Trang chủ    Diễn đàn    Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền
Thứ hai, 21 Tháng 12 2015 15:21
11628 Lượt xem

Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền

(LLCT) - Trong các tác phẩm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn kiện của Đảng ta đều có sử dụng các khái niệm Đảng (cộng sản) lãnh đạo và Đảng (cộng sản) cầm quyền. Vấn đề đặt ra là, Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là hai khái niệm khác nhau hay có nội hàm giống nhau, có thể dùng lẫn cho nhau? Sự khác biệt quan niệm, ý kiến về hai khái niệm này bộc lộ rõ khi xem xét cụ thể hoạt động của Đảng khi đã có chính quyền, lãnh đạo đất nước xây dựng CNXH, xét cả về nội dung hoạt động và phương thức hoạt động của Đảng.

 

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là hai khái niệm cơ bản giống nhau, có nội hàm đồng nhất, trong điều kiện Đảng có chính quyền có thể dùng lẫn cho nhau, chỉ có hai sự khác biệt nhỏ: một là, khái niệm Đảng lãnh đạo là nói chung cho cả thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền và thời kỳ nhân dân đã giành được chính quyền, Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, còn khái niệm Đảng cầm quyền chỉ nói về hoạt động lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đã có chính quyền; hai là, khái niệm Đảng cầm quyền nhấn mạnh, trong hoạt động lãnh đạo nói chung đối với các tổ chức của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội khác thì hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là chủ yếu. Theo quan niệm này, khái niệm Đảng cầm quyền cốt để nhấn mạnh đặc điểm và trọng tâm lãnh đạo của Đảng khi đã có chính quyền.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là hai khái niệm khác nhau. Khái niệm Đảng lãnh đạo là nói về quan hệ của Đảng đối với Nhà nước và xã hội - đó là hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Về ngữ pháp, trong tập hợp từ “Đảng lãnh đạo”, Đảng là danh từ chủ ngữ và lãnh đạo là động từ (vị ngữ). Trong khi đó, Đảng cầm quyền là khái niệm để định vị, định tính Đảng - Đảng là Đảng cầm quyền. Ở các nước có nhiều đảng chính trị, đảng nào giành được đa số ghế trong nghị viện là đảng cầm quyền; các đảng chỉ giành được một số ghế nhất định trong nghị viện, phải liên minh với đảng khác thành liên minh cầm quyền là đảng chấp chính; đảng chỉ giành được một số ghế ít ỏi trong nghị viện là đảng tham chính; các đảng còn lại là đảng đối lập. Đảng cầm quyền còn chỉ giai đoạn Đảng lãnh đạo khi đã có chính quyền. Tức là, về ngữ pháp, “Đảng cầm quyền” là một tổ từ, trong đó Đảng là danh từ và cầm quyền là tính từ giải thích cho từ Đảng (tiếng Nga viết là пpавящая паpтия;tiếng Anh viết là the ruling party hoặc the party in power). Theo đó, không nên hiểu “Đảng cầm quyền” là một câu, trong đó “Đảng” là danh từ chủ ngữ, “cầm” là động từ vị ngữ và “quyền” là danh từ bổ ngữ.

Chữ “quyền” trong khái niệm Đảng cầm quyền cũng được giải nghĩa khác nhau. Cách giải nghĩa thứ nhất: “quyền” là chính quyền, là Nhà nước. Cách giải nghĩa thứ hai: “quyền” là quyền lực, ở đây là quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng cầm quyền không chỉ có quyền lãnh đạo Nhà nước, mà có cả quyền lãnh đạo tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và cả xã hội; Đảng có quyền lãnh đạo tất cả các lĩnh vực của đời sống
xã hội.

Trước hết, không nên chiết trung rằng cả hai cách hiểu, hai loại ý kiến nêu trên đều đúng. Tán thành cả hai cách hiểu như trên sẽ dẫn đến sự lẫn lộn giữa các khái niệm, giữa các cách hiểu, cách giải thích khái niệm. Lẫn lộn trong quan niệm sẽ dẫn đến những lầm lẫn trong hoạt động thực tiễn của Đảng: do cho rằng dùng khái niệm nào cũng được, nên chỉ dùng khái niệm Đảng cầm quyền thay cho khái niệm Đảng lãnh đạo, nhất lại là hiểu Đảng cầm quyền tức là Đảng cầm, nắm, sử dụng, điều khiển chính quyền nhà nước như một công cụ trong tay Đảng mà quên rằng các cơ quan nhà nước - trong bản chất đích thực hiến định - được nhân dân ủy quyền thay mặt nhân dân quản lý xã hội, có trách nhiệm phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân, thậm chí cho rằng, cấp ủy đảng có thể và cần can thiệp trực tiếp, cụ thể cả những công việc thuộc chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước; cố gắng làm sao để bất cứ việc lớn nhỏ nào của cơ quan chính quyền cũng phải có ý kiến của cấp ủy, thường trực cấp ủy đảng - tình trạng Đảng bao biện, làm thay cơ quan nhà nước.

Thứ hai, hiểu khái niệm Đảng cầm quyền theo loại ý kiến thứ hai nêu trên là hợp lý. Khái niệm Đảng cầm quyền có nội hàm riêng. Khái niệm đảng cầm quyền vốn được sử dụng đầu tiên ở các nước phương Tây có chế độ đa đảng, dùng để chỉ đảng giành được đa số ghế trong nghị viện. Tuy nhiên, khái niệm này hiện nay cũng chỉ có ý nghĩa tương đối, vì ở một số nước có thể chế quốc hội lưỡng viện, có thời kỳ đảng này chiếm đa số ở hạ viện, nhưng đảng khác lại chiếm đa số ở thượng viện; ở những nước có thể chế cộng hòa tổng thống, có thời kỳ đảng này chiếm đa số trong quốc hội, nhưng tổng thống lại là người thuộc đảng khác. Ở nước ta, khái niệm này có hai nghĩa: nói rõ tư cách của Đảng là Đảng cầm quyền, hơn nữa ở nước ta là Đảng duy nhất cầm quyền; chỉ giai đoạn mới trong sự phát triển của Đảng - Đảng đã có chính quyền. Trong Di chúccủa Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011)và một số văn kiện của Đảng khẳng định: Đảng ta (Đảng Cộng sản Việt Nam) là đảng cầm quyền. Trước đây, V.I. Lênin cũng đã dùng khái niệm đảng cầm quyền(1). Khái niệm Đảng cầm quyền được V.I. Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng đều là theo nghĩa đó. Khẳng định Đảng ta là Đảng cầm quyền để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng trong thời kỳ này trước nhân dân, đất nước, dân tộc; theo đó, Đảng phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện công cuộc xây dựng CNXH; các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sạch, không lợi dụng chức quyền để vụ lợi… Trong Di chúc,liền ngay sau câu khẳng định “Đảng ta là một đảng cầm quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(2). Khái niệm Đảng cầm quyền tự nó không nói tới vấn đề Đảng cầm quyền như thế nào, hoạt động lãnh đạo của Đảng ra sao. Hoạt động lãnh đạo của Đảng thuộc nội hàm của khái niệm Đảng lãnh đạo. Theo đó, khái niệm phương thức lãnh đạo của Đảng chỉ có nghĩa khi đặt trong khái niệm Đảng lãnh đạo: trong hoạt động lãnh đạo của Đảng (cầm quyền) có nội dung lãnh đạo của Đảng và phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó phương thức lãnh đạo là cách thức, hình thức, phương pháp, biện pháp, quy trình Đảng sử dụng để thực hiện các nội dung lãnh đạo và cương lĩnh, đường lối của Đảng. Nếu nói đầy đủ, thì diễn đạt là: phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Cụm từ “phương thức cầm quyền của Đảng” là cách nói tắt, nếu không có sự giải thích sẽ rất dễ dẫn tới cách hiểu Đảng phải tìm ra các cách thức, hình thức, biện pháp đề cầm, nắm, giữ, sử dụng, điều khiển chính quyền, thậm chí điều hành thay chính quyền.

Thứ ba, gắn với ngữ nghĩa của khái niệm Đảng cầm quyền (không tách “quyền” khỏi “cầm quyền”) như đã nêu, hiểu chữ “quyền” trong khái niệm Đảng cầm quyền theo cách giải nghĩa thứ hai nêu trên là thích hợp. Trong tiếng Nga, tính động từ пpавящийđược cấu tạo từ danh từ пpавоlà quyền, quyền lực; trong tiếng Anh, tính từ ruling được cấu tạo từ danh từ rule là quyền lực, thống trị. Đảng cầm quyền đã là Đảng chiếm đa số trong chính quyền, đảng viên nắm giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền. Vấn đề ở đây chỉ là, với tư cách Đảng chiếm đa số trong chính quyền, Đảng có vị thế là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, Đảng có và thực hiện quyềnchi phối chính sách, hoạt động của chính quyền. Đương nhiên, “quyền” trong “cầm quyền” không phải là quyền lực nhà nước, mà là quyền lãnh đạo, quyền lực chính trị - quyền do nhân dân suy tôn, tín nhiệm, thừa nhận và được khẳng định trong Hiến pháp.   

Thứ tư, khái niệm Đảng lãnh đạo có ý nghĩa rộng lớn và sâu sắc. Khái niệm này không chỉ biểu đạt vai trò của Đảng - Đảng là lực lượng lãnh đạo, mà còn nói rõ nội dung, tính chất hoạt động chủ yếu của Đảng - đó là hoạt động lãnh đạo. Nó phân biệt rõ: Đảng lãnh đạo chứ Đảng không quản lý; Đảng là tổ chức lãnh đạo chứ không phải là cơ quan quản lý; Đảng không có quyền lực nhà nước; Đảng không làm thay công việc quản lý của cơ quan nhà nước; Đảng chỉ thực hiện việc quản lý tổ chức đảng và đảng viên trong nội bộ Đảng theo Điều lệ Đảng. Khái niệm Đảng lãnh đạo cũng không giới hạn ở việc Đảng chỉ lãnh đạo Nhà nước, mà Đảng lãnh đạo đối với tất cả các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và toàn xã hội; Đảng không chỉ lãnh đạo chính trị, mà lãnh đạo cả tư tưởng, tổ chức, cán bộ. Dĩ nhiên, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước xã hội về các quyết định của mình.

Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện ở việc Đảng đề ra cương lĩnh, chiến lược, đường lối phát triển chung của đất nước để định hướng, tạo cơ sở cho Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa thành luật pháp, chính sách, các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đề ra các chương trình, kế hoạch công tác và vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện; Đảng lãnh đạo nhân dân bầu ra các cơ quan nhà nước, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; Đảng tiến hành công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động đối với các tầng lớp nhân dân; Đảng chuẩn bị và giới thiệu các đảng viên ưu tú để nhân dân bầu vào cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Đảng kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác vận động nhân dân; Đảng giáo dục, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên công tác trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, các lực lượng vũ trang; v.v..

Vị thế lãnh đạo Nhà nước và xã hội, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà Đảng có được bắt nguồn từ sự tín nhiệm của nhân dân, từ uy tín của Đảng đối với nhân dân, với dân tộc. Qua thực tiễn cách mạng đầy khó khăn, hy sinh, gian khổ trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, lật đổ chế độ cũ cũng như thực tiễn xây dựng CNXH, thực tiễn công cuộc đổi mới, nhân dân ta đã suy tônĐảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo Nhà nước và xã hội (cũng như nhân dân ủy quyền, trao quyền lực nhà nước, quyền lực công cho các cơ quan nhà nước do nhân dân bầu ra để quản lý đất nước).

Chính V.I. Lênin từng chỉ rõ: sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đảng cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng vô sản, nhưng “sự đồng tình và ủng hộ đó không thể có ngay được và không phải do những cuộc bỏ phiếu quyết định, mà phải trải qua một cuộc đấu tranh giai cấp lâu dài, khó khăn, gian khổ mới giành được. Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản để giành lấysự đồng tình, để giành lấysự ủng hộ của đa số nhân dân lao động không phải kết thúc khi giai cấp vô sản đã cướp được chính quyền. Sau khigiành được chính quyền, cuộc đấu tranh đó vẫn tiếp tụcnhư trước, có điều là với hình thức khácmà thôi”(3). Ngày nay, để giữ vững và xứng đáng với sự tín nhiệm đó, Đảng phải thật sự tiên phong về trí tuệ, xây dựng Đảng luôn trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; liên hệ mật thiết với nhân dân; v.v., chứ không phải chỉ bằng việc thực hiện các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chữ “lãnh đạo” trong khái niệm Đảng lãnh đạo vừa có nghĩa rộng, vừa phân biệt với công việc quản lý. Nghĩa rộnglà Đảng không chỉ lãnh đạo Nhà nước, mà Đảng lãnh đạo cả các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và toàn xã hội; Đảng không chỉ lãnh đạo chính trị, mà Đảng lãnh đạo cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tức là tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước đây V.I. Lênin viết: “trong nước cộng hòa của chúng ta, không có một vấn đề chính trị hay tổ chức quan trọng nào do một cơ quan nhà nước giải quyết mà lại không có chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”(4). Chữ “lãnh đạo” trong khái niệm Đảng lãnh đạo còn hàm chứa sự phân biệt giữa lãnh đạo với quản lýở chỗ: Đảng định hướng, xác định quan điểm, chủ trương và chính sách lớn, không thực hiện các công việc quản lý, điều hành thay Nhà nước, không làm thay Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng có vai trò rất quan trọng là đề ra đường lối, nhưng - theo V.I. Lênin - “nếu tưởng rằng đại hội này có thể giải quyết được vấn đề thì lầm mất. Những quy định về pháp luật của chúng ta sẽ giải quyết vấn đề ấy, nhiệm vụ của chúng ta chỉ là định đường lối nguyên tắc và nêu ra khẩu hiệu. Đảng ta là một đảng cầm quyền và những quyết định do đại hội của đảng thông qua là những điều mà toàn nước Cộng hòa phải tuân theo; cho nên, ở đây, chúng ta cần phải giải quyết vấn đề ấy về nguyên tắc”(5). Đối với Nhà nước, Đảng “đưa ra cương lĩnh của Chính quyền xô-viết. Việc nói rõ đặc điểm của kiểu nhà nước mới phải chiếm một địa vị quan trọng trong cương lĩnh của chúng ta”(6). V.I. Lênin từng khẳng định: “cần phân định một cách rõ ràng hơn nữa những nhiệm vụ của Đảng (và của Ban Chấp hành Trung ương của nó) với nhiệm vụ của Chính quyền xô-viết; tăng thêm trách nhiệm và tính chủ động cho các cán bộ xô-viết và các cơ quan xô-viết, còn về đảng thì dành quyền lãnh đạo chung công tác của tất cả các cơ quan nhà nước gộp chung lại, mà không can thiệp một cách quá thường xuyên, không chính quy và thường là nhỏ nhặt, như hiện nay”(7). Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương lớn, còn Nhà nước quản lý bằng pháp luật, chính sách và các công cụ khác theo quy định của pháp luật, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động theo điều lệ của từng tổ chức; Đảng không quản lý cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, chỉ quản lý tổ chức đảng và đảng viên công tác trong các cơ quan, tổ chức đó.         

Trong điều kiện nước ta hiện nay, hai khái niệm Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền có mối liên hệ mật thiết với nhau: cả hai đều đề cập một chủ thể là Đảng, hơn nữa Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và cả xã hội. Nhưng, đây là hai khái niệm khác nhau, mỗi khái niệm có nội hàm riêng. Để phù hợp cả về lý luận và thực tiễn, nếu cần nói đầy đủ, nên diễn đạt đúng như trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(8) xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; nếu không cần nói đầy đủ vị thế, tư cách và tính chất của Đảng ta hiện nay, thì chỉ cần dùng khái niệm Đảng lãnh đạo. Hoàn toàn không ngại việc dùng khái niệm Đảng lãnh đạo sẽ chưa lột tả được sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Khái niệm Đảng lãnh đạo tuyệt nhiên không phủ nhận, hạn chế việc Đảng lãnh đạo Nhà nước, trái lại tự nó đã chứa đựng việc lãnh đạo Nhà nước là sứ mệnh chính của Đảng.

___________________

(1)Xem V.I. Lênin: Toàn tập, t. 43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.74; bản tiếng Nga, t.43, tr. 62 

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 611-612, 622.

(3) V.I. Lênin: Toàn tập, t. 39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 251.

(4) Sđd, t. 41, 1977, tr. 38.

(5) Sđd, t. 43, 1978, tr. 74.

(6) Sđd, t. 36, 1978, tr. 69.

(7) Sđd, t. 45, 1976, tr. 75.   

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 88.

 

PGS, TS TRẦN KHẮC VIỆT

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền