Trang chủ    Diễn đàn    Một số tiêu chí cơ bản đánh giá mức độ hoàn thiện của pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu ở Việt Nam
Thứ hai, 19 Tháng 12 2016 09:06
5991 Lượt xem

Một số tiêu chí cơ bản đánh giá mức độ hoàn thiện của pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu ở Việt Nam

(LLCT) - Pháp luật xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu là công cụ để Nhà nước quản lý hoạt động xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu nói riêng và hoạt động thực thi quyền SHCN nói chung. Để quản lý hiệu quả hoạt động này, các cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý xã hội của Nhà nước.

Trên cơ sở những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, đồng thời dựa trên đặc điểm của pháp luật về SHTT, cũng như pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu, có thể xây dựng một số tiêu chí cơ bản đánh giá mức độ hoàn thiện của pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu như sau:

Một là, pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu phải đảm bảo tính toàn diện

Tính toàn diện của hệ thống pháp luật phản ánh mức độ đầy đủ của hệ thống quy phạm, nguyên tắc, định hướng và mục đích của pháp luật; là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá mức độ hoàn thiện của pháp luật nói chung và pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu nói riêng vì nó là tiêu chuẩn có ý nghĩa "định lượng"”(1). Tính toàn diện của pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu được thể hiện ở cấp độ tổng quát và cụ thể. Ở cấp độ tổng quát, pháp luật trong lĩnh vực này phải có đầy đủ các quy phạm pháp luật quy định về việc xác định hành vi xâm phạm quyền, nội dung xử lý hành vi xâm phạm và thủ tục xử lý hành vi xâm phạm tương ứng với các biện pháp xử lý xâm phạm và thẩm quyền của các cơ quan tương ứng tham gia vào hoạt động xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu. Các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này có thể nằm trong các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau nhưng chúng phải có mặt đầy đủ trong các chuyên ngành có liên quan và được cấu trúc một cách khách quan, khoa học. Ở cấp độ cụ thể, tính toàn diện đòi hỏi không có hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu nào mà không có quy phạm pháp luật chuyên ngành tương ứng điều chỉnh phù hợp.

Hai là, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ

Tính thống nhất của hệ thống pháp luật là điều kiện cần thiết bảo đảm cho tính thống nhất về mục đích của pháp luật và sự triệt để trong thực hiện pháp luật(2). Tính đồng bộ của pháp luật thể hiện ở sự thống nhất của các văn bản pháp luật. Khi pháp luật xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu có sự thống nhất, không trùng lặp, chồng chéo hay mâu thuẫn lẫn nhau giữa các quy định pháp luật chuyên ngành (pháp luật SHTT, pháp luật xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, pháp luật hải quan, pháp luật thương mại...) liên quan đến vấn đề xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu (xét ở cấp độ tổng quát) và giữa chính các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đó của từng chuyên ngành luật (xét ở cấp độ cụ thể) thì các quy định này đảm bảo được tính đồng bộ. Điều này đòi hỏi các văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành phải đảm bảo tính thứ bậc về hiệu lực pháp lý. Do pháp luật SHTT được coi là một bộ phận không thể tách rời của pháp luật dân sự(3) nên những quy định cụ thể đặc thù điều chỉnh các quan hệ phát sinh liên quan tới SHTT do pháp luật SHTT quy định phải không được trái với những quy định mang tính nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự. Cùng với đó, các quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan cũng không được chồng chéo, mâu thuẫn với các quy phạm pháp luật SHTT. Chẳng hạn khi quy định về hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu, các quy phạm pháp luật trong luật SHTT sẽ quy định những hành vi xâm phạm mang tính nguyên tắc, còn các quy phạm pháp luật chuyên ngành sẽ quy định hành vi cụ thể nào bị coi là xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu tương ứng hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Các quy phạm pháp luật này phải đảm bảo không được chồng chéo, mâu thuẫn hoặc vượt quá nội dung quy định trong luật SHTT. Tổng thể văn bản pháp luật thuộc các chuyên ngành luật khác nhau quy định về việc xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu tạo thành một chỉnh thể thống nhất, ràng buộc với nhau nhau cùng hướng tới mục đích xử lý hiệu quả những hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu.

Tính đồng bộ của pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu còn đòi hỏi các văn bản pháp luật phải được ban hành đầy đủ, chi tiết "để khi văn bản pháp luật có hiệu lực thì nó cũng đã có đủ các điều kiện để có thể được tổ chức thực hiện ngay trên thực tế"”(4).

Ngoài ra, pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu cần phải đảm bảo sự tương thích với những cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Ba là, đảm bảo tính phù hợp, khả thi và ổn định

Tính phù hợp và khả thi của pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN thể hiện ở việc nội dung của pháp luật phản ánh đúng và phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Pháp luật là một yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúc của xã hội, phản ánh và tác động tới cơ sở hạ tầng (điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội...), do vậy, pháp luật không thể quy định cao hơn hoặc thấp hơn trình độ của đối tượng mà nó phản ánh. Khi điều kiện kinh tế của đại bộ phận người dân chưa cao, nhận thức về pháp luật SHTT, quyền SHTT cụ thể là ý thức tôn trọng quyền SHCN đối với nhãn hiệu trong xã hội còn hạn chế thì các biện pháp trừng phạt của Nhà nước đối với hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu phải được quy định sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, nhận thức của xã hội, đồng thời đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng chống tình trạng xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu. Hơn thế nữa, việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu cũng cần phù hợp với điều kiện tổ chức các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm QSHCN.

Tính phù hợp và tính khả thi của các quy định pháp luật luôn đi song hành với nhau. Pháp luật có phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì mới được xã hội tiếp nhận, đồng thuận và có khả năng thực hiện trên thực tế.

Để pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu có tính phù hợp và khả thi thì nội dung của các quy định pháp luật phải "bảo đảm rằng các biện pháp và thủ tục thực thi các quyền SHTT không trở thành rào cản đối với hoạt động thương mại hợp pháp", phù hợp với sự phát triển bền vững của xã hội (về trách nhiệm của doanh nghiệp, về lợi ích của người tiêu dùng và về cạnh tranh bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử), đồng thời phù hợp với năng lực thực thi pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, trình độ nhận thức và điều kiện kinh tế của người dân.

Nhu cầu xã hội và các quan hệ xã hội có tính ổn định tương đối, nên pháp luật cũng cần có tính ổn định tương đối(5). Tính ổn định của pháp luật là yêu cầu cần thiết, bởi không thể thường xuyên đảo lộn các quan hệ xã hội bằng việc thay đổi pháp luật(6). Tính ổn định tương đối của pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu chứng tỏ các quy phạm pháp luật được ban hành có nội dung phù hợp với quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh, có tính dự báo tốt.

Bốn là, đảm bảo tính minh bạch, công khai

Tính minh bạch của pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu thể hiện ở nội dung các quy phạm pháp luật phải rõ ràng, dễ hiểu, đơn nghĩa, không mâu thuẫn; các văn bản pháp luật phải được công bố công khai (từ khi bắt đầu quy trình xây dựng văn bản đến việc lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan, các chuyên gia và đông đảo người dân đến khi văn bản được ban hành) để người dân nắm rõ những hành vi bị coi là xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu, quyền và nghĩa vụ của chủ thể liên quan đến hoạt động xử lý xâm phạm, các cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm, các hình thức xử lý, trình tự, thủ tục xử lý xâm phạm…Việc công khai văn bản pháp luật không chỉ ở việc đăng tải trên Công báo và các phương tiện thông tin đại chúng mà còn phải được thực hiện thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân dễ dàng tiếp cận, hiểu rõ, thực hiện theo và giám sát được quá trình xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu.

Năm là, pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu phải được xây dựng với các tiêu chuẩn kỹ thuật lập pháp cao

Một hệ thống pháp luật hoàn thiện phải là hệ thống được xây dựng với trình độ kỹ thuật pháp lý cao. Đây là tiêu chuẩn có ý nghĩa quan trọng vì pháp luật đòi hỏi phải có sự phù hợp cao độ giữa nội dung và hình thức biểu đạt(7). Trình độ pháp lý cao thể hiện ở quy trình ban hành văn bản pháp luật khoa học, cách thức biểu đạt chuẩn xác, ngôn ngữ diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu, một nghĩa, logic, dễ thực hiện; phải xác định đúng "những nguyên tắc của hoạt động xây dựng pháp luật, những trình tự thủ tục tối ưu… nhằm tạo ra được những văn bản quy phạm pháp luật tốt nhất, phù hợp với các quy định đã có và cơ chế thực thi pháp luật… phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước"(8). Hoạt động xây dựng pháp luật xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu phải được tiến hành một cách khoa học, có hệ thống, các văn bản luật, văn bản dưới luật thuộc các chuyên ngành khác nhau cùng điều chỉnh hoạt động xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu phải thực sự tạo thành một chỉnh thể thống nhất, bổ sung cho nhau; kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn tránh tình trạnh không thể áp dụng pháp luật được ngay do thiếu văn bản hướng dẫn.

Bên cạnh đó, chủ thể có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải thực hiện đầy đủ, đúng đắn các yêu cầu, đòi hỏi về nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động trong từng giai đoạn xây dựng và hoàn thiện pháp luật, từ giai đoạn soạn thảo nội dung văn bản QPPL, thẩm định, thẩm tra đến soạn thảo và thông qua văn bản QPPL về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu, đồng thời phải có sự tham vấn của tất cả các bên liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật, đặc biệt là sự tham gia của những chủ thể là đối tượng chịu tác động của luật.

Sáu là, đảm bảo cân bằng lợi ích của chủ thể quyền, người tiêu dùng và lợi ích của xã hội

Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu quyền SHTT và lợi ích của xã hội, lợi ích của các bên liên quan là một trong những nguyên tắc cơ bản của hệ thống SHTT(9). QSHCN đối với nhãn hiệu trước tiên là quyền dân sự của chủ sở hữu nhãn hiệu, tuy nhiên, do đặc tính của tài sản trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng thì việc xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu không chỉ bảo vệ quyền lợi của chủ nhãn hiệu mà còn đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích của toàn xã hội. QSHCN đối với nhãn hiệu là quyền độc quyền. Bảo vệ QSHCN đối với nhãn hiệu là áp dụng các biện pháp chế tài do Nhà nước quy định để xử lý những hành vi gây thiệt hại đến quyền độc quyền đó của chủ nhãn hiệu. Trong xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu, để đảm bảo sự cân bằng lợi ích của chủ thể quyền, người tiêu dùng và lợi ích của xã hội thì việc xác định những hành vi bị coi là xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu là đặc biệt quan trọng, nội dung các quy định này cần thể hiện sao cho vừa bảo vệ đúng mức quyền, không gây tổn hại bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu nhưng cũng không triệt tiêu việc sử dụng phù hợp với thực tiễn kinh doanh trung thực của những chủ thể khác trong xã hội. Mặt khác, các quy định về chế tài xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu cũng cần phải đảm bảo tính công bằng và đúng đắn để một mặt vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp và chính đáng của chủ thể quyền nhưng không quá mức khiến cản trở hoạt động kinh doanh lành mạnh của các chủ thể khác trong xã hội.

Bảy là, đảm bảo công bằng, thủ tục đơn giản, minh bạch và không quá tốn kém

Pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu chỉ đảm bảo được sự công bằng cho các bên liên quan khi nó tạo cho mọi người có cơ hội ngang nhau trong việc tham gia các quan hệ pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệucũng như mỗi vụ việc đều được xử lý một cách khách quan, phù hợp với bản chất sự việc. Các kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền phải được thể hiện bằng văn bản, có giải thích căn cứ, lý do đưa ra quyết định đó và các bên liên quan có quyền có ý kiến yêu cầu xem xét lại quyết định đó trong thời gian hợp lý.

Các quy phạm pháp luật được quy định một cách rõ ràng, đơn giản, minh bạch, không quá tốn kém sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các bên liên quan tham gia vụ việc cũng như thực hiện được quyền tự bảo vệ trong vụ việc tranh chấp. Hiện nay,lĩnh vực SHTT vẫn còn khámớimẻở nước ta,các chủ thể kinh doanh vẫn có tâm lý ngại kiện tụng, do vậy, nếu thủ tục phức tạp, chi phí tốn kém, thông tin khó tiếp cận thì chắc chắn họ sẽ bỏ qua việc kiện các đối tượng vi phạm,dẫn đến hệ lụy xấu là xâm phạm QSHCN ngày càng nghiêm trọng, người kinh doanh, đầu tư nghiêm túc chán nản, môi trường kinh doanh bị méo mó, không khuyến khích được các hoạt động đầu tư...

Tám là, pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu phải đảm bảo phù hợp với pháp luật quốc tế

Sở dĩ tính phù hợp với pháp luật quốc tế được đặt thành một tiêu chí riêng khi đánh giá mức độ hoàn thiện của pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu vì lĩnh vực SHTT là lĩnh vực có mức độ hội nhập cao với quốc tế. Vai trò của quyền SHTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia ngày càng được nhìn nhận đúng mức và được coi là một công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nội dung không thể thiếu của các FTA là nội dung về sở hữu trí tuệ. Gần đây, Việt Nam đã ký kết hàng loạt các FTA, trong đó tiêu chuẩn về thực thi quyền SHTT (bao gồm có quyền đối với nhãn hiệu) được quy định ở mức rất cao. Việc cam kết tuân thủ luật chơi chung về SHTT với các đối tác thể hiện quyết tâm và nỗ lực lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế. Nghĩa vụ của chúng ta khi tham gia sân chơi quốc tế chung là phải đảm bảo các quy định pháp luật quốc gia phù hợp với các nội dung đã cam kết và như vậy việc hoàn thiện các quy định về xử lý hành vi xâm phạm QSHCN đối với nhãn hiệu phải đảm bảo phù hợp với các yêu cầu về thực thi quyền SHTT được quy định trong các điều ước mà Việt Nam tham gia.

______________

(1), (2), (4), (8) Nguyễn Minh Đoan: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011

(3) Lê Hồng Hạnh, Đinh Thị Mai Phương: Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

(5), (7) Vũ Đức Khiển (Chủ nhiệm đề tài): Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, Báo cáo phúc trình Đề tài KX 04.05 thuộc Chương trình KX-04, Hà Nội, 2005.

(6) Hà Hùng Cường: "Hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" http://www.nclp.org.vn, ngày 1/8/2015

(9) Lê Thị Nam Giang: "Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội", Tạp chí Khoa học pháp lý, số 2- 2009.

 

ThS Hà Thị Nguyệt Thu

Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền