Trang chủ    Diễn đàn    Thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn của đảng viên, công chức, viên chức, nhân viên các Trường Chính trị
Thứ tư, 13 Tháng 9 2017 10:10
10543 Lượt xem

Thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn của đảng viên, công chức, viên chức, nhân viên các Trường Chính trị

(LLCT) - Trường Chính trị tỉnh có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ công chức địa phương.Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của trường, cũng như xây dựng Đảng, nhà trường vững mạnh, yêu cầu hàng đầu là đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức, nhân viênphải thực hiện nghiêmkỷ luật phát ngôn. Đây là một vấn đề rất cấp thiết hiện nay.

1. Quy định của Đảng về kỷ luật phát ngôn

Cùng với việc gương mẫu chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, người đảng viên chấp hành nghiêm những quy định cụ thể của Đảng về kỷ luật phát ngôn. Kỷ luật phát ngôn của người đảng viên là việc người đảng viên phải tuân thủ đúng quy định của Đảng thông qua lời nói, bài viết để truyền tải thông tin đến người tiếp nhận.

Trong thời gian qua, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản quy định kỷ luật phát ngôn để giữ vững tính Đảng, giữ vững bí mật của Đảng và Nhà nước. Có thể tóm lại, giữ vững kỷ luật phát ngôn của người đảng viên thể hiện ở ba vấn đề cốt lõi sau:

Thứ nhất, giữ gìn bí mật quốc gia, của Đảng, của Nhà nước, của nội bộ tổ chức. Tất cả những gì phương hại đến lợi ích đất nước, từ quốc phòng, an ninh quốc gia, đến kinh tế, văn hoá xã hội; phương hại đến Đảng, từ tư tưởng, tổ chức, hành động, uy tín; phương hại đến tính mạng, danh dự của đảng viên và sự đoàn kết của Đảng thì không tiết lộ cho ai khác biết ngoài những người có thẩm quyền, trách nhiệm.

Thứ hai, nói, viết và làm theo nghị quyết. Mỗi đảng viên có quyền có quan điểm, ý kiến riêng, được quyền phát biểu trong các cuộc họp, được bảo lưu ý kiến. Nhưng khi nghị quyết của Đảng được ban hành thì tất cả đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình. Đảng ta coi tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc bảo đảm sự tồn tại và phát triển của Đảng; chỉ rõ mục đích, phương châm, phương pháp, tinh thần thái độ trong tiến hành nguyên tắc này ở từng cơ sở Đảng, từng cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình phải giữ vững tính đảng, tính giai cấp, tình đoàn kết thương yêu đồng chí thì mới có hiệu quả. Tự phê bình và phê bình phải chân thành, khách quan, ngôn từ phải phù hợp dễ đi vào lòng người, tránh bịa đặt, thiếu chứng cứ trong tự phê bình và phê bình.

Theo Quy định số 181-QĐ/TWvề “xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”, nếu đảng viên vi phạm kỷ luật phát ngôn (vi phạm Điều 9) thì tuỳ vào mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật từ khiển trách cho đến khai trừ.

2. Thực trạng thực hiện kỷ luật phát ngôn của đội ngũđảng viên,viên chứccác Trường Chính trị

Nhìn chung, đảng viên, viên chứccác Trường Chính trị giữ vững quan điểm lập trường, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ từng vị trí công tác, từ đó nói,viết đúng với quan điểm,đường lối, chủ trươngcủa Đảng, chính sách,pháp luật của Nhà nước, quy định của tổ chứcmà mình là thành viên.

Đảng uỷ, Ban Giám hiệu các trường luôn nêu cao tính đảng, giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, giữ vững tính chiến đấu trong phát ngôn của người lãnh đạo đúng với chức trách, nhiệm vụ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước; là trung tâm thực hiện khối đoàn kết thống nhất trong nhà trường. Đồng thời, thường xuyên tiến hành công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc đến đảng viên, công chức, viên chức của nhà trường nói, viết đúng quy định. Thực hiện nghiêm chế độ giám sát chặt chẽ các hoạt động tuyên truyền của đội ngũ đảng viên nhà trường. Điều đó trong thời gian qua không để xảy ra tình trạng đảng viên vi phạm kỷ luật phát ngôn, phải tiến hành xử lý kỷ luật.

Đội ngũ cán bộ, giảng viênlà chủ thể thực hiện công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện nhiệm vụ thông qua lời nói của mình là chủ yếu. Nhìn chung,đội ngũ giảng viên của các trường tuân thủ các quy định kỷ luật phát ngôn của Đảng. Trong thực hiện nhiệm vụ trên lớp, các hoạt động ngoài xã hội, luôn tuyên truyền và bảo vệ nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thời gian qua, đội ngũ giảng viên các trường chú trọng rèn luyện kỹ năng ứng xử, kỹ năng sử dụng ngôn từ trong giảng dạy, kỹ năng viết, nói phù hợp đối tượng... Việc chuẩn bị giáo án (kịch bản bài giảng)khi lên lớpđược chú trọng. Giáo án được chuẩn bị công phu, chu đáođãgiúp cho đội ngũ giảng viên bảo đảm tính khoa học trong giáo dục, giữ vững được kỷ luật phát ngôn trong thực hiện nhiệm vụ.

Đội ngũ viên chức, nhân viên không là giảng viênchấp hành giờ giấc làm việc, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn tình trạng đảng viên nói, viết chưa tuân thủ quy định. Trong phát ngôn, một số đảng viên, giảng viên, viên chức có những lời nói biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm.

- Công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, từng chi bộ đối với đảng viên có liên quan giữ vững kỷ luật phát ngôn chưa kịp thời. Vẫn còn trường hợp đảng viên phát ngôn thiếu cẩn trọng trong giảng dạy, trong tiếp xúc với người học, trong mối quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.

- Một số giảng viên chuẩn bị giáo án còn sơ sài, mang tính chủ quan, chưa nắm chắc các kỹ năng tuyên truyền, nguyên tắc giáo dục lý luận chính trị, thiếu rèn luyện tính chiến đấu trên mặt trận tư tưởng. Vì thế,trong giảng dạy đôi lúc việc diễn đạt chưa chuẩn xác, chưa bảo đảm tính khoa học, tính giáo dục, tính đảng, tính lý luận gắn liền với thực tiễn, làm cho người học khó hiểu, thậm chí không hiểu và dễ có sự ngộ nhận.

Trong tiếp xúc với người học, một số giảng viên chưa thật sự gương mẫu trong ứng xử. Một vài đảng viên được giao giữ nhiệm vụlãnh đạo, quản lý chưa thực hiện tốt tính bảo mật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, chưa nghiêm túc tuân thủ quy định của đơn vị.

- Một số viên chức, nhân viên vẫn còn biểu hiện “bình phẩm”, “trao đổi” với biểu hiện “hẹp hòi”, phát ngôn không có cơ sở, cung cấp cho nhau những thông tin không thuộc thẩm quyền, làm ảnh hưởng uy tín của người đảng viên, ảnh hưởng đoàn kết nội bộ.

- Trong hội họp, tự phê bình và phê bình còn biểu hiện nể nang, né tránh, ít tranh luận, ít đấu tranh phê phán,nếu có thì một chiều, không ai ý kiến, “dễ người dễ ta”. Cũng có những đảng viên trong cuộc họp thì thực hiện im lặng, nhưng khi ra khỏi cuộc họp thì bàn tán, phê người này, nói xấu người kia.

- Trong viết, vẫn còn trường hợp do thiếu kinh nghiệm, do sơ suất, thiếu thông tin hay do ngộ nhận, nhìn nhận phiến diện cá nhân.

3. Một số giải pháp thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn của đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức, nhân viên ở Trường Chính trị

Để giữ vững kỷ luật phát ngôn trongTrường Chính trị, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, chi uỷ, chi bộ trong các trường tiếp tục quán triệt sâu sắc các quy định của Đảng về giữ vững kỷ luật phát ngôn

Trong các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt đảng cần tiếp tục tuyên truyền Quy định 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI quy định về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, tập trung vào Điều 9 quy định xử lý về tuyên truyền phát ngôn; quán triệt Hướng dẫn số 09-HD/UBKTTW ngày 6-6-2013 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy định 181-QĐ/TW.

Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trungương 4 khoá XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, trong đó tập trung nhận diện rõ các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hoá. Đồng thời, gắn kết với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó cần xây dựng cho đội ngũ đảng viên, viên chức phong cách diễn đạt, ứng xử theo Hồ Chí Minh.

Thứ hai, Đảng uỷ các trường tập trung chỉ đạo chi bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra, giám sát, tăng cường công tác quản lý đảng viên, tập trung nhiều hơn vào nội dung giữ vững kỷ luật phát ngôn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá giáo án, dự giờ, giám sát, đánh giá đội ngũ giảng viên

Các bí thư, chi uỷ chi bộ cần tăng cường công tác quản lý đảng viên, đánh giá trong các cuộc họp chi bộ; nếu phát hiện có những biểu hiện phát ngôn, nói và viết không đúng quy định cần phải chấn chỉnh kịp thời.

Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa chủ động kiểm tra, đánh giá giáo án theo kế hoạch. Các khoa thường xuyên tổ chức dự giờ để đánh giá, góp ý giờ giảng cho giảng viên, chú ý góp ý sâu về nội dung bài giảng, phương pháp, ngôn từ. Nếu giảng viên có những nội dung, hình ảnh không phù hợp thì góp ý chấn chỉnh, nếu giảng viên không sửa chữa thì đề xuất với Đảng uỷ, Ban giám hiệu xem xét xử lý đúng quy định.

Thứ ba, từng đảng viên, công chức, viên chức, nhân viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện kỷ luật phát ngôn

Mỗi đảng viên, mỗi viên chức Trường Chính trị luôn giữ vững tư tưởng: “Sống và làm việc theo pháp luật”, “nói và làm theo nghị quyết, quy định của Đảng”. Muốn vậy cần phải rèn luyện phẩm chất chính trị, vững vàng, kiên định, nêu cao ý thức cảnh giác, giữ gìn bí mật tổ chức, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tính đảng trong nói và viết.

Mỗi giảng viên phải ra sức trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, thường xuyên nghiên cứu, bổ sung điều chỉnh giáo án cho phù hợp với quan điểm, quy định, hướng dẫn của Đảng, pháp luật của Nhà nước, với tình hình thực tế địa phương. Phải nghiên cứu, kiểm chứng thật kỹ lưỡng nguồn tin, bảo đảm chính xác trước khi cung cấp, truyền tải thông tin.

Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp, tình đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tránh trường hợp để xảy ra tâm lý ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm. Chống biểu hiện nói suông, nói mà không làm; tư tưởng đối kỵ, bằng mặt mà không bằng lòng.

Thứ tư, phát huy tốt vai trò cá nhân gắn liền với xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, học viên phản ảnh kịp thời những trường hợp vi phạm kỷ luật phát ngôn. Đồng thời, xỷ lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định trong giáo dục, các quy định của Đảng, Nhà nước về kỷ luật phát ngôn.

Từng đảng viên, công chức, viên chức, nhân viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình được phân công. Những vấn đề có liên quan đến kỷ luật phát ngôn của đội ngũ đảng viên, công chức viên chức, nhân viên phải được đánh giá, quán triệt thường xuyên trong các cuộc họp, gồm: họp ban giám hiệu với lãnh đạo phòng khoa, họp đảng uỷ, họp chi bộ, họp đoàn thể. Thiết lập cơ chế tiếp cận thông tin từ các nguồn để đánh giá, quản lý chặt chẽ kỷ luật phát ngôn trong nhà trường. Ban Giám hiệu, Đảng uỷ, bí thư, cấp uỷ chi bộ, lãnh đạo phòng, khoa phải ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện vi phạm hoặc sai phạm về kỷ luật phát ngôn. Đồng thời, căn cứ vào nội dung, mức độ sai phạm mà xử lý nghiêm với những hình thức phù hợp.

 

                                                                          ThS Trần Thanh Sang

                                                                  Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền