Trang chủ    Diễn đàn    Một số nội dung, biện pháp phát triển văn hóa nghề của sinh viên hiện nay
Thứ hai, 23 Tháng 10 2017 16:57
2654 Lượt xem

Một số nội dung, biện pháp phát triển văn hóa nghề của sinh viên hiện nay

(LLCT) - Văn hóa nghề là thành tố quan trọng cấu thành chất lượng nguồn nhân lực, phản ánh kết quả đào tạo của nhà trường. Những năm qua, việc xây dựng, phát triển VHN của sinh viên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Phát triển văn hóa nghề của sinh viên là vấn đề có tính cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng, phát triển văn hóa nghề (VHN) cho nguồn nhân lực nói chung, cho sinh viên nói riêng đã và đang là vấn đề cấp bách. Hiện nay, cả nước có 412 trường cao đẳng, đại học với khoảng 2,2 triệu sinh viên; bình quân mỗi tỉnh, thành phố có 6,6 trường cao đẳng, đại học.Sinh viên là nguồn bổ sung chủ yếu, trực tiếp cho lực lượng lao động xã hội trong tương lai và họ sẽ phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, không chỉ về trình độ chuyên môn mà còn là VHN. VHN của sinh viên toàn bộ các yếu tố về nhận thức,thái độ, hành vi ứng xử, kỹ năng, bản lĩnh và tác phong nghề nghiệp được hình thành, phát triển trong quá trình học tậprèn luyện tại nhà trường. Đây là thước đo trình độ nhận thức của sinh viên đối với nghề nghiệp và chất lượng đào tạo của nhà trường; là cơ sở để điều chỉnh nhận thức, hành vi, thái độ đối với nghề nghiệp của sinh viên trong quá trình học tập và sau khi ra trường,đi làm trong các môi trường công tác. VHN của sinh viên không chỉ tồn tại ở phạm vi cá nhân riêng lẻ mà ở cả một thiết chế lao động, một phạm vi rộng lớn - đó là không gian VHN. Không gian VHN đòi hỏi không chỉ sinh viên với tư cách là người lao động trong tương lai mà cả những nhà đầu tư, nhà quản lý, nhà giáo dục, đào tạo nghề. Tất cả các chủ thể đều phải có nhận thức về VHN và ứng xử với không gian VHN một cách có văn hóa.

Trong những năm qua, do nhận thức được yêu cầu của thị trường lao động, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, các trường cao đẳng, đại học đã chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất,… qua đó nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, chất lượng sinh viên sau đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là về VHN, một bộ phận không nhỏ sinh viên khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc mang tính chuyên nghiệp; ý thức trách nhiệm với nghề chưa cao; chưa yêu nghề, thiếu tính cộng đồng; yếu kém về tin học, ngoại ngữ; thiếu kỹ năng hợp tác và làm việc hóm; tác phong làm việc chưa khoa học; khả năng thích ứng với công việc chậm…, dẫn đến tình trạng thất nghiệp nhiều, năng suất lao động thấp. Theo kết quả điều tra gần đây, hiện tại ở nước ta 63% số sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm, nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhận sinh viên vào làm việc phải mất từ 1 đến 2 năm đào tạo lại. Trong số 37% sinh viên ra trường có việc làm thì về cơ bản cũng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, “kết quả kiểm định chất lượng từ 20 trường thuộc “tốp trên” của Việt Nam trong năm 2016 vừa qua cho thấy, tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp, tự tạo việc làm, khởi nghiệp chỉ chiếm 1%”. Một trong những điểm yếu nhất của sinh viên là VHN. Tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân cơ bản sau:

Sự quan tâm phát triển VHN cho sinh viên nhìn chung chưa tương xứng với mục tiêu đào tạo; chưa xây dựng được tiêu chí cụ thể về VHN, các chương trình đào tạo mang tính hàn lâm, rập khuôn một chiều, ít gợi mở tính sáng tạo cho người học, quá trình giáo dục thiếu chủ động vì thế chúng cũng tạo ra nguồn nhân lực thụ động, với kiến thức cái gì cũng biết nhưng biết không đến nơi đến chốn; chưa có kế hoạch cụ thể để đưa VHN vào nội dung, chương trình đào tạo chính khóa; chưa thường xuyên tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục,nâng cao nhận thức cho người học và cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên về vị trí, vai trò của VHN. Phần lớn hoạt động giáo dục VHN cho người học chỉ được lồng ghép thực hiện thông qua các phong trào của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên bằng các hình thức giáo dục gián tiếp như Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên, giáo dục kỹ năng sống... Và vai trò của các tổ chức này cũng chưa phát huy được sức mạnh trong việc quy tụ, tập hợp sinh viên để tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện VHN.

Thực tế cho thấy, việc định hướng ngành học của sinh viên phần lớn là theo năng lực, nghĩa là lựa chọn ngành học theo điểm học tập gắn với điểm đầu vào để nhằm mục đích trúng tuyển mà chưa có một định hướng cụ thể, chắc chắn nào cho nghề nghiệp của mình sau khi tốt nghiệp. Có trường hợp lựa chọn theo cảm tính, chạy theo trào lưu, hoặc đa phần do những nguyên nhân về hoàn cảnh, điều kiện bắt buộc chứ không phải do có nguyện vọng thật sự, lựa chọn mang tính thực dụng như: nghề nghiệp dễ xin việc; gia đình có người thân làm trong nghề; có thu nhập cao; được làm việc ở thành phố,… Tình trạng sinh viên thờ ơ, không mặn mà, tâm huyết với nghề nghiệp mình đang học cũng khá phổ biến, cho nên sau một thời gian học sẽ bộc lộ sự không thỏa mãn, bàng quan về ngành nghề đang theo học, từ đó không có thái độ đúng đắn trong học tập, vì thế, kết quả học tập thấp, thiếu các kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, ứng xử có văn hóa. Đây là lý do khiến 40% sinh viên thất nghiệp và không thể đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Việc một tỷ lệ lớn sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm phản ánhthực trạng chất lượng giáo dục - đào tạo thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Phát triển VHN của sinh viên trong điều kiện hiện nay là cấp thiết và cần tập trung vào các nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng về phát triển VHN của sinh viên.

Phát triển VHN của sinh viên là một quá trình, nó diễn ra không chỉ ở các trường cao đẳng, đại học mà ngay từ trong quá trình học tập ở bậc trung học, đây là giai đoạn học sinh đang có sự trưởng thành mạnh mẽ về nhân cách, sự tìm tòi, khám phá. Cho nên, ở bậc học này việc giáo dục VHN cần phải được lồng ghép vào trong các chương trình học, đưa môn học hướng nghiệp vào giảng dạy. Chú trọng xây dựng những chuẩn mực, định hướng giá trị, tạo dựng cho lớp trẻ quen dần và chuẩn bị sẵn tâm thế cho một môi trường sống công nghiệp; với nhận thức, tư duy và hành động theo phong cách của người lao động công nghiệp. Kịp thời khảo sát, đánh giá khách quan để cung cấp thông tin, dự báo có độ chính xác cao về thị trường lao động, xu hướng phát triển các ngành, nghề trong tương lai gần cho học sinh và gia đình. Đây là cơ sở quan trọng để họ có sự lựa chọn đúng đắn trước khi bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề từ gốc và có được một nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tương lai.

Đối với các trường cao đẳng, đại học, Ban Giám hiệu, các phòng, khoa, đội ngũ giảng viên và tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về việc phát triển VHN cho sinh viên thông qua việc định hướng nghề nghiệp, mở các diễn đàn nghề nghiệp, mời các chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp mà sinh viên quan tâm đến giao lưu, trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm,… qua đó giúp người học tự khám phá, tìm hiểu về bản thân; tìm hiểu về ngành nghề; trải nghiệm công việc; chọn ngành phù hợp, rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết. Các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sinh viên để kịp thời xử lý hoặc báo cáo lên cấp trên để có phương hướng xây dựng VHN cho phù hợp với đặc điểm của từng khóa học, ngành học và chủ động thiết kế các hoạt động phong phú với những hình thức phù hợp, thu hút sự tham gia của sinh viên nhằm chuẩn bị cho họ những kỹ năng cần thiết của nghề nghiệp.

Nhận thức về nghề nghiệp là yếu tố quan trọng để sinh viên có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và xác định thái độ học tập đúng đắn, tạo cơ sở hình thành các giá trị đạo đức, niềm kiêu hãnh, sự say mê, hứng thú trong học tập và công việc sau khi ra trường. Việc nhận thức và định hướng tốt nghề nghiệp giúp sinh viên đưa ra được những kế hoạch hoạt động phù hợp cho bản thân trong việc trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng bổ trợ khác để phục vụ công việc. Trong quá trình học tập, tự bản thân mỗi sinh viên phải hiểu rõ những mặt mạnh và hạn chế của chính mình để có sự lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp năng lực, tính cách, sở trường, không chạy theo đám đông, trào lưu. Thông qua thư viện, internet để tìm hiểu về các lĩnh vực nghề nghiệp mà mình quan tâm. Tranh thủ các điều kiện đang có để tham quan thực tế nghề nghiệp, mạnh dạn trong tiếp cận, trao đổi với những người thành đạt trong nghề để tìm hiểu cách sống, cách làm việc, môi trường làm việc, cả những khó khăn, thách thức và thuận lợi trong nghề nghiệp, điều kiện phát triển.

Hai là, tăng cường giáo dục thái độ, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh, tác phong nghề nghiệp cho sinh viên

Thái độ nghề nghiệp là sự thể hiện tình cảm cũng như sự yêu thích hoặc thờ ơ, chán ghét, sự gắn bó, tôn trọng,… đối với nghề, đây là yếu tố quan trọng để hình thành VHN cho sinh viên. Các nhà trường cần chủ động tiến hành giáo dục thái độ đối với nghề nghiệp cho sinh viên ngay từ đầu khóa học. Nội dung hướng vào giáo dục giá trị và những yếu tố hấp dẫn của nghề đã lựa chọn nhằm mục đích hình thành niềm tin, lòng tự hào, tận tâm với nghề. Đồng thời, chú trọng làm rõ mức độ ảnh hưởng của thái độ nghề nghiệp đối với kết quả học tập của sinh viên để từ đó có những giải pháp về giáo dục thái độ nghề nghiệp, về tổ chức hoạt động dạy, học, quản lý, chính sách, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên cần nhận thức được vị trí, vai trò, ý nghĩa của thái độ nghề nghiệp, từ đó tạo hứng thú nghề nghiệp cho bản thân và tích cực rèn luyện, chủ động phòng ngừađểkhông bị lôi kéo, kích động khi liên quan đến lợi ích cá nhân và vướng vào những tệ nạn xã hội, từ đó tích cực chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp cho công việc sau này.

Kỹ năng nghề nghiệp là yếu tố quan trọng cấu thành VHN. Nó được hình thành, phát triển trước hết, về phía sinh viên đó là sự đầu tư công sức, thời gian cho việc học và thực hành nghề. Sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà trường trong việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên. Ngoài việc cung cấp những kiến thức chuyên môn sâu trong ngành học mà sinh viên chọn lựa, việc trang bị các kỹ năng làm việc cho sinh viên là một nội dung hướng nghiệp quan trọng mà các nhà trường cần hướng tới trong quá trình đào tạo. Cần tạo ra các sân chơi bổ ích và môi trường học tập tốt nhất để mỗi sinh viên được trau dồi, hoàn thiện thêm những kỹ năng làm việc cần thiết sau này. Các chương trình tập huấn kỹ năng nên được tổ chức thường xuyên, có chất lượng và cần được bổ sung vào chương trình học tập chính khóa ngay từ năm thứ nhất đến năm cuối với các nội dung tập huấn được sắp xếp phù hợp với tính chất của từng năm học.

Trong VHN, bản lĩnh nghề nghiệp là kết quả từ sự tự rèn luyện, với sự kiên định, vững vàng,quyết tâm phấn đấu theo ngành nghề mà mình đã lựa chọn. Đồng thời, là kết quả của quá trình tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa và ý thức cho sinh viên từ phía nhà trường. Cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên làm cho khả năng tác động, ảnh hưởng của các tổ chức này sâu rộng và mạnh mẽ, lôi kéo đông đảo sinh viên tham gia để giáo dục, rèn luyện.

Để tạo dựng tác phong nghề nghiệp ngoài vốn kiến thức sâu rộng, phong phú thì sinh viên cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về ngành nghề mà mình lựa chọn. Sinh viên ngành nghề nào thì phải rèn luyện dần tác phong phù hợp với ngành nghề đó. Do đó, mỗi sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ về ngành nghề mình lựa chọn, từ đó xác định và tạo lập dần tác phong chuẩn mực, phù hợp với ngành nghề mình đang theo đuổi. Khi có tác phong nghề nghiệp, sinh viên sẽ tự tin hơn trong học tập và trong cuộc sống.

Ba là, đổi mới nội dung, chương trình và phương thức đào tạo ở các trường cao đẳng, đại học theo hướng phát triển VHN cho sinh viên

Với mục tiêu: “Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân” (Điều 5, Luật Giáo dục Đại học năm 2013), bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo chuyên ngành, cần đưa nội dung VHN vào chương trình chính khóa cùng với các môn học cần thiết khác bằng cách lồng ghép vào trong mỗi phần học, môn học để chuyển tải VHN đến sinh viên. Việc giáo dục VHN không chỉ bằng lý thuyết mà còn bằng hành động có văn hóa của mỗi giảng viên, họ phải là những tấm gương sinh động về lòng yêu nghề để sinh viên học tập và noi theo. Nhà trường cần xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện về mọi mặt và trang bị những kiến thức nền tảng để mỗi sinh viên xây dựng tác phong nghề nghiệp phù hợp. Đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm quyền lợi, trách nhiệm cùng các hành vi sinh viên không được làmtheo Quy chế công tác sinh viênđối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy(Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 05-4-2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ngoài ra, Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các phòng, khoa chức năng ở các trường cần tăng cường chỉ đạo, quản lý và phối hợp thực hiện có hiệu quả hoạt động kiến tập, thực tập của sinh viên. Trong quá trình này, sinh viên không chỉ nắm được những yêu cầu của thực tế công việc sẽ tiến hành trong tương lai gần cả về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và những tiêu chuẩn VHN, mà còn đánh giá được triển vọng nghề nghiệp của mình. Những thông tin bổ ích có được từ hoạt động thực tập, kiến tập sẽ trở thành động lực cho sinh viên trong quá trình học tập tiếp theo tại trường. Vì vậy, cần chọn những nơi kiến tập, thực tập có môi trường văn hóa, tính chuyên nghiệp cao để sinh viên nhìn nhận đúng đắn về nghề nghiệp, tự điều chỉnh thái độ, hành vi trong quá trình học tập, rèn luyện.

Hiện nay, để góp phần phát triển VHN của sinh viên cần phải nhận thức rõ tính cấp thiết, những vấn đề đặt ra và thực hiện đồng bộ các nội dung, biện pháp nêu trên. Mỗi nội dung, biện pháp có vị trí, vai trò khác nhau, cho nên, việc lựa chọn nội dung, biện pháp nào phải phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng nhà trường và yêu cầu của thực tiễn.

_____________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Long Giao: “Văn hóa nghề - Yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”,Tạp chí Phát triển nhân lực, số 26, tr.35-39.

2. Đặng Cảnh Khanh: “Nâng cao văn hóa nghề cho thanh niên - yếu tố quan trọng trong quá trình CNH, HĐH”, Tạp chí Tuyên giáo, số 9, tr.49-53.

3. Đặng Cảnh Khanh: “Văn hóa nghề và nâng cao văn hóa nghề cho thanh thiếu niên hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, số 810, 2010, tr.67-71.

4. Trần Thị Lê: “Vài nét về phát triển văn hóa nghề cho sinh viên hiện nay”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 393,2017,tr.109-111.

5. Phan Văn Nhân: Giáo dục nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2009.

6. Lê Văn:Chỉ có 1% sinh viên tốt nghiệp tự tạo được việc làm”, Báo điện tử VietNamNet,  ngày 09-01-2017.

 

ThS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA

Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền