Trang chủ    Diễn đàn    Tìm hiểu quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền
Thứ hai, 16 Tháng 1 2017 17:31
2549 Lượt xem

Tìm hiểu quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền

(LLCT) - Đồng chí Lê Duẩn là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là một Tổng Bí thư tài năng, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng và hoạt động lãnh đạo của Đảng. Trong đó phải kể đến những quan điểm sâu sắc của đồng chí về phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền.

 

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. “Đảng cầm quyền có nghĩa là đảng đã trở thành người lãnh đạo thực tế của toàn xã hội, có nghĩa là đảng đã có nhà nước chuyên chính vô sản, một công cụ cực kỳ to lớn có nhiệm vụ một mặt trấn áp sự chống đối của các lực lượng thù địch, mặt khác, đây là mặt rất quan trọng - động viên và tổ chức nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Đảng không thể nào thực hiện được sự lãnh đạo của mình đối với xã hội mà không thông qua chính quyền nhà nước”(1). Phương thức lãnh đạo là tổng thể phương pháp, hình thức, biện pháp, quy trình, lề lối làm việc, tác phong công tác… mà Đảng sử dụng để thực hiện sự lãnh đạo toàn xã hội thông qua tổ chức đảng, đảng viên…(2). Đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ, phương thức lãnh đạo của Đảng bao gồm: “Đảng lãnh đạo hệ thống chuyên chính vô sản bằng đường lối đúng đắn của mình về mọi mặt, bằng việc phát huy tác dụng của các cơ quan chính quyền và các tổ chức quần chúng, bằng công tác kiểm tra sự hoạt động của các tổ chức đó, bằng công tác chính trị tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân, bằng hành động tích cực, gương mẫu của các đảng viên trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng cũng như các chủ trương của chính quyền và của đoàn thể quần chúng”(3).

1. Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, chính sách

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị, theo đồng chí Lê Duẩn, trước hết là Đảng phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu để phát triển, hoàn chỉnh và cụ thể hóa hơn nữa đường lối chính trị của Đảng. Đồng chí Lê Duẩn khẳng định, Đảng lãnh đạo bằng cách đưa ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng và khi hiện thực cuộc sống luôn thay đổi thì đường lối, chính sách của Đảng cũng cần có sự bổ sung và phát triển. “Muốn đề ra đường lối, chính sách đúng, có căn cứ khoa học, sát hợp với nhu cầu thực tiễn, cần phải:

a) Tổ chức tốt hệ thống thông tin của Đảng từ Trung ương đến cơ sở; định kỳ điều tra nghiên cứu tình hình thực tế; nâng cao chất lượng công tác thu thập, phân tích, tổng hợp tình hình, bảo đảm phản ánh kịp thời và chính xác những tình hình cơ bản, những sự kiện quan trọng. Kiên quyết chống lối làm việc quan liêu, xa rời thực tế, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng, chống tác phong đại khái, hời hợt, không đi sâu vào thực chất của vấn đề, của sự việc.

b) Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết kinh nghiệm. Cách mạng là sáng tạo; không có sáng tạo, không thể có thành công của cách mạng. Hoàn cảnh cụ thể của đất nước, xã hội và con người Việt Nam đòi hỏi phải tìm ra những nội dung, phương pháp và bước đi thích hợp, phải giải quyết nhiều vấn đề mới mẻ nảy sinh từ thực tiễn cách mạng Việt Nam…

c) Tổ chức chu đáo việc học tập lý luận Mác - Lênin, học tập những kiến thức về kinh tế, về khoa học kỹ thuật cho đông đảo cán bộ, đảng viên…”(4).

Đồng chí Lê Duẩn yêu cầu phải thường xuyên đi sâu vào thực tiễn để phân tích, tổng kết kinh nghiệm và khái quát lý luận cần thiết; để không ngừng bổ sung, phát triển và cụ thể hóa hơn nữa đường lối, chính sách của Đảng. Vì vậy, phải kiện toàn các cơ quan làm nhiệm vụ nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Bên cạnh yêu cầu phải nắm chắc bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, thấu suốt hơn quy luật phát triển của xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên còn “phải ngày càng trưởng thành trong việc vận dụng những hiểu biết đó vào thực tiễn để định ra đường lối, chính sách một cách đúng đắn và sáng tạo”(5).   

2. Đảng lãnh đạo, chỉ đạo Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện trong toàn xã hội

Đảng lãnh đạo xã hội thông qua Nhà nước: “Đảng không thể nào lãnh đạo xã hội, lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà không có Nhà nước, không thông qua Nhà nước, nhân dân lao động không thể nào làm chủ xã hội và tiến hành có kết quả sự nghiệp của mình nếu không có sự lãnh đạo của Đảng - người đại biểu cho tư tưởng và đường lối làm chủ tập thể đúng đắn nhất, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử xã hội”(6).

Về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ, Đảng “Lãnh đạo thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước. Nhà nước là tổ chức cao nhất, rộng lớn nhất, tập trung nhất của quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Đảng lãnh đạo nhân dân chứ không phải Đảng thay thế nhân dân làm chủ Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước chứ không phải Đảng thay thế Nhà nước để cai trị”(7). Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trước hết ở hiệu lực quản lý của Nhà nước và trong mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Chính quyền vững mạnh ở chỗ nó thật sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “tuyệt đối không được quên rằng Nhà nước ta là Nhà nước vô sản, Nhà nước của nhân dân, người chủ duy nhất của xã hội ta là nhân dân. Nhà nước không phải là ông chủ đứng trên nhân dân, mà đó chính là nhân dân bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể và tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa, tự tổ chức thành Nhà nước, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm xây dựng xã hội mới. Sự nghiệp xây dựng xã hội mới là sự nghiệp của bản thân quần chúng nhân dân”(8).

3. Đảng lãnh đạo bằng công tác chính trị, tư tưởng

Trong công tác chính trị, tư tưởng, đồng chí Lê Duẩn yêu cầu phải tăng cường giáo dục lý luận Mác-Lênin, đường lối, chính sách của Đảng, đi đôi với việc nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Lê Duẩn yêu cầu phải tổ chức chu đáo việc học tập lý luận Mác -  Lênin, học tập những kiến thức về kinh tế, về khoa học, kỹ thuật cho đông đảo cán bộ, đảng viên, trước hết là cho các cán bộ cấp cao. Có như vậy mới làm cho mỗi cán bộ, đảng viên có thể tham gia xây dựng đường lối, có phương pháp tư duy và hành động đúng. Đồng chí yêu cầu Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức Trung ương phải nghiên cứu, đề ra kế hoạch học tập cho các loạicán bộ; đồng thời phải có tổ chức, có kiểm tra chặt chẽ. Phải nghiêm khắc phê phán bệnh chủ quan, bệnh kinh nghiệm, lười học, ngại học lý luận, thái độ coi thường lý luận, hoặc chỉ lý luận suông, xem nhẹ việc nghiên cứu tình hình thực tế, tổng kết rút kinh nghiệm.

Theo đồng chí Lê Duẩn, đảng viên phải là người giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, suốt đời phấn đấu vì lợi ích của giai cấp và dân tộc, có ý thức tổ chức và kỷ luật, có sự hiểu biết nhất định về lý luận cách mạng, nắm được đường lối, chính sách của Đảng, có khả năng làm tốt những nhiệm vụ được giao. Đảng viên phải gắn bó với quần chúng, tôn trọng quyền làm chủ và lợi ích chính đáng của quần chúng. Đảng viên tuyệt đối không được có đặc quyền, đặc lợi. Vào Đảng là để nhận nhiệm vụ cách mạng gian khổ, khó khăn, khi cần thì sẵn sàng hy sinh tính mệnh và hạnh phúc riêng cho cách mạng…

4.  Đảng lãnh đạo thông qua công tác cán bộ và vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng cử cán bộ, đảng viên vào các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, vì vậy công tác cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Để bảo đảm cho cách mạng thắng lợi, sau khi có đường lối, chính sách đúng đắn thì điều kiện quyết định là việc tổ chức thực hiện đường lối, trong đó vấn đề then chốt là phải có một đội ngũ cán bộ vững mạnh về mọi mặt(9). Đồng chí cho rằng, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng cầm quyền ngày càng khó khăn, rộng lớn và nặng nề, Đảng cần phải có một đội ngũ cán bộ có chất lượng tốt,… và có số lượng không những đủ cho nhu cầu trước mắt mà còn cho lâu dài. Đội ngũ ấy phải bao gồm đủ loại cán bộ về tất cả các ngành, các mặt, thỏa mãn yêu cầu rộng lớn trong mọi lĩnh vực của sự nghiệp cách mạng.

Theo đồng chí Lê Duẩn, công tác cán bộ phải được tiến hành dưới sự chỉ đạo tập trung của Đảng. Các cấp ủy Đảng cần trực tiếp xem xét và tập thể quyết định việc lựa chọn, đánh giá, cất nhắc, thay đổi những cán bộ giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân. Công tác cán bộ phải có kế hoạch trước mắt và kế hoạch lâu dài, theo sát các yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cụ thể.

Sử dụng cán bộ cũng là một vấn đề quan trọng của Đảng. Sử dụng đúng người, đúng việc, kết hợp cán bộ cao tuổi có nhiều kinh nghiệm với cán bộ trẻ. Đồng chí chỉ rõ: “Quy luật phát triển của cách mạng cũng như của Đảng đòi hỏi phải kết hợp đúng đắn cán bộ đã từng chiến đấu lâu năm với cán bộ trẻ để bổ sung ưu điểm cho nhau đồng thời giúp nhau khắc phục nhược điểm, bởi vì cả hai loại cán bộ đó đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Đảng ta cần chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lâu năm, đồng thời phải rất quan tâm bồi dưỡng, đào tạo và mạnh dạn đề bạt thêm nhiều cán bộ trẻ có phẩm chất cách mạng cao, có năng lực dồi dào, có sức vươn lên mạnh mẽ, xuất hiện trong các phong trào cách mạng”(10).

Theo đồng chí Lê Duẩn, muốn Đảng cầm quyền vững mạnh, chi bộ mạnh thì chất lượng đảng viên phải tốt. Người đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, “Mỗi đảng viên phải tích cực phấn đấu để thực hiện có hiệu quả các đường lối, chính sách, các nghị quyết của Đảng, gương mẫu dẫn đầu trong chiến đấu và sản xuất… Đảng viên phải hết sức chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phải tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân, không bao giờ được phép tự cho mình có bất cứ đặc quyền, đặc lợi gì đối với quần chúng nhân dân, phải chí công vô tư, phải là người lãnh đạo quần chúng nhân dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ của nhân dân, đúng như lời dạy của Hồ Chủ tịch”(11).

5.  Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra

Trong Mấy ý kiến về công tác kiểm tra, đồng chí Lê Duẩn cho rằng: “Đối với một Đảng cầm quyền, phải đề phòng hai nguy cơ: một là phạm sai lầm về đường lối, chủ trương; hai là cán bộ có quyền dễ sinh ra lạm quyền, hống hách với dân”(12). Do vậy, sai lầm về đường lối chủ trương và sự tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên là nguyên nhân chủ quan chủ yếu nhất làm mất vai trò của một Đảng cầm quyền.

Yêu cầu cơ bản của công tác kiểm tra là: “kiểm tra cần phải có trọng tâm, phải nắm khâu mấu chốt;… phải có yêu cầu cụ thể”, nếu không thì sẽ kiểm tra chung chung hoặc miên man không có kết quả. Đối tượng chủ yếu cần kiểm tra thường xuyên là đảng viên và các cấp ủy Đảng ở cơ sở, do đó kiểm tra cần tập trung vào việc kiểm tra chi bộ, chi ủy, đảng ủy và đảng viên ở cơ sở để xem các tổ chức Đảng đó có lãnh đạo đúng hay không.

Đối với cán bộ làm công tác kiểm tra, đồng chí Lê Duẩn yêu cầu bốn điều:

“Thứ nhất, nắm vững và thấu suốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, thể lệ, chế độ và pháp luật của Nhà nước về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

“Hai là, có nhiệt tình cách mạng cao, thật sự thiết tha làm cho hàng ngũ của Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, luôn luôn tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ tập thể của nhân dân, gắn bó mật thiết với quần chúng, được quần chúng yêu mến, tin tưởng.

Ba là, nhạy bén với cái mới, có thái độ ủng hộ, bồi đắp những nhân tố tích cực, đồng thời không khoan nhượng trước những việc làm sai trái.

“Bốn là, thành thạo nghiệp vụ chuyên môn, biết cách kiểm tra một người cụ thể, một việc cụ thể…Phải thường xuyên tổng kết kinh nghiệm để rút ra những cách làm tốt và uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong công tác”(13).

Tóm lại, cán bộ kiểm tra phải là người có năng lực và tư cách đạo đức, có như vậy mới phân biệt được đúng sai, khách quan và làm gương cho người khác. Công tác kiểm tra cần gắn với vai trò giám sát của quần chúng: “cần có sự kiểm tra của nhân dân, bởi vì qua sự tiếp xúc hàng ngày với cán bộ, đảng viên, nhân dân có thể hiểu rõ hành động và tư cách, công tác và đạo đức của họ”(14).

Đồng chí Lê Duẩn đã đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn về phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, góp phần to lớn vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, khi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang được triển khai sâu rộng, những chỉ dẫn của đồng chí càng có ý nghĩa thiết thực.

_________________

(1), (4), (5), (6), (7), (8), (11), (12), (13) (14) Lê Duẩn: Mấy vấn đề về Đảng cầm quyền, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.43-44, 97-98, 47, 83, 84, 87, 49-50, 7, 11-12, 12.

(2) Trần Đình Nghiêm (Chủ biên): Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.64-65.

(3) Lê Duẩn: Về xây dựng Đảng, Nxb Sự thật, Hà Nôi, 1978, tr.204.

(9), (10) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.166, 170-171.

 

TS Lê Thị Thu Hồng

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền