Trang chủ    Diễn đàn    Sự giống và khác nhau giữa nội dung, phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 16:43
29128 Lượt xem

Sự giống và khác nhau giữa nội dung, phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Bài viết đưa ra các khái niệm đảng cầm quyền và đảng lãnh đạo; khu biệt nội dung, phương thức lãnh đạo và nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng, đồng thời nhận diện mối quan hệ giữa đảng cầm quyền và đảng lãnh đạo; nội dung, phương thức lãnh đạo và nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng. Bài viết cho rằng lãnh đạo và cầm quyền là hai vấn đề có quan hệ gắn bó với nhau; nội dung, phương thức lãnh đạo và nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng có những điểm khác nhau nhưng đều hướng tới thực hiện mục đích của Đảng.

Đã có một số nghiên cứu bàn về vấn đề đảng cầm quyền và đảng lãnh đạo, góp phần làm sáng tỏ dần hai khái niệm quan trọng này, làm cơ sở cho đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, vẫn còn có những ý kiến khác nhau về cách hiểu khái niệm, nội dung, phương thức lãnh đạo và cầm quyền, cũng như nhận diện mối quan hệ giữa hai mặt này. Trước yêu cầu của lý luận và thực tiễn, Đại hội XII của Đảng xác định: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền”(1). Bài viết góp thêm một số ý kiến dưới góc độ xây dựng Đảng về khái niệm, nội dung, phương thức, mối quan hệ giữa đảng cầm quyền và đảng lãnh đạo.

1. Quan niệm  “Đảng cầm quyền”, “Đảng lãnh đạo”

Hơn bảy mươi năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, nhưng vấn đề “đảng lãnh đạo”, “đảng cầm quyền” vẫn là những khái niệm, chủ đề lớn còn chưa được nghiên cứu một cách cơ bản và có nhận thức thống nhất. Liên quan tới các khái niệm này, hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có ý kiến cho rằng khái niệm đảng cầm quyền chỉ là để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng trong thời kỳ này trước nhân dân, đất nước, dân tộc, chứ không nên đặt ra vấn đề nội dung cầm quyền và phương thức cầm quyền như thế nào. Có ý kiến cho rằng đảng lãnh đạo rộng hơn đảng cầm quyền; cụm từ “phương thức cầm quyền của Đảng” là cách nói tắt của “phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền”. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng đảng cầm quyền rộng hơn đảng lãnh đạo, vì đảng cầm quyền phải lãnh đạo toàn diện, trong đó lãnh đạo chính quyền chỉ là một nội dung...

Qua nghiên cứu cho thấy, khái niệm “đảng cầm quyền” được dùng ở cả các nước tư bản chủ nghĩa và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Ở các nước tư bản, khái niệm này dùng để chỉ đảng giành được đa số ghế trong nghị viện, được quyền thành lập chính phủ. Tuy nhiên, khái niệm này hiện nay cũng chỉ có ý nghĩa tương đối, vì ở một số nước có thể chế quốc hội lưỡng viện, có thời kỳ đảng này chiếm đa số ở hạ viện, nhưng đảng khác lại chiếm đa số ở thượng viện; ở những nước có thể chế cộng hòa tổng thống, có thời kỳ đảng này chiếm đa số trong quốc hội, nhưng tổng thống lại là người thuộc đảng khác.

Ở các nước XHCN, khái niệm đảng cầm quyền được dùng trong thời kỳ từ khi đảng cộng sản giành được chính quyền, nắm chính quyền, lãnh đạo nhân dân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu chính trị của Đảng là xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. V.I.Lênin thường dùng khái niệm “Đảng cầm quyền”, “Đảng chấp chính”, và đã luận bàn, phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn khái niệm này. Người nhấn mạnh, sau khi giành được chính quyền, cuộc cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản bước sang một thời kỳ mới, đó là bước chuyển biến sâu sắc từ nhiệm vụ chủ yếu là thuyết phục nhân dân và dùng lực lượng quân sự trấn áp bọn bóc lột, sang nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng và quản lý đất nước. Đó là thời kỳ đảng cầm quyền, đảng có chính quyền, đảng tổ chức thực hiệnxây dựng chủ nghĩa cộng sản, mà giai đoạn đầu là CNXH.

Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Đảng cầm quyền”. Trong Di chúc, Người viết: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(2).

Từ các tiếp cận trên có thể khái quát: Đảng (cộng sản) cầm quyền là đảng đã giành được chính quyền, lãnh đạo chính quyền để điều hành, quản lý đất nước theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng nhằm thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Như vậy, khái niệm đảng cầm quyền có hai nghĩa: thứ nhất, nói rõ tư cách của Đảng là đảng cầm quyền, hơn nữa ở nước ta là Đảng duy nhất cầm quyền; thứ hai, chỉ giai đoạn mới trong sự phát triển của Đảng - giai đoạn Đảng đã có chính quyền, công cụ sắc bén nhất để thực hiện đường lối chính trịcủa Đảng.

Khái niệm đảng lãnh đạo có phạm vi sử dụng rộng hơn. Khái niệm này không chỉ biểu đạt vai trò của Đảng - Đảng là lực lượng lãnh đạo, mà còn nói rõ nội dung, tính chất hoạt động chủ yếu của Đảng - đó là hoạt động lãnh đạo. Nó phân biệt rõ: Đảng lãnh đạo chứ Đảng không quản lý; Đảng là tổ chức lãnh đạo chứ không phải là cơ quan quản lý. Khái niệm Đảng lãnh đạo phản ánh hoạt động cơ bản của Đảng cả thời kỳ chưa có chính quyền và thời kỳ đảng cầm quyền. Trong điều kiện đảng cầm quyền, hoạt động đảng lãnh đạo không giới hạn ở việc Đảng lãnh đạo Nhà nước, mà Đảng lãnh đạo đối với tất cả các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và toàn xã hội; Đảng không chỉ lãnh đạo chính trị, mà lãnh đạo cả tư tưởng, tổ chức, cán bộ theo đường lối chính trịcủa Đảng.

Mục đích của đảng cầm quyền là để có điều kiện tốt nhất thực hiện đường lối chính trị của đảng, để thực hiện mục tiêu là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản(3).

Điều kiện cầm quyền của các chính đảng là sự ủng hộ của đa số cử tri. Điều kiện cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải là sự ủng hộ, tín nhiệm của đa số nhân dân khi Đảng xứng đáng và giữ vững được vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.

2. Nội dung, phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng

Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng

Nội dung lãnh đạo của Đảng

Đảng là tổ chức chính trị, chức năng của Đảng là lãnh đạo cách mạng. Sự lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo chính trị, tức là Đảng đề ra đường lối cách mạng, tổ chức thực hiện và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức thuộc đối tượng lãnh đạo của Đảng.  

Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo đấu tranh giành độc lập, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng là lãnh đạotoàn dân tộc, mà chủ lực làgiai cấp công nhân, nhân dân lao độngđánh đuổi đế quốc thực dân,lật đổ chế độ áp bức, bóc lột, giành độc lập, tự do. Trong thời kỳ này, Đảng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chủ yếu bằng việc tập hợp, giáo dục, giác ngộ nhân dân, đưa họ vào các phong trào cách mạng đấu tranh. Sự lãnh đạo của Đảng tập trung chủ yếu trên một số lĩnh vực như: chính trị, quân sự..., lãnh đạo các tổ chức quần chúng, các lực lượng cách mạng do Đảng lập ra. Đảng đề ra đường lối, chủ trươngvàcác giải pháp tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giành độc lập, tự do.

Khi giành được độc lập, trở thành Đảng cầm quyền, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng là lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đảng lãnh đạo thiết lập hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Đảng chịu trách nhiệm trước hết và cao nhất về cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân và về vận mệnh của đất nước, dân tộc. Sự lãnh đạo của Đảng đượcmở rộng đối với toàn xã hội. Đảng lãnh đạo tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội và các tổ chức khác... Đảng phải đề ra các quyết định chính trị đúng đắn đối với các tổ chức, các lĩnh vực này, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm từng bước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Những quyết định đó là nội dung lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ Đảng cầm quyền.

Từ phân tích trên, có thể hiểu một cách khái quát nhất: Nội dung lãnh đạo của Đảng là những quyết định của Đảng về đường lối, chủ trương, chính sách. Đó là những quyết định về đường lối, chủ trương, chính sách đối với công tác xây dựng Đảng; các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội và các tổ chức khác...; các lĩnh vực đời sống xã hội và việc chỉ đạo thực hiện các quyết định đó, nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Nội dung lãnh đạo của Đảng có thể phân ra thành nhiều cấp độ, nhiều loại như:

- Nội dung lãnh đạo chung của Đảng

- Nội dung lãnh đạo trong Đảng trong từng thời kỳ, giai đoạn.

- Nội dung lãnh đạo của Trung ương Đảng

- Nội dung lãnh đạo của tổ chức đảng địa phương, ngành, đơn vị

- Nội dung lãnh đạo đối với các tổ chức đảng cấp dưới trong Đảng

- Nội dung lãnh đạo của Đảng đối với xã hội

- Nội dung lãnh đạo của Đảng đối với từng tổ chức trong hệ thống chính trị và xã hội

- Nội dung lãnh đạo của Đảng đối với từng lĩnh vực của đời sống xã hội...

Do đó, nội dung lãnh đạo trong Đảng thường gắn với chủ thể và đối tượng lãnh đạo. Mỗi chủ thể, đối tượng lãnh đạo sẽ có nội dung lãnh đạo cụ thể.

Phương thức lãnh đạo của Đảng

Đại hội VII đã chỉ ra khá rõ về phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới: Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng các công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên... Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng bổ sung: Đảng “lãnh đạo thông qua tổ chức đảng chứ không chỉ thông qua cá nhân đảng viên”. Tại Đại hội X, Đảng ta đã có bước phát triển lớn về phương thức lãnh đạo, bổ sung thêm nhiều nội dung cụ thể, thiết thực. Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc của Đảng theo hướng thực sự dân chủ, kỷ cương, thiết thực, sâu sát cơ sở, sâu sát quần chúng; làm việc có chương trình, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, nói đi đôi với làm. Đổi mới cách ra nghị quyết, văn kiện và báo cáo phải ngắn gọn, thiết thực, cụ thể; đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả của hội nghị. Cấp ủy dành nhiều thời gian tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, tổng kết việc thực hiện nghị quyết; chỉ đạo hoạt động của Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân... Xây dựng và thực hiện chế độ báo cáo xin ý kiến... Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải báo cáo, xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương về hoạt động của mình giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương”(4). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) đã chỉ rõ hơn và bổ sung thêm những vấn đề chủ yếu về phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó nhấn mạnh, Đảng lãnh đạo bằng công tác cán bộ và thông qua tổ chức đảng và đảng viên.

Một số nhà nghiên cứuđịnh nghĩa: “Phương thức lãnh đạo là tổng thể phương pháp, hình thức, biện pháp, quy trình, lề lối làm việc, tác phong công tác... mà Đảng sử dụng để thực hiện sự lãnh đạo toàn xã hội thông qua tổ chức đảng, đảng viên...(5).

Từ phân tích trên có thể hiểu: Phương thức lãnh đạo của Đảng là tổng thể các hình thức, phương pháp, lề lối làm việc mà Đảng sử dụng để tác động vào đối tượng lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi nội dung lãnh đạo.

Có các hình thức lãnh đạo như: Ra nghị quyết xác định đ­ường lối, chủ trương, chính sách; Tổ chức học tập, triển khai thực hiện nghị quyết; Giám sát, kiểm tra việc thực hiện; Xây dựng quy chế làm việc...

Các ph­ương pháp lãnh đạo:Tuyên truyền, giáo dục; vận động, thuyết phục; tổ chức; nêu gư­ơng...

Cần lưu ý việc phân biệt ph­ương pháp và hình thức lãnh đạo chỉ là t­ương đối.

Có thể chia phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay thành 2 loại:  

Ph­ương thức lãnh đạo chung

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xã hội bằng:

- Cư­ơng lĩnh, chiến l­ược, các định h­ướng về chính sách và chủ tr­ương lớn

- Công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động

- Công tác tổ chức, cán bộ

- Công tác kiểm tra, giám sát

- Hành động gư­ơng mẫu của đảng viên

- Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị

 Phư­ơng thức lãnh đạo cho từng đối t­ượng, lĩnh vực

- Phương thức lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị: Nhà nư­ớc, Mặt trận,đoàn thể.

- Phương thức lãnh đạo lực lượng vũ trang: quân đội, công an.

- Phương thức lãnh đạo các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng...

Nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng giai đoạn hiện nay

Đây là vấn đề mới đặt ra trong Đảng ta gần đây, do đó còn nhiều góc độ chưa rõ, cũng như còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong bài “Nhận thức các khái niệm đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo ở nước ta hiện nay” các tác giả PGS,TS Nguyễn Hữu Đổng, TS Ngô Huy Đức viết: “Nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng tập trung ở việc cử những cán bộ ưu tú của Đảng vào giữ những vị trí chủ chốt của bộ máy nhà nước để kiểm soát, điều hành quá trình hoạch định và thực thi các quyết định, chính sách của chính quyền nhà nước các cấp trên cơ sở các định hướng, mục tiêu của Đảng; đồng thời Đảng kiểm tra, giám sát các hoạt động của những cán bộ đó nhằm đảm bảo theo đúng mục đích, tôn chỉ, nguyên tắc của Đảng”(6). Nhận định này phản ánh những cốt lõi trong việc cầm quyền của Đảng, tuy nhiên, trình bày như vậy, vô hình chung đồng nhất nội dung cầm quyền với phương thức cầm quyền. Để góp phần làm sáng tỏ hơn vấn đề này, bài viết xin đưa ra cách tiếp cận sau: 

Nội dung cầm quyền

Nội dung cầm quyền của Đảng bao gồm những việc thuộc quyền và trách nhiệm của Đảng khi cầm quyền phải thực hiện. Là đảng cầm quyền có vai trò và quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nội dung cầm quyền của Đảng bao quát và chi phối toàn diện sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại, trong đó có thể thấy những nội dung cầm quyền chủ yếu như:

- Đảng giữ quyền lãnh đạo Nhà nước: Đây là nội dung cầm quyền quan trọng nhất, đặc trưng nhất của đảng cầm quyền. Là đảng cầm quyền, Đảng phải lãnh đạo xây dựng Nhà nước vững mạnh và lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối chính trịcủa Đảng thành pháp luật và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước để lãnh đạo toàn xã hội.

- Đảng lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm thực hiện đường lối chính trịcủa Đảng.

- Đảng giữ quyền lãnh đạo các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

- Đảng giữ quyền lãnh đạo toàn xã hội. Đây là đặc điểm khác biệt có tính đặc thù của đảng cộng sản cầm quyền. Trong thể chế đa đảng ở hầu hết các nước, đảng cầm quyền chỉ nắm và lãnh đạo nhà nước, còn các chính đảng khác hợp thành lực lượng chính trị đối lập với đảng cầm quyền.

Phương thức cầm quyền

Phương thức cầm quyền là cách thức cầm quyền của Đảng, bao gồm tổng thể những hình thức, phương pháp Đảng sử dụng để thực hiện quyền điều khiển Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội nhằm thực hiện nội dung cầm quyền.

Trong các thể chế đa đảng, khi đảng nào giành được vị trí cầm quyền sẽ lập tức bố trí đảng viên vào các vị trí then chốt của bộ máy nhà nước như nghị viện, chính phủ để nắm quyền điều khiển các thiết chế này. Mô hình khá phổ biến là người đứng đầu đảng cầm quyền sẽ đứng đầu nhà nước. Nhưvậy,có thể thấy phương thức cầm quyền phổ biến, quan trọng nhất ở đây là bằng công tác cán bộ. Ngoài ra, đảng cầm quyền có thể sử dụng các biện pháp tổ chức để sắp xếp lại tổ chức và nắm chặt bộ máy nhà nước cho phù hợp đường lối chính trị của đảng. Các đảng cầm quyền cũng thường sử dụng các biện pháp công tác tư tưởng để tuyên truyền, bảo vệ đường lối của đảng cầm quyền.

Các đảng cộng sản cầm quyền nói chung, Đảng ta nói riêng, sau khi giành được chính quyềnđều lãnh đạo thiết lập bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị, các thiết chế xã hội để thực hiện đường lối của Đảng. Đồng thời,Đảng bố trí đảng viên tham gia, nắm giữ những vị trí then chốt của Nhà nước, hệ thống chính trị, các thiết chế xã hội. Từ thực tiễn đó có thể khái quátmột số phương thức cầm quyền chủ yếu sau:

Đảng cầm quyền bằng cán bộ: bố trí đảng viên tham gia, nắm giữ những vị trí then chốt của nhà nước, hệ thống chính trị, các thiết chế xã hội, từ đó mà điều khiển nhà nước, hệ thống chính trị, xã hội theo đường lối, chính sách của đảng.

Đảng cầm quyền bằng tổ chức: sử dụng các biện pháp tổ chức để xây dựng bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị, bộ máy đảng và bảo đảm các tổ chức này hoạt động phù hợp đường lối chính trị của đảng.

Đảng cầm quyền bằng công tác tư tưởng: sử dụng các biện pháp công tác tư tưởng để tuyên truyền, bảo vệ đường lối của đảng, vừa để thực thi các nội dung cầm quyền, vừa để bảo vệ địa vị cầm quyền của Đảng.

Đảng cầm quyền bằng pháp luật: Trong điều kiện đảng cầm quyền, có Nhà nước và hướng đến Nhà nước pháp quyền XHCN, pháp luật là công cụ mạnh mẽ để thực hiện điều khiển hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong khi đó, pháp luật chính là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Trong điều kiện đảng cộng sản cầm quyền thì cầm quyền bằng pháp luật là tất yếu và rất quan trọng.

3. Mối quan hệ giữa nội dung, phương thức lãnh đạo và nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay

Lãnh đạo và cầm quyền là hai vấn đề có quan hệ gắn bó với nhau. Trong điều kiện đã trở thành đảng cầm quyền thì Đảng phải lãnh đạo tốt mới cầm quyền tốt, đồng thời, đảng cầm quyền phải nhận thức rõ nội dung, phương thức cầm quyền mới xác định được nội dung, phương thức lãnh đạo phù hợp. Một mặt, để có và giữ vững địa vị cầm quyền, đòi hỏi Đảng phải có và giữ vững địa vị lãnh đạo, tức Đảng phải luôn có được vị trí tiên phong trong toàn xã hội, luôn được nhân dân tin yêu, đồng tình ủng hộ. Mặt khác, để có và giữ vững địa vị lãnh đạo, thì ngoài việc Đảng phải thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, tức nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách,đảm bảo đúng đắn, hợp lòng dân; làm tốt công tác tư tưởng tạo sự đồng thuận cao trong Đảng và toàn xã hội; làm tốt sứ mệnh “người đày tớ trung thành của nhân dân”, Đảng còn phải thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền của mình, tức làm tốt công tác tổ chức cán bộ, bảo đảm hiệu quả cao trong quản lý của Nhà nước. Việc thực hiện tốt các mặt hoạt động nêu trên sẽ là điều kiện tiên quyết để Đảng luôn giữ vững được lòng tin yêu của nhân dân đối với Đảng, từ đó nhân dân mới tiến cử các đảng viênvào các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Nội dung, phương thức lãnh đạo và nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng có những điểm giống nhau và khác nhau:

Điểm giống nhau:

- Nội dung lãnh đạo và nội dung cầm quyền đều nhằm hướng tới thực hiện mục đích
của Đảng.

- Phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền đều coi trọng các công tác tổ chức, cán bộ, tư tưởng.

 Điểm khác nhau chủ yếu ở chỗ:

- Nội dung lãnh đạo tập trung vào các quyết định lãnh đạo của Đảng, trả lời câu hỏi “Đảng lãnh đạo cái gì?”. Nội dung lãnh đạo gắn liền với hoạt động của từng tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở do đó có sự phân định rất cụ thể, phong phú. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải luôn tìm tòi, xác định nội dung lãnh đạo của mình cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ thường xuyên thay đổi.

Nội dung cầm quyền tập trung vào quyền và trách nhiệm của đảng cầm quyền, trả lời câu hỏi: “Đảng được quyền gì và phải nắm cái gì?”. Khi đảng cầm quyền, nội dung lãnh đạo nhằm vào thực hiện nội dung cầm quyền.

- Phương thức lãnh đạo quan trọng, phổ biến nhất của Đảng là bằng Cư­ơng lĩnh, chiến l­ược, các định h­ướng về chính sách và chủ tr­ương lớn. Phương thức lãnh đạo của Đảng tập trung ở việc xác định đúng đắn đường lối, mục tiêu; ở tính thuyết phục của công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục của Đảng; ở việc toàn Đảng, mỗi đảng viên luôn tự rèn luyện, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu về mọi mặt, trở thành ngọn cờ dẫn đường, vận động, thuyết phục nhân dân tự nguyện đi theo, ủng hộ Đảng, phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, mục tiêu của Đảng.

Phương thức cầm quyền của Đảng tập trung ở việc thực hiện công tác tổ chức, cán bộ. Muốn cầm quyền tốt, Đảng phải thiết kế được mô hình tổ chức của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị phù hợp, bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng; đồng thời có cách thức tốt để phân công, bố trí, kiểm tra, giám sát những cán bộ ưu tú của Đảng giữ những vị trí chủ chốt của bộ máy nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị để điều hành quá trình thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.

______________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 9-2017

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.217.

(2) Hồ Chí Minh:Toàn tập,t.12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.510.

(3) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.4.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.310-311.

(5) Trần Đình Nghiêm: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.64-65.

(6) Nguyễn Hữu Đổng, Ngô Huy Đức: “Nhận thức các khái niệm đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trị (điện tử), ngày 27-9-2013.

 

PGS, TS Nguyễn Văn Giang

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền