Trang chủ    Diễn đàn    Đôi điều góp ý với các tác giả bài viết: “Giá trị và hạn chế của chủ nghĩa Mác về vấn đề tôn giáo dưới góc nhìn tôn giáo học”
Thứ hai, 11 Tháng 6 2018 16:58
3441 Lượt xem

Đôi điều góp ý với các tác giả bài viết: “Giá trị và hạn chế của chủ nghĩa Mác về vấn đề tôn giáo dưới góc nhìn tôn giáo học”

(LLCT) - Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong đó có hệ thống quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về tôn giáo là trách nhiệm, nghĩa vụ của những người Cộng sản. Vì thế, Tạp chí Lý luận chính trị đăng bài “Giá trị và hạn chế của chủ nghĩa Mác về vấn đề tôn giáo dưới góc nhìn tôn giáo học”, của TS Lê Tâm Đắc và PGS Nguyễn Đức Sự là cấp thiết và bổ ích. Tuy nhiên, có một số nội dung trong bài viết này tôi không đồng tình, xin được trao đổi để giúp bạn đọc xa gần tránh những hiểu lầm về chủ nghĩa Mác nói chung và những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về vấn đề tôn giáo nói riêng.

Bài viết “Giá trị và hạn chế của chủ nghĩa Mác về vấn đề tôn giáo dưới góc nhìn tôn giáo học” đã giúp bạn đọc nhận thức rõ hơn một số giá trị của chủ nghĩa Mác về tôn giáo. Tuy nhiên, tôi không tán thành với quan điểm của các tác giả ở một số nội dung sau:   

Thứ nhất, các tác giả bài viết đã không tường minh khi sử dụng một số thuật ngữ, khái niệm trong bài viết của mình.

Dưới tiêu đề: “Giá trị và hạn chế của chủ nghĩa Mác về vấn đề tôn giáo dưới góc nhìn tôn giáo học”, các tác giả bài viết muốn khẳng định toàn bộ  nội dung bài viết được nhìn nhận, đánh giá dưới góc nhìn của tôn giáo học, không phải nhận xét dưới góc nhìn triết học, chính trị học, xã hội học…. Đáng ra, các tác giả phải giải thích ngay cho độc giả góc nhìn, phương pháp tiếp cận tôn giáo học là gì, nhưng toàn bài không có nội dung giải thích cho cụm từ “góc nhìn tôn giáo học”. Trong khi, trên thế giới hiện nay có rất nhiều trường phái nghiên cứu tôn giáo, với cách nhìn không giống nhau, thậm chí đối lập nhau. Theo tôi, có thể cái tôn giáo học mà các tác giả muốn trình bày ở đây là tôn giáo học mác xít. Tôn giáo được nghiên cứu trên lập trường chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, với hệ thống nguyên tắc phương pháp luận: khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển và gắn với thực tiễn. Chính đứng vững trên lập trường cách mạng triệt để, thế giới quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng đã không chỉ giúp C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng nên tượng đài vĩ đại của mình vào lịch sử tư tưởng nhân loại; mà còn giúp những người học trò trung thành của C.Mác đạt được những thành tựu to lớn, không thể phủ nhận trong cải tạo thế giới, trong đó có vấn đề tôn giáo. Cho dù “tôn giáo học đương đại không chỉ dừng lại xem xét tôn giáo dưới dạng các hình thái, thể chế và các văn bản giáo điều của nó, mà chú ý nhiều hơn ở khía cạnh trải nghiệm cá nhân của những người thực hành tôn giáo”(1), thì để đạt kết quả những Đảng viên Cộng sản như tôi và các tác giả cũng phải đứng vững trên lập trường duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, xuất phát từ tồn tại xã hội, từ phương thức sản xuất, từ cơ sở hạ tầng nhằm hướng tới bảo vệ, phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc để nghiên cứu, xem xét tôn giáo.

Còn nếu như các tác giả bài viết cho rằng “sự đối lập không đáng có giữa duy tâm và duy vật, giữa hữu thần và vô thần…”(2) thì giữa chúng ta khó có thể cùng tranh luận để tìm ra chân lý. Bởi vì, cụm từ “không đáng có” đồng nghĩa với việc sự đối lập giữa duy vật và duy tâm, giữa hữu thần và vô thần đáng ra về khách quan là không có; nó có là do “chúng ta” nghĩ ra, tưởng tượng ra. Song, những ai đã từng nghiên cứu lịch sử triết học đều biết: sự đối lập, theo đó là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm đã xuất hiện ít nhất cách đây gần 3000 năm, mà điển hình là cuộc đấu tranh giữa Đêmôcrit và Platôn. Cuộc đấu tranh đó đã trở thành động lực, thành quy luật nội tại thúc đẩy sự phát triển của tư tưởng triết học nhân loại. Gắn với sự đối lập giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật là sự đối lập giữa hữu thần và vô thần. Vì những người hữu thần, là những người thừa nhận: thần thánh không những tồn tại khách quan mà còn có trước, sinh ra mọi sự vật, hiện tượng. Nhưng thần thánh không tồn tại khách quan, mà chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của con người, là sản phẩm của ý thức, nên người hữu thần thực chất là những người duy tâm khách quan. Những người vô thần, dù là vô thần cực đoan hay vô thần khoa học, đều là người “phủ định thần linh và khẳng định tồn tại của con người ”. Nên người vô thần về bản chất là người duy vật. Đúng như C.Mác khẳng định: “họ đơn giản đã đoạn tuyệt với thần thánh, họ sống và suy nghĩ trong thế giới hiện thực và do đó họ là người duy vật  chủ nghĩa”(3).

Sự đối lập giữa vô thần hay hữu thần không chỉ mang tính khách quan, tồn tại từ rất sớm trong lịch sử, mà còn tác động rất lớn đến các vấn đề chính trị xã hội, đến nhân cách của mỗi con người. Trong tác phẩm “Bản thảo kinh tế - triết học”, C.Mác khẳng định: “Chủ nghĩa cộng sản bắt đầu ngay lập tức từ chủ nghĩa vô thần”(4). Như vậy, con người chỉ có thể bắt đầu xây dựng một xã hội với tính cách là sự chiếm hữu thực sự bản chất người, bởi con người, vì con người, khi con người rũ bỏ được thánh thần, rũ bỏ được sự yếu hèn, dựa dẫm vào lực lượng siêu nhiên, lấy lại niềm tin, lấy lại dũng khí, tin tưởng vào sức mạnh của chính mình. Với mỗi cá nhân, rũ bỏ được niềm tin vào thánh thần, sẽ giúp mỗi người mạnh mẽ hơn, tin tưởng, quyết tâm hơn. Có rất nhiều ví dụ để minh chứng cho luận điểm này. Nhưng sự kiện gần đây nhất, em Ngân Hà một học sinh Việt Nam đã nhận được học bổng của 5 trường đại học Mỹ, với những ưu thế vượt trội, trong đó quan trọng nhất là chất lượng của bài luận với tựa đề: “Độc lập và vô thần”(5), đã phần nào khẳng định tư tưởng vô thần có vai trò to lớn như thế nào, để giúp bài luận chinh phục được rất nhiều thầy cô trong các ban giám khảo của các trường đại học Mỹ, vốn đa phần không phải là những người mác xít.

Thứ hai, một số luận điểm trong bài viết không đúng với quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen

Một trong những luận điểm gây sốc nhất trong bài viết của các tác giả là: “…tôn giáo là một căn tính của con người. Tính tôn giáo trong mỗi người chỉ đợi hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi để biểu hiện ra bên ngoài qua niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo”(6),từ đó các tác giả đã đồng tình với quan điểm của một tác giả khác “...tôn giáo ra đời cùng vớiloài người và sẽ chết đi với loài người…”(7).

Trước hết, đối chiếu với toàn bộ những nội dung các tác giả luận giải từ phần trên đến luận điểm: “…tôn giáo là một căn tính của con người. Tính tôn giáo trong mỗi người chỉ đợi hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi để biểu hiện ra bên ngoài qua niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo”, các tác giả bài viết đã vi phạm lỗi logic, khi không có quan niệm thống nhất về tôn giáo. Ở phần trên tác giả cho rằng cần xem “tôn giáo không chỉ là một hình thái ý thức xã hội, …mà còn là một hiện tượng xã hội, một lực lượng xã hội, một thực thể xã hội”(8). Bao gồm hệ thống giáo điều các thiết chế tôn giáo, các nghi lễ và các hoạt động thực hành tôn giáo… nhưng đến đây các tác giả lại coi tôn giáo như một thuộc tính vốn có ở trong mỗi cá nhân con người, khi có điều kiện được biểu hiện ra bên ngoài qua niềm tin và thực hành tôn giáo.

Luận điểm của các tác giả không chỉ vi phạm lỗi lôgic hình thức, mà quan trọng hơn không phản ánh đúng hiện thực khách quan của lịch sử hình thành phát triển của loài người.

Không biết căn cứ vào những cơ sở lý luận và thực tiễn nào mà các tác giả đi tới khẳng định: “tôn giáo là căn tính của con người”???. Còn nếu căn cứ vào “sự sâu sắc và khoa học trong giáo lý tôn giáo”(9) thì khó có gì để tranh luận. Vì xưa nay, chưa ai có thể chứng minh được tính khoa học của các giáo lý tôn giáo. Có rất nhiều luận điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin phê phán tính phi khoa học của những tín điều tôn giáo, tôi không tiện dẫn ra đây; chỉ xin dẫn ra đây quan niệm của Phrớt, một người chưa bao giờ là người mác xít để bạn đọc tham khảo. Phrớt coi:“tôn giáo là kẻ thù của tiến bộ và khai sáng con người ....”(10)

Luận điểm của các tác giả bài viết, như tôi được biết có thể xuất phát từ quan điểm của Lu i Blăng(11), của Hêghen(12) hoặc chỉ là một sản phẩm chiết tự, suy diễn từ “Từ tôn giáo là bắt nguồn từ từ  religare mà ra và lúc đầu có nghĩa là liên hệ, do đó, mọi sự liên hệ giữa hai người đều là tôn giáo”(13). Các quan điểm và cách suy diễn khác lạ này, không chỉ bị C.Mác, Ph.Ăngghen mà cả L.Phoiơbắc và các nhà duy vật Pháp thế kỷ XVIII kiên quyết phê phán và phủ nhận.      

Về thực tiễn, mọi người đều hiểu rằng con người, muốn tồn tại phát triển, trước hết phải có ăn, mặc, ở, sinh hoạt và phương tiện đi lại sau mới nói đến chính trị, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật… Muốn có ăn, có mặc.. con người trước hết phải lao động, phải chế tạo công cụ sản xuất, theo đó trên một góc độ nào đó chính lao động đã tạo ra con người, bản chất con người và suy đến cùng trình độ phát triển của xã hội, của một con người được đánh giá  thông qua lao động. Vì thế một xã hội, một cộng đồng, một người không lao động không có gì để nói cả. Nên lao động mới là thuộc tính căn bản của con người. Từ đây có thay luận đề con người trước hết phải có ăn, có mặc, sau đó mới bàn đến chính trị, triết học, đạo đức, nghệ thuật và tôn giáo, bằng luận đề con người trước hết phải lao động sản xuất ra của cải vật chất sau đó mới bàn đến, nghĩ đến tôn giáo và những vấn đề kiến trúc thượng tầng khác.

Do vậy, đã có thời kỳ rất dài, kể từ khi con người bước ra khỏi thế giới động vật, con người đã không cần đến tôn giáo, cũng như những em bé sinh ra không biết đến tôn giáo, không biết yêu ma, thần phật là gì, mà chỉ biết đến tôn giáo thông qua người lớn, xã hội “dạy” cho nó biết về tôn giáo. Với những nhận định về lịch sử không có tôn giáo của loài người, đã được nhiều ngành khoa học chứng minh, trong đó quan trọng nhất là ngành khảo cổ học; còn với một em bé, chỉ cần để tâm theo dõi, quan sát sẽ cho ta rất nhiều ví dụ sinh động.

Từ quan điểm “tôn giáo là căn tính của con người” của các tác giả bài viết, có thể suy rộng ra “ai không có tôn giáo không phải con người”, người vô thần không phải là người. Nhưng trong lịch sử, ngoài C.Mác và Ph.Ăngghen luôn kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện mê tín, V.I.Lênin coi “…đấu tranh chống tôn giáo. Đó là điều sơ đẳng của toàn bộ chủ nghĩa duy vật, và do đó, của chủ nghĩa Mác”(14) còn có rất nhiều vĩ nhân ở nhiều lĩnh vực, nhiều nơi trên thế giới, ở nhiều thời điểm khác nhau, thậm chí ngay cả ở Việt Nam cũng có không ít hơn hai vị vua thời phong kiến là người kiên quyết chống tôn giáo. Người thứ nhất là Lê Thánh Tông, vị vua anh minh vào bậc nhất Việt Nam từng “chống ảo tưởng của các tôn giáo, chống các quan niệm báo ứng, họa phúc của Phật giáo, Đạo giáo và của các thầy địa lý đương thời, vạch ra sự phi lý của các quan niệm đó. Ông phê phán sự hoang đường và bất lực của Phật giáo: "Nói những thiên đường cùng địa ngục, pháp sao chẳng độ được mình ta" hoặc ông phê phán sự lừa dối và bất lực của Đạo giáo: “Đội luật thiên tôn đi độ thế, độ người ai kẻ độ mình ta”(15). Người thứ hai là Thượng hoàng Trần Minh Tông, Ông thà chết chứ quyết không thực hành các nghi lễ mê tín: “Năm 1357, Thượng hoàng Trần Minh Tông (1300 - 1357) ốm nặng, triều đình muốn lập đàn chay cầu đảo để mong Thượng hoàng qua khỏi… việc lập đàn đó là do Phạm Ứng Mộng khởi xướng, xin được chết thay Thượng hoàng. Minh Tông nghe vậy liền bảo rằng: “Nếu Ứng Mộng tự nhận là địa vị Chu Công thì bảo hắn cứ lấy mình mà chết thay cho cha hắn, còn lập đàn chay thì ta không làm”. Sau đó, Hiền Từ thái hậu (phu nhân của Thượng hoàng) lại tổ chức phóng sinh nhiều loại chim thú để cầu cho ông khỏi bệnh, Minh Tông biết tin liền bảo rằng: “Thân của ta không thể lấy con dê, con lợn mà đổi được”(16).

Hiện nay, tuy tình hình tôn giáo trên thế giới có nhiều phức tạp, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn quy định: “…Người đảng viên Cộng sản là người vô thần. Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng là để nói với công dân, chứ không thể thích hợp với đảng viên Cộng sản. Một người đảng viên Cộng sản khác với một người công dân bình thường, là thành viên của Đảng mác - xít, phải là người vô thần chứ không thể là người hữu thần. Đảng viên không được theo đạo, không được tham gia các hoạt động tôn giáo”(17). Trong một khảo sát gần đây, có 61% số người Trung Quốc được hỏi đã khẳng định mình là người vô thần”(18). Phải chăng theo lôgic của các tác giả bài viết, hàng triệu, hàng triệu con người này, trong đó có những vĩ nhân không phải là người, vì họ không có tôn giáo???

Để có cơ sở xem xét luận điểm: “tôn giáo là căn tính của con người” đã sai lệch với chủ nghĩa Mác như thế nào, xin nghiên cứu thêm hai câu trích sau đây của C.Mác và Ph.Ăngghen về mối quan hệ giữa vô thần và tôn giáo.  “một người vô thần có thể là một người đáng kính rằnghạ thấp con người không phải là thuyết vô thần mà là sự mê tín và sự sùng bái thần tượng”(19).Và  “Con người không có một lối thoát nào khác…là khắc phục một cách căn bản tất cả mọi quan niệm tôn giáo và quay trở về một cách kiên quyết, thành thực không phải với Thượng đế mà với bản chất của mình”(20).

Tôi không đồng tình với luận điểm “..tôn giáo ra đời cùng với loài người và sẽ chết đi với loài người….”(21). Bởi vì, những nội dung luận giải trên đây của tôi đã phần nào phủ nhận mệnh đề “tôn giáo ra đời cùng với loài người”. Đến đây, xin được giải thích gọn lại: một là, hành vi đầu tiên khi con người bước ra khỏi thế giới động vật là hành vi lao động sản xuất, là những suy nghĩ hành động để tạo ra cái ăn, cái mặc duy trì sự sống, họ chưa có thời gian, điều kiện để sinh ra tôn giáo, để suy tư, cầu cúng thánh thần; hai là, suy tư về cái chết, suy tư về thánh thần, về tôn giáo phải là kết quả của tư duy trừu tượng, nhưng khi mới bước ra khỏi giới động vật, con người chưa biết chôn đồng loại, “Người Béc Linh, người Vê Lê Táp hoặc người Vin Xơ đến thế kỷ X vẫn còn ăn thịt bố mẹ của mình”(22), theo đó chưa có suy tư về cái chết, chưa có tư duy trừu tượng, vì tư duy trừu tượng phải là kết quả phát triển lâu dài của bộ não người, lao động và ngôn ngữ. Do sự phát triển rất chậm của công cụ sản xuất nên quá trình này phải kéo dài hàng vạn năm. Ba là, tôn giáo với tính cách là một thực thể xã hội hoàn chỉnh bao gồm ý thức tôn giáo; tổ chức tôn giáo và hoạt động tôn giáo chỉ xuất hiện khi lực lượng sản xuất đã phát triển đến một trình độ nhất định, khi sản xuất không chỉ đủ nuôi sống những người trực tiếp sản xuất, mà còn đủ sức nuôi sống những người tách khỏi sản xuất chuyên làm nhiệm vụ cầu cúng thánh thần. Loại hình tôn giáo này còn xuất hiện sau khi con người bước ra khỏi thế giới động vật nhiều vạn năm.

Mệnh đề “tôn giáo … sẽ chết đi cùng với loài người” của các tác giả bài viết cũng là mệnh đề không đúng với quan điểm của chủ nghĩa Mác, khi chủ nghĩa Mác khẳng định: “Tất cả những tôn giáo đã từng tồn tại cho đến nay đều là biểu hiện của những trình độ phát triển lịch sử khác nhau của từng dân tộc hoặc của quần chúng nhân dân. Còn chủ nghĩa Cộng sản là giai đoạn phát triển lịch sử làm cho tất cả các tôn giáo hiện hành trở nên không cần thiết và bị gỡ bỏ”(23). Vì sao chủ nghĩa Mác lại đưa ra khẳng định này, xin được khái quát trên một số nội dung. Một là, chủ nghĩa Mác cho rằng:“Sự khốn cùng dạy người ta cầu nguyện…”(24), nên khi không còn khốn cùng nữa người ta sẽ không cầu nguyện, không cần đến tôn giáo và tôn giáo không có lý do tồn tại. Cái giai đoạn ấy, cái thời điểm đó chính là chủ nghĩa Cộng sản, khi lực lượng sản xuất xã hội đã phát triển cao độ, vượt lên cả chủ nghĩa tư bản hiện đại, xã hội không còn chế độ tư hữu, con người không còn bị những giai cấp thống trị bóc lột, trấn và cướp gây nên những nỗi kinh hoàng hơn cả động đất và núi lửa; con người không còn phải cạnh tranh sinh tồn mang tính cá nhân, con người hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình và họ làm hết năng lực, theo năng lực và hưởng theo nhu cầu và do đó mọi sự khốn cùng về xã hội sẽ không còn tồn tại. Cùng với sự phát triển không cùng của lực lượng sản xuất, của khoa học và công nghệ, con người ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn các quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy, trong đó có sự sống và cái chết. Từ đó, cái chết không làm cho con người sợ hãi, con người từ vương quốc tất yếu, chịu sự chi phối của các quy luật, của cái tất yếu, sang vương quốc tự do, làm chủ các quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy. Đến đây sẽ chấm dứt sự khốn cùng của con người trong nhận thức, trong tâm lý và sự sợ hãi cái chết, khát vọng sống sau cái chết, vốn vẫn là mảnh đất để các tín ngưỡng, tôn giáo khai thác tồn tại cũng không còn nữa. Đương nhiên, chủ nghĩa Mác kiên quyết phê phán với những suy nghĩ, hành động cực đoan với tôn giáo, tuyên chiến với tôn giáo, mà đòi hỏi phải bình tĩnh, kiên trì và nhẫn lại, đưa khoa học vào cuộc đấu tranh chống tôn giáo, “thủ tiêutôn giáo…bằng con đường mà nó dùng để đi tới hủy bỏ chế độ tư hữu”(25).

Nghiên cứu để bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác, trong đó có hệ thống quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về tôn giáo là điều luôn luôn khó và càng phức tạp hơn trong điều kiện ngày nay. Song nếu tự mình nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng, hệ thống các tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen, kết hợp với những chỉ dẫn của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh gắn với thực tiễn cách mạng phong phú hiện nay chắc chắn chúng ta sẽ có những kết quả tốt đẹp.

_____________________

(1), (18) PGS, TS Đỗ Lan Hiền (Chủ biên):“Những biến động trong đời sống tôn giáo hiện nay và tác động của nó đến lối sống người Việt”, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 9, 46.

(2), (6), (8), (9) TS Lê Tâm Đắc, PGS Nguyễn Đức Sự:“Giá trị và hạn chế của chủ nghĩa Mác về vấn đề tôn giáo dưới góc nhìn tôn giáo học”, Tạp chí Lý luận chính trị số 2/2018,  tr. 56, 56, 56, 56.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 718 - 722.

(4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 42, tr. 169.

(5) Nguyên Quỳnh: “Gặp nữ sinh dành học bổng 5 trường đại học ở Mỹ”, Báo giáo dục và thời đại, số đặc biệt  tháng 4-2018, tr. 6.

(7), (21) Đặng Nghiêm Vạn: Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

(10) Mai Thanh Hải : “Từ điển tôn giáo”, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2002, tr. 513.

(11), (13) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.  417, 417.

(12) GS, TS Nguyễn Trọng Chuẩn: “Quan niệm của Hêghen vè bản chất của triết học”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 114. 

(14) V.I.Lênin: Toàn tập, t.17, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 514.

(15) Tổng cục Chính trị, Học viện Chính trị Quân sự: Giáo trình Lịch sử triết học, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 100.

(16) Thạch Thiết hà:“Nhân cách vị Thượng hoàng qua ứng xử với trận ốm năm Dậu”, Tạp chí Kiểm tra, số 1/2017, tr. 94.

(17) Văn kiện số 19, Quan điểm cơ bản và chính sách cơ bản về vấn đề tôn giáo thời kỳ xã hội chủ nghĩa ở nước ta,Tài liệu tham khảo - Bồi dưỡng ngắn hạn về tôn giáo, H. 2002.

(19), (24) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 194, 470.

(20), (23), (25) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 820 – 821, 522, 540.

(22) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 649.

 

PGS, TS Vũ Quang Tạo

Khoa Triết học Mác – Lênin,

Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền