Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí - truyền thông trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ ba, 28 Tháng 5 2019 09:19
1928 Lượt xem

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí - truyền thông trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ XXI ở châu Âu, đến nay, đã thực sự phát triển và lan tỏa tới nhiều quốc gia trên thế giới. CMCN 4.0 tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này, đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực mới với những kiến thức, kỹ năng sáng tạo và khả năng nắm bắt kỹ thuật, công nghệ hiện đại để quản trị nhà máy, công sở nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Báo chí - truyền thông cũng không nằm ngoài xu thế trên. Để có được những sản phẩm truyền thông tương thích với nền tảng kỹ thuật, công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng hiện đại, đòi hỏi phải có một đội ngũ lao động báo chí - truyền thông chất lượng cao. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay.

1. Bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và bức tranh nhân lực

Bản chất của cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng ứng dụng các giá trị của công nghệ số. Nó làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và tạo ra năng xuất lao động đột biến. Cuộc cách mạng này sẽ làm cho nhiều quốc gia phát triển mạnh mẽ, trở nên thịnh vượng, nhưng cũng có những quốc gia chậm trễ, không nắm bắt được cơ hội sẽ chậm phát triển, tụt hậu và nghèo nàn(1).

Cuộc cách mạng này có khả năng kết nối các mối liên hệ sản xuất theo hệ thống và được quản trị bằng quy trình thông minh, số hóa dữ liệu. Quản trị hệ thống, điện toán đám mây, thiết bị di động thông minh, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... là những giá trị lớn mà CMCN 4.0 đem lại, tạo điều kiện tối đa thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển.

Nhân lực tham gia vào quá trình sản xuất trong các công sở, nhà máy sẽ giảm tối đa và trí tuệ nhân tạo, dữ liệu được số hóa sẽ giúp cho quá trình sản xuất ngoài sức tưởng tượng của con người. Những rô bốt sẽ thay thế con người trong các công việc nặng nhọc, kể cả những công việc đòi hỏi tinh vi, tính toán chi tiết.

CMCN 4.0 là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống không gian mạng thực - ảo (cyber-physical system), Internet vạn vật, điện toán đám mây và điện toán nhận thức (cognitive computing)(2).

CMCN 4.0 tạo ra “nhà máy thông minh” (smart factory) với cấu trúc kiểu môđun, hệ thống thực - ảo giám sát các quy trình thực tế, tạo ra một bản sao ảo của thế giới thực và đưa ra các quyết định phân tán. Qua internet vạn vật, các hệ thống thực - ảo giao tiếp và cộng tác với nhau và với con người trong thời gian thực và với sự hỗ trợ của internet dịch vụ, dịch vụ nội hàm và dịch vụ xuyên tổ chức được cung cấp cho các bên tham gia chuỗi giá trị sử dụng.

CMCN 4.0 có thể mang lại cho kinh tế Việt Nam cơ hội để bứt phá. Để tận dụng được cơ hội này, chúng ta cần phải có một tầm nhìn dài hạn, một cách tiếp cận tốt so với những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao(3). Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines. Việt Nam chỉ xếp hạng gần tương đương với Campuchia. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải pháp đưa ra là đẩy mạnh cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, ưu tiên cho các ngành khoa học kỹ thuật; đào tạo, hướng nghiệp gắn với việc làm và theo nhu cầu của xã hội.

Hiện các nước dẫn đầu như Mỹ và Nhật Bản cũng mới ở bước đầu chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với CMCN 4.0. Cơ hội vẫn rộng mở với các nước còn lại. Do vậy, có thể vừa chuyển đổi một số ngành chọn lọc sang sản xuất tiên tiến, vừa tiếp tục duy trì sản xuất truyền thống. Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng khuyến nghị, các quốc gia phải tự đánh giá, phân tích nền kinh tế của mình để có được chiến lược phát triển hiệu quả(4).

Về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, PGS, TS Ngô Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông Tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Cần phải chuẩn bị một nguồn nhân lực chất lượng cao để ta có thể tiếp cận nhanh, hiệu quả hơn những thành tựu công nghệ của thế giới. Chúng ta không những phát minh và sáng tạo, mà phải kèm theo học hỏi một cách hiệu quả. Cùng với học hỏi, chúng ta cần phải quan hệ tốt với thế giới bằng việc liên kết, hợp tác với những doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới. Nhà nước cần phải có chính sách mới để giúp nền kinh tế có thể thích ứng một cách tốt nhất với Cách mạng công nghiệp 4.0”(5).

Đào tạo nhân lực là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững và tiếp cận thành công CMCN 4.0. Cần thay đổi cách thức đào tạo, tăng cường khả năng tự học của người học và đổi mới chương trình học sát với thực tiễn. Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, đồng thời đẩy mạnh quốc tế hóa trong đào tạo và các hoạt động khoa học công nghệ.

Để tận dụng cơ hội và bắt kịp cuộc CMCN 4.0, cần bắt đầu từ những việc đơn giản, thiết yếu và bền vững nhất là phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Các nhà trường cần xây dựng các phòng học thông minh và có sự hợp tác sâu rộng giữa doanh nghiệp và nhà trường. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc bồi dưỡng đội ngũ giảng viên theo cả chiều rộng và chiều sâu...

Những năm qua, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông ở Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông của Nhà nước, có bề dày xây dựng và phát triển thì có khá nhiều cơ sở đào tạo tư thục quan tâm đến vấn đề này, nhất là mảng kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông. Mục đích là để đáp ứng yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0. Tuy nhiên, việc nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này từ góc độ quản lý thực tiễn tới đào tạo còn rất hạn chế.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Làm báo trong xu thế cách mạng 4.0” diễn ra trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc ngày 17-3-2018 do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, nhiều đại biểu khẳng định, nếu hệ thống báo chí nước nhà không sớm tiếp cận xu hướng làm báo dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất thì có thể bị các mạng xã hội dẫn dắt và bỏ xa.

2. Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí - truyền thông trong bối cảnh CMCN 4.0

Đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo, phương pháp giảng dạy và học tập báo chí - truyền thông là yêu cầu bức thiết hiện nay. Dưới đây là một số đề xuất đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí - truyền thông trong bối cảnh CMCN 4.0:

Thứ nhất, các trường đào tạo báo chí - truyền thông cần phải dạy sinh viên những kiến thức, kỹ năng mới, cần thiết liên quan đến các lĩnh vực báo chí - truyền thông, phù hợp với đặc thù của CMCN 4.0 là kết nối và chia sẻ dữ liệu.

Thứ hai, đào tạo báo chí - truyền thông tại Việt Nam trước đây thường thiên về tính hàn lâm. Xu hướng hiện nay đang tạo ra các ngành mới rất nhanh và triệt tiêu các ngành hiện tại cũng nhanh không kém đã đặt ra quan điểm về đào tạo mới: liên tục, mở và mang tính khai phóng. Xu hướng này yêu cầu giảng viên báo chí - truyền thông phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng và đổi mới phương pháp giảng dạy.

Thực tế cho thấy, không có trường đại học nào có thể đào tạo theo kịp được sự phát triển hiện nay. Đào tạo đại học chỉ mang tính chất căn bản, cách tư duy và cách thức hòa nhập vào môi trường, còn lại, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho mình và cho xã hội.

Thứ ba, cần tạo ra cơ chế giảng dạy linh hoạt, giáo trình giảng dạy linh hoạt để các giảng viên báo chí - truyền thông cập nhật kiến thức mới. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy của nhà khoa học từ tư duy nghiên cứu sang tư duy thực hành.

Thứ tư, CMCN 4.0 là đỉnh cao của tự động hóa, đòi hỏi các cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông phải tiếp cận sản xuất sản phẩm báo chí - truyền thông thông minh, chính xác hơn, đáp ứng yêu cầu của công chúng trong thời gian ngắn nhất. 

Một trong những giải pháp để giữ cho các cơ quan báo chí - truyền thông không thiếu hụt lao động là đào tạo, bổ sung nguồn lao động làm được việc. Các cơ quan báo chí - truyền thông cần tích cực hợp tác với các trường trong chương trình đào tạo. Cần tiếp nhận sinh viên báo chí - truyền thông về thực tập ngắn hạn và dài hạn, xác định sinh viên đến không chỉ để thực tập thuần túy, mà là nơi học về phương pháp làm việc, thực hành nghiệp vụ. Làm được như vậy, khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc được ngay, cơ quan báo chí - truyền thông không phải mất thời gian, kinh phí đào tạo lại.

Việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho báo chí - truyền thông luôn mang tính dài hạn. Các cơ sở đào tạo nên vừa giải quyết bài toán dài hạn vừa phải giải quyết bài toán tức thời.  

3. Một số khuyến nghị

Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí - truyền thông cần nhận thức rõ tầm quan trọng và sự cấp bách của việc đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Nhận thức đầy đủ vấn đề này mới có thể chú trọng đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần bắt tay hành động thông qua việc tái cấu trúc chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo; đặc biệt chú trọng những ngành và chuyên ngành mới, gắn với kỹ thuật, công nghệ và phương thức tác nghiệp báo chí - truyền thông số.

Cần chú trọng đầu tư phương tiện dạy và học hiện đại, đủ đáp ứng việc thực hành nghiệp vụ cho sinh viên; đặc biệt, cần giảm tải lý thuyết, tăng cường đào tạo thực hành, gắn với tác nghiệp thực tiễn.

Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí - truyền thông cũng cần quan tâm xây dựng chính sách tốt, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào quá trình đào tạo. Cán bộ, giảng viên cần được đào tạo, bồi dưỡng và thực tế tác nghiệp báo chí - truyền thông thường xuyên để trau dồi, tiếp nhận tri thức, kỹ năng mới phục vụ cho đào tạo.

Tóm lại, cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và tạo ra năng suất lao động đột biến. Cuộc cách mạng này sẽ khiến cho nhiều quốc gia phát triển mạnh mẽ, trở nên thịnh vượng, nhưng cũng có những quốc gia chậm trễ, không nắm bắt được cơ hội sẽ chậm phát triển, tụt hậu và nghèo nàn. Đối với lĩnh vực báo chí - truyền thông, nếu các cơ sở đào tạo không nắm bắt và đổi mới, cải tiến kịp thời chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo sẽ trở nên tụt hậu, không đáp ứng được nhu cầu xã hội.

____________________

(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - thời cơ và thách thức đối với Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2017.

(2) Kagermann, H., W. Wahlster and J. Helbig (2013): Recommendations for implementing the strategic initiative Industrie 4.0: Final report of the Industrie 4.0 Working Group.

(3) Lệ Thanh: Cách mạng công nghiệp 4.0: cơ hội cho Việt Nam phát triển. Nguồn: http://vietnamnet.vn.

(4), (5) Dân trí (2018): Thách thức nhân lực cho cách mạng 4.0, http://dantri.com.vn.

PGS, TS PHẠM HUY KỲ

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền