Trang chủ    Diễn đàn    Vấn đề sở hữu, lao động dịch vụ và giá trị thặng dư
Thứ hai, 26 Tháng 6 2017 10:30
2658 Lượt xem

Vấn đề sở hữu, lao động dịch vụ và giá trị thặng dư

(LLCT) - Đảng và Nhà nước ta đang đấu tranh quyết liệt với hiện tượng tham nhũng, tự tha hóa, tự diễn biến, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số không ít cán bộ và đảng viên. Hy vọng rằng cuộc đấu tranh lần này sẽ đem lại kết quả khả quan hơn để lực lượng sản xuất nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng có điều kiện phát triển tốt.

1. Một số khái niệm cơ bản liên quan tới sở hữu

Hiện nay, một số nhà lý luận Việt Nam sử dụng các khái niệm liên quan tới sở hữu nhưng thiếu rõ ràng, minh bạch. Họ đã dùng cùng một khái niệm cho hai hiện tượng kinh tế khác nhau về bản chất.

Ở đây tôi muốn trao đổi, làm rõ một số khái niệm cơ bản liên quan tới sở hữu.

Trước hết, chúng ta thấy của cải vật chất mà con người làm ra bao gồm hai loại: i) tư liệu sinh hoạt (tiêu dùng) và ii) tư liệu sản xuất.

Những cá nhân sở hữu tư liệu sinh hoạt để tiêu dùng cho cá nhân, gọi là sở hữu cá nhân. Đây là phạm trù vĩnh viễn. Con người còn tồn tại thì còn sở hữu cá nhân. Bộ quần áo tôi mặc, chiếc đồng hồ tôi đeo, chiếc xe máy tôi đi... là của riêng tôi, thuộc về cá nhân tôi, không ai có quyền chiếm giữ chúng. Cho dù, sau này trên con đường phát triển nhân loại có bước lên nấc thang mới, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất có thay đổi thế nào đi nữa thì phạm trù này vẫn không thay đổi. Và cần lưu ý rằng, sở hữu cá nhân là phạm trù pháp lý và xã hội học chứ không phải là phạm trù kinh tế - chính trị học, vì nó không sinh lời (lợi ích kinh tế) mà chỉ có lợi ích hưởng thụ. Tư liệu sinh hoạt, trong quá trình tiêu dùng của chủ sở hữu, sẽ bị hao mòn dần cho đến hết cả về giá trị sử dụng lẫn giá trị. Giá trị của nó không được bảo tồn như khi tiêu dùng tư liệu sản xuất. Có nghĩa là, chỉ có mất đi chứ không nở ra như khi tiêu dùng tư liệu sản xuất. Đây là điều khác nhau về bản chất giữa sở hữu tư liệu sinh hoạt và sở hữu tư liệu sản xuất.

Đối với tư liệu sản xuất có hai loại chủ sở hữu khác nhau về bản chất. Một là, người thợ thủ công; sử dụng tư liệu sản xuất bằng chính sức lao động của mình để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, nên anh ta không bóc lột ai. (Có chăng thì như Mác nói, anh ta bóc lột chính mình). Hai là, chủ sở hữu tư liệu sản xuất không dùng sức lao động của mình mà thuê công nhân sử dụng để sản xuất ra hàng hóa. Đó là loại sở hữu chi phối lao động của người khác và bóc lột họ bằng lao động không được trả công. Vậy mà, cả hai hiện tượng kinh tế, khác nhau về bản chất này được nhiều nhà lý luận hiện nay gọi chung bằng một khái niệm là sở hữu tư nhân hay nói gọn là tư hữu. Thực chất, hiện tượng thứ nhất là sở hữu cá thể và hiện tượng thứ hai là sở hữu tư nhân. Hiện nay nhiều người thuộc giới lý luận vẫn đánh đồng sở hữu cá nhân = sở hữu tư nhân. Như vậy không minh bạch.

Về khái niệm sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước, Điều 57 Hiến pháp sửa đổi có ghi: “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý  là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo Hiến pháp, không có khái niệm sở hữu nhà nước. Do đó, cần phải coi việc nói hay viết cụm từ sở hữu nhà nước là sai, thậm chí là vi Hiến.

2. Lao động dịch vụ

Như đã biết, vào thời của Mác mới chỉ nghiên cứu lao động sản xuất mà chưa dành nhiều chú ý nghiên cứu lao động dịch vụ. Khi nói đến lao động của nhân viên thương nghiệp, Mác cho rằng lao động này không tạo ra giá trị để bảo đảm nguyên tắc lưu thông không tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Ngày nay khi dịch vụ trở thành một khu vực sản xuất lớn thì rất cần nghiên cứu kỹ về đặc điểm của nó.

Vậy lao động dịch vụ là gì? Có điểm gì giống và khác so với lao động sản xuất?

Theo tôi có thể định nghĩa: Lao động dịch vụ là sự phục vụ trực tiếp của người làm lao động dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng.

Điểm giống nhau giữa lao động dịch vụ và lao động sản xuất là cả hai đều có tính chất hai mặt: lao động cụ thể và lao động trừu tượng. Ví dụ, về mặt cụ thể lao động của anh thợ cắt tóc khác lao động của người làm nghề tẩm quất. Đó là mặt cụ thể của lao động dịch vụ. Song, cả hai, anh thợ cắt tóc và người làm nghề tẩm quất khi lao động đều bị hao tổn thần kinh và cơ bắp, đều phải tiêu đến một lượng calo nhất định. Đó là mặt trừu tượng của lao động dịch vụ.

Vì vậy, lao động dịch vụ cũng có khả năng tạo ra giá trị và giá trị thặng dư như lao động sản xuất. Sức lao động của những người làm nghề dịch vụ cũng có thể trở thành hàng hóa như những người lao động sản xuất sản phẩm vật chất, vì anh ta cũng có thể bị bóc lột lao động thặng dư như công nhân sản xuất.

Điểm khác nhau giữa lao động dịch vụ và lao động sản xuất vật chất là:

- Lao động dịch vụ hoàn toàn bị động, phụ thuộc vào đối tượng tiêu dùng. Thí dụ, anh thợ cắt tóc chỉ có việc làm khi có khách đến yêu cầu. Bằng không thì anh ta chỉ còn biết ngồi chơi và đợi khách đến. Trong khi đó người lao động sản xuất hoàn toàn chủ động trong việc làm ra sản phẩm hàng hóa. Thí dụ người thợ thủ công làm rổ rá. Anh ta chủ động đan rổ rá, sau đó mới đem ra chợ bán cho những người có nhu cầu.

- Lao động sản xuất thì làm trước bán sau còn lao động dịch vụ thì bán trước làm sau.

Người thợ thủ công phải làm ra hàng hóa trước rồi mới có cái đem ra thị trường để bán. Trong khi đó người làm lao động dịch vụ thì ngược lại. Anh ta bán trước rồi mới làm sau. Chỉ khi khách đồng ý với giá cả dịch vụ mà người lao động dịch vụ đưa ra thì sau đó anh ta mới tiến hành lao động dịch vụ để phục vụ khách. Thí dụ, khi anh vào một hiệu phở, bảng giá các loại phở treo ở trên tường, anh đồng ý ăn loại nào thì gọi, lúc đó người ta mới làm và đem ra phục vụ anh.

Đây chính là điều kiện tốt để kẻ làm ăn bất chính “chặt chém” khách hàng, vì sau khi khách hàng đồng ý giá dịch vụ, hắn có thể làm ra một thứ hàng rất kém chất lượng, nghĩa là phục vụ rất kém, song, do đã “thuận mua” nên khách hàng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

- Đối với lao động sản xuất, hàng hóa có thể được làm ra ở chỗ này nhưng lại được đem bán ở chỗ khác. Trái lại, với lao động dịch vụ hàng hóa được làm ra tại chỗ, bán tại chỗ, tức người lao động dịch vụ phục vụ khách hàng tại chỗ. Khách hàng hưởng thụ, tiêu dùng hàng hóa dịch vụ cũng tại nơi được phục vụ. Thí dụ, quan sát anh thợ tẩm quất. Sau khi thỏa thuận xong giá cả, anh ta trải chiếu ra để khách nằm và tiến hành tẩm quất ngay tại đó. Đồng thời, khách hàng cũng hưởng thụ luôn thành quả mà anh ta phục vụ. Đương nhiên, không kể trường hợp ngoại lệ, bởi chẳng có gì là tuyệt đối cả.

3.Vấn đề bóc lột giá trị thặng dư

Như vậy là, một doanh nghiệp dù là sản xuất hay dịch vụ và đều có thể tạo ra giá trị thặng dư  (GTTD) và bóc lột giá trị thặng dư. Trong bài “Chế độ sở hữu và vấn đề giá trị thặng dư trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016, có hai tiểu mục, nhưng tác giả sắp xếp, theo tôi, là hơi ngược. Đáng lẽ để phần 2 lên thành phần 1 thì đúng hơn. Bởi vì trong phần 1 tác giả đưa ra một kết luận: “... những hình thức tư hữu không bóc lột mà có lợi cho sản xuất thì không có lý do gì để xóa bỏ”(1). Đương nhiên là tác giả không muốn nói đến hình thức sở hữu của anh thợ thủ công, vì nó đã bị chủ nghĩa tư bản phủ định, mà là nói đến hình thức sở hữu của các ông chủ có thuê mướn công nhân.

Ở phần hai tác giả có một ý kiến đúng khi cho rằng: “Nếu người chủ doanh nghiệp cũng đồng thời là người quản lý doanh nghiệp thì lao động quản lý của họ cũng là một loại lao động tạo ra giá trị thặng dư”(2). Ý kiến này đúng là vì lao động quản lý là một dạng cụ thể của lao động dịch vụ, mà như trên chúng tôi đã chứng minh nó cũng tạo ra giá trị thặng dư.

Song, nếu từ ý kiến này mà đi đến kết luận có hình thức sở hữu tư nhân không bóc lột thì sai lầm. Tác giả lập luận: “Như vậy, doanh nhân được hưởng một phần giá trị thặng dư do hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng”(3). Đúng, nếu doanh nhân chỉ hưởng phần GTTD do anh ta làm ra. Nhưng anh ta lại hưởng thêm cả phần GTTD của người khác thì không thể nói là anh ta không bóc lột.

Bản chất của sở hữu tư nhân là bóc lột, là lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận thì không ai muốn kinh doanh. Đó là điều hiển nhiên, không có gì phải né tránh. Hơn nữa, cũng không nên coi bóc lột chỉ là một hiện tượng xấu,bóc lột là sứ mệnh lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Không có sự bóc lột ấy thì nhân loại không có ngày nay. Tích lũy của sở hữu cá thể nhỏ bé và phân tán, không thể thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh. Trái lại, tích lũy của sở hữu tư nhân lại làm được chuyện đó. Sau khi ra đời chỉ trong một khoảng thời gian không dài, chủ nghĩa tư bản đã phát triển sản xuất với tốc độ mà hàng nghìn năm trước đó không làm được.

Ở các nước đi theo con đường XHCN mà lực lượng sản xuất còn thấp kém như nước ta thì phải khơi dậy mọi tiềm năng của đất nước để phát triển lực lượng sản xuất, trong đó kinh tế tư nhân có một vai trò quan trọng, bởi họ là người “biết lo”. Mà, “biết lo thì bằng một kho người làm”. Ở Việt Nam khi bắt đầu đổi mới còn chưa quan tâm đúng mức đến kinh tế tư nhân. Đến nay mới coi trọng nó. Song, không vì sự coi trọng đó mà đi tìm “cơ sở khoa học” cho nó bằng cách nói rằng có hình thức sở hữu tư nhân không bóc lột. Và nếu ai có quan điểm cho rằng nếu phân phối lại bộ phận GTTD do doanh nghiệp làm ra một cách công bằng thì sẽ có hình thức sở hữu đó. Đó cũng là một quan điểm sai lầm đứng trên quan điểm phát triển sản xuất. Bởi làm như vậy có nghĩa là làm ra đồng nào ăn hết đồng ấy thì lấy gì tích lũy để tái sản xuất mở rộng. Nền kinh tế sẽ dẫm chân tại chỗ, chỉ tái sản xuất giản đơn mà thôi. Đảng Xã hội - dân chủ Thụy Điển đã mắc sai lầm khi điều tiết quá mức lợi nhuận khiến các nhà tư bản không còn quan tâm đến sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng nền kinh tế bị sụt giảm. Do vậy, sự điều tiết là cả một nghệ thuật sao cho, một mặt, bảo đảm được đời sống của người lao động, mặt khác bảo đảm được mức lợi nhuận đủ để doanh nhân quan tâm đến sản xuất kinh doanh.

Để phát triển lực lượng sản xuất - mục tiêu quan trọng nhất của thời kỳ quá độ, cần cho phép kinh tế tư nhân được giữ lại một bộ phận hợp lý GTTD để tái sản xuất mở rộng và đổi mới công nghệ. Đây là sự hy sinh một phần lợi ích của giai cấp công nhân vì cuộc sống tốt đẹp hơn sau này. “Cho phép” có nghĩa là nhà nước phải điều tiết, phải có chính sách để kinh tế tư nhân không được “tự do” giữ lại GTTD mà không bị kiểm soát. Nhưng trước khi điều tiết lợi nhuận, nhà nước cần quy định trong hợp đồng lao động, các doanh nhân phải trả lương tương xứng giá trị sức lao động của từng người, nghĩa là người lao động, trước hết phải đủ sống bằng đồng lương của mình.

Ngoài việc điều tiết quan hệ lợi ích giữa chủ và thợ ra, nhà nước còn phải đấu tranh quyết liệt với thuộc tính xấu của kinh tế tư nhân là buôn gian, bán lận, làm hàng giả, hàng nhái để khiến họ chỉ có một con đường duy nhất là làm ăn chính đáng để tồn tại và phát triển, làm giàu cho bản thân và là làm giàu cho đất nước.

Kinh tế tư nhân có thuộc tính xấu thì chính quyền nhà nước cũng có thuộc tính xấu. Đó là tính quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng v.v.. Có một điều tra nước ngoài cho hay cứ kiếm được một đồng tiền lãi kinh tế tư nhân phải mất 72 xu phí bôi trơn. Thậm chí có trường hợp ăn bẩn phải mất tới một đồng hai xu, có nghĩa là bị lỗ. Vì vậy, nhà nước không chỉ phải đấu tranh với thuộc tính xấu của kinh tế tư nhân mà còn phải đấu tranh với thuộc tính xấu của chính mình.

Đảng và Nhà nước ta đang đấu tranh quyết liệt với hiện tượng tham nhũng, tự tha hóa, tự diễn biến, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số không ít cán bộ và đảng viên. Hy vọng rằng cuộc đấu tranh lần này sẽ đem lại kết quả khả quan hơn để lực lượng sản xuất nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng có điều kiện phát triển tốt.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2016

 

TS ĐỖ TRỌNG BÁ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền