Trang chủ    Đào tạo - Bồi dưỡng    Phát triển đội ngũ giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới
Thứ ba, 15 Tháng 12 2020 15:03
2932 Lượt xem

Phát triển đội ngũ giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới

(LLCT) - Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần có sự phát triển đột phá cả về số lượng và chất lượng. Giảng viên của Học viện phải gương mẫu về mọi mặt; có trình độ chuyên môn cao; tích cực nghiên cứu khoa học; am hiểu thực tiễn; tham gia hiệu quả vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; làm chủ phương pháp giảng dạy tích cực. Để phát triển đội ngũ giảng viên ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp: xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên giai đoạn 2020-2030; tạo nguồn giảng viên bằng các hình thức phù hợp; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; tạo môi trường khoa học rộng mở cho giảng viên; thực hiện chế độ luân chuyển thường xuyên đối với giảng viên; chú trọng công tác dự giờ; định kỳ đánh giá đội ngũ giảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp.

Từ khóa: đội ngũ giảng viên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ:

“1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước”.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các nhiệm vụ chính trị của Học viện ngày càng nặng nề và phức tạp; khi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang có những biểu hiện đáng lo ngại và cuộc đấu tranh chống lại sự suy thoái đó đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt thì việc xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên Học viện càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

1. Khái quát về đội ngũ giảng viên và những yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

Hiện nay toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có 976  giảng viên/ tổng số 2109 cán bộ, chiếm  46% (ở một cơ sở đào tạo, tùy điều kiện cụ thể, con số này nên dao động trong khoảng 60-70%). Trong đó, có 7 giáo sư, 161 phó giáo sư, 379 tiến sĩ, 390 thạc sĩ, 39 cử nhân. Cả 7 giáo sư đều công tác tại Trung tâm Học viện; 5 Học viện trực thuộc không có giáo sư; Học viện Chính trị khu vực IV chỉ có 1 phó giáo sư.

Nếu phân chia theo ngạch, đội ngũ giảng viên Học viện gồm 268 giảng viên cao cấp, 317 giảng viên chính, 391 giảng viên (xem Bảng 1).

Số liệu trên cho thấy, đội ngũ giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đặc biệt là của một số Học viện trực thuộc, cần có sự phát triển đột phá cả về số lượng và chất lượng.

Đối với bậc đại học ở Việt Nam, hiện nay tiêu chuẩn chung của giảng viên là có học vị từ thạc sĩ trở lên và có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu của cơ sở đào tạo. Ở mức cao hơn, một số trường yêu cầu giảng viên phải có thêm trình độ tin học và ngoại ngữ, hướng tới đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa giáo dục và hội nhập quốc tế.

Giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a. Phải gương mẫu về mọi mặt

Mục tiêu đào tạo đối với các hệ lớp của Học viện đều có điểm chung là: “Củng cố bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; rèn luyện đạo đức tác phong của người cán bộ cách mạng”.

Do đó, giảng viên Học viện phải thực sự là tấm gương về bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong làm việc. Có như vậy, họ mới trở thành minh chứng sống động và thuyết phục cho nội dung bài giảng của mình.

b. Phải có trình độ chuyên môn cao

Học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn phong phú (có lớp cao cấp lý luận chính trị sĩ số 90 học viên, trong đó có 38 phó giáo sư, 54 tiến sĩ) cho nên giảng viên phải giỏi chuyên môn mới có khả năng chuyển tải được kiến thức, kỹ năng theo đúng mục tiêu đào tạo, mới truyền được cảm hứng mạnh mẽ cho học viên. Để có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảng viên cần thường xuyên nâng cao kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành; cập nhật đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các tri thức mới về các lĩnh vực liên quan trong nước và quốc tế, có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội.

c. Phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và thường xuyên có sản phẩm được công bố

Giảng viên đồng thời phải là nhà khoa học. Không nghiên cứu khoa học thì khó có thể giảng dạy tốt được, đặc biệt là trong môi trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kết quả nghiên cứu khoa học giúp cho bài giảng có chiều sâu, độ mới, độ sắc, độ thuyết phục; giảng viên có tâm thế vững vàng khi đối thoại với người học.

Sản phẩm khoa học là giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy-học tập, là các bài báo khoa học được công bố, là các đề tài khoa học được nghiệm thu và được xã hội hóa.

 Sản phẩm khoa học và việc đưa các sản phẩm đó vào nội dung bài giảng là một tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo.

Trong bối cảnh hiện nay, nghiên cứu khoa học của giảng viên Học viện không tách rời tổng kết thực tiễn.

d. Phải am hiểu thực tiễn

Phương châm đào tạo của Học viện là: “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn với thực tiễn”. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên nhất thiết phải liên hệ với thực tiễn đời sống, thường xuyên cập nhật các thông tin xã hội có liên quan.

Mặt khác, bản thân giảng viên phải có trải nghiệm thực tiễn trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến chuyên môn giảng dạy. Giảng dạy trong lĩnh vực nào nên có thời gian công tác trong lĩnh vực đó, nếu được giữ cương vị lãnh đạo, quản lý thì càng phù hợp hơn với môi trường đào tạo của Học viện.

e. Phải có khả năng tham gia một cách hiệu quả vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Giảng viên Trường Đảng Trung ương, nơi đào tạo các chuyên ngành bản sắc về lý luận chính trị, về xây dựng Đảng, phải giữ vai trò xung kích trong sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Giảng đường chính là diễn đàn, là môi trường quan trọng hàng đầu để giảng viên thực hiện sứ mệnh này.

Vấn đề kỷ luật phát ngôn của giảng viên phải được đặc biệt đề cao.

f. Phải thực sự làm chủ phương pháp giảng dạy tích cực, sử dụng tốt các phương tiện kỹ thuật bổ trợ

Giảng dạy trong môi trường Học viện phải gắn với tương tác, với trao đổi, thảo luận trên cơ sở khơi gợi sự chủ động, tích cực, tự giác của người học.

Giảng đường của Học viện là diễn đàn khoa học cho mọi thành viên trong lớp học.

Giảng viên lên lớp bắt buộc phải soạn bài trên phần mềm trình chiếu (Power Point), giáo án phải sử dụng ngôn ngữ đa phương tiện; trao đổi với học viên qua E-mail, qua phần mềm quản lý đào tạo.

2. Một số giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

Thứ nhất, xây dựng Kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên giai đoạn 2020-2030

Đây là nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển Học viện. Hiện nay, Học viện đang chuẩn bị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 145-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Cùng với đó, Học viện tiến hành rà soát đội ngũ giảng viên, đánh giá đúng thực trạng, nắm bắt được chính xác nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu, độ tuổi để có căn cứ xây dựng Kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thứ hai, tạo nguồn giảng viên bằng các hình thức phù hợp với điều kiện đặc thù của Học viện

Ưu tiên tuyển dụng đội ngũ giảng viên trẻ, có thể cống hiến lâu dài, sau đó tiến hành đào tạo để họ đạt chuẩn trở thành giảng viên của Học viện. Nguồn giảng viên trẻ nên chiếm khoảng 70% tổng số giảng viên được tuyển dụng hằng năm.

Ở mức độ nhất định, thực hiện tuyển dụng giảng viên của các cơ quan khác có trình độ cao, năng lực tốt, chuyên môn phù hợp, có thể giảng dạy được ngay, làm giảng viên của Học viện.

Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu, cần tích cực mời các nhà hoạt động thực tiễn (các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp), có đủ điều kiện về sư phạm tham gia giảng dạy. Nên quy định cụ thể tỷ lệ nội dung chương trình mà các nhà hoạt động thực tiễn sẽ đảm nhiệm (chẳng hạn, đối với chương trình cao cấp lý luận chính trị: không dưới 25%). Điều này giúp cho học viên có điều kiện được chia sẻ nhiều kinh nghiệm và kỹ năng bổ ích, thiết thực.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, cần mời cả các chuyên gia nước ngoài, nhất là từ các nước phát triển có điều kiện tương đồng về nhiều mặt với Việt Nam tham gia chương trình đào tạo. Đây là cơ hội tốt để giảng viên và học viên Việt Nam giao lưu, học hỏi, nâng tầm kiến thức của mình theo hướng đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2025, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có khoảng 60% tổng số cán bộ tham gia giảng dạy; đến năm 2030, con số này là 65%.

Thứ ba, coi công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên là nhiệm vụ then chốt

Tổ chức các lớp đào tạo giảng viên một cách bài bản, chuyên sâu, trang bị kiến thức cả về chuyên môn, nghiệp vụ, cả về phương pháp, kỹ năng. Các Lớp cử nhân chính trị văn bằng 2, đào tạo giảng viên lý luận chính trị mà Học viện đang tổ chức nên trở thành lớp học bắt buộc đối với đội ngũ giảng viên trẻ của hệ thống Học viện.

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, các lớp bồi dưỡng, nâng cao, cập nhật kiến thức về các lĩnh vực khác nhau trên cơ sở xác định chính xác nhu cầu và phân loại đối tượng tham gia học tập. Chú trọng tổ chức theo ngành dọc, tích cực sử dụng hình thức trực tuyến.

Thực hiện phân công giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm giúp đỡ giảng viên trẻ. Có cơ chế báo cáo kết quả định kỳ, ít nhất 6 tháng/1 lần. Sau tối đa 3 năm, giảng viên được giúp đỡ phải giảng chính thức được ít nhất 1 bài/ chuyên đề với thời lượng 5 tiết ở hệ lớp phù hợp.

Thứ tư, tạo môi trường khoa học rộng mở để phát huy sức sáng tạo của giảng viên

Đội ngũ giảng viên Học viện phải được tin tưởng, giao nhiệm vụ để có thể phát huy tối đa sức sáng tạo của mình trong nghiên cứu, trao đổi học thuật. Các giảng viên trẻ cần được giao chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Các Tạp chí khoa học của Học viện phải trở thành diễn đàn công bố các sản phẩm khoa học của giảng viên Học viện.

Trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học, lý luận thế giới, giảng viên Học viện, đặc biệt là giảng viên lý luận chính trị cần được tạo điều kiện để trao đổi và trau dồi tri thức với các nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế: tham gia các hội thảo, tọa đàm khoa học; nghiên cứu, khảo sát trong nước và quốc tế, v.v..

Thứ năm, thực hiện chế độ luân chuyển thường xuyên đối với giảng viên

Giảng viên Học viện phải thường xuyên được tích lũy các trải nghiệm thực tiễn để bài giảng mang hơi thở ấm nóng của cuộc sống. Nghĩa là họ định kỳ phải được luân chuyển tới các địa bàn thực tế phù hợp hoặc phải là cộng tác viên thường xuyên của các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực trực tiếp liên quan tới chuyên môn giảng dạy. Những bài giảng quá nhiều về lý thuyết, thiếu cái “tôi” trải nghiệm của người trong cuộc sẽ khó có tính thuyết phục cao đối với học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thứ sáu, tổ chức dự giờ thường xuyên, nhất là đối với giảng viên trẻ

Đây là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Học viện. Nên áp dụng ít nhất 3 hình thức dự giờ: (1) Dự giờ theo kế hoạch của cơ sở đào tạo; (2) Dự giờ theo kế hoạch của đơn vị giảng dạy; (3) Dự giờ đột xuất. Sau dự giờ, cần có nhận xét, góp ý một cách khách quan đối với giảng viên.

Thực tế cho thấy, việc dự giờ thúc đẩy giảng viên chuẩn bị bài giảng cẩn trọng, nghiêm túc, công phu hơn; giúp họ nhận thức được rõ ràng và sâu sắc điểm mạnh và điểm yếu của mình, được chia sẻ nhiều tri thức và kinh nghiệm bổ ích, thiết thực. Qua đó, họ sẽ nhanh chóng trưởng thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Thứ bảy, thực hiện việc đánh giá đội ngũ giảng viên một cách thường xuyên và nghiêm túc

Cứ 3 năm/ 1 lần, tiến hành đánh giá toàn bộ đội ngũ giảng viên; cứ 1 năm/1 lần, đánh giá một tỷ lệ nhất định giảng viên (tùy theo điều kiện thực tiễn). Tiêu chí đánh giá phải toàn diện, khách quan. Chuyên gia đánh giá phải thực sự có năng lực và thẩm quyền.

Kết quả đánh giá phải được công bố dưới hình thức phù hợp. Đây là điều kiện quan trọng để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Thứ tám, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đối với đội ngũ giảng viên Trường Đảng

Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trực tiếp tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, họ còn là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hoạt động giảng dạy của họ đòi hỏi sự đầu tư lớn cả về công sức, trí tuệ, thời gian. Một tiết giảng của họ vượt xa một tiết giảng của giảng viên các cơ sở đào tạo khác xét từ góc độ cống hiến.

Vì thế, giảng viên Học viện phải được hưởng cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù, giúp họ có động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Nếu vận dụng những giải pháp nói trên một cách đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống, chúng ta có thể hy vọng, tới năm 2030, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ có đội ngũ giảng viên thật sự ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2020

PGS, TS Hoàng Anh

Vụ Tổ chức - Cán bộ

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền