Trang chủ    Diễn đàn    Một góp ý về mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở Việt Nam
Thứ năm, 24 Tháng 5 2018 16:44
1736 Lượt xem

Một góp ý về mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở Việt Nam

(LLCT) - Hiện nay, chúng ta đang thí điểm triển khai xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm tạo ra các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển. Để đạt được mục tiêu đề ra, cần quán triệt rõ quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, từ đó xây dựng mô hình tổ chức, thể chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

Trong bối cảnh quốc tế mới, để đẩy mạnh hội nhập phát triển đất nước, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới là hết sức cần thiết và cấp bách. Bởi chỉ có vậy mới tận dụng được hết lợi thế “địa kinh tế” của quốc gia và mô hình này sẽ có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước, nó sẽ là bánh đà thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển.

Năm 2012, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương xây dựng các Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Thực hiện chủ trương này, các địa phương đã tích cực xây dựng và hoàn thiện các Đề án. Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ và Chính phủ đã nhiều lần họp bàn, thảo luận và thống nhất trình Bộ Chính trị xây dựng 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang (Tờ trình số 10/TTr-BCSĐ ngày 24-1-2017 của Ban cán sự đảng Chính phủ về các Đề án).

1. Các quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Một là, phát triểncác đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm công nghệ, trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giải trí trình độ cao, giao thương quốc tế lớn và hiện đại của cả nước, khu vực và quốc tế, phảibảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước;bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của người dân địa phương;bảo vệ tài nguyên, môi trường; bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền.

Hai là, phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải đặt trong quy hoạch tổng thể, mối liên kết phát triển của từng tỉnh với liên kết vùng cũng như cả nước; trong mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới.

Ba là, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần phải có chính sáchưu đãi đặc biệt, vượt trội,đủ sức cạnh tranh quốc tế và được luật hóa. Bộ máy quản lýtinh gọn, hiệu lực hiệu quả, thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.Thu hút mạnh đầu tư, trước hết là nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm đầu tư cơ sở vật chất và kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch. Phát triển các ngành công nghệ cao, ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng phát triển bền vững, không làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch; phục vụ tham quan, du lịch và không làm phá vỡ cảnh quan, môi trường tự nhiên của địa phương. Từng bướcphát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, trước hết là dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, thông tin, hàng không, hàng hải, thương mại, hội chợ, xuất nhập khẩu, nhà ở, văn phòng, hội nghị, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng quốc tế, khu vực.

Bốn là, phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực từ ngân sách, hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách Trung ương, vốn ODA, vốn nước ngoài, vốn đầu tư xã hội... để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhất là phát triển đồng bộ hệ thống giao thông (đường bộ, đường không, đường thủy, cảng hàng không và cảng biển quốc tế, các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách chất lượng cao), hệ thống thông tin liên lạc, truyền hình, phát thanh, cấp điện, cấp nước, thoát nước, nhà ở, các công trình công cộng khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Năm là, phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt xác định rõ bên cạnh những thuận lợi sẽ có nhiều khó khăn, thách thức và những vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm, nên cần triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhưng phảichặt chẽ, bảo đảm tính khả thi và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

2. Góp ý về nguyên tắc và tổ chức bộ máy của hành chính - kinh tế đặc biệt

a. Nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Thứ nhất, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và đặt trong tổng thể hệ thống chính trị nước ta hiện nay.

Thứ hai, thực hiện nhất thể hóa một số chức danh; thu gọn đầu mối bằng cách giải thể hoặc sáp nhập một số cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội... có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương đồng để đảm bảo mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Thứ ba,  phân định rõ hơn chức năng quản lý nhà nước và chức năng dịch vụ hành chính công để hình thành trung tâm dịch vụ hành chính công tách khỏi cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ tư, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một cấp hành chínhtrực thuộc tỉnh, có“quyền tự quản cao”(được trao một sốthẩm quyền quyết định thuộc quyền hạn của các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh - trừ các vấn đề liên quan đếnquốc phòng, an ninh và đối ngoại).

b. Về tổ chức đảng

- Đảng bộ đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt:là Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng bộ tỉnh (gọi tắt là Đảng bộ Đặc khu - số lượng tùy thuộc vào thực tế của địa phương). Có Ban Thường vụ Đặc khu; dưới Đảng bộ Đặc khu có Đảng bộ cơ sở. Bí thư Đặc khu đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đặc khu. Bí thư Đảng ủy phường đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

- Tổ chức đảng ở các cơ quan chuyên môn thuộc đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt:Thành lập các đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Đặc khu.

- Tổ chức đảng ở các xã, thị trấn hiện nay có thể giữ nguyên hiện trạng hoặc thay đổi sao cho phù hợp với điều kiện phát triển của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và trực thuộc Đảng bộ Đặc khu. Giữ nguyên hiện trạng hoặc thay đổi các chi bộ ấp, làng, bản trực thuộc đảng bộ xã, thị trấn để thuận lợi cho sự phát triển.

c. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể

Tổ chức lại theo hướng để dùng chung một bộ máy tham mưu giúp việc của Mặt trận Tổ quốc với các đoàn thể chính trị - xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân) và lấy tên gọi là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; cơ cấu một số trưởng các tổ chức thành viên là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc.

d. Bộ máy chính quyền

Chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (có thể gọi là Đặc khu hành chính) được tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị hai cấp hành chính, gọi là Ủy ban nhân dân Đặc khu, không tổ chức Hội đồng nhân dân. Dưới Đặc khu tổ chức các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Người đứng đầu cơ quan hành chính Đặc khu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đặc khu do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm sau khi có thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đặc khu do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đặc khu giới thiệu và bổ nhiệm sau khi được Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh trình và có ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tổ chức bộ máy của Đặc khu đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu quả, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; sáp nhập một số cơ quan giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền theo hướng kết hợp hài hòa vai trò lãnh đạo của Đảng với chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân Đặc khu.

Ban lãnh đạo chính quyền Đặc khu:Ủy ban nhân dân Đặc khu gồm có số lượng thành viên phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng Đặc khu và có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên Ủy ban nhân dân.

Các cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ủy ban nhân dân Đặc khu gồm:Văn phòng; Ban Tổ chức và quản lý nguồn nhân lực; Ban Kinh tế tổng hợp; Ban Phát triển hạ tầng; Ban Tài nguyên - Môi trường; Ban Chính sách xã hội; Ủy ban Kiểm tra - Xử lý kỷ luật; Ban Tư tưởng - Tuyên truyền - Vận động; Trung tâm Dịch vụ hành chính công; Trung tâm Xúc tiến đầu tư.  

- Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân Đặc khu

Chức năng: Tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại, quản lý nhà nước trên địa bàn Đặc khu; thực hiện cung ứng dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hỗ trợ khác trên địa bàn Đặc khu cho nhân dân và doanh nghiệp.

Nhiệm vụ, quyền hạn:Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn chung quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cũng cần phải xây dựng và ban hành luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đặc khu có một số nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù như sau:

Thực hiện một số nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phân cấp, ủy quyền theo quy định;

Được quyết định việc thành lập, sắp xếp, bố trí bộ máy các cơ quan quản lý hành chính, tuyển dụng nhân sự vào làm việc trong bộ máy, chế độ dịch vụ công hiện đại, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính;

Ban hành các quy định cụ thể để quản lý hành chính và kinh tế tại Đặc khu theo mức độ hội nhập quốc tế cao;

Được quyết định số lượng biên chế, bộ máy giúp việc theo hướng tinh gọn, trả lương tối thiểu cao hơn so với quy định chung tùy vào khả năng ngân sách của địa phương;

Ký hợp đồng với toàn bộ công chức, trừ một số vị trí do bầu cử hoặc chỉ định trên cơ sở quỹ tiền lương giao khoán.

- Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn

Văn phòng(hợp nhất Văn phòng UBND huyện; Văn phòng Huyện ủy) Có chức năng tham mưu, tổng hợp, đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của Đặc khu ủy, Ủy ban nhân dân và lãnh đạo Đặc khu. Tham mưu về công tác ngoại vụ, văn thư lưu trữ; Phối hợp với các cơ quan thuộc Đặc khu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Ban Tổ chức và quản lý nguồn nhân lực(hợp nhấtPhòng Nội vụ, Ban Tổ chức Huyện ủy; một phần Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tư pháp):Có chức năng tham mưu về công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, biên chế, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền, địa giới hành chính, công chức, viên chức; lao động - việc làm, tiền lương, quản lý doanh nghiệp; công tác thi đua khen thưởng, tư pháp; công tác quản lý tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; bảo vệ chính trị nội bộ; phối hợp với các cơ quan thuộc Đặc khu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Ban Kinh tế tổng hợp(hợp nhấtPhòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Kinh tế, Phòng Đầu tư): Có chức năng tham mưu, tổ chức thực hiện chính sách và quản lý nhà nước các ngành: công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch - dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp; quy hoạch phát triển chung kinh tế - xã hội, kế hoạch, quy hoạch, đầu tư, tài chính, tài sản,quản lý doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh,khoa học và công nghệ...; phối hợp với các cơ quan thuộc Đặc khu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Ban Phát triển hạ tầng(toàn bộ nhiệm vụPhòng Quản lý đô thị, Phòng Xây dựng và những đơn vị có liên quan đến xây dựng cơ bản): Có chức năng tham mưu, tổ chức thực hiện và quản lý nhà nước về các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, quản lý đô thị, kiến trúc - quy hoạch, nhà ở và công sở, vật liệu xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị,...; phối hợp với các cơ quan thuộc Đặc khu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Ban Tài nguyên và Môi trường(toàn bộPhòng Tài nguyên - Môi trường, văn phòng đăng ký nhà đất): Có chức năng tham mưu, tổ chức thực hiện và quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, quan trắc, môi trường, khí tượng, thủy văn, đo đạc, bản đồ, biển đảo; phối hợp với các cơ quan thuộc Đặc khu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Ban Chính sách xã hội (hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Y tế, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo): Có chức năng tham mưu, tổ chức thực hiện các chính sách và quản lý nhà nước về các lĩnh vực giáo dục - đào tạo; văn hóa, gia đình, trẻ em, thể dục - thể thao, y tế; các vấn đề xã hội và an sinh xã hội, thương binh và người có công; phối hợp với các cơ quan thuộc Đặc khu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Ủy ban Kiểm tra - Xử lỷ kỷ luật (hợp nhấtThanh tra huyện, Ủy ban Kiểm tra): Có chức năng tham mưu, tổ chức thực hiện và quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kỷ luật đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phối hợp với các cơ quan thuộc Đặc khu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Ban Tư tưởng - Tuyên truyền - Vận động(hợp nhất Ban Tuyên giáo,Ban Dân vận, Phòng Dân tộc và một phần của Phòng Văn hóa và Thông tin): Có chức năng tham mưu, tổ chức thực hiện và quản lý nhà nước công tác giáo dục tư tưởng, vận động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp và quần chúng nhân dân; công tác thông tin, truyền thông và tôn giáo, dân tộc; phối hợp với các cơ quan thuộc Đặc khu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Trung tâm Dịch vụ hành chính công:Là bộ phận một cửa duy nhấttiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân đến giao dịch với chính quyền Đặc khu. Phối hợp với các cơ quan thuộc Đặc khu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư:Có chức năng tham mưu, tổchức thực hiện và quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường; thực hiện các hoạt động tư vấn đầu tư và hỗ trợ doanhnghiệp; phối hợpvới các cơ quan thuộc Đặc khu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

- Các đơn vị sự nghiệp

Chuyển các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện sang trực thuộc Ủy ban nhân dân Đặc khu. Chuyển các đơn vị sự nghiệp từ trực thuộc các phòng chuyên môn hiện nay sang các Ban chuyên môn thuộc Đặc khu.

- Mối quan hệ giữa Ủy ban nhân dân Đặc khu với tỉnh và Trung ương

Ngoài những nội dung công việc được phân cấp, ủy quyền thì Ủy ban nhân dân Đặc khu là cơ quan chấp hành của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính cấp tỉnh (sở, ban, ngành, thànhphố, huyện, thị xã) với chính quyền Đặc khu là quan hệ phối hợp theo lĩnh vực địa bàn, lãnh thổ.

Các cơ quan chuyên môn thuộc Đặc khu chịu sự kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan cấp trên (sở, ban, ngành cấp tỉnh) và chịu sự quản lý điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính Đặc khu.

Tuy nhiên để công việc được hiệu quả, tránh việc mất thời gian xin cấp phép, xin thủ tục, xin chỉ đạo thì cần có cơ chế làm việc rõ ràng và tính tự chịu trách nhiệm của UBND Đặc khu là rất cao.

- Cơ chế giám sát, kiểm tra của chính quyền cấp tỉnh và Đặc khu ủy đối với UBND Đặc khu

Nâng cao vai trò giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đối với Đặc khu.

Tổ chức lại Tổ đại biểu HĐND tỉnh đối với Đặc khu nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giám sát việc thực thi nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân Đặc khu khi không tổ chức HĐND:

Tổ đại biểu HĐND tỉnh là cơ quan đại diện của nhân dân Đặc khu tại HĐND tỉnh, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân Đặc khu.

Kiến nghị HĐND tỉnh quyết nghị những chủ trương, biện pháp thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn về an ninh, quốc phòng, ngoại giao... theo thẩm quyền của HĐND tỉnh tại Đặc khu.

Cơ cấu tổ chức: Tăng số đại biểu của Tổ đại biểu từ 3 hiện nay lên 5 đại biểu; các đại biểu làm việc chuyên trách tại Văn phòng Tổ đại biểu trong Đặc khu. Tổ đại biểu gồm Tổ trưởng (có thể có Tổ phó do Tổ trưởng quyết định) và các đại biểu thành viên. Tổ trưởng do Tổ đại biểu bầu.

Tăng cường kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy và Đặc khu ủy.

e. Tổ chức bộ máy cấp dưới trực tiếp của Đặc khu

- Không tổ chức HĐND cấp phường (hiện nay là xã, thị trấn); cơ quan hành chính phường là Ủy ban nhân dân.

- Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Ủy ban nhân dân phường:

+ Ủy ban nhân dân phường là một cấp hành chính trực thuộc Ủy ban nhân dân Đặc khu. Bao gồm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, 1 Phó Bí thư và 2 Phó Chủ tịch và các cán bộ, công chức chuyên môn, nghiệp vụ.

+ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường do cấp ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường giới thiệu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đặc khu quyết định bổ nhiệm.

+ Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường giữ nguyên như quy định hiện hành.

g. Các cơ quan chuyên môn khác Quân sự, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thuế, Kho bạc, Hải quan, Thống kê, Bảo hiểm xã hội... được tổ chức phù hợp với mô hình mới.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

1. Ban Chấp hành Trung ương: Thông báo Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 07-5-2015, Hà Nội, 2015.

2. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1-11-2016 Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Hà Nội, 2016.

3. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 15 và số 17-NQ/TW ngày 30-7-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, Hà Nội, 2017.

4. Chính phủ: Hồ sơ dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (kèm theo Tờ trình số 363/TTr-CP ngày 31-8-2017 của Chính phủ, Hà Nội, 2017.

5. Chính phủ: Tờ trình số 78/TTr-CP ngày 10-3-2017 của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Hà Nội, 2017.

6. Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa (2017), tỉnh Khánh Hòa.

7. Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc (2017) tỉnh Kiên Giang.

8. Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (2017) tỉnh Quảng Ninh.

9. Quốc hội: Luật Đầu tư năm 2014.

10. Quốc hội: Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13.

11. Trần Anh Tuấn: “Tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”, Tạp chí Lý luận chính trịsố 11/2017.

 

ThS Đinh Thanh Tùng

Ban Thanh tra,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền