Trang chủ    Diễn đàn    Cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Thứ hai, 10 Tháng 7 2017 17:44
2061 Lượt xem

Cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng

(LLCT) - Ở Việt Nam, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 đề ra mục tiêu ngăn chặn, triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi(1). “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu” được coi là nhiệm vụ trọng tâm thứ hai trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Để thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, Chính phủ đã đề ra 7 giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện, trong đó có giải pháp phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là biết dựa vào dân và người đứng đầu các cấp dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng(2).

Nhằm huy động sự tham gia của người dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, luật pháp Việt Nam có nhiều quy định xác định trách nhiệm và quyền lợi của người dân trong phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng(3). Công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền(4).

Luật khiếu nại, tố cáo quy định rõ quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, tố cáo; thẩm quyền, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để nhân dân có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo một cách thuận lợi, an toàn, Luật quy định nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; đe dọa, trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo; tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo; cố tình không giải quyết hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo trái pháp luật; bao che người bị khiếu nại, tố cáo; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật; đe dọa, xúc phạm người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo; lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự.

Với sự tham gia tích cực của người dân, nhiều vụ việc tham nhũng đã được phát hiện và xử lý. Chỉ trong quý III/2016 đã có 14 vụ, 24 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo(5). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người dân không dám tố cáo vì không ít người tố cáo đã bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức thô bạo hoặc tinh vi.

Theo số liệu điều tra của Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, có 53,2% số người được hỏi cho rằng có hiện tượng trù úm người tố giác hành vi tham nhũng; kỳ thị, phân biệt đối xử chiếm 34,8%; xâm hại về lợi ích kinh tế, thân thể, sức khỏe chiếm khoảng 20%(6). Nhiều người tố cáo tham nhũng bị trả thù bằng nhiều hình thức như trù úm, cách chức, đuổi việc. Nhiều đối tượng bị tố cáo đã thuê côn đồ hành hung, gây thương tích người tố cáo. Chẳng hạn như ông Hoàng Văn Hưng đã dũng cảm tố cáo 30 cán bộ ở thị xã Hà Tiên tham nhũng đất đai. Do kiên quyết đấu tranh yêu cầu làm sáng tỏ vấn đề, ông Hưng đã bị kẻ lạ tấn công làm gãy một chân(7). Nhiều công nhân tố cáo tiêu cực của Ban giám đốc Công ty Trách nhiện hữu hạn một thành viên Môi trường Đô thị Nha Trang (Khánh Hòa) lần lượt bị cho nghỉ việc, kỷ luật, cắt lương, thưởng(8). Ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) tích cực tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng đã bị miễn nhiệm các chức vụ. Bà Phan Thị Thanh Hương, đã bị cơ quan cho thôi việc do đấu tranh với những việc làm sai trái của một số cán bộ lãnh đạo cơ quan. Ông Nguyễn Kim Hợp (ở xã Phú Phong, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), sau khi tố cáo một số cán bộ xã, huyện đã cấp và bán trái phép hơn 300.000m2 đất, đã bị chính quyền địa phương ra quyết định cưỡng chế thu hồi hơn 4.000m2 đất của gia đình(9)...

Người chống tham nhũng nói chung và người tố cáo các hành vi tham nhũng nói riêng thường đứng trước nhiều mối đe dọa, chịu sức ép trả thù hay trù dập... Việc các đối tượng tham nhũng dùng mọi phương thức, thủ đoạn để đe dọa, trả thù người tố cáo tham nhũng khiến không ít nhân dân và cán bộ, đảng viên e ngại, né tránh, không dám tố cáo. Vì vậy, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, việc bảo vệ an toàn cho người tố cáo tham nhũng nhằm khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng là yêu cầu bức thiết.

Trên thế giới, khá nhiều nước đã thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ người tố cáo. Ở Trung Quốc, sau khi nhận được thông tin tố cáo từ những người cung cấp tên thật, Viện Kiểm sát sẽ đánh giá rủi ro, đồng thời lên kế hoạch bảo vệ để ngăn chặn và chấm dứt những hành vi trả thù người tố cáo(10). Nếu có bằng chứng cụ thể về người bị tố cáo tham nhũng thì họ sẽ thực hiện biện pháp cách ly ra khỏi xã hội. Việc làm này để người bị tố cáo không có điều kiện liên hệ với những người khác, không còn điều kiện để trả thù người tố cáo. Hàn Quốc có những cơ chế chính sách bảo mật, khen thưởng và đền bù thích đáng cho người tố cáo tham nhũng. Những người trả thù cho hành vi này bị phạt nặng kinh tế và phạt tù. Những người tố cáo đúng tham nhũng được thưởng theo tỷ lệ phần trăm số thất thoát thu được. Những hành vi tham nhũng trong các cơ quan công quyền được quy định rõ trong luật để người tố cáo tham nhũng hiểu rõ và được bảo vệ quyền lợi. Ở Mỹ có tới 25 văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng, quy trình tố cáo rất dễ dàng, công khai trên mạng. Người tố cáo tham nhũng được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân thân và họ còn được hưởng một tỷ lệ nhất định từ số tiền thu được của vụ án tham nhũng đó(11).

Pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định bảo vệ người tố cáo tham nhũng như giữ bí mật thông tin của người tố cáo, đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và người thân của họ nhằm ngăn chặn các hành vi trả thù người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định còn chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn, chưa nêu cụ thể cơ chế và các biện pháp bảo vệ người tố cáo trong trường hợp họ bị trả thù, trù dập. Điều này làm cho người tố cáo lo ngại, không dám thực hiện hành vi tố cáo khi phát hiện có vi phạm pháp luật và do vậy làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật nói chung và phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm liên quan đến tham nhũng và chức vụ, quyền hạn.

Do vậy, cần phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng; xác định rõ các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

Trước hết, cần xem xét lại quy định không giải quyết những đơn thư khiếu nại, tố cáo nặc danh(12). Do tâm lý sợ bị trả thù nên người tố cáo thường không muốn công khai danh tính của mình, nếu thực hiện theo luật định thì rất nhiều tố cáo nặc danh không được xem xét, xử lý. Điều này sẽ dẫn đến bỏ qua nhiều thông tin do người dân cung cấp, bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, cần có cơ chế tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo nặc danh, nếu nội dung tố cáo trung thực, có chứng cứ, giấy tờ tài liệu liên quan cụ thể.

Tiếp theo, cần quy định các biện pháp cụ thể, thiết thực hơn để bảo vệ thông tin về danh tính và an toàn cho người tố cáo. Theo quy định của Luật Tố cáo và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP thì việc bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo là một nguyên tắc xuyên suốt quá trình tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, việc tổ chức tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết tố cáo do nhiều bộ phận khác nhau thực hiện nên việc giữ gìn bí mật thông tin của người tố cáo khó có thể được đảm bảo. Các cơ quan, tổ chức có liên quan phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ về tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo, trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo. Ngoài ra, mỗi cán bộ, công chức cần quán triệt sâu sắc ý nghĩa và nâng cao nhận thức, trách nhiệm về việc bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo khi tham gia vào quá trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo. 

Cần quy định cụ thể về căn cứ để yêu cầu bảo vệ(13). Quy định người tố cáo và người thân thích của họ có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an, cơ quan, tổ chức có liên quan áp dụng biện pháp bảo vệ khi có căn cứ là chưa rõ ràng. Do vậy, việc áp dụng biện pháp bảo vệ có xu hướng tuỳ tiện, phụ thuộc vào nhận thức của người có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ. Họ có thể quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ khi chưa đến mức phải bảo vệ hoặc ngược lại không áp dụng biện pháp cần thiết trong trường hợp cần phải bảo vệ. Trường hợp thứ nhất gây nên sự lãng phí không cần thiết. Trường hợp thứ hai gây thiệt hại cho người tố cáo.

Cần quy định rõ về quan hệ phối hợp giữa người giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong bảo vệ người tố cáo. Luật Tố cáo và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP quy định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo là người giải quyết tố cáo, sau đó là các cơ quan phối hợp như cơ quan quản lý người tố cáo tại nơi công tác, Ủy ban nhân dân địa phương nơi người tố cáo cư trú, cơ quan công an có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan khác. Như vậy, trong trường hợp nào thì người giải quyết tố cáo sẽ chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an cấp nào; thời hạn thực hiện các biện pháp bảo vệ, chế tài hoặc hình thức xử lý các trường hợp không chấp hành quan hệ phối hợp hoặc chấp hành không triệt để.

Cần xem xét giao trách nhiệm và thẩm quyền cho một cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Theo quy định, có nhiều cơ quan có chức năng bảo vệ người tố cáo như Uỷ ban nhân dân các cấp(14), cơ quan có trách nhiệm giải quyết tố cáo; cơ quan công an nơi người tố cáo, người thân thích của người tố cáo cư trú, làm việc, học tập; cơ quan công an nơi có tài sản của người tố cáo hoặc người thân thích của người tố cáo; tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động hoặc cơ quan có thẩm quyền khác ở địa phương(15). Ngoài ra còn có các cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ (người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác) như cơ quan điều tra của Công an nhân dân và cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân. Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân có thể đề nghị cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ khi cần thiết(16). Như vậy, theo các quy định của pháp luật hiện hành, đang có quá nhiều cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo vệ người tố cáo trong khi thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế và chồng chéo, không có cơ quan chuyên biệt bảo vệ người tố cáo nói chung và người tố cáo tham nhũng nói riêng.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tố cáo nói chung về bảo vệ người tố cáo nói riêng để người dân hiểu rõ và yên tâm tham gia tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong các trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2016

(1) Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 12-5-2009 về Ban hành chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

(2) http:// tapchikinhtedubao.mpi.gov.vn.

(3), (4) Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, Điều 6, Điều 64.

(5) , (7), (9) http://www.tienphong.vn.

(6) http://chongthamnhung.thanhtra.com.vn.

(8) http://nld.com.vn.

(10) http://phapluat.tp.

(12), (14) Luật Tố cáo năm 2011, Điểm a  Khoản 2 Điều 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

(13), (15)  Nghị định số 76/2012/NĐ-CP, Mục 2 và Mục 3, Chương 3.

(16) Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2015, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

                                                                                                                        

ThS Đinh Thị Hà

Viện Lãnh đạo học và Chính sách công,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền