Trang chủ    Diễn đàn    Những nguyên nhân thường thấy của khủng hoảng chính sách
Thứ ba, 28 Tháng 5 2019 09:46
2483 Lượt xem

Những nguyên nhân thường thấy của khủng hoảng chính sách

(LLCT) - Chính sách là công cụ quan trọng để mỗi quốc gia, tổ chức sử dụng quản trị xã hội, đơn vị hiệu quả. Chính sách phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Chính sách không phù hợp dễ tạo ra khủng hoảng, gây rối loạn xã hội, tổ chức, cản trở sự phát triển. Những nguyên nhân thường thấy của khủng hoảng chính sách là quy trình xây dựng, ban hành chính sách và vấn đề truyền thông chính sách chưa thực sự chuyên nghiệp. Nhận diện đầy đủ các nguyên nhân đó của khủng hoảng chính sách đòi hỏi phải có các giải pháp nâng cao chất lượng trong xây dựng, ban hành chính sách và truyền thông chính sách.

1. Khủng hoảng chính sách bắt nguồn từ chu trình xây dựng và ban hành chính sách

Chu trình chính sách chủ yếu thể hiện ở hai cấp độ: Chính sách Trung ương và chính sách địa phương. Khủng hoảng chính sách cũng có thể xảy ra ở cả hai cấp độ này. Ở cấp Trung ương đã từng xảy ra khủng hoảng chính sách. Nguyên nhân chủ yếu do quy trình xây dựng và ban hành chính sách chưa phù hợp, gây bức xúc dư luận xã hội. Trong một số trường hợp, mặc dù chủ trương ban hành chính sách hoàn toàn đúng đắn, vì lợi ích quốc gia, đơn vị, nhưng vẫn tạo ra khủng hoảng, gây khó khăn trong ban hành, thực thi. Những quy định này được cho là vi hiến, bất cập, gây bức xúc dư luận xã hội; đồng thời gây tốn kém, lãng phí thì giờ, tiền bạc của Nhà nước và của nhân dân. Thí dụ điển hình, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, bàn dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (còn gọi tắt là Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng. Dư luận xã hội “nóng” lên về vấn đề này. Đây là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng kích động người dân lương thiện, thiếu hiểu biết về pháp luật biểu tình, gây bạo loạn, mất an ninh trật tự an toàn xã hội. Điển hình là đầu tháng 6-2018, vụ việc người dân biểu tình, đốt phá trụ sở, phương tiện giao thông của cơ quan công quyền tỉnh Bình Thuận để phản đối dự thảo Luật Đặc khu. Khủng hoảng này đã gây ra bất ổn về chính trị và niềm tin của nhân dân đối với bộ máy quản lý xã hội(1). 

Ở cấp Bộ, ngành và địa phương thời gian qua cũng đã có một số nơi ban hành các chính sách gây ra khủng hoảng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và cá nhân. Năm 2003, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 02/TT-BCA ngày 13-1-2003 quy định mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy. Sau khi Thông tư này ban hành đã có nhiều ý kiến không đồng tình bởi quy định này có nội dung trái với Hiến pháp và pháp luật. Sau đó Bộ Công an đã phải ban hành Thông tư 17/2005/TT-BCA hướng dẫn bỏ quy định này, đồng thời Bộ này lại có ý kiến mỗi công dân chỉ được sở hữu một ô tô và một biển số(2). Hay như sự việc đầu năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng ban hành Công văn 228/STTTT-TTBCXB gửi các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đề nghị phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin về nội dung tin, bài trước thời gian in ấn, phát hành các ấn phẩm báo chí. Tuy nhiên, sau khi phát hành, công văn trên bị dư luận phản ứng gay gắt, nhất là báo giới. Sở Thông tin - Truyền thông Đà Nẵng buộc phải thu hồi công văn trên vì không phù hợp với các quy định của Luật Báo chí(3).

Một số cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương và địa phương gần đây cũng đã tự tạo ra các khủng hoảng chính sách. Đó là việc cơ quan, tổ chức ban hành các văn bản nội bộ trái với luật định hoặc quy chế hoạt động đã ban hành áp dụng phổ biến. Khi lợi ích của số đông cá nhân trong một tổ chức bị vi phạm ắt sẽ tạo ra các khủng hoảng. Nhẹ thì là các phản ứng của cá nhân trực tiếp với chủ thể ban hành chính sách hoặc phản đối tổ chức thông qua diễn đàn mạng xã hội. Nặng thì các nhóm tụ tập bãi thị, bãi khóa, bãi công... nhằm phản đối chính sách...

Vậy có thể khẳng định gốc rễ của vấn đề khủng hoảng chính sách nằm ở quy trình xây dựng và chính sách chưa chặt chẽ. Một chính sách tốt cần dựa trên quy trình xây dựng và ban hành chính sách chuyên nghiệp bao gồm các khâu, các bước chuyên nghiệp. Trong từng khâu của quá trình chính sách đều có thể bộc lộ khủng hoảng nếu không được tiến hành đúng quy trình, không có được sự chuyên nghiệp và giám sát quá trình chính sách. Quy trình xây dựng và ban hành chính sách chuẩn là phải tuân thủ đầy đủ các bước tiến hành và thực thi nghiêm túc, trách nhiệm của những người làm chính sách. Có thể đưa ra những khâu quan trọng trong quy trình xây dựng và ban hành chính sách như sau:

Một là, phân tích bối cảnh, hiện trạng. Khâu này rất quan trọng. Nó là bước khởi đầu quyết định trả lời câu hỏi có cần thiết phải ban hành chính sách đó hay không? Muốn có câu trả lời đầy đủ về tính cấp thiết của việc ban hành chính sách, chủ thể chính sách phải dày công chỉ ra các kết quả nghiên cứu định lượng để minh chứng cho bối cảnh, hiện trạng cần thiết ban hành chính sách. Chỉ có các cuộc điều tra xã hội học để khảo sát nhu cầu chính sách thì chính sách mới sát với thực tiễn; bên cạnh các nghiên cứu định lượng, phương pháp phỏng vấn sâu các chuyên gia và trưng cầu, tham vấn chuyên môn, kiến thức, kỹ năng xây dựng và hoạch định chính sách cũng rất quan trọng, bởi nó sẽ cho các ý kiến khách quan, chân thực để làm cơ sở ban hành chính sách. Thực tế cho thấy, ở nước ta, trong bước này, các chủ thể ban hành chính sách chưa thực sự làm tốt. Nhiều chính sách ban hành do chưa nghiên cứu bối cảnh, hiện trạng và nhu cầu chính sách đầy đủ nên khi ban hành đã “vênh” với thực tiễn. Ngay cả đối với khâu tham vấn chính sách, các chủ thể ban hành chính sách cũng thực hiện không đúng trình tự, làm theo “tiền trảm, hậu tấu”, thậm chí là bỏ qua khâu này, do đó thường không lấy được nhiều ý kiến tham vấn tốt của các chuyên gia hoặc bị đổ bể khi đưa ra các hội đồng phản biện chính sách. Đây chính là mấu chốt tạo ra sự mâu thuẫn giữa chính sách với thực tiễn và tất yếu xảy ra khủng hoảng.

Hai là, xác định rõ mục đích, mục tiêu tổng quát và cụ thể chính sách đạt được của chính sách. Đây là bước quan trọng tiếp theo của quy trình xây dựng và ban hành chính sách. Xác định rõ mục đích và mục tiêu đạt được của chính sách bằng những con số đặt ra cụ thể thì nhiệm vụ thực thi chính sách mới rõ ràng, hiệu quả. Ở nước ta, nhiều chính sách khi xây dựng và ban hành trong đề án chưa tường minh về mục đích, chưa rõ ràng về mục tiêu, do đó, khi thực thi, chính sách như một con tàu không có hướng đến, như vậy thì chính sách đó khó có thể đạt hiệu quả.

Ba là, chỉ rõ cơ hội, thách thức, rào cản, rủi ro và khả năng quản lý rủi ro chính sách. Trong quy trình xây dựng và ban hành chính sách, nếu chủ thể chính sách coi nhẹ, không lường trước được những cơ hội và thách thức, rào cản, rủi ro thì cũng sẽ dễ bị xảy ra khủng hoảng chính sách. Chủ thể xây dựng và ban hành chính sách phải chỉ rõ từng cơ hội và thách thức, rủi ro của chính sách thông qua từng số liệu minh chứng định lượng, lập luận định tính cụ thể. Từ đó có phân tích định tính, định lượng, chủ thể chính sách nghiên cứu, bàn bạc, tổ chức sẵn sàng đối phó với các khủng hoảng chính sách đang chờ đón ở phía trước nếu như nó xảy ra.

Bốn là, xác định nguồn lực chính sách rõ ràng, tường minh và chống tham nhũng, lãng phí chính sách. Nhân lực thiết lập và thực thi chính sách có vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả của chính sách. Chủ thể xây dựng và ban hành chính sách nên mời các chuyên gia, nhà chuyên môn, người am tường pháp luật tham vấn xây dựng chính sách. Cần tránh tuyệt đối việc tạo cơ hội cho nhóm lợi ích đứng ra xây dựng chính sách để hòng trục lợi hoặc tạo lỗ hổng cho “sân sau” kiếm lợi bất chính từ kẽ hở của chính sách. Về vật lực, nhất là vấn đề tài chính, chủ thể xây dựng và ban hành chính sách phải mô tả minh bạch con số và nguồn tài chính đầu tư, những chi phí tương ứng với tiến độ, mức độ công việc trong suốt quy trình thực thi chính sách.

Năm là, xác định thời gian và hạn định của chính sách. Đây là khâu quan trọng để triển khai tiến độ xây dựng và ban hành một chính sách. Không bao giờ “tuổi thọ” của một chính sách lại dài hạn mấy chục, hay cả trăm năm và ngược lại cũng không thể có những chính sách chỉ có hiệu lực trong vài ngày. Việc bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các chính sách là tất yếu, khách quan, bởi thực tiễn vận động biến đổi không ngừng. Tuy nhiên, không vì vậy mà các chủ thể chính sách lạm dụng thời gian để ban hành vô tội vạ “giấy phép con”, gây ra những phức tạp cho vấn đề quản trị xã hội.

2. Khủng hoảng chính sách do truyền thông chính sách chưa hiệu quả

Truyền thông (Communication) là một quá trình trao đổi thông điệp (Message) từ chủ thể truyền thông (Sourse) tới đối tượng tiếp nhận (Receiver) qua các kênh truyền thông (Channels) với mục đích nhằm tác động làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng tiếp nhận, góp phần phát triển xã hội.

Truyền thông phi đại chúng là hoạt động không mang tính phổ biến. Chủ thể, thông điệp, kênh và đối tượng tiếp nhận không mang tính phổ biến. Đó là các hoạt động truyền thông cá nhân, liên cá nhân, nhóm người trong xã hội. Các hoạt động truyền thông phi đại chúng diễn ra thường xuyên, hằng ngày theo nhu cầu chủ quan và thích ứng với bối cảnh sống của quần thể dân cư xã hội. Trước đây, truyền thông phi đại chúng ít ảnh hưởng với quy mô lớn đến việc tác động thay đổi xã hội. Trong thời đại số hóa và kết nối toàn cầu, những thông điệp truyền thông cá nhân tưởng chừng chỉ ảnh hưởng ở phạm vi hẹp thì nay nó có thể tạo ra một sức mạnh “siêu” đại chúng. Xu thế “siêu” đại chúng ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Bằng chứng là ngày một nhiều các thông điệp truyền thông cá nhân lan truyền và gây hiệu ứng xã hội rất lớn, tạo ra hiệu quả, hiệu lực thậm chí là cả việc gây ra hậu quả xã hội rất lớn.

Truyền thông đại chúng (Mass communication) được hiểu là quá trình truyền thông mà ở đó từ nguồn phát, thông điệp, kênh tới đối tượng tiếp nhận, yếu tố nhiễu, phản hồi, hiệu quả và hiệu lực truyền thông phải mang tính phổ biến. Hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng (Mass media) trên thế giới bao gồm các loại hình phổ biến như: sách và ngành xuất bản, báo chí, điện ảnh, quảng cáo...

Dù đại chúng, phi đại chúng hay “siêu” đại chúng thì các phương tiện truyền thông vẫn chỉ là công cụ, phương tiện truyền thông của tổ chức và cá nhân. Bởi bản chất của truyền thông là phương tiện, phương thức giao tiếp, kết nối và can thiệp xã hội.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với vấn đề quản trị quốc gia, tổ chức, nhất là đối với việc ban hành chính sách để quản trị xã hội hoặc đơn vị. Một quốc gia, tổ chức nếu xây dựng được các chính sách tốt để quản lý xã hội mà chưa thấy được tầm quan trọng của truyền thông thì khó có thế phát triển tốt. Thậm chí, quốc gia, tổ chức nhận thức được vai trò của truyền thông, nhưng kỹ năng và phương pháp truyền thông thiếu tính chuyên nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả truyền thông, nhất là đối với truyền thông chính sách.

Truyền thông chính sách là quá trình chủ thể chính sách tiếp cận, gắn kết công chúng thông qua các phương thức, phương tiện truyền thông phù hợp nhằm làm cho công chúng hiểu biết và ủng hộ chính sách. Mục tiêu trước hết của truyền thông chính sách là giúp công chúng biết đến chính sách, kích thích nhu cầu tìm hiểu, tham gia thảo luận và góp ý chính sách của công chúng. Ở một mức độ cao hơn, truyền thông chính sách lý giải, phân tích và thuyết phục để giành được sự ủng hộ rộng rãi, tự nguyện của công chúng(4). 

Trong thực tiễn, có những chính sách tốt, nhưng do truyền thông chưa tốt đã tạo ra các khủng hoảng gây bức xúc xã hội hoặc xáo trộn tổ chức, đơn vị. Trở lại trường hợp Dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, nếu như chủ thể ban hành chính sách ngoài việc thực hiện chu trình chính sách chuẩn mực, bài bản và có các chiến dịch truyền thông chính sách bài bản, chuyên nghiệp thì sẽ ít có nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Sở dĩ người dân chưa hiểu về tầm quan trọng của Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng là do các cơ quan chức năng chưa thực sự khảo sát, tuyên truyền đầy đủ thông tin để người dân hiểu, góp ý hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua. Đây chính là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng công kích, gây chia rẽ cộng đồng, thậm chí là kích động bạo loạn, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, làm sụt giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà nạn tham nhũng hoành hành, sự suy thoái, “tự diễn biến” của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách góp phần khắc phục khủng hoảng chính sách

Thứ nhất, chủ thể ban hành chính sách cần nhận thức rõ tầm quan trọng, vị thế của hệ thống phương tiện truyền thông và sử dụng chúng với tư cách là công cụ truyền bá chính sách hữu hiệu nhất. Ở Việt Nam, hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng đều là cơ quan của Nhà nước. Điều 4, Luật Báo chí 2016 khẳng định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí là: “1. Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. 2. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân...”(5). Do đó, truyền thông chính sách của quốc gia, tổ chức là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan - loại hình báo chí. Bên cạnh việc sử dụng các loại hình báo chí để truyền thông chính sách thì chủ thể ban hành chính sách cần phải sử dụng nhiều loại hình, phương tiện, thể loại khác nhau để hợp thành “binh chủng” mạnh truyền thông chính sách.

Các chủ thể truyền thông đại chúng cần có trách nhiệm truyền thông chính sách trên các loại hình, sản phẩm của mình một cách thường xuyên, liên tục và có đánh giá hiệu quả, hiệu lực rõ ràng, minh bạch.

Thứ hai, chủ thể truyền thông đại chúng cần chú trọng xây dựng thông điệp truyền thông chính sách đúng, trúng, khách quan, chân thực về nội dung và hình thức, ngôn ngữ biểu đạt thông điệp dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo. Trong thực tế, chính sách do chủ thể ban hành đúng đắn, nhưng do chủ thể truyền thông xây dựng thông điệp chưa tốt đã làm cho chính sách bị méo mó, tạo ra dư luận xã hội phức tạp.

Thông điệp truyền thông chính sách chuẩn cần được xây dựng trên nền tảng chính sách chuẩn và sự sáng tạo thông qua các loại hình, sản phẩm truyền thông cũng như kỹ năng, phương thức thể hiện của nhà truyền thông. Nếu chủ thể truyền thông máy móc trong quá trình truyền thông bằng cách chỉ thuần túy áp dụng truyền đạt văn bản chính sách trên các phương tiện truyền thông thì chính sách khó có thể đi vào cuộc sống.

Thứ ba, lựa chọn kênh phù hợp để truyền thông chính sách hiệu quả. Có 3 kênh đại chúng phổ biến mà chủ thể truyền thông sử dụng để truyền thông chính sách, đó là kênh in ấn, kênh truyền dẫn phát sóng và kênh đăng tải trên internet. Mỗi kênh đều có những thế mạnh và hạn chế riêng mà chủ thể truyền thông có thể nắm bắt, sử dụng để biểu đạt thông điệp truyền thông chính sách hiệu quả.

Kênh in ấn có thế mạnh truyền tải nội dung thông điệp truyền thông chính sách được biểu đạt bằng văn tự. Phổ biến áp dụng kênh truyền tải này là các loại sản phẩm truyền thông đại chúng truyền thống như: sách, báo in, tạp chí... Các sản phẩm truyền thông văn tự, in ấn có thế mạnh về lưu trữ thông tin, nhưng lại hạn chế về sự lan tỏa, mức độ ảnh hưởng. Mặt khác, các sản phẩm truyền thông in ấn đơn điệu về mã và khả năng giải mã thông điệp nên chỉ phù hợp với những công chúng biết chữ. Trước sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật và công nghệ, các phương tiện truyền thông xã hội bùng nổ và ngày càng chiếm ưu thế, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Việc truyền thông chính sách qua kênh in ấn chắc chắn sẽ ngày càng ít thu hút sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, không vì thế mà các chủ thể chính sách loại bỏ kênh truyền thông này mà cần có sự phối hợp với các chủ thể truyền thông in ấn nghiên cứu nhu cầu tiếp nhận của độc giả để đưa ra những thông điệp chính sách hợp với “khẩu vị” của công chúng.

Kênh truyền dẫn và phát sóng hiện đang chiếm ưu thế thu hút công chúng, nhất là đối với các sản phẩm truyền hình. Thế mạnh của truyền hình là việc biểu đạt thông điệp qua mã phi văn tự (hình ảnh đồ họa, chụp và video, âm thanh) và cả các chương trình tương tác trực tiếp nên dễ hấp dẫn công chúng. Các chủ thể ban hành chính sách cần tăng cường sử dụng kênh này để truyền thông chính sách. Ngày nay, truyền thông thị giác đang “lên ngôi”, do đó, các chương trình truyền hình giải trí hoặc tin tức trực tiếp bằng hình ảnh video có sức hút công chúng hơn là các con chữ.

Đối với đăng tải thông điệp truyền thông chính sách trên kênh internet, đây là phương tiện có khả năng chuyển tải, lan tỏa thông tin nhanh, rộng khắp, trực tuyến; đồng thời kênh này có khả năng tương tác và biểu đạt các dữ liệu đa phương tiện (Multimedia) cao. Chúng ta đang sống trong thời đại số. Chưa bao giờ truyền thông mạng lại có khả năng thu hút đông đảo công chúng tham gia đông đảo, rộng lớn như hiện nay.

Thứ tư, nghiên cứu công chúng truyền thông chính sách bài bản để đưa chính sách vào cuộc sống hiệu quả. Công chúng đóng vai trò quyết định đối với chu trình truyền thông, nhất là đối với truyền thông chính sách. Công chúng cũng là người tham góp để chính sách hoàn thiện. Do đó, việc nghiên cứu nhu cầu của công chúng đối với truyền thông chính sách là hết sức quan trọng. Việc nghiên cứu công chúng truyền thông cần được tiến hành trước khi xây dựng kế hoạch truyền thông, ý tưởng thông điệp và tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông. Công chúng truyền thông chính sách rất đa dạng với giới tính, độ tuổi, trình độ tri thức, văn hóa vùng miền, dân tộc, tôn giáo khác nhau, do đó nhu cầu tiếp nhận thông tin cũng sẽ khác nhau. Quá trình nghiên cứu công chúng truyền thông chính sách cần hướng tới công chúng mục tiêu của chính sách. Bởi, mỗi chính sách đều hướng tới lợi ích cụ thể theo từng lĩnh vực đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp. Thí dụ, khi truyền thông chính sách về dân số kế hoạch hóa gia đình, đối tượng công chúng đích mà chủ thể truyền thông hướng đến đó là phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc và vùng đặc biệt khó khăn. Việc nghiên cứu nhu cầu chính sách cần cụ thể để xây dựng thông điệp truyền thông phù hợp.

Việc nghiên cứu công chúng phục vụ truyền thông chính sách cần có phương pháp, quy trình bài bản, chuyên nghiệp. Các đơn vị truyền thông nên thành lập bộ phận chuyên trách về nghiên cứu công chúng - khách hàng và phát triển kinh tế - dịch vụ truyền thông bên cạnh nhiệm vụ truyền thông chính sách. Do đó, các chủ thể truyền thông cần coi công chúng là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả truyền thông chính sách.

Thứ năm, chủ thể truyền thông cần chú trọng theo dõi thông tin và xử lý phản hồi và những yếu tố nhiễu gây ảnh hưởng tới hiệu quả thông điệp truyền thông chính sách. Mọi khủng hoảng chính sách và truyền thông chính sách đều xuất phát từ dư luận xã hội. Sự phản hồi, phản biện của công chúng chính là yếu tố thúc đẩy hoàn thiện chính sách. Nếu không theo dõi và xử lý thông tin phản hồi thường xuyên, liên tục và bài bản, nếu xảy ra khủng hoảng truyền thông, xử lý sẽ bị muộn. Xử lý khủng hoảng truyền thông giống như công việc chữa cháy. Có những đám cháy nhỏ, tự tắt, hoặc chữa đơn giản, nhưng nếu xử lý không có phương pháp dễ làm cho đám cháy nhỏ bùng phát gây hỏa hoạn lớn. Khủng hoảng truyền thông chính sách sẽ làm cho chính sách khó đi vào cuộc sống.

Thứ sáu, cần đánh giá hiệu quả và hiệu lực truyền thông chính sách bài bản, chuyên nghiệp. Việc đánh giá hiệu quả truyền thông phải dựa trên cơ sở khảo sát, phân tích định lượng, định tính cụ thể, tường minh. Các dữ liệu khảo sát, đáng giá sẽ có giá trị minh chứng cho hiệu quả truyền thông. Trên thực tế, việc đánh giá hiệu quả truyền thông chính sách tại các đơn vị truyền thông chưa thực sự được đầu tư. Nếu không đánh giá được hiệu quả truyền thông một cách cụ thể, tường minh thì coi như có truyền mà không thông.

__________________

(1) “Biểu tình ở Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh: Người dân đã bị kẻ xấu kích động”, http://24h.com.vn.

(2) “Mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 ôtô và 1 biển số”: Lại một đề xuất thiếu tính khả thi, https://laodong.vn.

(3) http://dantri.vn. 

(4) Trương Ngọc Nam: Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội - từ nghiên cứu lý luận đến xây dựng mô hình thực tiễn, Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018.

(5) Luật Báo chí 2016, http://thuvienphapluat.vn.

PGS, TS Hà Huy Phượng

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền