Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Sự cần thiết áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến các môn lý luận chính trị trong các trường đại học
Thứ hai, 22 Tháng 6 2020 16:09
3126 Lượt xem

Sự cần thiết áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến các môn lý luận chính trị trong các trường đại học

(LLCT) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những chuyển biến có tính cách mạng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực đào tạo. Trong xu thế đó, các trường đại học cần phải nhận thức sâu sắc và chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi phương thức đào tạo trong thời kỳ công nghệ số. Đào tạo trực tuyến được xem là sự lựa chọn tối ưu trong bối cảnh hiện nay. Bài viết làm rõ sự cần thiết áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến các môn lý luận chính trị trong các trường đại học và đề xuất một số giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả đào tạo trực tuyến các môn học này.

Tập huấn giảng dạy trực tuyến cho cán bộ, giảng viên đại học

Từ khóa: đào tạo trực tuyến, đại học.

Đào tạo trực tuyến (E-learning) được hiểu là phương thức đào tạo dựa trên công nghệ thông tin hiện đại. Quá trình dạy học trực tuyến diễn ra trong đó, người dạy và người học thay hình thức mặt đối mặt bằng kiểu dạy học giao tiếp qua e mail, thảo luận trực tuyến... Nội dung dạy học được truyền tải trên các công cụ điện tử hiện đại.

Các môn lý luận chính trị trong chương trình đào tạo đại học hiện nay là những môn học thuộc chương trình đại cương. Mục đích, vai trò của các môn học này là xác lập thế giới quan và phương pháp luận khoa học, xây dựng bản lĩnh chính trị và phát triển những giá trị đạo đức, trách nhiệm xã hội cho sinh viên. Với vị trí, ý nghĩa đó, các môn lý luận chính trị thuộc khối kiến thức bắt buộc trong chương trình đào tạo ở bậc đại học.

Hiện nay, việc giảng dạy các môn học này bằng phương thức truyền thống đang tồn tại nhiều vấn đề: kiến thức của các môn lý luận chính trị chiếm tỷ trọng khối lượng khá lớn trong chương trình đào tạo ở bậc đại học hiện nay, và dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấu trúc lại nội dung chương trình theo hướng giảm tải song lượng giảng viên bố trí giảng dạy hiện nay vẫn còn chưa đáp ứng được.

Thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục đại học theo học chế tín chỉ, số tiết học trên lớp của các môn lý luận chính trị áp dụng cho tất cả các ngành không chuyên chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hệ đại học hiện nay thực tế rất ít ỏi. Bên cạnh việc cắt giảm số tiết lên lớp, các lớp học môn lý luận chính trị thường thực hiện ghép lớp. Sĩ số lớp đông, sinh viên đa dạng các chuyên ngành. Việc cá nhân hóa quá trình giảng dạy không thể thực hiện được. Các phương pháp dạy học tích cực trở nên không phù hợp. Sự tương tác người dạy, người học, người học - người học cũng không thực hiện được.

Đặc thù các môn lý luận chính trị có tính trừu tượng cao. Nội dung các môn lý luận chính trị nặng tính hàn lâm. Việc yêu cầu sinh viên tự học, tự nghiên cứu cũng khó khăn khi hệ thống học liệu nhiều nhưng chưa chuẩn hóa. Việc tự học có hướng dẫn, kiểm tra đòi hỏi giảng viên phải giao bài tập, tổ chức thảo luận, có tiêu chí kiểm tra đánh giá hiện nay chưa làm được. Chất lượng dạy học môn lý luận chính trị hiện nay thấp so với yêu cầu vốn có.

Trước thực tiễn đó, hình thức đào tạo trực tuyến các môn học này cần phải được tính đến với cơ sở đào tạo vì:

Thứ nhất, là môn học bắt buộc trong giai đoạn đầu của quá trình đào tạo, số lượng người học đông, áp lực lớn về hội trường, giảng viên... đào tạo trực tuyến giúp cơ sở đào tạo giải quyết được cơ bản những khó khăn về thiếu hụt đội ngũ, lớp học...

Thứ hai, đào tạo trực tuyến cho phép người học và cơ sở đào tạo rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí đào tạo đáng kể. Người học, tùy theo năng lực và quỹ thời gian của mình có thể đẩy nhanh quá trình đào tạo. Cơ sở đào tạo dựa vào phương tiện công nghệ hiện đại có thể kiểm soát quá trình đào tạo một cách khoa học, hợp lý. Cơ sở đào tạo có thể cắt giảm một số chi phí quản lý đào tạo truyền thống như quản lý lớp học, in ấn tài liệu, giáo trình...

Thứ ba, bài giảng và nguồn học liệu được chuẩn hóa, khả năng thông qua kiểm soát ở mức cao, có thể đảm bảo chất lượng đào tạo của trường. Các khóa học có thể sử dụng các tài nguyên xây dựng từ trước, khóa học được cập nhật và triển khai nhanh chóng, liên tục... E-Learning cùng với hình thức học liệu điện tử tiện ích (bao gồm: sách điện tử, bài giảng điện tử; bộ câu hỏi ôn tập và phần kiểm tra đánh giá quá trình tự học của sinh viên) do chính các giảng viên xây dựng và được tích hợp trên môi trường công nghệ internet số hóa cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học và sinh viên.

Các môn lý luận chính trị đòi hỏi nguyên tắc đảm bảo tính Đảng, tính khoa học cao. Tư tưởng, quan điểm và cách phát ngôn của người dạy phải trên lập trường của giai cấp công nhân, lý luận và phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin và giữ vững nguyên tắc Đảng. Đồng thời yêu cầu về  tính logic, tính khoa học của các lý thuyết trình bày được đảm bảo. Phương thức đào tạo trực tuyến cho phép giảng viên chuẩn bị kỹ nội dung, thông qua hệ thống kiểm soát chặt chẽ, nhiều chiều cho phép việc thực hiện yêu cầu này ở mức cao nhất. 

Với người học, đào tạo trực tuyến các môn lý luận chính trị giúp sinh viên vượt qua rào cản về không gian và thời gian. Người học có thể đăng ký và sắp xếp việc học tập một cách linh hoạt, phù hợp với thời gian của cá nhân. Sinh viên chủ động xây dựng kế hoạch học tập, lựa chọn môn học, tài liệu học tập, tự thực hiện các yêu cầu của khóa học... nhờ thế mà khả năng tự học tốt hơn. Phát triển năng lực tự học tự nghiên cứu là một yêu cầu đặt ra, có ý nghĩa lớn trong khắc phục vấn đề cản trở việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học và phát triển năng lực cho người học giai đoạn đầu, là tiền đề tốt cho việc học tập các môn chuyên ngành ở giai đoạn đào tạo sau.

Hơn nữa, nội dung bài giảng được chuẩn hóa, giáo trình và tài liệu có tính đồng bộ cao, người học có điều kiện tiếp cận và lựa chọn giảng viên chất lượng cao trong các môn học này.

Nhờ tính tương tác và hợp tác cao, nhờ phương tiện công nghệ thông tin dễ tiếp cạn và thuận tiện, đào tạo trực tuyến tạo ra một môi trường giao tiếp học thuật thuận lợi giữa sinh viên với giảng viên, giữa sinh viên với sinh viên. Điều này không chỉ đem lại lợi ích về thông tin trao đổi mà còn hình thành và phát triển môi trường học thuật mới, hiện đại và dân chủ hơn.

Đào tạo trực tuyến đặt ra và mở rộng phương thức đánh giá người học trên cơ sở khách quan hơn, nhanh hơn, linh hoạt và chính xác hơn.

Song bên cạnh những lợi ích mà không thể bàn cãi của đào tạo trực tuyến các môn lý luận chính trị ở trường đại học, những khó khăn, thách thức khi triển khai các môn học này bằng phương thức đào tạo trực tuyến cũng rõ ràng.

Về đặc thù môn học, là những môn học có tính trừu tượng, khái quát cao, tính chính trị, tính gắn kết lý luận và thực tiễn... các môn lý luận chính trị được đưa vào giảng dạy ở giai đoạn đầu của quá trình đào tạo đại học với lượng kiến thức lớn, khi trình độ tư duy lý luận của các em chưa thực sự phát triển sẽ khiến cho các em thấy khó khăn, thậm chí khủng hoảng khi tiếp thu kiến thức môn học, nhất là khi môi trường, phương thức học khác biệt so với bậc học phổ thông.

Các môn lý luận chính trị đòi hỏi sự thống nhất cao giữa lý luận và thực tiễn. Sức sống của tri thức lý luận chính trị thể hiện ở chỗ không xa rời đời sống xã hội. Bài giảng trực tuyến thường có tính ổn định nhất định và áp dụng không đổi trong một thời gian và với một số đối tượng. Do vậy, diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội thế giới và trong nước sẽ khó cập nhật thường xuyên hơn.

Về phía giảng viên, soạn bài giảng E-learning đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức. Trong khi hiện nay đa số giảng viên đang đảm nhiệm nhiệm vụ giảng dạy nặng nề. Một số giảng viên giỏi chuyên môn nhưng khả năng sử dụng công nghệ chưa cao. Những giảng viên có kiến thức chuyên môn tốt thì chưa có kỹ năng thiết kế bài giảng, khóa học trên mạng. Việc thiết kế kịch bản dạy học, xây dựng hình ảnh, video clip, tích hợp các trang màn hình... đối với nhiều giảng viên các môn lý luận chính trị hiện nay còn là mới lạ. Hơn nữa, trong đào tạo trực tuyến, vấn đề đa dạng hóa phương pháp dạy học cho phù hợp với đặc điểm và trình độ đối tượng người học chắc chắn sẽ khó khăn hơn phương thức truyền thống đang áp dụng hiện nay.

Đối với sinh viên, đa số các em vốn quen với cách học truyền thống. Tâm lý ỷ lại, thụ động trong học tập còn phổ biến. Trong khi học trực tuyến đòi hỏi các em có tính chủ động, tích cực, ý thức cá nhân cao. Chắc chắn nhiều sinh viên chưa hình thành năng lực tự lên kế hoạch học tập và tạo tính kỷ luật học tập bằng phương thức mới. Bên cạnh đó, kỹ năng tự học chưa cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập các môn học này.

Bên cạnh đó, mặt bằng trình độ công nghệ thông tin của sinh viên không đồng đều, nhiều em chưa từng tiếp cận và sử dụng công nghệ hiện đại do điều kiện kinh tế khó khăn của gia đình, địa phương. Điều này tạo nên xuất phát điểm không giống nhau khi cùng học tập, ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả của các em.

Về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, đào tạo trực tuyến đòi hỏi sự đầu tư ban đầu đủ mạnh. Các loại hình đào tạo trực tuyến đang được áp dụng hiện nay ở Việt Nam đều cần đến những điều kiện công nghệ thông tin như máy tính nối mạng, các đĩa CD-ROM, web... Không phải trường đại học nào cũng có thể đáp ứng yêu cầu đó trong thời gian trước mắt.

Hơn nữa, đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hỗ trợ cho quá trình dạy học trực tuyến hiện nay ở các trường đại học đa số chưa đủ về số lượng và chất lượng. Điều này có nhiều lý do, hoặc trường chưa chú ý tuyển dụng đội ngũ này, hoặc chế độ lương hiện nay chưa thu hút được đội ngũ cán bộ giỏi công nghệ thông tin.

Để triển khai đào tạo trực tuyến các môn lý luận chính trị hiệu quả, cần có giải pháp cụ thể:

Một là, đổi mới, sửa đổi, hoàn thiện quy chế quản lý đào tạo đại học nói chung, quy định đào tạo đại học các môn lý luận chính trị cho phù hợp với phương thức đào tạo trực tuyến các môn học này. Trong đó, quy định về thời gian tối thiểu tham dự lớp học, quy định về kiểm tra đánh giá môn học, quy định về quản lý sinh viên... hiện nay mâu thuẫn với bản chất, yêu cầu và phương thức thực hiện đào tạo trực tuyến. Đây là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi phương thức đào tạo các môn lý luận chính trị.

Bên cạnh đó, các quy định về chế độ, thù lao giảng viên lên lớp, trợ giảng, kiểm tra đánh giá... hiện thời đều cần sửa đổi đồng bộ trong phương thức đào tạo mới.

Mặt khác, để đi đến triển khai phương thức đào tạo trực tuyến ở các trường đại học cần có những nghiên cứu và ban hành những quy định mới bổ sung như quy định về bản quyền trong dạy học, giáo trình và tài liệu... 

Hai là, các trường đại học cần có sự đầu tư ưu tiên về cơ sở vật chất công nghệ thông tin, hệ thống thông tin thư viện số, về các phần mềm công nghệ phù hợp nhằm phục vụ cho quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá các môn lý luận chính trị theo phương thức đào tạo trực tuyến. Tất nhiên, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ số hiện nay, sự đầu tư này không thể là một lần, mà phải là sự đầu tư thường xuyên, liên tục. Đổi mới, cập nhật những thành tựu công nghệ mới, đảm bảo về tốc độ, hình thức và tính đa dạng cao nhất là yêu cầu tất yếu nhằm thực hiện phương thức đào tạo trực tuyến nói chung, đào tạo trực tuyến các môn lý luận chính trị nói riêng. Hệ thống thiết bị công nghệ và phần mềm giảng dạy, quản lý các môn học này phải luôn đảm bảo tính đồng bộ, tính hiệu quả và phù hợp.

Ba là, nhà trường cần nâng cao hiệu quả quản lý đào tạo. Trong phương thức đào tạo trực tuyến, việc tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên và sinh viên là yêu cầu cấp thiết khi áp dụng phương thức này. Với lĩnh vực đặc thù này, quá trình quản lý cần đảm bảo cả tính hành chính, đồng thời đảm bảo những yêu cầu đặc thù trong hoạt động sư phạm. Trong đó, nhà trường tạo động lực kích thích tinh thần lao động sáng tạo của người dạy và người học. Môi trường học thuật dân chủ, cách thức đánh giá khách quan sẽ thúc đẩy chất lượng lao động của đội ngũ. Thái độ cào bằng chắc chắn sẽ dẫn đến cách làm việc đối phó. Khi triển khai phương thức mới, đây là yếu tố quyết định mức độ thành công.

Nhà trường cần phát huy cao nhất đội ngũ cán bộ hiện có, song cũng cần có chính sách phù hợp để tranh thủ huy động được những giảng viên có uy tín ở nhiều cơ sở đào tạo khác để tạo sức mạnh cho cơ sở của mình trên cơ sở tuân thủ pháp luật và không trái với các quy định hiện có của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về xây dựng và quản lý chương trình đào tạo, trường đại học cần xây dựng khung chương trình đào tạo sao cho hợp lý, triển khai kế hoạch giảng dạy chung toàn trường, toàn khóa nhịp nhàng.

Đơn vị quản lý đào tạo tổ chức các khóa học sao cho thuận lợi, gồm các khóa học bắt buộc ban đầu, khóa học lại theo kế hoạch quản lý của nhà trường đáp ứng các yêu cầu đa dạng của sinh viên. Quản lý quá trình dạy học hiệu quả, sao cho vừa đáp ứng nhu cầu học tập nghiên cứu của cá nhân người học, vừa đáp ứng nhu cầu chung toàn khóa.

Bên cạnh đó, phương thức đào tạo trực tuyến thực hiện đòi hỏi đơn vị quản lý đào tạo đổi mới phương thức tổ chức các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá. Có thể kết hợp hoặc tùy điều kiện lựa chọn linh hoạt các hình thức: thi tập trung, thi trực tuyến... Song dù hình thức nào cũng phải đảm bảo tính khách quan, chính xác trong đánh giá người học.

Một mặt, quản lý tốt quá trình dạy, học, kiểm tra đánh giá các môn lý luận chính trị, khi triển khai phương thức đào tạo trực tuyến đòi hỏi mỗi trường đại học cần đổi mới đồng bộ công tác khảo thí và kiểm định chất lượng, thanh tra giáo dục... nhằm đưa lại chất lượng thực cho phương thức đào tạo này.

Bốn là, các khoa đào tạo lý luận chính trị chuẩn bị kỹ những nội dung trước khi có thể áp dụng đào tạo trực tuyến gồm:

- Đổi mới chương trình đào tạo môn học theo hướng đảm bảo tính tinh giản và tinh hoa.

- Xây dựng giáo trình điện tử chuẩn mực, hiện đại. Hệ thống tài liệu tham khảo phong phú. Thư viện điện tử đi vào hoạt động hiệu quả. Đảm bảo sự kết nối thông suốt giữa người dạy - người học và thư viện điện tử.

- Hoàn thiện hệ thống ngân hàng câu hỏi; xây dựng cách thức kiểm tra, đánh giá linh hoạt phù hợp trong đánh giá cá nhân, đánh giá nhóm, đánh giá kiến thức, thái độ và năng lực... 

Năm là, chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên trực tuyến. Trước mắt, cần đào tạo theo giai đoạn, từ chọn lọc, thử nghiệm đến triển khai điểm trước khi thực hiện đại trà. Từ lựa chọn đội ngũ giảng viên cốt cán đến bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ, từ giảng viên lý luận chính trị đến đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo, hỗ trợ công nghệ thông tin...

Trong đào tạo trực tuyến, năng lực của giảng viên lý luận chính trị không chỉ đóng vai trò dạy học, kiểm tra đánh giá là chủ yếu như cách dạy truyền thống. Năng lực tương tác với người học, kết nối với cán bộ quản lý  đào tạo, theo dõi quá trình tiến bộ của từng sinh viên trong dạy học, khả năng nắm bắt trong tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi từ phía người học... luôn được đặt ra. Điều này đòi hỏi đội ngũ cần được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn rất công phu.

Sáu là, cần nâng cao nhận thức cho người học, chuẩn bị, cung cấp một số kỹ năng khi tham gia đào tạo các môn lý luận chính trị bằng phương thức trực tuyến.

Để đạt được mục tiêu đào tạo đại học hiện nay, sinh viên cần hiểu rõ bản chất của quá trình học tập là tự nghiên cứu, tự học. Sinh viên chủ động, tích cực trong học tập. Muốn vậy, giáo dục ý thức tự học cho sinh viên, giúp sinh viên có tâm thế chủ động khi tham gia khóa học, hiểu yêu cầu của quá trình đào tạo... là bước chuẩn bị quan trọng đem lại chất lượng cho hoạt động đào tạo.

Muốn vậy, cần thúc đẩy hoạt động của các đoàn thể giáo dục và hỗ trợ sinh viên. Vai trò của phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên, vai trò của khoa chủ quản... cần được bổ sung nhiệm vụ và phát huy hơn nữa, tạo sự cộng hưởng trong phương thức đào tạo mới.

Bên cạnh đó, những phương pháp và kỹ năng cần thiết cho việc học tập môn học như: khả năng ghi chép khi nghe giảng trực tuyến, tìm kiếm, lựa chọn tài liệu học tập, năng lực nhận thức vấn đề và giải quyết các vấn đề đặt ra trong môn học, kỹ năng trình bày quan điểm, ý kiến thảo luận hay viết báo cáo... vốn đã yếu kể cả bằng phương pháp đào tạo truyền thống thì khi áp dụng phương thức đào tạo mới, đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ càng hơn mới đem lại chất lượng và hiệu quả mong muốn.

 Mặt khác, đào tạo trực tuyến các môn lý luận chính trị đòi hỏi sinh viên có năng lực lập kế hoạch học tập, nghiên cứu, đây là kỹ năng rất yếu ở sinh viên nước ta những năm gần đây song lại là yêu cầu cao trong đào tạo trực tuyến. Các môn lý luận chính trị được triển khai ngay khi các em vừa rời ghế trường phổ thông, quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập hầu hết do bố mẹ hay thầy cô giúp đỡ. Như vậy, việc xử lý mâu thuẫn giữa thực tế này và yêu cầu đặt ra về tính chủ động trong xác định và thực hiện kế hoạch học tập các môn lý luận chính trị đòi hỏi sự phát huy vai trò hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm, của khoa chủ quản... Song, phương thức đào tạo trực tuyến chỉ đem lại hiệu quả khi người học biết bản thân muốn gì, đặc điểm về thời gian, tâm lý, thói quen... của mình và tích cực chiếm lĩnh mục tiêu học tập. Do vậy, các hình thức hỗ trợ là cần. Song chỉ là đủ khi sinh viên thực sự ý thức được bản chất và yêu cầu việc học đại học nói chung, học các môn lý luận chính trị trong chương trình đào tạo của họ nói riêng.

Tất nhiên, những phân tích về điều kiện và giải pháp thực hiện đào tạo trực tuyến nêu trên chỉ là bước đầu. Việc đào tạo trực tuyến các môn lý luận chính trị ở Việt Nam hiện nay trước hết là áp dụng cho các ngành không chuyên lý luận chính trị. Cần có một nghiên cứu đủ sâu, phạm vi nghiên cứu đủ rộng là cơ sở khoa học cho việc triển khai phương thức đào tạo này. Đồng thời chỉ khi có những kết luận về kết quả triển khai thí điểm ở một số trường đại học mới áp dụng đại trà ở các trường đại học. Hơn nữa, mỗi trường đại học với đặc thù của mình, cần cân nhắc, linh hoạt khi áp dụng một phương thức đào tạo trực tuyến các môn lý luận chính trị.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2020

TS Phan Thị Thanh Hải

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền