện Đảng:Toàn tập,t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.613. Chú thích là tài liệu của Quốc tế Cộng sản, sách Trần Phú tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.95 viết là Chỉ thị của BCH Quốc tế Cộng sản.  

(6), (7), (9), (16), (17), (18) Văn kiện Đảng: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.94,100, 226, 227, 227-228, 228.

(19) Lời điếu của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Nhân Dânngày 12-1-1999.

(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t .9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.284.

 PGS, TS Phạm Hồng Chương

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền