Trang chủ    Diễn đàn    Đảng lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp
Thứ ba, 06 Tháng 11 2018 16:45
3609 Lượt xem

Đảng lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp

(LLCT) - Công an nhân dân (CAND) là một trong những lực lượng vũ trang trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốcXHCN, lực lượng CAND được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, rèn luyện và lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt.Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, lực lượng Công an đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mở ra một giai đoạn mới của cách mạng nước ta, giai đoạn xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam đi đến thống nhất đất nước.

1. Đảng lãnh đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, xác định đường lối xây dựng lực lượng CAND cách mạng.

Ngày 19-8-1945 cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội và các tỉnh ở Bắc Bộ. Sở Liêm phóng Bắc Bộ được thành lập. Sau đó, cùng với sự ra đời của chính quyền cách mạng trên cả nước, ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát, ở Nam Bộ thành lập Quốc gia Tự vệ cuộc. Các hệ thống này được thành lập đến cấp huyện, tuy có tên gọi ở ba miền khác nhau nhưng các tổ chức đều có chung nhiệm vụ là trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng mới thành lập. Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 23/SL hợp nhất các lực lượng này thành một lực lượng CAND ở cả ba miền được thống nhất một tên gọi là Việt Nam Công an Vụ trực thuộcBộ Nội vụ, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Thực hiện Sắc lệnh số 23/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bắc Bộ Sở Liêm phóng đổi thành Sở Công an Bắc Bộ, ở Trung Bộ Sở Trinh sát đổi thành Sở Công an Trung Bộ, ở Nam Bộ Quốc gia Tự vệ cuộc đổi thành Sở Công an Nam Bộ; ở các tỉnh, thành phố có Ty Công an.

Đểtăng cường nắm tình hình, âm mưu và thủ đoạn của địch, giúp Trung ương Đảng lãnh đạo kháng chiến, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số07-TW (31/5/1951) Về tăng cường công tác tình báo. Đảng chỉrõ “Công tác tình báo là một công cụ quan trọng trong cuộc đấu tranh với địch”(1). Trung ương Đảng quyết định thành lập ngành Tình báo (chiến lược) và đặt một ban tình báo trực thuộc Trung ương, thống nhất chỉ đạo công tác tình báo (chiến lược) quân báo (chiến thuật) và Công an. Ngành tình báo chiến lược đặt trong Phủ Thủ tướng làm nhiệm vụ “Điều tra nghiên cứu những tình báo chiếnlượcvề quân sự, chính trị, kinh tế, đặc vụ địch, ngụy để Đảng có thể quyết định chính sách và sáchlượcđấu tranh với địch một cách kịp thời và chủ động”(2).

Ngày 16-2-1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 141/SL đổi Nha công an trực thuộc Bộ Nội vụ thành Thứ Bộ Công an. Tiếp đó, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ từ ngày 27 đến 29-8-1953, Chính phủđã quyết định đổitênThứ Bộ Công an thành Bộ Công antrực thuộc Hội đồng Chính phủ. Đồng chí Trần Quốc Hoàn được cử giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.Đây là bước phát triển mới rất quan trọng về mặt tổ chức và xây dựng lực lượng Công an nhân dân đáp ứng tình hình và nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau đọc tờ báo “Bạn dân” số Tết của Công an Khu 12, ngày 11-3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư gửi cho đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an Khu 12, Người xác định đường lối xây dựng lực lượng CAND: “… Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào dân thì việc gì cũng xong(3).Đồng thời trong thư người đã dạy cán bộ, chiến sỹ Công an phải rèn luyện về tư cách người công an cách mệnh. Bức thư ngắn gọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên đường lối cơ bản về xây dượng lực lượng CAND sau này.

Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V (tháng 1-1950), quan điểm xây dựng lực lượng “Công an nhân dân”đã được Hồ Chí Minh đề cập khá toàn diện. Trong thư gửi hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Xây dựng bộ máy Công an tức là Công an phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân. Đồng thời phải dựa vào các đoàn thể mà tổ chức và giáo dục nhân dân trong công việc phòng gian và trừ gian để nhân dân thiết thực giúp đỡ Công an(4).

Ngày 5-5-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành chỉ thị số 10-CT/TW về Đảng lãnh đạo công an. Chỉ thị đã xác định “Công an là công cụ đấu tranh với các lực lượng phản động trong nước, ngoài nước và bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Nhưng từ ngày đầulập chính quyền cho tới nay, Đảng ta chưa đặt vấn đề công an đúng với sự quan trọng của nó, nên trong việc lãnh đạo công an còn nhiều khuyết điểm(5). Đây là sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc của Đảng trong công tác lãnh đạo Công an.Từ nhận định đánh giá này, Đảng chỉ đạo cho các cấp ủy Đảng cần nhận thức đúng vai trò quan trọng của công an trong bộ máy nhà nước và phổ biến quan niệm Công an nhân dân trong Đảng và trong nhân dân. Cử cấp ủy viên phụ trách, lãnh đạo Công an, chọn các đồng chí có năng lực cử vào công an để nắm đường lối, chính sách của Đảng, tổ chức việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho nhân viên Công an, phối hợp chặt chẽ các ngành công tác Đảng với công tác công an. Chi bộ xã phải nắm vững ban an ninh - trật tựxã.Đây là chỉ thị đầu tiên của Đảng bàn về việcĐảng lãnh đạo lực lượng CAND. Quán triệt chỉ thị số 10-CT/TW của Đảng, từ năm 1950 cấp ủy Đảng ở các địa phương trong cả nước đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an.

Thực hiện chủ trương của Đảng và lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh, Công an các khu, tỉnh, thành phố chú trọng công tác xây dựng lực lượng Công an, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng lấy 6 điều Bác Hồ dậy về “tư cách người công an cách mệnh” làm nội dung học tập và rèn luyện của cán bộ, chiến sỹ Công an từ đó thúc đẩy sự phát triển của lực lượng Công an về tổ chức, chính trị và nghiệp vụ.

Có thể nói rằng, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng lực lượng CAND cách mạng ngày càng lớn mạnh. Trong các nghị quyết của Đảng đều khẳng định phải kiên quyết và khẩn trương xây dựng CAND thành công cụ chuyên chính trọng yếu của Đảng, xứng đáng là “một công cụ bạo lực trọng yếu của Đảng và nhà nước chuyên chính vô sản” để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nhân dân và chuyên chính với bọn phản cách mạng và tội phạm khác.

2. Đảng lãnh đạo lực lượng CAND tiến hành đấu tranh trấn áp kịp thời bọn phản cách mạng; phòng ngừa, đối phó với hoạt động do thám, gián điệp của thực dân Pháp.

Cuộc tổng trấn áp bọn phản cách mạng trong 2 ngày 12 và 13-7-1946 tại số 7 phố Ôn Như Hầu thắng lợi, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng của Việt Nam Quốc dân Đảng câu kết với quân đội viễn chinh Pháp xứng đáng là một mốc lịch sử vẻ vang, là chiến công mở đầu quan trọng sau gần 1 năm chiến đấu liên tục của lực lượng Công an, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân củng cố chính quyền cách mạng, thoát khỏi tình thế "ngàn cân treo sợi tóc"

Năm 1950, Mỹ, Pháp ký hiệp ước quân sự, Mỹ công khai can thiệp sâu vào chiến tranh ở Việt Nam. Được sự hậu thuẫn của Mỹ, Pháp lập cơ quan tình báo chiến lược, thống nhất tổ chức tình báo của pháp với tình báo Đông Nam Á của Mỹ. Chúng tăng chi phí cho các hoạt động gián điệp, tìm cách đưa nội gián vào hoạt đông trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, kích động các thế lực phản động gây bạo loạnnhằm phá hoại ta từ bên trong.

Để ngăn chặn đề phòng gián điệp chui vào hàng ngũ của Đảng và các cơ quan chính quyền, ngày 25-09-1948 Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 25-CT/TW về việc “đề phòng gián điệp chui vào hàng ngũ Đảng và các cơ quan chính quyền”. Nội dung chỉ thị nhấn mạnhcác tổchức Đảng, chính quyền phải kiểm tra lý lịch người được tuyển dụng, đềbạt, kiểm tra, giám sát nội bộ chặt chẽ và toàn diện, cấp ủy phải liên hệ thường xuyên với Đảng Đoàn và các đồng chí phu trách công an, tình báo, có kế hoạch rà soát nôi bộ, chống các hoạt động thâm nhập của địch,…Quán triệt sự chỉ đạo của Đảng, Công an các địa phương đã điều tra bắt được nhiều tên gián điệp chui vào nội bộ ta hoạt động nội gián. Điển hình như tên Nguyên Cao Phan ở Ninh Thuận đã thay tên đổi họ chui vào Ban quản trị tiểu đoàn 89 thuộc liên trung đoàn 81 - 82 để hoạt động. Lực lượng Công an nhân dân tập trung nhiệm vụ vận động quần chúng, đào tạo cán bộ, tổ chức tiễu phỉ, trừ gian ở các căn cứ địa; triển khai phong trào “phòng gian bảo mật”, “bảo vệ trị an” rộng khắp ở các vùng dân cư; di rời các trại giam vào sâu, canh gác phải nghiêm mật, điểm sẵn những tên nguy hiểm phải đối phó;xây dựng cơ sở, nắm tình hình, đẩy mạnh đấu tranh chính trị vào hàng ngũ địch, triệt phá chính quyền bù nhìn, phá hội tề, tiêu hao sinh lực địch; đẩy mạnh chiến tranh du kích, đẩy mạnh công tác điệp báo, chui sâu, leo cao vào trong nội bộ địch, lợi dụng mọi tổ chức địch, mọi khả năng hợp pháp để giác ngộ quần chúng, tập hợp, lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh với địch.

3. Đảng lãnh đạo lực lượng CAND tiến hành bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân.

Ngày 22-12-1946 thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” xác định đường lối “trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến”(6).Nhiệm vụ trước mắt của lực lượng CANDlúc này là di chuyển hồ sơ, tài liệu, di chuyển trại giam, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ các cơ quan, kho tàng của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; theo dõi, đẩy đuổi các đối tượng nghi vấn ra khỏi khu vực chiến sự có thể xảy ra, cho đi an trí những đối tượng xét thấy có nguy hại cho cách mạng; bảo vệ bí mật nhà nước; trực tiếp tham gia chiến đấu nhằm tiêu hao sinh lực địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CANDđã chuyển hướng tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động đáp ứng yêu cầu chính trị ở các vùng chiến lược.

Tại Nam Bộ, nhiều vùng căn cứ của ta đã chú trọng công tác phòng gian bảo mật. Các tổ chức “Ngũ gia liên bảo” được hình thành ở nhiều thôn xã, góp phần xây dựng hệ thống tổ chức quần chúng ở cơ sở giữ gìn an ninh trật tự. Tại chiến khu Việt Bắc, khẩu hiệu “3 không” không nghe, không thấy, không biếtđã được quần chúng thực hiện ở căn cứ địa và các vùng tự do. Từ tính chất nặng vể phòng ngừa, phong trào đã phát triển cả hai mặt vừa phòng ngừa, vừa phát hiện địch mà điển hình là phong trào “phòng gian bảo mật” được triển khai rộng khắp mọi miền đất nước. Ởnhững địa bàn trọng điểm, quần chúng được giáo dục vể công tác đấu tranh chông gián điệp, đã sáng tạo ra nhiều hình thức phong phú nhằm đấu tranh có hiệu quả với địch như các “xóm phòng gian” đã huy động lực lượng toàn dân thực hiện quy ước giữ bí mật, tăng cường công tác kiểm tra không cho bọn gián điệp có điều kiện xâm nhập, thu thập tin tức, gây cơ sởphá hoại.

Tại căn cứ địa Việt Bắc, các Khu ủy, Tỉnh ủy, ủy ban kháng chiến, hành chính khu đã chỉ đạo lực lượng Công an đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình, phát hiện những đôi tượng có hành vì hoạt động gián điệp, làm trong sạch địa bàn, kiểm tra thuần khiết nội bộ và tăng cường tuần tra canh gác bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ, các cơ quan đóng trên địa bàn.

Ởcác tỉnh miền núi, Đảng thực hiện chính sách Đại đoàn kết dân tộc, đưa một sốlang đạo, phìatạo vào Mặt trận Việt Minh và Chính quyền cách mạng, tranh thủ được đồng bào các dân tộc thamgia kháng chiến. Cấp ủy Đảng các địa phương đã lãnh đạo lực lượng Công an trấn áp các tổ chức phản động, điển hình như tổchức “Pảo Mương” ở huyện Quỳnh Châu do tên thổ ty Cầm Văn Kim cầm đầu với âm mưu thành lập “Xứ Thái tự trị”.

Để đối phó với âm mưu của bọn đế quốc lợi dụng các thế lực phản động cầm đầu trong dân tộc, tôn giáo để thực hiện chia rẽ cách mạng, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào công giáo, tuyên truyền, giải thích đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và Mặt trận đối với tôn giáo, vạch trần âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ lợi dụng vấn đề tôn giáo để chia rẽ, phá hoại kháng chiến, vạch mặt bọn phản động trước quần chúng. Phát động giáo dân tố cáo và lên án bọn phản động, tranh thủ đồng bào công giáo đứng vào hàng ngũ kháng chiến, thúc đẩy, lôi kéo hàng ngũ giáo phẩm; dựa vào lực lượng quần chúng để trừng trị bọn ngoan cố làm tay sai cho địch; thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng đi đôi với đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tín ngưỡng. Trên các tuyến hành lang quan trọng, vùng trọng điểm, Công an đã lập các đồn, trạm kiểm soát, đội tuần tra, tổ chức lực lượng Công an xã, các đội hành động, trừng trị bọn việt gian, phản động, bảo vệ các lực lượng kháng chiến ở hậu phương..

Từ năm 1951 trở đi, vùng hậu phương và các căn cứ địa cách mạng ngày càng được củng cố và mở rộng. Địch bị thất bại, chúng ráo riết đẩy mạnh các hoạt động phá hoại hậu phương của ta, chúng đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng của bọn phản động trong các tầng lớp trên ở một số vùng dân tộc đặc biệt là ở vùng núi Tây Bắc mới được giải phóng, chính quyền cách mạng chưa được củng cố, cơ sở cách mạng còn yếu để gây phỉ, có nơi phỉ lên đến hàng nghìn tên. Trước tình hình đó, Khu ủy Tây Bắc thành lập “Ban thống nhất chống phỉ”, huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân phát động phong trào quần chúng tiễu phỉ, bảo vệ vùng tự do. Trên cơ sở thực hiện tốt chính sách của Đảng, lực lượng CANDđã phát động phong trào quần chúng, tổ chức đấu tranh bắt gọn hàng trăm toán gồm hàng ngàn tên gián điệp, biệt kích, trấn áp các tổ chức phản động làm tan dã hàng vạn phỉ góp phần ngăn chặn, làm thất bại âm mưu chia rẽ dân tộc của kẻ thù bảo vệ vững chắc hậu phương căn cứ địa cách mạng.

4. Một số kinh nghiệm trong lãnh đạo lực lượng CAND giai đoạn 1946-1954

Thực tiễn quá trình Đảng lãnh đạo lực lượng lượng CAND  trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954 đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, cụ thể:

Một là, xác định đúng đắn và nhất quán nhiệm vụ của lực lượng CAND, căn cứ tình hình, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ kháng chiến - kiến quốc, Đảng đã đề ra các chủ trương, định hướng công tác công an và liên tục bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc kháng chiến – kiến quốc.

Hai là, lãnh đạo lực lượng CAND luôn nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, đề cao trách nhiệm, nêu cao tinh thần “phòng gian, bảo mật”; tuyệt đối không để địch chui sâu, leo cao vào hàng ngũ của ta.

Ba là, lãnh đạo sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác Công an với các Bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là với Quân đội nhân dân trong xây dựng, củng cố thế trận an ninh kết hợp với thế trận quân sự, quốc phòng vững chắc.

Bốn là, lãnh đạo xây dựng lực lượng CAND cách mạng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, có nhiều hình thức phù hợp để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.

Năm là, trong lãnh đạo xây dựng lực lượng CAND, lấy xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lấy sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND.

____________________

(1), (2) ĐCSVN:Văn kiện Đảng toàn tập,t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.547.

(3) Bộ Công an: 60 năm Công an nhân dân Việt Nam(1945 -2005), Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.119.

(4) Bộ Nội vụ:Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam(1945-1954), Nxb Công an Nhân dân, Hà nội, 1996, tr.196.

(5) ĐCSVN:Văn kiện Đảng toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.326.

(6) ĐCSVN:Văn kiện Đảng toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.150.

 

ThS Trần Hồng Quyên

 Học viện An ninh nhân dân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền