Trang chủ    Diễn đàn    Thật là sai trái khi phủ nhận Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác
Thứ hai, 29 Tháng 10 2018 18:22
12961 Lượt xem

Thật là sai trái khi phủ nhận Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác

(LLCT) - C.Mác đã khẳng định CNTB không hề thay đổi bản chất bóc lột giá trị thặng dư của công nhân. Nhưng ngày nay, CNTB đã điều chỉnh về kinh tế để thích nghi với quan hệ sở hữu tư nhân, làm cho nhiều người lầm tưởng là CNTB đã thay đổi bản chất. Đặc biệt, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành “cớ” để các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác.

Học thuyết giá trị thặng dư là học thuyết khoa học và cách mạng được ra đời ở thế kỷ XIX, được coi là hòn “đá tảng” trong Bộ Tư bản, C.Mác vạch rõ nguồn gốc, bản chất của giá trị thặng dư là phần dôi ra ngoài giá trị sức lao động của người công nhân bị nhà tư bản chiếm. Vì vậy, Người khẳng định: sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân là tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp, xóa bỏ chế độ người bóc người, xóa bỏ CNTB, xây dựng chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn thấp là CNXH.

1. Những lập luận phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác

Trên mạng xã hội hay sách báo, một số người cho rằng:

Thứ nhất, học thuyết giái trị thặng dư của C.Mác ra đời đã vạch rõ bản chất bóc lột sức lao động công nhân trong lĩnh vực sản xuất tư bản chủ nghĩa ở thế kỷ XIX, nhưng đến nay sau gần 200 năm, không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là ngày càng có nhiều nhà máy hiện đại của CNTB “không người”, thay vào đó là hệ thống máy móc, dây truyền sản xuất tự động hiện đại, robot thông minh do con người cài đặt, lập trình sẵn.

Thứ hai, giá trị thặng dư mà nhà tư bản có được không phải do bóc lột sức lao động của công nhân mà là phần của nhà tư bản được hưởng do công tổ chức, quản lý sản xuất. Đây là khâu không thể thiếu trong quá trình sản xuất, nên cũng giống như các loại lao động sản xuất hàng hóa khác, nhà tư bản với vai trò là người tham gia gián tiếp tạo ra của cải vật chất, mội loại “lao động quản lý”, “lao động trí tuệ cao không ai có thể thay thế được” thì tất nhiên sẽ được hưởng tiền công “xứng đáng”. C.Mác lại gán ghép cho cái tên “giá trị thặng dư” do bóc lột sức lao động của công nhân mà có là chưa thỏa đáng.

Thứ ba, CNTB có bóc lột sức lao động của công nhân hay không, điều đó không quan trọng bằng đời sống vật chất và tinh thần không chỉ của công nhân mà tất cả mọi người trong xã hội tư bản đều được nâng cao, sự hưởng thụ ngày càng nhiều. Ngoài tiền công, người lao động còn được hưởng thêm nhiều nguồn thu thông qua đóng góp cổ phần, phúc lợi xã hội, các tổ chức từ thiện và sự hỗ trợ của nhà nước tư sản. Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường, đang diễn ra quan hệ thuê mướn lao động và đang có tình trạng bóc lột sức lao động của công nhân. Vì vậy, sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đã tự phủ định cho học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác.

Ngoài ra, thực tiễn mấy trăm năm kể từ khi CNTB ra đời đến nay chứng minh rằng: bóc lột giá trị thặng dư làm cho lực lượng sản xuất phát triển nhanh chóng và CNTB chưa hề “giãy chết” hay chưa “sụp đổ”, có chăng chỉ bị khủng hoảng trong một thời gian nhất định. Ngược lại CNXH hiện thực được xây dựng theo học thuyết của Mác - Lênin ở Liên Xô, các nước Đông Âu đã sụp đổ, có nghĩa là lý thuyết sai lầm.

Trong xã hội tư bản hiện nay, người lao động giỏi đang làm việc “chăm chỉ” cho nhà tư bản và được trả công khá cao, điều kiện làm việc tương đối đầy đủ, thuận lợi và các chế độ đãi ngộ khác... Người lao động cảm thấy hài lòng, mong muốn được gắn bó lâu dài, thậm chí được làm việc suốt đời với ông chủ tư bản. Nếu không muốn làm công việc hiện tại thì người lao động có quyền tự do di chuyển sang nơi khác làm. Trên thực tế, ngày càng có nhiều lao động chất lượng cao tìm mọi cách đến làm việc cho các tập đoàn tư bản lớn. Vậy làm sao có thể nói nhà tư bản bóc lột sức lao động của người công nhân?

Hơn nữa, trên thế giới hiện nay chỉ còn một vài nước quá độ lên CNXH  trong điều kiện kinh tế - xã hội không mấy thuận lợi, thậm chí đời sống nhân dân khó khăn, điều kiện vật chất thiếu thốn. Trong khi đó, các nước tư bản phát triển ngày càng khẳng định điều kiện “vượt trội”, phát triển kinh tế nhanh, đời sống con người về mọi mặt được cải thiện hơn nhiều so với các nước đi theo con đường XHCN. Điều này là minh chứng sống động cho CNTB là một xã hội ưu việt, tốt đẹp nhất mà con người tất yếu phải hướng tới.

2. Cần phê phán, bác bỏ các luận điệu phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác

Về quan điểm thứ nhất, cho dù lịch sử phát triển công cụ lao động đến nay đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, nhưng học thuyết giá trị thặng dư của Mác vạch ra quy luật vận động kinh tế của xã hội tư bản vẫn đúng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với 3 nội dung chủ yếu là: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) tác động đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước có nền kinh tế phát triển, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, lĩnh vực kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất, làm cho sức sản xuất hay năng lực sản xuất của cải vật chất ngày càng lớn, tạo ra một năng suất lao động cao hơn nhiều so với những cuộc cách mạng đã diễn ra trong lịch sử... Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra là: phải chăng, vai trò của người lao động trong quá trình sản suất không còn, hệ thống người máy thông minh sẽ tạo ra giá trị thặng dư lớn hơn rất nhiều so với lao động sống? Câu trả lời là: cho dù tự động hóa hoàn toàn trong sản xuất thì vẫn cần người điều khiển, theo dõi, giám sát để tiếp tục nghiên cứu ra hệ thống công nghệ hiện đại hơn thay thế công nghệ cũ, lạc hậu để tạo ra năng suất lao động cao hơn. Vì vậy, người lao động vẫn là yếu tố chủ thể quan trọng duy nhất để tạo ra giá trị thặng dư.

Nếu tuyệt đối hóa vai trò của máy móc mà phủ nhận vai trò của người lao động đối với việc tăng năng xuất lao động là hoàn toàn phi lý. Cho dù khoa học, công nghệ ngày càng phát triển với tốc độ cao và đưa vào sản xuất với các loại máy móc, thiết bị hiện đại, thì càng đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn tương ứng. Hơn nữa, thực tiễn đã chứng minh, con người luôn là chủ thể sáng tạo và điều khiển công cụ lao động, nếu thiếu người lao động có trình độ chuyên môn tương ứng thì không thể điều khiển được máy móc, không thể làm chủ được các công nghệ hiện đại để chúng vận hành theo ý muốn của mình. Tức là, chúng ta không thể hiểu đơn giản cứ sử dụng sức lao động trong sản xuất là tạo ra năng xuất lao động cao, mà người lao động phải được đào tạo, rèn luyện sức khỏe, huấn luyện chuyên môn giỏi, kỹ năng thành thạo cần thiết mới có thể làm chủ được toàn bộ công nghệ hiện đại.

C.Mác phân tích vai trò quan trọng của máy móc, khoa học kỹ thuật đối với quá trình sản xuất ra của cải vật chất. C.Mác cũng đưa ra dự báo: quá trình sản xuất phát triển ngày càng ít phụ thuộc hơn vào thời gian lao động và số lượng lao động, phụ thuộc nhiều vào trình độ chung của tiến bộ kỹ thuật, lúc này, vị trí của công nhân là đứng bên cạnh quá trình sản xuất, làm nhiệm vụ kiểm soát và điều tiết quá trình sản xuất, mặt khác khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phát minh trở thành một nghề đặc biệt(1). Như vậy, bằng việc phân tích hết sức khoa học, C.Mác khẳng định: Lao động biểu hiện ra không phải chủ yếu là lao động được nhập vào quá trình sản xuất, mà chủ yếu là một loại lao động, trong đó con người là người kiểm soát và điều tiết bản thân quá trình sản xuất. Hệ thống máy móc tự động sẽ từng bước thay thế hầu hết lao động trực tiếp... Khi ấy, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phát minh trở thành một nghề đặc biệt... có tính chất quyết định và kích thích.C.Mác cũng đã chỉ rõ, vai trò của máy móc sẽ không tạo ra hay làm tăng thêm bất cứ một gam giá trị nào.

Về quan điểm thứ hai, trong Bộ Tư bản, C.Mác lý giải về vai trò của lao động quản lý cũng được hưởng tiền công, nhưng cao hơn so với lao động của người công nhân bình thường, bởi tính chất đặc biệt của nó. C.Mác còn luận giải về sự ra đời phương thức sản xuất TBCN, thời gian đầu cũng có một số nhà tư bản vừa là ông chủ, vừa trực tiếp tham gia quản lý sản xuất, cho nên nhà tư bản thu được cả giá trị thặng dư và tiền công của mình. Tuy nhiên, cách làm này của nhà tư bản chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và không phổ biến, về sau và cho đến nay thì tất cả người quản lý đều do nhà tư bản bỏ tiền thuê. Do đó, không thể cho rằng giá trị thặng dư của nhà tư bản là tiền công trả cho chính mình, điều này cũng được minh chứng rất rõ trong nền sản xuất ở các nước tư bản hiện nay, nhà tư bản không bao giờ tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất.

Về quan điểm thứ ba, CNTB đã dùng một phép so sánh khập khiễng, và là một sự ngụy biện khôn khéo nhằm hướng lái, che chắn bản chất bóc lột sức lao động của người công nhân sang kết quả, điều kiện sống mà người lao động được thụ hưởng. Không thể phủ nhận rằng, hiện nay, đời sống người công nhân trong xã hội tư bản đã được nâng cao, thu nhập không chỉ từ tiền công người công nhân nhận được hàng tháng, mà còn có thêm các khoản thu khác như lợi tức cổ phần, tăng ca, tăng giờ, trợ cấp khó khăn, thất nghiệp, ốm đau, phúc lợi xã hội... Tuy nhiên, tất cả những phần thu của người công nhân nhận được, một mặt không bao giờ tỷ lệ thuận với sức lao động của chính bản thân bỏ ra. Mặt khác, nhu cầu đòi hỏi của con người tất yếu ngày càng cao, theo đó chi phí sẽ tăng, trong khi thu nhập không đáp ứng được. Bên cạnh đó, mặc dù thu nhập của lao động trong xã hội tư bản cao, nhưng mức giá cả sinh hoạt rất đắt đỏ, nên nhiều người lao động chỉ sống ở mức tối thiểu, thậm chí không đủ còn nhờ vào sự trợ cấp xã hội của Chính phủ và các tổ chức từ thiện khác. Ví dụ: ở Mỹ, trợ cấp lương thực tăng từ 38 tỷ USD (2007) lên 74,6 tỷ USD (2017), 18,7% hộ gia đình nhận trợ cấp. Năm 1975, có 8% người Mỹ nhận trợ cấp lương thực, năm 2017 là 15%(2).

Sự thật bản chất bóc lột giá trị thặng dư của CNTB ngày nay vẫn không thể phủ nhận được, còn thu nhập của người công nhân ngày càng cao, điều kiện làm việc tốt hơn, làm cho người lao động giỏi cảm thấy hài lòng, vì mình được tôn trọng hơn lại là một việc hoàn toàn bình thường, đấy là nghệ thuật sử dụng người lao động giỏi của nhà tư bản. Để tạo ra hàng hóa dịch vụ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhà tư bản sẽ “chấp nhận” chi thêm tiền do chính người công nhân đó tạo ra, chứ không bao giờ nhà tư bản bớt một phần giá trị thặng dư của mình để trả thêm vào tiền công cho người công nhân. Chiêu trò “lừa bịp” này không còn mới mà nhà tư bản đã sử dụng từ lâu. Nếu nhìn bên ngoài chỉ thấy người công nhân giỏi được hưởng lợi, nhưng thực chất nhà tư bản mới là người được hưởng lợi nhiều nhất.

Lịch sử đã chứng minh rằng, nhờ C.Mác mà CNTB đã điều chỉnh rất nhiều phương pháp và cách thức hoạt động - được gọi là CNTB thích nghi. Mặc dù nền kinh tế TBCN ngày nay đã phát triển đến một trình độ cao, tạo ra lực lượng sản xuất khổng lồ, nhưng mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất vẫn diễn ra gay gắt. CNTB đã phải thường xuyên đương đầu với những cuộc khủng hoảng nặng nề, với nhiều nguy cơ suy thoái và nạn thất nghiệp diễn ra phổ biến.

Chính vì vậy, Đảng ta khẳng định: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản”(3).

Chúng ta không phủ nhận là lực lượng sản xuất ở các nước TBCN hiện nay đã phát triển cao hơn nhiều so với các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là: nguồn gốc sự giàu có của CNTB là ở đâu? Câu trả lời là: do mồ hôi, công sức của hàng triệu công nhân trên khắp thế giới ngày đêm làm ra, nhưng họ chỉ được hưởng một phần rất nhỏ, phần lớn còn lại thuộc về nhà tư bản. Bên cạnh đó, xã hội tư bản ngày nay đang phải đối mặt với nhiều bất cập, hệ lụy mà không bao giờ có biện pháp “điều trị”. Đó là: nạn thất nghiệp, nạn đói, phân hóa giầu nghèo, cạnh tranh, độc quyền, bảo hộ mậu dịch, thuế quan, chiến tranh thương mại, nhà ở, dịch bệnh, chiến tranh, dân di cư, khủng bố, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc, chạy đua vũ trang,... Chỉ có thể xóa bỏ chế độ tư hữu, bóc lột giá trị thặng dư của CNTB mới giải quyết tận gốc rễ căn bệnh.

Trước đây, có một thời chúng ta nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí còn máy móc khi cho rằng trong CNXH, thậm chí cả trong thời kỳ quá độ lên CNXH , không thể tồn tại và phát triển kinh tế hàng hóa, càng không có kinh tế thị trường, do đó cũng không tồn tại phạm trù giá trị và giá trị thặng dư.

Qua thực tiễn hơn 30 năm đổi mới, chúng ta ngày càng nhận thức rõ rằng: “Sản xuất hàng hóa không đối lập với CNXH , mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng CNXH  và cả khi CNXH  đã được xây dựng”(4).

Thực chất, giữa nền kinh tế thị trường TBCN và kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam chỉ khác nhau cơ bản ở quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất và quan hệ phân phối giá trị thặng dư mà người công nhân tạo ra. Theo đó, trong công cuộc xây dựng CNXH và cả trong CNXH, vẫn còn phạm trù giá trị thặng dư. Vì thế, chúng ta phải học tập phương thức tổ chức, quản lý của các nhà tư bản để sản xuất ra càng nhiều giá trị thặng dư càng tốt nhằm mục đích thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, đồng thời từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều này được thể hiện nhất quán trong đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước, trên cơ sở vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn khách quan.

Trong thời kỳ quá độ, nền kinh tế ở nước ta trong một chừng mực nào đó, quan hệ bóc lột chưa thể bị xóa bỏ ngay, sạch trơn theo cách tiếp cận giáo điều, xơ cứng. Càng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế, chúng ta càng thấy rõ: chừng nào quan hệ bóc lột còn có tác dụng giải phóng sức sản xuất và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, thì chừng đó chúng ta còn phải chấp nhận sự tồn tại của nó, nhưng sản xuất giá trị thặng dư chỉ là phương tiện, điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, chứ không bao giờ là quy luật tuyệt đối. Bởi mục tiêu của CNXH là mang lại cho con người cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về chế độ người bóc lột người trong xã hội tư bản vẫn giữ nguyên giá trị khoa học. Mặc dù đã có sự thay đổi và điều chỉnh, song, có thể khẳng định: bản chất bóc lột của CNTB không thay đổi; khi nào những mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản còn tồn tại, thì khi ấy học thuyết giá trị thặng dư vẫn sẽ mãi là ánh sáng chỉ đường cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột của CNTB.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2018

(1) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.6 (Phần II), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.368-369.

(2) Sự thật về cuộc sống ở Mỹ thất nghiệp nhận trợ cấp còn hơn đi làm, https://www.youtube.com.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.68.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.97.

 

TS Vương Thanh Tú

Học viện Chính trị Công an nhân dân

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền