Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Một số yếu tố tạo động lực làm việc cho giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ ba, 26 Tháng 7 2016 11:02
3734 Lượt xem

Một số yếu tố tạo động lực làm việc cho giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của tổ chức. Vấn đề tạo động lực trong lao động là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý nhân sự, thúc đẩy các thành viên của tổ chức, người lao động hăng say làm việc, nâng cao hiệu suất lao động.

Động lực là những nhân tố bên trong kích thích con người tích cực làm việc tạo ra năng suất, hiệu quả cao. Biểu hiện của động lực là sự sẵn sàng, nỗ lực, say mê làm việc nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức cũng như bản thân người lao động.

Tạo động lực trong lao động là hệ thống các chính sách, các biện pháp quản lý tác động đến người lao động nhằm làm cho họ có được động lực để làm việc.

Tạo động lực lao động có vai trò quan trọng trong quản trị nhân lực: tạo sự gắn kêt giữa lao động với tổ chức; tăng mức độ hài lòng, niềm tin, sự gắn bó và tận tụy của người lao động; tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng lao động; là nền tảng để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ…

Quá trình tạo động lực chịu tác động bởi nhiều nhân tố bên trong như: mục tiêu của tổ chức; phong cách nhà lãnh đạo; nhu cầu, động cơ của người lao động; các công cụ tạo động lực (hệ thống chế độ chính sách, thu nhập, môi trường làm việc, nội dung công việc...). Các yếu tố chính mà hoạt động tạo động lực cần có: (1) chủ thể của tạo động lực - là những nhà lãnh đạo, nhà quản trị; (2) khách thể của tạo động lực - là những lao động của nhiều cấp khác nhau; (3) công cụ của tạo động lực - là những chính sách, chế độ mà nhà lãnh đạo sử dụng để kích thích, động viên người lao động làm việc một cách hăng say nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hò Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý.

Với chức năng, nhiệm vụ nặng nề đó, nên việc tạo động lực phát triển đội ngũ giảng viên là rất quan trọng để khích lệ nỗ lực làm việc, nâng cao chất lượng đầu ra của tổ chức.

Hiện, toàn Học viện có gần 900 giảng viên làm việc tại các đơn vị trực thuộc. Do đó, việc tạo động lực làm việc trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học đối với đội ngũ này rất cần thiết, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Học viện trong giai đoạn sớm.

Học viện là môi trường có tính học thuật cao, quy tụ nguồn nhân lực đồng đều và chất lượng cao trong xã hội. Đặc trưng của môi trường này là đào tạo cán bộ quản lý lãnh đạo, nghiên cứu lý luận chính trị, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Giảng viên, nghiên cứu viên (NCV) là những người trực tiếp làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Để tạo động lực, cần quan tâm đến các yếu tố sau: chính sách về thu nhập, về công việc, môi trường làm việc, sự thăng tiến.

Chính sách về thu nhập

Các tổ chức sử dụng người lao động thông qua hệ thống chính sách thu nhập. Đó là hệ thống bao gồm các chính sách bảo đảm quyền lợi cho người lao động: chính sách lương, thưởng, chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), chính sách về các khoản phụ cấp,... Xét trên góc độ quản lý nguồn nhân lực của tổ chức, các chính sách về lương, BHXH, phụ cấp là nhóm yếu tố thu hút và duy trì người lao động (điều kiện cần). Chính sách về tiền thưởng mới thực sự có tác dụng động viên sự nỗ lực của người lao động (điều kiện đủ). Tuy nhiên, đối với một số cá nhân, chính sách lương hợp lý và chính sách BHXH đầy đủ cũng là động lực thúc đẩy họ nỗ lực hoàn thành công việc được giao.

Điều kiện làm việc và văn hóa tổ chức

Điều kiện làm việc là các trang thiết bị mà tổ chức cung cấp, trang bị cho người lao động trong quá trình làm việc tại tổ chức. Môi trường hoạt động trí óc, sáng tạo tri thức, do đó điều kiện làm việc thích hợp trước hết phải tạo sự thoải mái và giúp tập trung suy nghĩ, bên cạnh đó là các điều kiện về tư liệu lao động thuận tiện cho việc nghiên cứu và cập nhật thông tin khoa học.

Văn hóa tổ chức là hệ thống những giá trị, chuẩn mực chung được thừa nhận bởi toàn bộ nhân viên trong tổ chức, và lối hành xử của họ đối với bên trong và bên ngoài tổ chức. Văn hóa tổ chức được thể hiện thông qua biểu trưng, biểu tượng của tổ chức và đặc biệt thông qua phong cách làm việc, quan hệ giữa những đồng nghiệp và giữa nhân viên với quản lý.

 Không khí hoạt động khoa học sôi nổi sẽ tạo nên môi trường văn hóa mạnh của tổ chức. Văn hóa mạnh hấp dẫn nhân tài và thúc đẩy niềm say mê nghiên cứu khoa học. Do đó, để tạo động lực, cần xây dựng và duy trì một nền văn hóa mạnh trong lòng những người làm khoa học của Học viện.

Khả năng thăng tiến trong công việc

Thăng tiến trong công việc là sự phát triển trong nấc thang nghề nghiệp, thể hiện nhu cầu được công nhận, được khẳng định. Theo nghiên cứu của Fredereck Herzbeg, thăng tiến thuộc nhóm yếu tố thỏa mãn, có tính khuyến khích người lao động nỗ lực trong công việc. Trong thực tế, một giảng viên giỏi thường có tinh thần cầu tiến. Họ luôn khao khát tìm kiếm cơ hội thăng tiến phát triển nghề nghiệp của mình, vì họ quan niệm rằng không tiến ắt lùi.

Đối với môi trường Học viện, sự phát triển về trình độ (học hàm, học vị) đánh giá năng lực khoa học của người giảng viên. Do đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho đội ngũ giảng viên, khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn trong nghiên cứu.

Để xác định chính xác nhu cầu, động cơ hành động của cán bộ giảng viên Học viện, cần nghiên cứu các lý thuyết về nhu cầu, động cơ của con người. Lợi ích thứ nhất là hiểu được nhu cầu, tìm ra cách xác định nhu cầu của đội ngũ cán bộ, sàng lọc và phân nhóm nhu cầu. Lợi ích thứ hai, xác định được với nhu cầu này thì sẽ thỏa mãn bằng yếu tố nào, chính sách nào. Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu nhu cầu, động cơ của giảng viên nhằm giúp định vị nhu cầu cơ bản theo từng đối tượng, làm cơ sở gợi ý các giải pháp cần thiết cho việc tạo động lực.

Bên cạnh các yếu tố thuộc về người lãnh đạo, tập thể lãnh đạo cấp Học viện, cấp Viện, cần lựa chọn các hình thức để tạo nên những chính sách trong tạo động lực. Điều kiện bảo đảm thành công trong triển khai áp dụng các công cụ này là đánh giá thường kỳ, làm cơ sở cho những điều chỉnh cần thiết.

Tạo động lực cho đội ngũ giảng viên ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ  của Học viện, cần có giải pháp hữu hiệu, tìm ra công cụ tạo động lực phù hợp nhất, đạt hiệu quả cao nhất nhằm phát triển đội ngũ giảng viên của Học viện.

 

ThS Ngô Hải Anh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền