Trang chủ    Diễn đàn    Thực hiện dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng
Thứ hai, 23 Tháng 1 2017 18:19
2921 Lượt xem

Thực hiện dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

(LLCT) - Thực hiện dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật ĐảngXuất phát từ nguyên tắc tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh của Đảng, “Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”(1), như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nên khi nói đến công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng, nhiều người thường hiểu theo nghĩa tập trung, thiên về áp dụng các biện pháp mang tính mệnh lệnh, trừng phạt, răn đe. Đó là cách hiểu phiến diện, một chiều về công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng. Cần phải nhận thức đúng đắn, nhất quán và thống nhất về mối quan hệ biện chứng và thực hiện tốt cả hai mặt của nguyên tắc tập trung, dân chủ trong công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong tác phẩm Đường Cách mệnh(1927), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Từ tiểu tổ đến đại hội đều theo cách dân chủ tập trung. Nghĩa là có việc gì thì ai cũng được bàn, cũng phải bàn. Khi bàn rồi thì bỏ thăm, ý kiến nào nhiều người theo hơn thì được. Ấy là dân chủ. Đã bỏ thăm rồi, thì giao cho hội ủy viên làm, khi ấy thì tất cả hội viên phải theo mệnh lịnh hội ấy. Ấy là tập trung. Ai không nghe lời thì ủy viên hội có quyền phạt”(2).

Theo Hồ Chí Minh, thực hiện dân chủ trong Đảng thực chất là phát huy quyền làm chủ đảng viên, là sự tham gia tích cực đảng viên vào các công việc của Đảng; tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào việc vạch ra đường lối, chủ trương, chính sách, vào việc thành lập các cơ quan lãnh đạo của Đảng, kiểm tra, kỷ luật và chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối đã đề ra.

Dân chủ trong Đảng là dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương; không phải là dân chủ vô tổ chức, dân chủ không giới hạn. Nhận thức về dân chủ và việc thực hiện dân chủ trong công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng được thể hiện trên một số vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, công tác kiểm tra, kỷ luật là góp phần phát huy dân chủ trong Đảng, với phương châm tự giác, tự phê bình, không áp dụng các phương pháp điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác kiểm tra, kỷ luật đảng; công khai, không giấu giếm yếu kém, khuyết điểm. Mọi khuyết điểm, sai lầm được đưa ra không phải chỉ để thi hành kỷ luật, mà điều chủ yếu là để sửa chữa một cách nhanh chóng và kịp thời, để tiến bộ như V.I.Lênin đã chỉ rõ ý nghĩa, tác dụng của nguyên tắc này: “Đưa tin công khai là một thanh kiếm tự nó chữa lành được những vết thương do chính nó gây ra”(3). Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ mục đích của việc chỉ ra hạn chế, yếu kém và khuyết điểm là để tìm ra nguyên nhân, “để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”(4).

Thứ hai, việc hình thành tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra đảng được thực hiện dân chủ. Trước năm 1948, Đảng ta chưa thành lập cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng, công tác kiểm tra và việc thi hành kỷ luật do cấp ủy và chi bộ thực hiện. Ngày 16-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương ra Quyết nghị số 29 QN/TW, thành lập Ban Kiểm tra Trung ương và sau đó các ban kiểm tra khu ủy, liên khu ủy được thành lập.

Tổ chức, bộ máy cơ quan Ủy ban Kiểm tra và các Ủy viên ủy ban kiểm tra  do cấp ủy cùng cấp bầu ra theo phương thức bỏ phiếu kín đã thể hiện tính dân chủ trong Đảng. Ban Kiểm tra chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng. Nhiệm vụ công tác của Ban Kiểm tra các cấp là kiểm tra việc giữ gìn kỷ luật và xét đơn khiếu nại của đảng viên về thi hành kỷ luật. Việc kiểm tra chấp hành các chủ trương, chính sách do Ban Thanh tra chính quyền và chính quyền các cấp tiến hành.

Thứ ba, công tác kiểm tra Đảng thời kỳ đổi mới có bước tiến mới theo hướng dân chủ hóa với việc Đại hội X của Đảng (2006) bổ sung chức năng giám sát và làm rõ nhiệm vụ giám sát của Ủy ban Kiểm tra các cấp. Điều 32 Điều lệ Đảng quy định: “Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương”.

Cụ thể hóa việc thực hiện dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Hội nghị Trung ương 5 khóa X đã nhấn mạnh: “Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng”.

Tiếp tục thực hiện dân chủ hóa công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng theo hướng công khai, minh bạch, ngày 12-5-2008, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế chất vấn trong Đảng.

Trong đó, Khoản 1 Điều 2 của Quy chế quy định: chất vấn và trả lời chất vấn nhằm phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên. 

Điều 12 quy định: Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này. Định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Chính trị kết quả thực hiện Quy chế. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có vấn đề cần bổ sung, sửa đổi thì phản ánh về Ủy ban Kiểm tra Trung ương để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Thứ tư, Đại hội XI (2011) chỉ rõ những hạn chế yếu kém trong thực hiện dân chủ trong Đảng và tình trạng vi phạm dân chủ trong xã hội.

Đại hội đề cao thực hiện dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát khi yêu cầu không phân biệt đối tượng kiểm tra, dù là đảng viên thường hay có chức vụ, không có “vùng cấm” trong kiểm tra, kỷ luật Đảng, trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Đại hội chỉ đạo tập trung hơn nữa vào kiểm tra, giám sát những người đứng đầu: “Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”(5).

Đồng thời, Đại hội yêu cầu phải xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên. Đại hội chỉ rõ: “phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng”(6).

Thứ năm, để bảo đảm dân chủ trong việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, Đại hội yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, các cơ quan liên quan, đặc biệt là với Thanh tra Chính phủ: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyền của mỗi cơ quan.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát về nhiều mặt, trong đó trước mắt cần tập trung vào việc: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hoạt động của hệ thống ủy ban kiểm tra các cấp. Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra đảng với các tổ chức đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xem xét khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên.

Thứ sáu, việc thực hiện dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng còn được thể hiện trong nguyên tắc công khai khi thực hiện kiểm tra. Quá trình kiểm tra, đánh giá, kết luận đều được tiến hành công khai; không sử dụng nghiệp vụ của cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc gò ép, áp đặt. Quy định rõ, các dự thảo kết luận kiểm tra phải được thảo luận, trao đổi dân chủ; khi kết luận kiểm tra được cấp có thẩm quyền quyết định thì thông báo rộng rãi trong phạm vi tổ chức đảng, nhằm tạo bầu không khí tâm lý thẳng thắn, tin tưởng lẫn nhau, phát huy đến mức cao nhất chức năng giáo dục của công tác kiểm tra, giám sát.

Dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng còn được thể hiện trong quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo và thi hành kỷ luật đối với đảng viên và tổ chức đảng như: người tố cáo được Ủy ban kiểm tra thông báo việc giải quyết tố cáo bằng hình thức thích hợp... Đảng viên nếu bị thi hành kỷ luật đến mức khai trừ thì có quyền khiếu nại đến Ban Chấp hành Trung ương.

Tuy nhiên, để tránh lợi dụng dân chủ, hay dân chủ quá trớn dẫn đến vi phạm quyền của người tố cáo, Trung ương Đảng cũng nêu rõ: “Không được gửi hoặc phổ biến nội dung tố cáo, tên người tố cáo, nội dung làm việc với tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo, nội dung thông báo giải quyết tố cáo của tổ chức đảng có thẩm quyền cho những tổ chức hoặc cá nhân không có trách nhiệm”(7).

Thứ bảy, dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng còn được thể hiện tính nhân đạo, nhân văn khi đảng viên bị xem xét thi hành kỷ luật: “Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật  xác nhận thì chưa xem xét xử lý kỷ luật”.

Thứ tám, đối với việc thi hành kỷ luật thì dân chủ còn được thể hiện khi đối tượng được giải trình và tự nhận hình thức kỷ luật, sau khi thảo luận dân chủ thì: “xem xét, kết luận phải biểu quyết bằng phiếu kín việc kỷ luật hay không kỷ luật. Nếu có quá nửa số phiếu đến mức phải kỷ luật thì bỏ phiếu quyết định hình thức kỷ luật cụ thể”.

Trong thực tế có nơi, có tổ chức Đảng, trong công tác kiểm tra, giám sát không bàn bạc thực sự dân chủ, nội dung đưa ra bàn bạc một cách hình thức, chiếu lệ, ý kiến của các thành viên dự họp thường dựa theo quan điểm của người đứng đầu và quyết định theo ý kiến của người đứng đầu, chủ trì; những ý kiến trái chiều không được xem xét, thảo luận một cách khách quan; thậm chí, có trường hợp người có ý kiến trái với ý kiến người đứng đầu, ý kiến chung bị quy chụp hoặc cho là ý thức tổ chức, đoàn kết thống nhất kém,...

Mặt khác, lại có một số người đứng đầu lại ỷ vào tập thể, mọi việc lớn nhỏ đều chờ ý kiến tập thể, không dám chịu trách nhiệm cá nhân, không quyết đáp. Khi nảy sinh những yếu kém, khuyết điểm, tiêu cực xảy ra ở địa phương, cơ quan, đơn vị thì thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan, cho cơ chế, năng lực của nhân viên.

Những biểu hiện lệch lạc và vi phạm nguyên tắc dân chủ trong Đảng, nhất là tình trạng độc đoán, vi phạm dân chủ trong kiểm tra, giám sát không những không phát huy được trí tuệ tập thể, hạn chế hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo mà còn làm phát sinh những tiêu cực trong cấp ủy, làm nảy sinh những bất đồng trong nội bộ, có nơi dẫn đến mất đoàn kết, làm suy giảm vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và niềm tin của quần chúng đối với Đảng.

Để khắc phục tình trạng trên, bảo đảm thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ trong hoạt động kiểm tra, giám sát, trước hết cần quan tâm giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về yêu cầu và ý nghĩa của thực hiện dân chủ trong công tác này. Trước hết là phải thống nhất nhận thức, mọi quyết định của cấp ủy, của tổ chức đảng phải trên cơ sở thảo luận dân chủ và quyết định theo đa số.

Trong hoạt động kiểm tra, giám sát, mỗi cấp ủy viên và mỗi đảng viên phải đề cao trách nhiệm trước Đảng, nói thẳng, nói thật, nói rõ chính kiến của mình. Đồng thời, kết luận của người chủ trì phải thực sự kết tinh trí tuệ của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng.

Áp dụng rộng rãi hình thức bỏ phiếu kín khi quyết định những vấn đề kết luận kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng.

Khi có những ý kiến khác nhau cần tiến hành kiểm tra, khảo sát, thảo luận làm sáng tỏ vấn đề trước khi kết luận. Người có ý kiến thiểu số được bảo lưu và có quyền báo cáo, đề nghị cấp ủy cấp trên xem xét.

Người đứng đầu, chủ trì hội nghị cần bình tĩnh, thận trọng, thực sự lắng nghe và trân trọng những ý kiến thẳng thắn, khuyến khích thảo luận, tranh luận; không thành kiến, quy chụp đối với những ý kiến trái chiều, không thống nhất với ý kiến của mình; gương mẫu và tự giác trong tự phê bình và phê bình.

Để phát huy dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, ngăn ngừa sự độc đoán, áp đặt ý kiến chủ quan, người đứng đầu, tổ chức đảng và cấp ủy các cấp cần xây dựng và làm việc theo Quy chế, xác định rõ những vấn đề nhất thiết phải được bàn bạc tập thể và do tập thể quyết định, đặc biệt chú ý những vấn đề kỷ luật, khen thưởng, kế hoạch đầu tư, công tác cán bộ...; Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ và làm việc theo quy chế sẽ tạo điều kiện phát huy dân chủ, trách nhiệm, sáng tạo trong kiểm tra, giám sát.

Cấp ủy cấp trên cần thường xuyên kiểm tra, sâu sát thực tế cơ sở, nắm chắc tình hình, phát hiện, uốn nắn kịp thời những vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm dân chủ, lạm quyền.

Trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, phát huy dân chủ phải gắn với thực thi nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác đặt mình trong sự quản lý của tổ chức đảng, chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và của quần chúng nhân dân, tuân thủ kỷ luật của Đảng, tôn trọng pháp luật Nhà nước tạo nên sức mạnh của toàn Đảng cũng như của mỗi tổ chức Đảng.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2016

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.553.

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.1, tr.306.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.64.

(4)Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.276.

(5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.60, 60.

(7) Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI(Kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương).

 

TS LÊ VĂN CƯỜNG

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền