Trang chủ    Diễn đàn    Sức sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới
Thứ hai, 24 Tháng 7 2017 17:59
4259 Lượt xem

Sức sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới

(LLCT) - Với bản chất cách mạng của mình, chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời đến nayluôn gặpsự phê phán, công kích của các thế lực đối lập, thù địch. Trước những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển đất nước, không ít người xuyên tạc, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại ngày nay, đòi hỏi phải xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lênin.

Bất chấp mọi công kích, bôi nhọ, phê phán, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn vững vàng và phát huy vai trò trong thời đại mới. Càng trải qua khó khăn, chủ nghĩa Mác - Lênin  càng chứng tỏtính sáng tạo, tính thực tiễn cùng những giá trị tự thân. Lịch sử chứng kiến nhiều trào lưu tư tưởng trở nên lỗi thời cùng với sự thay đổi và phát triển của xã hội. Song,việc chủ nghĩa Mác không ngừng phát huy vai trò quan trọng của mình suốt từ thập niên 40 thế kỷ XIX cho đến ngày nay và tiếp tục khẳng định sức sống của mình lại là một điều rất đáng để nghiên cứu.

1. Chủ nghĩa Mác - Lênin phải chăng đã lỗi thời?

Một số người cho rằng chủ nghĩa Mác -Lênin ra đời trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản giai đoạn đầu, vì vậy không còn phù hợp để lý giải chủ nghĩa tư bản phát triển ở trình độ cao như ngày nay. Họ cho rằng tư tưởng của C.Mác do ra đời hơn 150 năm trước nên đã lỗi thời, lại càng không phù hợp với một nước phương Đông như Việt Nam. Song,điều mà những người cho rằng chủ nghĩa Mác đã lỗi thời chính là không thấy được C.Mác và Ph.Ăngghen không chỉ nêu lên các vấn đề của chủ nghĩa tư bản giai đoạn đầu, mà quan trọng hơn là tìm ra con đường xã hội tư bản chủ nghĩa sẽ đi về đâu, từ đó phát hiện quy luật của xã hội tư bản cũng như quy luật của xã hội loài người nhằm mục đích giải phóng con người.

C.Mác và Ph.Ăngghen mang trong mình sứ mệnh giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại, chính vì vậy mà tính khoa học là yêu cầu đầu tiên để thực hiện sứ mệnh này. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác -Lênin không dừng lại ở biểu hiện của chủ nghĩa tư bản, mà thông qua các hiện tượng của chủ nghĩa tư bản để tìm ra bản chất và quy luật của xã hội tư bản. Chủ nghĩa tư bản giai đoạn đầu đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn xã hội, trong đó ẩn chứa quy luật và xu thế phát triển của chính chủ nghĩa tư bản.

Chúng ta có thể thấy được các giá trị đương đại của chủ nghĩa Mác - Lênin từ ba bộ phận cấu thành của nó. Ví dụ từ kinh tế chính trị học Mác - Lênin, lý luận về hàng hóa sức lao động, về giá trị thặng dư, về mẫu thuẫn giữa lao động và tư bản, mâu thuẫn giữa tính xã hội của sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân,... không phải vì sự biến đổi của chủ nghĩa tư bản mà mất đi tính khoa học và giá trị lý luận của chúng.

Từ góc độ chủ nghĩa xã hội khoa học, tinh thần nhân văn và tính hiện thực thể hiện rõ trong bước chuyển từ chủ nghĩa xã hội không tưởng sang khoa học. Bên cạnh đó là sự mô tả các đặc trưng của xã hội tương lai. Khi nêu các đặc trưng của xã hội tương lai, C.Mác và Ph.Ăngghen nhấn mạnh đến việc xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản, hình thành sở hữu công cộng, tuy nhiên, các ông cũng lưu ý rằng, không phải khi nào cũng xóa bỏ được chế độ tư hữu, nhất là lại xóa bỏ ngay lập tức. Kế thừa và phát triển quan điểm của C.Mác, trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng,V.I.Lênin đã nêu lên 4 đặc trưng chủ yếu của chủ nghĩa xã hội: Tư liệu sản xuất không phải của riêng cá nhân, mà thuộc về toàn xã hội; Phân phối theo lao động; Không còn tình trạng người bóc lột người song còn chênh lệch về của cải; Nhà nước vẫn chưa tiêu vong hẳn. Tuy nhiên, sau khi thực sự bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin đã thận trọng hơn, ông viết: “Những viên gạch dùng để xây dựng chủ nghĩa xã hội còn chưa làm xong. Chúng ta không thể nói gì hơn và chúng ta cần phải hết sức thận trọng và chính xác... Hiện nay chúng ta không thể nêu lên đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, cho nên nêu lên nhiệm vụ đó là không đúng”(1). Về sau, V.I.Lênin đã thay đổi quan điểm của mình về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển từ chính sách cộng sản thời chiến sang thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bàn về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội cũng đã nhiều lần nhấn mạnh cả về phương diện kinh tế lẫn phương diện xã hội. Người khẳng định: “Một nước xã hội chủ nghĩa tức là một nước có một cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do và độc lập”(2), “xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc”(3), “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người... sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất”(4),v.v.. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất của chủ nghĩa xã hội về phương diện kinh tế là làm cho cuộc sống ấm no, giàu có; về phương diện xã hội là làm cho người dân được sống trong công bằng, dân chủ, tự do.

Từ góc độ triết học thì triết học Mác-Lênin vẫn là một hệ thống đỉnh cao, bởi vì triết học Mác-Lênin đã nêu lên những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Một số người cho rằng triết học phản ánh tinh thần của một thời đại, là tinh tuý của tinh thần thời đại, vì vậy thời đại thay đổi thì cũng cần thay đổi triết học. Điều này mới nghe qua thì hợp lý, song thực tế lại có không ít sai lầm. Đúng là triết học là tinh tuý của tinh thần thời đại, song không có nghĩa thời đại thay đổi thì triết học được sinh ra trong thời đại đó mất đi giá trị của mình. Ví dụ như ở phương Tây là giá trị triết học Hy Lạp,La Mã cổ đại, truyền thống Ki Tô giáo, tinh thần Phục Hưng, phong trào Khai sáng Pháp, triết học cổ điển Đức,... hay ở phương Đông là tinh hoa của Phật, Lão, Nho,... Lịch sử biến thiên qua nhiều giai đoạn, song không vì thời đại thay đổi mà các học thuyết, hệ tư tưởng này mất đi tinh hoa, giá trị đối với nhân loại. Tương tự như vậy, so với thời của C.Mác hơn một thế kỷ trước, mặc dù đặc trưng thời đại, các vấn đề căn bản phải đối mặt của chúng ta ngày nay đã thay đổi, song điều đó hoàn toàn không làm lay chuyển sứ mệnh lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng ta dùng các cách thức khác nhau để thực hiện lý tưởng vĩ đại của loài người mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu ra. Thực tiễn xã hội ngày nay cũng như sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ không đưa ra được bất cứ bằng chứng xác thực nào để bác bỏ các nguyên lý căn bản của triết học Mác, vì vậy việc cho rằng thời đại thay đổi thì triết học Mác nói riêng và chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung đã lỗi thời là hoàn toàn sai lầm.

Có thể thấy rõ ràng là không phải học thuyết càng mới thì càng có giá trị. Một học thuyết trong lịch sử đối với đương thời có hay không có giá trị không phải chỗ học thuyết đó ra đời ở thời đại nào, mà căn bản nhất ở chỗ tự bản thân học thuyết đó có tính chân lý hay không?

Một điềukhông thể không nhắc đến là tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn khác với công nghệ, kỹ thuật hay công cụ sản xuất. Con người khi có công cụ sản xuất mới thì có thể không cần công cụ sản xuất cũ nữa, có kỹ thuật mới tiên tiến thì có thể thay thế kỹ thuật cũ lạc hậu. Song tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn thì lại khác: chỉ cần có tính chân lý hoặc mang lại trí tuệ cho con người thì những tri thức này có giá trị tồn tại. Tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn vì vậy mang đặc trưng tích lũy chứ không mang đặc trưng thay thế như kỹ thuật, công nghệ. Chính vì vậy mà có những học thuyết tồn tại hàng nghìn năm qua vẫn còn giá trị. Bản thân Ph.Ăngghen trong Biện chứng của tự nhiêncũng ca ngợi trí tuệ thiên tài của các nhà triết học Hy Lạp, La Mã cổ đại cách thời của ông hơn 2000 năm. Các triết gia có thể chết, song tư tưởng của họ thì không chết. Chân lý thì không có cũ và mới, chỉ có sự đối lập giữa chân lý và sai lầm, có thể có những chân lý xưa cũ và có thể có những sai lầm mới nhất. Chính vì vậy mà giá trị của một học thuyết không thể đo bằng khoảng cách thời gian.

2. Giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới

Lý luận là màu xám, còn cây đời mãi xanh tươi. Linh hồn và sự sống của chủ nghĩa Mác - Lênin chính là thế giới quan, phương pháp luận; là tinh thần phê phán, đổi mới và sáng tạo không ngừng; nguyên lý thực tiễn là tiêu chuẩn cao nhất của chân lý; tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội; mối quan hệ biện chứng giữa nền tảng kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng; chủ thể của lịch sử là quần chúng nhân dân; phản đối sự tha hóa của con người, chủ trương phát triển con người toàn diện, v.v.. Những nguyên lý này không chỉ đúng trong thế kỷ XIX hay thế kỷ XX mà còn đúng trong thế kỷ XXI và về sau nữa, vì đó là những quy luật khách quan trong xã hội có giai cấp. Chính vì vậy, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải dựa trên lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác -Lênin, phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác -Lênin.

Thứ nhất, tính sáng tạo, bản chất phát triển liên tục của chủ nghĩa Mác - Lênin

Một số người phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ tập trung vào C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin mà tách rời hoặc đối lập các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin với những người phát triển về sau, muốn xóa bỏ toàn bộ sự phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin trong suốt hơn một thế kỷ qua để chứng minh chủ nghĩa Mác - Lênin là giáo điều, là xa rời thực tiễn. Sai lầm của quan điểm này là ở chỗ không nhận thức được tính sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà chính tính sáng tạo, khả năng phát triển liên tục này đã làm nên sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nói cách khác, chủ nghĩa Mác - Lênin là một chủ nghĩa phát triển và các thế hệ các nhà mácxít sau này đã kế thừa, phát triển. Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ vận dụng tài tình chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, mà còn có cống hiến to lớn cho sự phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Do chủ nghĩa Mác - Lênin có bản chất sáng tạo, luôn phát triển nên nó không bị lỗi thời, lạc hậu.

Có một số người đặt vấn đề là nếu chủ nghĩa Mác - Lênin có giá trị, vậy phải liệt kê ra một danh mục các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin có tính phổ biến, tuyệt đối đúng trong mọi không gian, mọi thời gian, áp dụng được vào mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh, mà nếu không làm được như vậy thì rõ ràng chủ nghĩa Mác - Lênin không có giá trị. Quan điểm này rõ ràng sai lầm vì đã đi ngược lại chính tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin. Cả C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhiều lần nhấn mạnh lý luận của mình không phải là một thứ giáo điều để tuyệt đối tuân thủ hoặc áp dụng một cách máy móc. Học thuyết mà các nhà kinh điển đưa ra không phải là một loại giáo lý tôn giáo, mà chính là phương pháp. Do đó, người mácxít chân chính bao giờ cũng gắn chặt lý luận với thực tiễn, dùng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để phân tích những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra. Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là một công thức đơn giản để áp dụng trực tiếp, mà nó mang tinh thần phê phán, sáng tạo, thực tiễn, liên tục phát triển. Từ góc độ này thì chúng ta thấy thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý chính là nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Có một số người muốn biến lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin thành một vài kết luận cụ thể để vận dụng, song cả C.Mác và Ph.Ăngghen đều nhấn mạnh đến việc mỗi một vấn đề phải có các cách phân tích khác nhau, chứ không có một giáo điều lý luận để áp dụng cho mọi sự vật, hiện tượng. Chính vì vậy mà việc một số người nhận thức thực tiễn không sâu sắc, áp dụng một cách cứng nhắc lý luận vào thực tiễn để rồi thấy không phù hợp, đòi vứt bỏ lý luận, vậy sự không phù hợp đó không phải là lỗi của lý luận, mà chính là do thiếu tính thực tiễn, tính khoa học của chủ thể hành động. Chính vì vậy mà việc dò từng câu, từng chữ trong kinh điển để mong tìm ra những viên ngọc làm bảo bối để giải quyết mọi vấn đề, không phải là phương pháp đúng đắn, cũng không phải là cách làm hiệu quả vì không xuất phát từ tính khoa học, tính thực tiễn, cũng như không phù hợp với thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Ở đây có một điểm đáng lưu ý là cần phân biệt một vài luận điểm có thể đã lạc hậu trong các trước tác của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin với quan điểm cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời. Chúng ta nhấn mạnh đến giá trị, vai trò và ý nghĩa hiện thời của chủ nghĩa Mác - Lênin, song không phủ nhận C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin rất có thể có một vài phân tích, phán đoán chưa đúng với thực tế hoặc không phù hợp với thời đại ngày nay. Chúng ta cần phân biệt rõ một vài phán đoán cụ thể của các nhà kinh điển với chỉnh thể hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin. Thêm nữa, bản thân trong các trước tác của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã không chỉ một lần dũng cảm phê phán một vài luận điểm trước đây của mình một cách thẳng thắn, chân thành. Sự phản tỉnh, tự phê của các nhà kinh điển đã thể hiện tinh thần khách quan, tính khoa học đáng quý, đồng thời cũng bảo vệ tính chân lý của chỉnh thể hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin.

Thứ hai, con đường phát triển tất yếu lên chủ nghĩa xã hội

Trong lịch sử chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết phê phán chủ nghĩa tư bản sâu sắc nhất, triệt để nhất. Sự vạch trần và phê phán đến tận cốt tủy này đã khiến chủ nghĩa tư bản sinh ra sự thù hận chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời cũng khiến chủ nghĩa tư bản không thể không tự sửa chữa những sai lầm của mình, mong muốn dùng các biện pháp cứu vãn như xây dựng nhà nước phúc lợi, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo,... để điều hòa mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn giai cấp.

Có người cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin không còn thích hợp trong thời đại toàn cầu hóa. Rõ ràng hiện nay chủ nghĩa tư bản chiếm địa vị chủ đạo trong quá trình toàn cầu hóa, song chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là công cụ lý luận để chúng ta nhận thức những biến động mới của chủ nghĩa tư bản. Sau khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ ở phương Tây, nhiều học giả trên thế giới đã phải tìm đọc lại bộ Tư bản. Mặc dù không có những dự báo cụ thể về những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, song C.Mác đã bàn đến vấn đề cốt lõi, đó chính là mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản: mâu thuẫn giữa trình độ xã hội hóa lý luận sản xuất ngày càng cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa.

Sự ra đời của chủ nghĩa Mác -Lênin đã tạo ra sự phát triển mang tính bước ngoặt trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Các phương diện triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học trong chủ nghĩa Mác - Lênin có những đóng góp vô cùng to lớn, thể hiện tập trung nhất ở tính khoa học của thế giới quan chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, của học thuyết về quy luật vận hành và mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản, của học thuyết về xu hướng phát triển tất yếu của xã hội tư bản. Dù đã hơn 100 năm qua đi, song vẫn chưa có một hệ thống học thuyết nào có thể so sánh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính vì vậy, Jacques Derrida đã viết cuốn Những bóng ma của Mác(5), mô tả những con người trong xã hội hiện đại đều là những bóng ma đứng dưới cái bóng của C.Mác, ý nghĩa là chúng ta đều chịu ảnh hưởng của C.Mác, ngoài những người theo chủ nghĩa Mác - Lênin thì bản thân những người phê phán C.Mác cũng gắn chặt với C.Mác, và ông cho rằng sẽ không thể có tương lai nếu không có các di sản của C.Mác.

Học giả người Anh Terry Eagleton trong cuốn sách Vì sao Mác đúng(6)đã nói, chủ nghĩa Mác giống như bác sĩ, khi mà cơ thể khỏe thì sẽ không để ý, song một khi chủ nghĩa tư bản gặp vấn đề nghiêm trọng thì chủ nghĩa Mác lại phát huy tác dụng phê phán vốn có của mình. Terry Eagleton nhấn mạnh,chủ nghĩa tư bản càng ổn định thì càng chứng minh những giá trị của chủ nghĩa Mác. Giá trị của chủ nghĩa Mác thể hiện ở bản chất sáng tạo, mỗi khi đối diện với thực tiễn mới, vấn đề mới thì lại có năng lực sáng tạo mới.

Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là một loại khoa học thực chứng, hay là một hệ thống tri thức cố định, mà là một hệ thống lý luận mang tính phê phán đối với các vấn đề trọng yếu của thời đại. Đây chính là nền tảng cho tính sáng tạo và tính thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Những vấn đề đương thời của C.Mác có rất nhiều, trong đó nổi lên là vấn đề chủ nghĩa tư bản. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta ngày nay, chính là phát huy sức mạnh động lực thị trường, đồng thời dùng giá trị ưu việt của chủ nghĩa xã hội để khống chế mặt trái của chính thị trường. Ở đây, chúng ta đã phát huy được những giá trị đương thời trong lập trường và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Thứ ba, về vấn đề con người

Một số người mặc dù chưa bao giờ tiếp cận đến kho tàng tri thức đồ sộ của C.Mác, song vẫn mù quáng tuyên bố là C.Mác bỏ quên vấn đề quan trọng nhất của mọi vấn đề chính là con người. Song trên thực tế, con người là điểm xuất phát và sự giải phóng con người là mục đích cao nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin. Khi các nhà kinh điển xây dựng quan điểm duy vật về lịch sử, về xã hội thì đã nghiên cứu, phân tích về con người hiện thực, về hoạt động thực tiễn của con người trong đời sống xã hội. Trong tác phẩmHệ tư tưởng Đức,C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh đến điều này: “Những tiền đề xuất phát của chúng tôi, không phải là những tiền đề tùy tiện, không phải là giáo điều; đó là những tiền đề hiện thực mà người ta chỉ có thể bỏ qua trong trí tưởng tượng thôi. Đó là những cá nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, những điều kiện mà họ thấy có sẵn cũng như những điều kiện do hoạt động của chính họ tạo ra”(7). Các ông cho rằng, lịch sử không phải lấy con người làm công cụ để đạt đến mục đích, mà con người sáng tạo ra lịch sử của mình, tạo ra hoàn cảnh hợp với bản chất của mình để phát triển, để hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân. Vì vậy,thực chất của tiến trình phát triển lịch sử xã hội loài người là vì con người, đưa con người “từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do”, thực sự giải phóng con người, phát triển con người một cách toàn diện. Có thể thấy rằng từ giai đoạn Phục Hưng, quan điểm lịch sử mang tính thần học đã bắt đầu chuyển sang quan điểm lịch sử mang tính nhân bản, tạo nên bước quá độ từ quan niệm thần thánh tạo ra lịch sử sang quan niệm con người tạo ra lịch sử. Song,C.Mác và Ph.Ăngghen không lấy quan điểm của chủ nghĩa nhân bản làm xuất phát điểm cho mình, hai ông đã không dừng lại ở việc trừu tượng hóa việc con người trở thành con người hiện thực, dừng lại ở tầng bậc ý chí, động cơ và hành vi cá nhân của con người, mà là thông qua hoạt động của con người, trong hoạt động của con người để tìm ra quy luật của lịch sử.

Những luận điểm khoa học mà C.Mác đưa ra là dựa trên nền tảng bình đẳng giữa người với người trong chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, với một xã hội mà nguyên tắc cơ bản là con người được tự do phát triển toàn diện bản thân mình. Những quan điểm này vẫn hoàn toàn phù hợp với xu hướng và trào lưu của thời đại ngày nay. Riêng đối với khoa học xã hội và nhân văn, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là hòn đá tảng, là nguồn lực vô tận cho quá trình nghiên cứu.

3. Yêu cầu kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin

Cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh thì chúng ta cần tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyệt đối tránh xu hướng xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất thiết phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làmnền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng.

Những lý luận căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin như chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, lý luận giá trị lao động, học thuyết giá trị thặng dư, cách mạng xã hội chủ nghĩa, học thuyết chính đảng của giai cấp vô sản, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội,... đã phản ánh quy luật phát triển của xã hội loài người, quy luật của chủ nghĩa tư bản và quy luật cầm quyền của chính đảng của giai cấp vô sản. Chỉ cần không có thiên kiến, chỉ cần giữ thái độ khoa học, lập trường khách quan là có thể nhận thức được giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tuy nhiên, những năm vừa qua trong giới lý luận, khoa học và giáo dục ở nước ta, mặc dù chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được khẳng định là kim chỉ nam và nền tảng tư tưởng, song lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong nghiên cứu lý luận, việc đi sâu, bổ sung và phát triển các nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin chưa thực sự thỏa đáng. Việc giảng dạy các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin ở các trường đại học, thậm chí ở một số trường đảng các địa phương nhìn chung vẫn còn hiện tượng đơn giản hóa, mới dừng lại ở một số khái niệm cơ bản chứ chưa động chạm nhiều đến cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong một số bộ ngành, một số người dường như còn cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, hiện nay chỉ cần tập trung vào vấn đề thực tiễn chứ không cần lý luận. Cách nhìn nhận này một mặt không đúng với những giá trị thực tế của chủ nghĩa Mác - Lênin, mặt khác mang lại xu hướng hoài nghi đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tạo nên tâm lý lo lắng về tính chính đáng, tính hợp pháp, sự tất yếu của chủ nghĩa Mác - Lênin. Không thể không đặt câu hỏi nếu như trong bản thân đội ngũ lý luận, các nhà khoa học, các nhà giáo dục mà có bộ phận còn không tuyệt đối tin tưởng ở chủ nghĩa Mác - Lênin thì làm thế nào để người dân tin theo, huống hồ là để phản bác, phê phán lại các quan điểm sai trái của thế lực thù địch, để làm rõ phải trái, đúng sai, lấy đó làm mực thước, tiêu chuẩn cho xã hội? Bản thân việc xem nhẹ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ dẫn đến việc biến chủ nghĩa Mác - Lênin từ một thế giới quan và phương pháp luận khoa học trở thành một số khái niệm khô cứng, nghĩa là giáo điều hóa chủ nghĩa Mác - Lênin, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam ngày nay.

Như vậy, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin không thể tách rời việc nghiên cứu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Việc chỉ dừng lại ở các khái niệm, quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin mà không đi sâu nghiên cứu lý luận, vận dụng sáng tạo trong bối cảnh mới của đất nước thì vừa xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa không có tư tưởng chỉ đạo trong xây dựng và phát triển đất nước. Học giả Mỹ Douglas Kellner(8)đã chia chủ nghĩa Mác thành 3 tầng bậc khác nhau: đầu tiênlà phương pháp (ví dụ như phép biện chứng, phương pháp phân tích lịch sử, phương pháp phân tích giai cấp,...), những phương pháp này chiếm địa vị cao nhất, cũng là quan trọng nhất trong chủ nghĩa Mác; thứ hailà những nguyên lý và quan điểm cơ bản trong lý luận của chủ nghĩa Mác (ví dụ lý luận sản xuất vật chất, lý luận giá trị thặng dư,...), những lý luận này đặc biệt quan trọng, về mặt giá trị chỉ thua kém phương pháp; cuối cùng là một số lý luận và khái niệm cụ thể (ví dụ lý luận chủ thể cách mạng, khái niệm giai cấp vô sản, khái niệm cách mạng,...), những khái niệm này phát triển không ngừng tùy thuộc vào bối cảnh thời đại và những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể. Sự phân chia như thế này có giá trị tham khảo nhất định trong việc phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin hiện nay. Chúng ta không nên chỉ dừng ở các khái niệm và nguyên lý cụ thể, mà càng cần hơn là nắm bắt, quán triệt các nguyên lý căn bản và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu tiêu biểu cho việc thông hiểu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp tình hình thực tiễn Việt Nam. Ngoài việc có nền tảng văn hóa Việt Nam, kế thừa các giá trị văn minh nhân loại thì việc Người học tập, vận dụng thành công chủ nghĩa Mác - Lênin là một trong những nguyên nhân chính để chỉ đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Chủ nghĩa Mác -Lênin là học thuyết khoa học, cách mạng và sáng tạo. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là mục tiêu mà sớm muộncác dân tộc trên thế giới sẽ đi tới. Mục tiêu ấy không thể ngày một, ngày hai hoàn thành được. Nó là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, trong đó có sự tham gia tích cực của các nhà lý luận mácxít dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác -Lênin. Chúng ta cần phải học tập, đi sâu phân tích, vận dụng sáng tạo và phát triển phương pháp, nguyên lý và những giá trị tinh túy của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1978, tr.82-83.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, t.9, tr.476.

(3) Sđd, Hồ Chí Minh, t.9, tr.447.

(4) Sđd, Hồ Chí Minh, t.1, tr.461.

(5) Tham khảo Giắccơ Đêriđa, Những bóng ma của C.Mác(Sách tham khảo), Nxb Chính trị quốc gia, Tổng cục II Bộ Quốc phòng, Hà Nội, 1994.

(6) Terry Eagleton: Why Marx Was Right, Yale University Press, April, 2011.

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.28-29.

 

GS, TS Nguyễn Quang Thuấn

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền