Trang chủ    Diễn đàn    Văn hóa cầm quyền: Nội hàm và giải pháp nâng cao
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 15:57
1894 Lượt xem

Văn hóa cầm quyền: Nội hàm và giải pháp nâng cao

(LLCT) - Văn hóa câm quyền là nhân tố quyết định đến nội dung, bản chất, phương thức cầm quyền của Đảng. Để Đảng ta thực sự là đại biểu về danh dự, lương tâm, trí tuệ của dân tộc, cần thực hiện tốt, đồng bộ nhiều biện pháp.

1. Nội dung chủ yếu của văn hóa cầm quyền

Có rất nhiều quan niệm khác nhau về văn hóa cầm quyền (VHCQ): VHCQ là xác lập quyền lực chính trị của Đảng; VHCQ thực chất là chi phối, điều khiển quyền lực nhà nước; VHCQ là làm sao thực hành đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác, Ph.Ăngghen chỉ dẫn: Đảng phải vươn lên thành giai cấp và dân tộc. Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng xác đích rõ: mục đích, phương thức, nội dung, điều kiện cầm quyền của Đảng. Mặc dù các nhà kinh điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chưa trực tiếp đề cập đến khái niệm VHCQ nhưng trong những tư tưởng trên đã hàm chứa một số nội hàm của VHCQ.

Vậy, có thể hiểu, VHCQ là toàn bộ hoạt động của Đảng nhằm xây dựng Đảng vững mạnh trên cả bốn mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng; xác định đúng phương hướng, mục tiêu chính trị để mang lại lợi ích cho Tổ quốc, dân tộc và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: Đảng ta là đạo đức, là văn minh để nhấn mạnh vai trò của VHCQ. Khi Đảng ta ở tầm cao của văn hóa, đạo đức, văn minh thì uy tín của Đảng được nâng cao và cầm quyền hiệu quả. Trong thập kỷ 90, một số Đảng Cộng sản cầm quyền chưa nhận thức đúng về vị trí cầm quyền, cho rằng chỉ cần giành được chính quyền, lãnh đạo đất nước thì sẽ cầm quyền lâu dài. Thực tiễn cho thấy, Đảng Cộng sản Liên Xô và các Đảng Cộng sản ở Đông Âu mất quyền lãnh đạo đều có căn nguyên từ VHCQ.

Trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh: cần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, trước sự tác động của nền kinh tế tri thức, Đảng phải biểu trưng cho đạo đức văn minh hay nói cách khác phải có VHCQ để lãnh đạo đất nước phát triển bền vững, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

VHCQ bao hàm các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, đề ra cương lĩnh đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Muốn làm được điều đó, yêu cầu Đảng phải lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Thực tiễn cho thấy, từ khi ra đời, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng cương lĩnh chính trị để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, giành được nhiều thành tựu to lớn có tính bước ngoặt: lãnh đạo nhân dân giành chính quyền (1945); đánh thắng thực dân Pháp (1954), đế quốc Mỹ (1975) và tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước...

Thứ hai, phương thức lãnh đạo (PTLĐ), tổ chức hệ thống chính trị (HTCT) khoa học, phù hợp với thực tiễn. PTLĐ của Đảng là hệ thống các hình thức, phương pháp, quy chế, quy định, quy trình, lề lối làm việc, tác phong công tác... mà Đảng sử dụng để tác động vào các tổ chức trong HTCT, các lĩnh vực đời sống xã hội và nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Nhiệm vụ chính trị thay đổi đòi hỏi PTLĐ của Đảng cũng phải thay đổi để tạo sự chuyển biến về kinh tế - xã hội; dân chủ ngày càng được mở rộng và hiện thực hóa trong thực tế. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Đảng cầm quyền nhưng Đảng là một bộ phận của HTCT, hạt nhân lãnh đạo HTCT nên “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”. Do đó “phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước(1). Nhà nước mạnh, điều hành quản lý bằng pháp luật có hiệu quả là chứng tỏ PTLĐ phù hợp, sát thực tiễn.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, luôn là những “công bộc” hết lòng phục vụ nhân dân. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Không ai khác, sau khi có chủ trương, chính sách đúng, cán bộ là người tuyên truyền, vận động, tổ chức nhân dân thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo những nguy cơ như: chủ quan duy ý chí, quan liêu xa rời quần chúng; một số cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích: “Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(2). Bác nhắc nhở: “Bây giờ, Đảng cầm quyền, có nhà cao cửa rộng, có ô tô sang trọng, dễ lên mặt “quan” lắm đấy. Xe của cơ quan là để đi việc công, không phải để các chú đi chơi, mang theo cả quan ông, quan bà, quan cô, quan cậu, thế là hỏng đấy”(3).

Trong thư gửi các đồng chí Bắc Bộ (1-3-1947), Bác Hồ cũng phê phán tư tưởng muốn làm “vua con”, “ông tướng” ở các vùng miền trong một số cán bộ lãnh đạo lúc bấy giờ: “khi phụ trách ở một vùng nào thì như ông “vua con” ở đấy, tha hồ hách dịch, hạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn át, đối với quần chúng ra vẻ quan cách, làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đoàn thể xa nhân dân”(4). Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã nhận dạng những hành vi phản văn hóa: “Quan liêu, cửa quyền, xa thực tế, xa quần chúng là nguy cơ của một đảng cầm quyền, là nguồn gốc của biết bao hư hỏng”(5). Bởi vậy thường xuyên coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng là hết sức cấp thiết, có ý nghĩa sống còn trong bối cảnh hiện nay.

Thứ tư, phát huy dân chủ. Dân chủ là giá trị văn hóa, là động lực của sự phát triển, là chìa khóa để giải quyết khó khăn. Nhân dân là cơ sở chính trị - xã hội của Đảng; sức mạnh của Đảng chính là tìm thấy sức mạnh của mình từ trong nhân dân; Đảng mạnh hay yếu là ở dân. Do đó, “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ... Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(6); “cán bộ giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. Dân chủ là phương thức hữu hiệu nhất để thu phục nhân tâm, đánh thức tiềm năng sáng tạo và khát vọng xây dựng đất nước của nhân dân: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(7). Vì vậy, đặt ra cho cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên khi xây dựng các chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện cần “hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ”; “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa”(8).

2. Giải pháp nâng cao văn hóa cầm quyền của Đảng ta hiện nay

VHCQ là nhân tố quyết định đến nội dung, bản chất, phương thức cầm quyền của Đảng. Để Đảng ta thực sự là đại biểu về danh dự, lương tâm, trí tuệ của dân tộc, trường tồn sự cầm quyền của mình, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tăng cường nghiên cứu lý luận tổng kết thực tiễn. Ăngghen chỉ rõ: Một dân tộc chỉ đứng vững trên nền tảng của tư duy lý luận. “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng... chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”(9). Đảng phải đứng ở tầm cao tư duy lý luận và thực tiễn, có thể xây dựng cương lĩnh chính trị phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Muốn vậy, Đảng phải kiên định, trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(10). Thực tế cho thấy, “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở nước ta”(11). Trong thời gian tới, công tác lý luận của Đảng phải có đột phá cả về nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Có như vậy, lý luận mới trở thành lực lượng tiên phong, cung cấp luận cứ khoa học, những kiến giải phù hợp để Đảng ta hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

- Đổi mới quy trình hoạch định chủ trương, xây dựng nghị quyết. Quyết sách không phù hợp không chỉ tác động đến đời sống nhân dân, còn làm mất niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo của Đảng. Do đó, ngoài việc nâng cao năng lực phát hiện những vấn đề thực tiễn đặt ra, các cấp ủy đảng phải khảo sát thực trạng, thuận lợi, khó khăn tìm được nguyên nhân để đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn. Mặt khác, cần tạo điều kiện, cơ chế để mặt trận, các đoàn thể, các nhà khoa học góp ý, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

- Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình... Tập trung dân chủ là xương sống, quyết định sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Nguyên tắc này được cấu thành bởi hai mặt tập trung và dân chủ, tác động, chế ước lẫn nhau. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật”(12). Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng để giúp các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Hồ Chí Minh khẳng định: “Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(13). Đảng cần xây dựng cơ chế, quy định để thực hiện tốt các nguyên tắc trên như: quy chế bảo vệ người phê bình; quy chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong ra nghị quyết, trong sinh hoạt đảng và trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ... Các chế định đồng bộ, chặt chẽ càng phòng tránh được những lệch lạc, biến dạng khi thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên.“Cán bộ là dây chuyền của bộ máy”(14), vì vậy cần chủ động làm tốt các khâu của công tác cán bộ, nhất là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng. Mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ nữ có phẩm chất và tài năng đảm trách các chức danh lãnh đạo, quản lý. Có cơ chế phát hiện, thu hút và sử dụng nhân tài. Kiên quyết “Không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa”(15).

- Tiếp tục đổi mới PTLĐ của Đảng trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. “Đảng cần hóa giải những nguy cơ quyền lực có thể tập trung hóa; phân định rành mạch các chức năng giữa Đảng và Nhà nước nhằm tránh nguy cơ độc đoán, chuyên quyền; phân định  hợp lý, tránh sự chồng chéo trong thực hiện các quyền giữa các cơ quan nhà nước”. Xác định rõ hình thức, nội dung lãnh đạo đối với Nhà nước, mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội. Xây dựng quy chế, quy định để phân định chức năng, thẩm quyền và sự phối hợp của các tổ chức trong HTCT. Tiếp tục “nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền”(16).

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Đây là chức năng không thể thiếu trong điều kiện đảng cầm quyền trước những thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, chín phần mười khuyết điểm là do thiếu sự kiểm tra; khéo kiểm soát, khuyết điểm sẽ tự nhiên lộ ra. Làm tốt chức năng kiểm tra, giám sát sẽ khắc phục được nguy cơ sai lầm về đường lối chính trị và một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Nâng cao năng lực phát hiện dấu hiệu vi phạm làm cơ sở để kiểm tra, kết luận đúng quy định của Điều lệ Đảng, kỷ luật đảng. Đặc biệt “Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, Nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”(17). Xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những cán bộ đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, tham nhũng, suy thoái về đạo đức lối sống, mất uy tín với nhân dân để tăng tính giáo dục, răn đe, cảnh báo.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3 - 2016

(1), (11), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.144, 82, 261.

(2), (4), (6), (7), (8), (13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.641, 72, 60, 259, 297, 54.

(3) Dẫn theo GS, TS Trần Văn Bính: Hồ Chí Minh -  Một con người vì mọi người và của mọi người,Tạp chí Tuyên giáo, số 7-2015, tr.27.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.803.

(9) V.I. Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1978, tr. 30-32.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.250-280.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.466.

(16) GS, TS Nguyễn Văn Huyên: Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất cầm quyền và vấn đề phát huy dân chủ ở nước ta hiện nay,Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 4-2015, tr.18.

(17) ĐCSVN: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII (đăng báo Nhân dân), tr.8.95

 

 

PGS, TS Nguyễn Thế Tư

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền