Trang chủ    Diễn đàn    Sự biến đổi mối quan hệ dân tộc - tôn giáo trong cộng đồng người H’Mông theo Tin lành ở Tây Bắc
Thứ hai, 16 Tháng 10 2017 16:03
4186 Lượt xem

Sự biến đổi mối quan hệ dân tộc - tôn giáo trong cộng đồng người H’Mông theo Tin lành ở Tây Bắc

(LLCT) - Khảo sát nơi có đông đồng bào H'mông sinh sống  ở các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu về sự biến đổi trong mối quan hệ gia đình, dòng họ và quan hệ cộng đồng của người H'mông theo theo Lin lành. Qua đó, làm rõ tác động của Tin lành đối với cácmối quan hệ xã hội trong cộng đồng H'mông những năm gần đây, từ đó gợi mở đối việc xây dựng hoàn thiện chính sách dân tộc,tôn giáo ở nước ta hiện nay.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2009, dân tộc H’mông có 1.068.189 người, trong đó trên 60% sinh sống ở Tây Bắc: Hà Giang (231.464 người), Điện Biên (170.648 người), Sơn La (157.253 người), Lào Cai (146.147 người), Lai Châu (83.324 người), Yên Bái (81.921 người), Tuyên Quang(16.974 người).

Sự hiện diện của người H'mông làm cho khu vực Tây Bắc phát triển với nhiều nét đặc trưng so với một số vùng, miền trong cả nước. Xét theo tiếp cận quan hệ dân tộc - tôn giáo, người H’mông có những điểm đặc thù, được cấu trúc bởi tuyến cơ bản: Gia đình, dòng họ, dân tộc (tộc người), quốc gia - dân tộc. Các tuyến quan hệ này lại được gắn kết trên nền tảng tín ngưỡng, tôn giáo ở các cấp độ: nghi thức thờ cúng tổ tiên, thần nhà, thần cửa; nghi thức thờ cúng dòng họ; nghi thức liên kết quốc gia - dân tộc. Những nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo này tạo ra cấu trúc bền chặt trong quá trình phát triển của cộng đồng.

Trong thời kỳ đổi mới, kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có nhiều biến đổi lớn lao, sự di dịch cư gia tăng tạo sự đan xen dân cư các dân tộc, du lịch phát triển, các tôn giáo du nhập và phát triển; riêng ở Tây Bắc hiện nay có khoảng 100 nghìn người H’mông là tín đồ đạo Tin lành… Đó là những yếu tố tác động lớn đến đời sống xã hội truyền thống người H’mông. Ở đây, tập trung nhận diện những thay đổi cáctuyến quan hệ xã hội truyền thống của người H’mông giữa cộng động theo tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống và cộng đồng theo Tin lành.

Để nhận diện sự biến đổi mối quan hệ giữa dân tộc - tôn giáo của người H’mông vùng Tây Bắc hiện nay qua sự biến đổi trong quan hệ gia đình, dòng họ, cộng đồng dân tộc H’mông gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là Tin lành.

Một là, sự biến đổi trong quan hệ gia đình

Sự thay đổi trong mối quan hệ gia đình người Hmông giữa cộng đồng theo tôn giáo, tín ngưỡngtruyền thống với cộng đồng theo Tin lành qua phân tích vai trò của người chủ gia đình trong các nghi lễ tôn giáo, văn hóa của đời sống cũng như việc hỏi (xin)ý kiến ai khi có việc quan trọng (các bảngsố liệutrong bài viết là kết quảkhảo sát thực địa năm 2015).

Bảng 1: Người đứng đầu chỉ đạo các nghi lễ đám ma

Người đứng đầu chỉ đạo các nghi lễ đám ma

Tôn giáo, tín ngưỡngtruyền thống

Tin Lành

N

%

N

%

Chủ gia đình (Tsưr Tsêr)

116

76,8

1

0,7

Trưởng họ (Uô thâu), người "cầm quyền ma, quyền khách"  (Cho đax khuô), bà cô (Pux nhăngx)

34

22,5

7

4,7

Người đứng đầu nhóm đạo Tin lành (Chử lành tảo) 

0

0,0

141

94,6

Thầy cúng Chi Ninhz 

1

0,7

0

0,0

Tổng

151

100,0

149

100,0

Số liệu khảo sát bảng 1 cho thấy, người đứng đầu chỉ đạo các nghi lễ đám ma theo tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của người H’mông chính là chủ gia đình chiếm 76,8%. Trưởng họ (Uô thâu), người "cầm quyền ma, quyền khách"  (Cho đax khuô), bà cô (Pux nhăngx)chiếm 22,5%, thầy cúng Chi Ninhz chiếm 0,7%.

Theo truyền thống, người chủ gia đình (đàn ông) có vai trò rất quan trọng trong quan hệ gia đình của người H’môngkhi là người đứng đầu, quản lý mọi hoạt động của một gia đình từ kinh tế đến nghi lễ vòng đời, nghi lễ tôn giáo. Nhưng từ khi Tin lành xâm nhập vào cộng đồng người Hmông, vai trò này có sự biến đổi. Điều này được thể hiện rõnhất qua vị trí người đứng đầu tang lễ trong mỗi gia đình. Cụ thể là, người chủ trì nghi lễ tang ma không phải là người chủ gia đình mà là người đứng đầu nhóm đạo Tin lành (chiếm 94,6%). Điều này cho thấy sự khác biệt rất rõ trong vai trò người chủ gia đình của người Hmông theo tôn giáo truyền thống và những người H’mông theo đạo Tin lành.

Sự biến đổi trong mối quan hệ gia đình của người H’môngcòn được thể hiện qua việc hỏi (xin)ý kiến của ai khi gặp những vấn đề khó khăn, băn khoăn trong cuộc sống.

Bảng 2:  Hỏi ai khi có việc quan trọng cần xin ý kiến

Hỏi ai khi có việc quan trọng cần xin ý kiến

Tôn giáo truyền thống

Tin Lành

N

%

N

%

Người thân trong gia đình

111

73,5

72

48,3

Những người đứng đầu dòng họ (trưởng họ, bà cô, người "cầm quyền ma, quyền khách" )

40

26,5

8

5,4

Người đứng đầu nhóm đạo Tin lành (Chử lành tảo)

0

0,0

69

46,3

Tổng

151

100,0

149

100,0

Như vậy, trong gia đình người theo tôn giáo, tín ngưỡngtruyền thống, khi có sự việc quan trọng, gặp khó khăn, băn khoăn; có tới 73,7% số người được khảo sát cho biết sẽ hỏi ý kiến người thân. Còn trong gia đình người theo Tin lành thì tỷ lệ này chiếm 48,3%; số người hỏi ý kiến của Chử lành tảo cũng xấp xỉ với 46,3%. Qua đó thấy được vai trò tương đối lớn của người đứng đầu nhóm đạo Tin lành trong cuộc sống gia đình của người H’môngtheo đạo. Khi gặp khó khăn, băn khoăn cần xin ý kiến thì người H’môngđã tìm đến "những chức sắc" thay vì hỏi người thân trong gia đình. Đây có thể là minh chứng phần nào cho sự biến đổi trong mối quan hệ gia đình của người H’mông theo Tin lành.

Qua sự phân tích một số khía cạnh như vai trò của người chủ gia đình trong nghi lễ tang ma và việc tham khảo ý kiến khi có việc quan trọng của mỗi cá nhân thì có thể thấy, hiện naymối quan hệ trong gia đình người Hmông theo tôn giáo truyền thống vẫn được bảo đảm khá vững chắc, duy trì theo phong tục có từ xưa. Trong khi đó, mối quan hệ trong gia đình người H’môngtheo Tin lành có phần lỏng lẻo hơn, vai trò của người chủ gia đình không còn lớn như trước kia mà thay vào đó là vai trò ngày càng cao của người đứng đầu nhóm đạo (Chử lành tảo).  

Hai là, sự biến đổi trong quan hệ dòng họ

Do phải đối mặt với nhiều biến cố trong lịch sử mà từ xưa, quan hệ dòng họ của người H’mông luôn mang tính bền chặt và cố kết cao. Tuy nhên, cộng đồng người H’mông theo Tin lành và tôn giáo, tín ngưỡngtruyền thống đều có ít nhiều thay đổi.

Bảng 3:  Sự đồng ý trong quan niệm về "sống là người của dòng họ, chết là ma của dòng họ"

Quan niệm "sống là người của dòng họ, chết là ma của dòng họ"

Tôn giáo truyền thống

Tin Lành

N

%

N

%

Đồng ý

111

73,5

81

54,4

Không đồng ý

40

26,5

68

45,6

Tổng

151

100,0

149

100,0

Khi được hỏi về quan niệm của ngườiH’mông: "Sống là người của dòng họ, chết là ma của dòng họ; sống phải bảo vệ nhau, chết phải chôn cất cho nhau" có 73,5% những người theo tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống đồng ý. Trong khi đó, với quan niệm này chỉ có 54,4% người Hmông theo Tin lành đồng ý. Điều này cho thấy,với không ít người H’môngtheo Tin lành, dòng họ đã không còn là sự ràng buộc nhất định phải có của mỗi cá nhân.

Qua khảo sát cho thấy có sự khác biệt trong quan niệm về dòng họ ở cácđộ tuổi khác nhau.

Biểu đồ 1:  Sự khác biệt trong quan niệm "sống là người của dòng họ, chết là ma của dòng họ"(%)

Ở người H’mông theo tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống không xảy ra sự khác biệt tuổi trong quan niệm "sống là người của dòng họ, chết là ma của dòng họ". Phần lớn người ở cả ba độ tuổi đều đồng ý với quan niệm "sống là người của dòng họ, chết là ma của dòng họ". Số người trẻ thể hiện sự đồng ý với tỷ lệ cao nhất (80,8%). Số người già thể hiện sự đồng ý với tỷ lệ đứng thứ hai (78,6%). Số người trung niên thể hiện sự đồng ý với tỷ lệ nhỏ hơn(68,2%). Qua đó có thể thấy rằng, người H'mông theo tôn giáo truyền thống dù ở độ tuổi nào cũng nhận thức được mình là người của một dòng họ nhất định. Còn với cộng đồng người H’mông theo Tin lành lại xảy ra sự khác biệt tuổi trong quan niệm "sống là người của dòng họ, chết là ma của dòng họ. Không có người già nào đồng ý với quan niệm trên. Trong khi có 46,9% số người trẻ và 60,4% số người trung niên đồng ý.

Mối quan hệ trong dòng họ của người H'mông cũng có sự thay đổi trên phương diện vai trò của những người đứng đầu dòng họ (trưởng họ, bà cô, người "cầm quyền ma, quyền khách") trong đời sống của các thành viên dòng họ. Như đã phân tích ở trên, sự gắn kết cá nhân và dòng họ phần nào thể hiện qua việc cá nhân sẽ tham khảo ý kiến của ai khi có việc quan trọng. Theo số liệu bảng 2 thì 26,5% số người H'mông theo tôn giáo truyền thống hỏi người đứng đầu dòng họ; trong khi chỉ có 4,5% số người H’mông theo Tin lành làm việc này.  Qua đó có thể thấy, vai trò của người đứng đầu dòng họ đã không còn lớn trong đời sống người H’mông theo Tin lành như người H'mông theo tôn giáo truyền thống.

Ba là, sự biến đổi trong quan hệ cộng đồng

Sự biến đổi trong mối quan hệ cộng đồng dân cư H'mông giữa người theo tôn giáo truyền thống với người theo Tin lành được thể hiện qua sự tham gia của họ với các sinh hoạt cộng đồng nói chung và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng.

Trước hết, mối quan hệ giữa những người theo và không theo Tin lành được người H'mông nhìn nhận ra sao?

Bảng 4Quan hệ giữa những người theo và không theo Tin Lành

Mối quan hệ giữa những người theo và không theo Tin lành

N

%

Vẫn như trước đây

139

66,2

Người theo Tin Lành không đến dự đám ma, đám cưới của người không theo Tin lành

44

21,0

Người không theo Tin Lành không đến dự đám ma, đám cưới của người theo Tin Lành

19

9,0

Người theo Tin Lành không giúp đỡ người không theo Tin Lành lúc khó khăn hoạn nạn

1

0,5

Người không theo Tin Lành không giúp đỡ người theo Tin Lành lúc khó khăn hoạn nạn

7

3,3

Tổng

210

100,0

Qua các hoạt động cụ thể là đám ma, đám cưới có thể thấy sự thay đổi trong mối quan hệ cộng đồng của người  Hmông. Theo truyền thống trước đây, khi có người qua đời thì thông thường mọi người trong cộng đồng làng, dòng họ đều đến dự đám ma của  gia đình có người qua đời.

Tuy nhiên, từ khi Tin lành xâm nhập vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người H’mông thì điều này đã thay đổi. Khảo sát cho thấy, có 21,0% số người được hỏicho rằng "Người theo Tin lành không đến dự đám ma, đám cưới của người không theo Tin lành".

Có9,0% số người được hỏicho rằng “Người không theo Tin Lành không đến dự đám ma, đám cưới của người theo Tin Lành”. Tuy những con số trên không phải là lớn nhưng cũng chỉ ra rằng, mối quan hệ cộng đồng của người H’mông đã có những biểu hiện lỏng lẻo nhất định.

Ở tang lễ truyền thống của người Hmông thì hàng xóm, người thânđến đưa tiễn sẽ tham gia giúp các các công việc cần thiết, rồi ở lại ăn uống cùng gia chủ. Người H’mông theo Tin lành ở nhiều địa phương không còn thực hiện điều này. Qua khảo sát cho thấy, người H’mông theo Tin lành đa phần vẫn đến giúp gia đình có tang các công việc cần thiết với tỷ lệ 63,0%, nhưng cũng có 31,5% số người H’mông theo Tin lành đến viếng nhưng không ở lại ăn uống.

 Bảng 5:Sự tham gia vào các các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng (%)

Có tham dự đám ma của gia đình  những người

không theo Tin Lành

Đồng ý

%

Đến giúp họ các công việc cần thiết

92

63,0

Chỉ đến viếng, sau đó ở lại ăn uống

8

5,5

Chỉ đến viếng và không ở lại ăn uống

46

31,5

Tổng

146

100,0

Để tìm hiểu cácmối quan hệ gia đình vàxã hội trong cộng đồng người H’môngtheo tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống và theo Tin lành, có thể xem xét sự tham gia của họ vào các hoạt động các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội.

Bảng 6:Sự tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội

Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội

Người theo tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống

Người theo Tin lành

N

%

N

%

Chính quyền các cấp (thôn, xóm)

27

14,7

17

9,7

Mặt trận Tổ quốc các cấp

10

5,4

3

1,7

Đoàn thanh niên

30

16,3

18

10,2

Hội Phụ nữ

39

21,3

19

10,8

Hội Nông dân

47

25,6

24

13,7

Ban nhóm của Hội Thánh

0

0,0

44

25,1

Không tham gia hội nào

30

16,3

50

28,5

Tổng

183

100,0

175

100,0

Bảng 6 cho thấy, những người H’mông theo tôn giáo truyền thống tham gia các tổ chức đoàn thể xã hội tích cực hơn so với người H’mông theo Tin lành. Người H’mông theo Tin lành chủ yếu tham gia vào các ban nhóm của Hội thánh với tỷ lệ 25,1% số người được khảo sát. Ở tất cả các đoàn thể xã hội, tỷ lệ tham gia của người người H'mông theo tôn giáo truyền thống đều cao hơn hẳn người H’mông theo Tin lành. Ví dụ như,tỷ lệ người H’mông theo tôn giáo, tín ngưỡngtruyền thống tham gia Hội Nông dân là 25,6%; gấp gần 1,9 lần tỷ lệ người H’mông theo Tin lành tham gia này. Ở Hội Phụ nữ, tỷ lệ người H’mông theo tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống tham gia là 21,3%; gấp 2 lần ở người H’mông theo Tin lành. Số người H’mông theo Tin lành mà không tham gia bất cứ tổ chức đoàn thể xã hội nào chiếm 28,5%, gấp hơn 1,7 lần tỷ lệ này ở người H'mông theo tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống.

Số liệu khảo sát trên phần nào cho thấy cộng đồng người H'mông theo Tin lành có sự suy giảm hòa nhập cộng đồng xã hội, không tích cực tham gia các mối quan hệ xã hội bằng người H’môngtheo tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống.

Như vậy, quan hệ xã hội ở cộng đồng người H’mông được gắn kết một cách chặt chẽ thông qua các mối liên hệ ở các cấp độ khác nhau. Và mối quan hệ này đang có sự biến đổi khi có sự xâm nhập, phát triển đạo Tin lành. Tin lành làm một trong những nhân tố phá vỡ cấu trúc quan hệ dân tộc - tôn giáo trong cộng đồng người H’mông vùng Tây Bắc.

Xét về những ảnh hưởng tích cực, từ khi Tin lành xâm nhập vào cộng đồng người H’mông ở Tây Bắc cũng giảm thiểu yếu tố truyền thống lạc hậu, bước đầu hình thành cộng đồng theo lối sống mới. Do tác động của niềm tin tôn giáo, tín đồ Tin lành từ bỏ một sốtệ nạn xã hội, những hủ tục. Cùng với đó,  đồng bào thay đổicách thức tổ chức cuộc sống, làm ăn, thực hành tiết kiệm, phát huy tinh thần tương thân tương ái.

Việc theo Tin lành cũng tạo nên sự cân bằng về mặt tinh thần trong khi đời sống vật chất còn khó khăn. Ngoại trừ một số nhóm phái cực đoan, quá khích thì nói chung cộng đồng tín đồ Tin lành có sự năng động, tiếp cận dễ dàng với việc phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội. Chính điều này tạo điều kiện cho cộng đồng người Hmông hòa nhập tốt hơn với các tộc người khác.

Xét về những ảnh hưởng tiêu cực, đạo Tin lành đã đem tới cho cộng đồng này một lối sống khác biệt với truyền thống và bước đầu phá vỡ cấu trúc văn hóa truyền thống, tạo sự xung đột văn hóa giữa bộ phận người theo và không theo Tin lành. Người H’môngtheo đạo từbỏ việc thờ cúng tổ tiên cùng các thần ma; đi liền là các nghi thức văn hóa tín ngưỡng,tập tục có liên quan. Tình hình này đặt ra những lo ngại về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của tộc người này.

Bên cạnh đó, trên một địa bàn cư trú có thể nảy sinh những quan hệ không bình thường, và cả những mâu thuẫn, chia rẽ giữa người theo và không theo Tin lành trong cùng một gia đình, dòng tộc, một thôn làng. Đây chỉ là những hệ quả ban đầu, có thể xuất hiện hệ quả tiêu cực hơn là xu hướng ly khai, chia rẽ, đòi tự trị, lập quốc gia riêng do sự lợi dụng vào mục đích chính trị của các thế lực thù địch.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Đểđưa đất nước phát triển thành công cần có sức mạnh đoàn kết nhất trí của tất cả cộng đồng dân tộc, trong đó có cộng đồng người H’mông. Trước hết, cần hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ xã hội dân tộc - tôn giáo của các tộc người cư trú trên lãnh thổ Việt Nam; nhìn nhận vấn đề dân tộc - tôn giáo một cách khách quan khoa học; phòng ngừa và ngăn chặn các xung đột tôn giáo.

____________________

Tài liệu tham khảo

1. Jean Michaud: “Nghiên cứu kinh tế và bản sắc người Mông ở Việt Nam, in trong Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam”, Những cách tiếp cận nhân học, Quyển 1, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2010.

3. Đậu Tuấn Nam: Di cư của người H’mông từ đổi mới đến nay (sách chuyên khảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.

4. Nguyễn Văn Thắng và cộng sự: Giữ “lý cũ” hay theo “lý mới”?, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.

5. Vương Duy Quang: Văn hóa tâm linh của người H’mông ở Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa & Thông tin, Viện Văn hóa, Hà Nội, 2005. 

6. Cư Hòa Vần - Hoàng Nam: Dân tộc Mông ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1994.

 

TS VŨ VĂN HẬU

Học viện Chính trị khu vực I

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền