Trang chủ    Diễn đàn    Một số trao đổi về quản lý hoạt động lễ hội hiện nay
Thứ năm, 22 Tháng 6 2017 16:36
1688 Lượt xem

Một số trao đổi về quản lý hoạt động lễ hội hiện nay

(LLCT) - Lễ hội dân gian đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của cộng đồng. Ở đó không chỉ có sự phản chiếu mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy những giá trị của bản sắc văn hoá dân tộc. Bên cạnh những giá trị tích cực, to lớn là nhiềuvấn đề phức tạp, gây bức xúc, cần giải quyết để làm lành mạnh hóa lễ hội. 

1. Các nhà nghiên cứu coi lễ hội dân gian như một “bảo tàng sống” về văn hóa. Ở đó chứa đựng nhiều sắc thái văn hóa của cộng đồng. Các làn điệu dân ca, các trò chơi, trò diễn... ra đời và được nuôi dưỡng, duy trì trong lòng dân tộc suốt hàng nghìn năm cũng qua các nghi lễ và hội hè. Sau chu kỳ một năm sản xuất, với bao ngày tháng nhọc nhằn, vất vả, lo âu, cuộc sống thôn quê vốn thường tĩnh lặng bỗng trở nên sôi động, vang dậy tiếng trống chiêng, người người tụ hội nơi đình chùa. Mỗi người dân quê bỗng hoá thân thành văn hoá, văn hoá làm biến đổi con người.Trong mỗi tâm hồn cá nhân, lễ hội luôn là miền ký ức đẹp đẽ.Có lẽ không ai trong cuộc đời không từng một lần náo nức cùng tiếng trống hội. Lễ hội đông, lễ hội vui đến mức “tả tơi xem hội”. Một cuộc trình diễn lễ hội thành công lại là niềm tự hào chung của cả cộng đồng chủ thể của lễ hội đó. Lễ hội là môi trường, cũng là chất xúc tác để mỗi cá nhân có chung nhận thức, chung niềm tin, có cùng một tình cảm trước biểu tượng của sự thiêng liêng, để mọi người cùng chung tay tham gia “trình diễn lễ hội” - theo đó, việc thực hành những lễ thức được kính cẩn coi như một sự giao hòa tinh thần giữa thế giới thực tại và thế giới thần thiêng. Những điều đó làm nên giá trị cố kết cộng đồng - một trong những giá trị cơ bản của lễ hội.

Ở tầm cấp cao hơn, cội nguồn quốc gia, đất nước, dân tộc cũng hòa đồng cùng cội nguồn gia tộc, gia đình. Câu Dù ai đi ngược về xuôi (cũng đều)/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba đã rất quen thuộc với nhiều người.Với cảm hứng kỷ niệm, với tâm cảm tri ân Uống nước nhớ nguồn, lễ hội mang giá trị bảo lưu truyền thống một cách sâu đậm, mạnh mẽ. Những thông tin huyền ảo về nguồn cội con người, quốc gia, dân tộc, vùng miền, làng xóm, gia tộc, gia đình... để lại dấu ấn trong lễ hội. Đi hội cũng là cuộc hành hương về cội nguồn - nơi từ đó các cá nhân đã lớn lên và đi vào cuộc đời rộng lớn. Đến khi già lão, mỗi người cùng mong lại được trở về với hội lễ ở quê hương để tiếp bước người xưa, chăm lo cho không gian linh thiêng, kết nối người và thần. Nhìn ra rộng hơn, lễ hội dân gian Việt Nam còn cùng góp phần tạo ra sự đa dạng trong văn hóa khu vực và cả thế giới.

Đã một thời hướng cuộc sống vào thế giới “nóng, phẳng, chật”, con người nay đã dần bừng tỉnh và muốn sửa chữa tình trạng tách rời bản thân với tự nhiên, môi trường, với lịch sử, với truyền thống văn hoá đang bị mai một. Xã hội hiện đại với các hoạt động của con người dường như được “chương trình hoá” và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhịp hoạt động của máy móc, của công nghệ - căng thẳng và đơn điệu, ồn ào và chật chội nhưng vẫn cô đơn. Đời sống hiện đại chỉ chú trọng tới tích hợp, nhấn mạnh sự “trật tự” mà thiếu sự cởi mở, “tháo khoán” khó còn có chỗ cho sự “bùng cháy” và “thăng hoa” gắn kết cộng đồng. Quay lại với nền văn hoá truyền thống, trong đó có lễ hội cổ truyền là một biểu tượng, có thể đáp ứng nhu cầu đó. Điều này nói lên tính nhân bản bền vững và sâu sắc của lễ hội dân gian.

Hiện trạng nhếch nhác, lệch lạc và mưu lợi (riêng)

Tuy vậy, hiện nay trong sự phục hồi và phát triển đang có những bồng bột, những tùy tiện, thậm chí những tiêu cực, những sai lầm làm cho lễ hội giảm đi nhiều giá trị tích cực. Ở những lễ hội lớn, sự quá tải do bùng nổ dân số, sự tắc nghẽn giao thông, mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh” xuất hiện phổ biến dưới nhiều bản dạng khác nhau làm cho các hoạt động lễ hội trở nên phức tạp. Tinh thần nguyên thủy của một số lễ hội (vô tình hoặc cố ý) đã bị hiểu sai, dẫn đến những hành động lệch lạc, hỗn loạn. Tỷ lệ khá lớn người đến các lễ hội ở các di tích ngày nay không phải là cư dân bản địa, những chủ sở hữu thực thụ của di tích - lễ hộ, mà là khách vãng lai (khách du lịch, doanh nhân,…) với mục đích du Xuân, thắp hương. Bởi vậy, “tính thiêng” đã mang màu sắc khác.

Du lịch làm sống dậy di sản nhưng cũng là mối nguy trực tiếp đe dọatính nguyên trạng đang được cố bảo tồn của di sản, di tích và cả những phong tục tập quán. Khi di tích đã trở thành điểm “làm” du lịch, ai cũng muốn đông khách thập phương về chiêm bái. Di tích càng “thiêng” khách càng đông và ngược lại tâm lý đám đông cũng tin rằng (hình như) những chỗ đông hơn thì “thiêng” hơn (!). Nhìn với con mắt kinh tế, du lịch có thể tạo ra nhiều việc làm, làm tăng thêm thu nhập của nhiều người, song (ở đâu cũng vậy) vẫn phải đối mặt với không ít vấn đề phát sinh.Những năm gần đây, bên cạnh những nơi danh lam cổ tích - chùa lớn, phủ to... đã có “lễ hội cố định” như chùa Hương, Yên Tử, chùa Thày, phủ Dầy v.v., việc đi chơi hội mùa xuân cũng đồng thời là “đi lễ” ở những di tích khác cũng phát triển mạnh. Tại không ít điểm di tích, nơi tổ chức lễ hội đã xảy ra quá tải và có biểu hiện phô trương hình thức, gây lãng phí, tốn kém. Môi trường ô nhiễm ảnh hưởng xấu tới mỹ quan nơi thờ tự, vớinhững cảnh nhếch nhác, lộn xộn cả trong và ngoài di tích, nạn tranh giành khách để “chặt chém”, nạn trộm cắp, mê tín dị đoan, lợi dụng lòng tin của du khách để “ăn theo” di tích và lễ hội... ở nhiều nơi trong “mùa” lễ hội. Các di tích đều phải “gồng” mình đón một lượng quá tải khách hành hương. Nhiều di tích bị khai thác triệt để, thậm chí còn được tô vẽ lòe loẹt, mang cả khu vui chơi giải trí vào trong di tích.

Hiện nay, đại đa số (nếu không nói là gần như tất cả) lễ hội truyền thống đang được những người đương thời tổ chức theo kinh nghiệm hiểu biết (nhiều khi không đầy đủ) của mình, thậm chí “sáng tác” cả những “truyền thuyết” về lễ hội. Nhiều lễ hội thiếu (hoặc cố tình lờ đi) việc nghiên cứu lịch sử nhưng vẫn “treo biển” là “phục dựng truyền thống”. Kịch bản các lễ hội na ná nhau: Kiệu được rước, lễ vật được bày biện; sau diễn văn của lãnh đạo chính quyền sẽ đến lễ tế; sôi động hơn thì có thêm các đội múa lân, múa rồng; thêm vài tiết mục “văn nghệ dân gian”, “cây nhà lá vườn”, vài bài đồng diễn của “phong trào quần chúng” góp vui. Để “đảm bảo đảm nguồn thu” đã có đủ các loại kiốt dịch vụ bán hàng được đấu thầu và hòm công đức đặt khắp nơi.

Không phải những người có trách nhiệm tổ chức lễ hội không nhận ra những bất cập đó nhưng những sự nhếch nhác và lộn xộn, mất mỹ quan và thậm chí mất an toàn vẫn cứ diễn ra. Nguyên nhân có lẽ nằm ở mặt khác của vấn đề. Đã tổ chức lễ hội, ban tổ chức nào cũng muốn càng đông người dự càng tốt. Lượng người đến đông sẽ tăng “lượng thu”, lợi nhuận từ lễ hội sẽ tăng lên. Họ bất chấp sức chứa của không gian diễn ra lễ hội, bất chấp khả năng đáp ứng của hạ tầng dịch vụ, không tính đến năng lực điều hành yếu kém của những người tổ chức không chuyên nghiệp v.v... tất cả chỉ để thu lợi dưới một danh nghĩa màu mè. Khái niệm đã bị đánh tráo. Một phong trào “xin” Bằng công nhận di tích (đủ các cấp) rồi “đầu tư” cho di tích đang phát triển. Môi trường cảnh quan tự nhiên và văn hóa tinh thần của di tích bị đảo lộn và tàn phá cũng do thực hiện ồ ạt các dự án nâng cấp, mở rộng đó. Việc dựng chùa, tô tượng, đúc chuông thời nào cũng có nhưng tràn lan và khó kiểm soát (theo luật) như thời nay thì chưa từng có. Cụm từ thường được nhắc lại nhiều lần là “xã hội hóa lễ hội” nhưng thực tế những người tổ chức đã “thương mại hóa lễ hội”.

2. Không thể phủ nhận sự kính ngưỡng, những niềm tin hồn nhiên về thần, Phật và các thế lực siêu nhiên khác vẫn âm thầm chảy như một mạch ngầm tâm linh của nhiều thế hệ trong tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống. Những niềm kính ngưỡng đó tạo nên sự tôn quý của di tích, sự trang trọng của các nghi thức tế lễ và cùng theo đó là sự chia sẻ - cộng cảm thiêng liêng thành kính khi dự (và cũng cùng hành) hội đền, đình, chùa... của tất cả mọi người ở mọi nơi. Mỗi hội lễ đều có (dựa trên) một truyền thuyết thiêng và đẹp. Cái thiêng và đẹp hư ảo từ trong truyền thuyết làm nên sự hấp dẫn lung linh của hội lễ đó. Đó cũng là điều thu hút khách thập phương tới dự hội vui với niềm tin về những sự phù hộ tốt đẹp của thánh thần. Cái thiêng và đẹp đó cũng yêu cầu “người của nhà đền” hành lễ một cách nghiêm cẩn và thành kính. Nhưng trải qua quãng dài thời gian, qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, những nét hư ảo đó không phải ai cũng còn hiểu đủ ngọn ngành. Những nét khởi thủy “nguyên nghĩa” bị “mờ” đi và thay thế bằng những biểu hiện “mới” - thường là những cái “mới” thực dụng và lệch lạc hơn. Việc tranh cướp lễ vật, sùng tín (và cũng cướp) những miếng vải đóng ấn, đốt vàng mã tràn lan hay cả việc rắc tiền ở khắp mọi chỗ trong nơi thờ tự, thậm chí nhét tiền vào tượng Phật để cầu tài lộc, cầu may - tránh rủi, thậm chí còn cầu Trời Phật “trả thù hộ” kẻ nào đó (mà người cầu khấn đang có oán thù) chính là những biểu hiện của tình trạng niềm tin hồn nhiên như thủa sơ khai đã bị biến thái quá xa trong “thời đại kim tiền” đầy thực dụng.

Hoa tre được rước trang trọng trên kiệu ở lễ hội đền Gióng Sóc Sơn (tương truyền là nơi Thánh Gióng bay về trời sau khi thắng giặc) mang nhiều “tầng nghĩa”. “Tầng gần” thì nhắc nhớ với số đông mọi người truyền thuyết kể rằng Thánh đã dùng tre thay cho gậy sắt (đã bị gãy) để đánh đuổi giặc trước khi về trời. Tầng sâu hơn, xa hơn của hình ảnh tín ngưỡng đó, với các nhà nghiên cứu văn hóa, là ảnh xạ từ tục cúng hèm (cũng có cướp hèm) xa xưa của cư dân nông nghiệp... Sau lễ dâng hoa, một đoàn tráng đinh khiêng kiệurướcqua các (cấp) đền. Lễ rước kết thúc ở đền Hạ, sau đó hoa tre được tung ra trước sân đề cho người đến dự hội “cướp” lấy may. Còn ở Hội Gióng Phù Đổng (nơi quê hương của Gióng) xưa, sau màn múa của ông Hiệu quân, người dự hội xông vào “cướp” chiếc chiếu mà ông Hiệu đã đứng trên để múa. Họ xé và tước chiếc chiếu thành nhiều mảnh, sợi chiếu và buộc vào cổ tay, gọi là lấy “khước”. Việc “cướp” được “lộc” mang tượng trưng sự may mắn thiêng liêng từ Thánh Gióng.

Phong tục Khai ấn ở đền Trần (Nam Định) là một nghi lễ thiêng để ghi dấu mở đầu cho một năm làm việc mới sau thời gian “nghỉ Tết” ở các vương phủ, các thái ấp của các vương tôn quý tộc nhà Trần với những ước vọng tốt đẹp về những sự hanh thông - thuận lợi và hiệu quả - của một “năm công tác” mới. Chiếc ấn xưa được đóng như một tín vật, có ý nghĩa tượng trưng thiêng liêng, được giao cho người có trách nhiệm chính điều hành công việc trong năm.

“Cướp” hoa tre trong lễ hội ở đền Gióng Sóc Sơn là một nghi thức mang nhiều vẻ ước lệ, có tính tượng trưng cao. Nhưng ngày xưa là “cướp lấy vui” còn ngày nay là “cướp lấy được”. Các nam thanh niên giành giật hoa tre bằng tất cả sức mạnh cơ bắp (và có khi bằng cả công cụ thô sơ) với “quyết tâm chiến thắng” cao (!) vì một niềm tin mạnh mẽ rằng cơ hội may mắn sẽ đến với mình trong suốt cả năm. “Niềm tin” mạnh mẽ tương tự như vậy cũng gây ra cảnh “vỡ trận” tranh cướp phết hỗn loạn ở hội Hiền Quan (Vĩnh Phúc) hàng năm.

Sự biến thái này còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Mối lợi lớn thu được từ niềm tin biến thái bị đẩy đi quá xa của đám đông với ấn đền Trần còn/đã kích hoạt cho “dịch khai ấn” lan tràn ở nhiều đền miếu khác ở nhiều nơi. Thậm chí “phong trào khai ấn” đã lan đến cả những hội đoàn.

Đặt tên về bản chất của những hành vi mê muội, tranh cướp, bạo lực trong lễ hội hiện nay, một số nhà nghiên cứu xã hội gọi đó là hiện tượng Đứt gãy về hiểu biết tâm linh. Có nhà nghiên cứu lại gọi là Sự mù quáng tâm linh và lý giải nguyên nhân hiện tượng này từ tính hiếu chiến, hiếu sát của con người trong buổi sơ khai còn dã man, mông muội vẫn còn sót lại. Những căn tính (còn chưa hoàn thiện) đó đã gây ra tâm lý đám đông hỗn loạn lao theo nhau trên cái nền tri thức kém hiểu biết hôm nay.

3. Văn hóa, trong đó văn hóa lễ hội được nhắc đến nhiều trong mùa xuân, là một nguồn lực tinh thần quan trọng trong quá trình phát triển đất nước cũng như ở mỗi địa phương. Chúng ta phục dựng những nét đẹp trong các nghi thức lễ hội không phải để sống lại thời xưa mà để sống tốt hơn trong thời nay. Chúng ta muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa từ truyền thống trong xã hội đương đại, hội nhập và toàn cầu hóa, để mạch văn hoá dân tộc không đứt gãy mà nối dài và hòa đồng với nhiều nền văn hóa khác. Với từng hội lễ ở các miền, chúng ta tôn trọng những nhu cầu tâm linh và những lễ thức của cộng đồng, trân trọng sự đa dạng văn hóa và niểm tin về những điều tốt đẹp. Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ở tầm vĩ mô cũng như những nỗ lực cụ thể triển khai trong thực tiễn của các địa phương, các ngành cùng với ngành văn hóa đang theo hướng đó.

Trước những sự lệch lạc, những biến thái trong tâm thức và trong các hoạt động thực hành lễ hội vẫn đang diễn ra hiện nay, sự điều chỉnh là cần thiết và quan trọng. Với những hành vi lệch chuẩn, các vi phạm quy định thì các cơ quan quản lý phải có sự can thiệp cần thiết và đủ mạnh mới có thể tránh và loại trừ những biểu hiện lệch lạc, ngăn ngừa những kẻ lạm/lợi dụng thần linh và niềm tin của mọi người để thu lợi riêng.

Một khía cạnh khác cần quan tâm là việc nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng về cái thiêng. Cùng với việc tăng cường quản lý trong đời thực còn là việc “giải ảo”, “giải mê” trong tâm linh để không còn những hành vi lệch lạc, không còn những niềm tin bị biến thái đẩy đi theo hướng tiêu cực. TS Nguyễn Quốc Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: “Lỗi nằm ở sự thiếu giáo dục về cái thiêng - tôn giáo cho thế hệ trẻ của người già, người nghiên cứu. Có thể nhận xét thế này: Khi niềm tin hỗn loạn thì hành vi lệch chuẩn”.

Khi nhận thức đã được nâng cao, niềm tin đã đúng đắn, mỗi người dự lễ hội sẽ điều chỉnh hành vi của mình theo hướng thiện. Khi mỗi người hiểu rằng “lộc” không phải quý vì giành giật được bằng bạo lực cũng sẽ không còn đám đông hỗn loạn lao theo nhau tranh cướp trên cái nền tri thức kém. Việc khai ấn trong dịp đầu xuân nên/cần được tiến hành (nếu có) như một nghi lễ với nghi thức trang trọng nhưng mang tinh thần nhắc mỗi người hôm nay nhớ ý nghĩa của việc bắt đầu một “năm công tác” mới đã được cha ông đề cao từ năm xưa. Khi mỗi người, nhất là các cán bộ công chức, hiểu rằng: Lá ấn như một tượng trưng cho trách nhiệm phụng sự công việc và cống hiến, hoàn toàn không phải là vật dẫn đường hoạn lộ (!) và cũng không phải “linh vật” cần có bằng mọi giá thì những kẻ bán ấn trục lợi cũng không còn đất làm ăn và cũng không còn cảnh dẫm đạp tranh cướp như đã từng diễn ra trong vài năm gần đây.

Việc quản lý trật tự trong các hoạt động thực hành lễ thức đồng thời với việc làm lành mạnh phần tâm linh của lễ hội là những công việc vừa cần làm ngay, vừa phải chăm lo lâu dài. Đó là những công việc không thể không làm. Công việc này cần có sự kết hợp của nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội cùng với hệ thống các phương tiện truyền thông rộng rãi để có thể định hướng dư luận - đồng thuận ủng hộ những điều tốt đẹp và phê phán, lên án, loại trừ những biểu hiện lệch lạc, những phản cảm, những độc hại.

 TS Ngô Vương Anh

Báo Nhân Dân

ThS Lê Thị Hương Thủy

Đại học Khoa học Huế

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền