Trang chủ    Diễn đàn    Chống thất thoát tài sản nhà nước trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Thứ năm, 28 Tháng 6 2018 16:18
1722 Lượt xem

Chống thất thoát tài sản nhà nước trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

(LLCT) - Thời gian qua, do quy định pháp luật chưa sát thực tế, còn nhiều kẽ hở nên quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã bị một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng gây thất thoát lớn tài sản nhà nước, nhất là về đất đai. Do vậy, cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật đất đai 2013 về bán đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định về thu hồi đất; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về cổ phần hóa, bán vốn; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…

Theo Quyết định số 58/2016/QÐ-TTg ngày 28-12-2016, về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, có 103 doanh nghiệp nhà nước nắm 100% vốn điều lệ; 4 doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần hơn 65%; 27 doanh nghiệp từ 50% đến 65% và 106 doanh nghiệp dưới 50%. Như vậy có thể thấy, tài sản nhà nước trong các DNNN hầu hết đã được chuyển giao hình thức sở hữu cho các thành phần kinh tế khác, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quá trình này vừa đạt được hiệu quả, vừa tránh làm thất thoát tài sản nhà nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, từ ngày 1-7-2014 đến ngày 30-11-2016, có tới 60 trường hợp DNNN, DNNN cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa. Nhiều dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Nhiều dự án lớn, nhiều khu “đất vàng” đã được thực hiện mua bán, sang nhượng cho các nhà đầu tư khác, DNNN chỉ còn đứng tên chủ đầu tư trên danh nghĩa. Chẳng hạn, dự án Riva Park (504 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.Hồ Chí Minh) được chuyển đổi 4.785m2đất sản xuất kinh doanh sang xây dựng nhà cao tầngvới 320 căn hộ thương mại dịch vụ do Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, Vietcomreal mới là chủ thật sự và đã bán gần hết các căn hộ này.

Bộ Tài chính nhận định, hiện nay tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khi giao đất, cho thuê đất đối với đất nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, như trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước đã không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định cụ thể về phương pháp xác định giá đất bảo đảm minh bạch, sát giá thị trường. Việc xác định giá đất hiện nay chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng chưa sát với giá thị trường, tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cần đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất và không qua đấu giá, chuyển danh sách các cơ sở nhà, đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017 của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định Luật Đất đai năm 2013 về bán đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định về thu hồi đất.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả công tác sắp xếp, cổ phần hóa, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa DNNN, cần quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về cổ phần hóa, bán vốn…Tăng cường việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; Rà soát, xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ theo cơ chế thị trường; các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp do các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hóa, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá doanh nghiệp theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18-7-2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.

Các trường hợp cần thiết khác không phân biệt quy mô vốn chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước; có thể thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm và sử dụng kết quả này thực hiện chào bán cổ phần ra quốc tế.

Dư luận hiện nay đang quan ngại trước nguy cơ diện tích đất của các dự án cổ phần hóa được định giá, cho khai thác, cho thuê hoặc bán với giá quá thấp, nhất là do tình trạng "chân gỗ", "quân xanh quân đỏ" trong công tác đấu giávà được tăng tốc bằng những khoản tiền “bôi trơn” khổng lồ. Đơn cử, quỹ đất vàng trên đường Lê Duẩn của Công ty Xổ số Kiến Thiết TP.Hồ Chí Minhđượcrao bán với giá hơn 800 tỷ đồng, nhưng khi tổ chức đấu giá, giá trị lên tới gần 2.000 tỷđồng. Theo phê duyệt của UBND TP.Hà Nội, tính đến ngày 1-7-2016, giá trị doanh nghiệp xác định lại của Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) là 4.043 tỷ đồng. Điểm khiến giới đầu tư săn đón Hapro trong việc cổ phần hóa sắp tới chính là những lợi thế thương mại từ đất tại những vị trí đắc địa (Tràng Thi, Ngô Thì Nhậm, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Cát Linh, Phạm Ngọc Thạch...).

Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Đặc biệt, cần bổ sung những chế định đấu giá quyền sử dụng đất và sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất, để bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Mặt khác, để tạo điều kiện cho các dự án hợp lệ có chuyển đổi đất đang triển khai sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, cần cho phép các dự án này tiếp tục thực hiện với điều kiện doanh nghiệp phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra của cơ quan có thẩm quyền.

Để tránh thất thoát tài sản nhà nước, tránh giá trị cổ phiếu ảo, cần đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất. Nhà nước không cho doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần trong thời hạn giao đất, mà chỉ ổn định trong khoảng thời gian nhất định và có điều chỉnh giá thuê sau thời gian đó theo nguyên tắc bám sát giá thị trường; tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013. Ðồng thời, bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cần bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương và phải được gửi đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị nghiệp. Khi thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước phải rà soát và quyết định thu hồi những diện tích đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch. Việc tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) vào giá trị để cổ phần hóa nếu doanh nghiệp lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm, theo quy định của pháp luật về đất đai khi Nhà nước định giá đất để cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp cổ phần hóa nói riêng thuê đất phải bảo đảm nguyên tắc theo giá đất phổ biến trên thị trường. Đặc biệt, quá trình đấu giá khi cổ phần hóa cần thực hiện nghiêm túc, công khai và phải thông tin đầy đủ tới nhà đầu tư.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại doanh nghiệp cổ phần hóa có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho doanh nghiệp nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm, dẫn tới quyền lợi của các nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện. Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược lại có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt. Việc bán cổ phần như vậy chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn nhà nước

Bên cạnh đó, việc xử lý các vấn đề tài chính trước và trong quá trình cổ phần hóa; vấn đề kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn... khi tham gia hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi doanh nghiệp; việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa chưa được triển khai nghiêm túc, còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định.

Hiện nay, vẫn chưa tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương với nhiệm vụ thực hiện quyền chủ sở hữu về vốn ở DNNN làm giảm hiệu lực quản lý, vừa không rõ trách nhiệm giải trình, gây khó khăn cho việc đổi mới quản trị DNNN.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục xác định cụ thể trách nhiệm cá nhân trong sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc xây dựng danh mục DNNN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa phải theo từng năm (giai đoạn 2017-2020), trong đó phải có lộ trình xác định giá trị doanh nghiệp cho từng doanh nghiệp; định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung. Ðồng thời, cần có sự điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết.

Ngoài ra, cần có quy định cụ thể hơn về xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hóa như: bổ sung hướng dẫn xử lý tài sản được bàn giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam sau khi công ty liên doanh kết thúc thời hạn hoạt động; xác định giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom) mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; điều chỉnh lại số liệu sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố giá trị doanh nghiệp. Ðồng thời, cần bỏ quy định việc tiếp tục đánh giá lại các khoản đầu tư đã xác định trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần vì tất cả các tài sản của doanh nghiệp (ngoại trừ các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý) doanh nghiệp cổ phần hóa đã phải định giá lại để làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp và các nhà đầu tư đã mua theo giá trị được xác định giá lại tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn... khi tham gia hoạt động hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi doanh nghiệp; cần bổ sung thêm nội dung kiểm toán nhà nước để kiểm toán lại kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các bất cập về tài chính trong giai đoạn này.

                                                                TS Nguyễn Minh Phong

Báo Nhân Dân

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền